Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Kỳ tích cứu sống bé sinh non chỉ nặng 600gr bị suy hô hấp, viêm ruột hoại tử và thở máy 52 ngày

  • |
T5g.org.vn - Một bé trai sinh non tháng, nhẹ cân, nhiễm trùng nhiễm độc, suy hô hấp và viêm ruột hoại tử phải đặt nội khí quản, thở máy 52 ngày, nhưng sau gần 5 tháng điều trị, ngày 11/7/2023 bé đã được ra viện với cân nặng 2,2kg trong niềm vui vỡ oà của gia đình cũng như các cán bộ thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Lãnh đạo BV Phụ sản Trung ương trao em bé cho bố mẹ và chúc mừng gia đình

Bé Nguyễn Trần Bình K. (Hà Nội) chào đời khi thai nhi mới 25 tuần tuổi ở Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương, chỉ nặng 600gr, lại bị nhiễm khuẩn sơ sinh và hẹp ruột sau viêm ruột hoại tử, phải đặt nội khí quản, thở máy tới 52 ngày với 10 lần truyền máu, nhưng sau gần 5 tháng dũng cảm chiến đấu với bệnh tật, hôm11/7, bé đã được ra viện.

Toàn cảnh buổi cung cấp thông tin cho báo chí

Sáng nay, tại cuộc gặp mặt báo chí, PGS.TS. Nguyễn Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương chia sẻ: Đây là ca bệnh có thời gian điều trị dài nhất tại BV và là ca bệnh đầu tiên mổ hẹp ruột sau viêm ruột hoại tử, cũng là ca bệnh đặc biệt khó khăn về vấn đề dinh dưỡng và kiểm soát hô hấp.

“Gần 5 tháng qua, các bác sĩ của BV Phụ sản Trung ương, đặc biệt là Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, đã nỗ lực không ngừng để giành sự sống cho cháu bé. Nhiều giai đoạn diễn biến sức khỏe của cháu rất nghiêm trọng, đến mức chúng tôi tưởng đã vô vọng. Nhưng BV vẫn luôn tập trung các trang thiết bị hiện đại nhất, phác đồ điều trị đẻ non tiên tiến nhất, để cứu sống cháu” - PGS.TS. Nguyễn Danh Cường cho biết thêm.

Trước đó, chị Nguyễn Thùy A. mang thai ở tuần 23 thì có dấu hiệu doạ sinh non nên phải nhập viện. Với sự hỗ trợ của các bác sĩ BV Phụ sản Trung ương, chị A đã giữ được thai thêm 2 tuần và sinh con vào ngày 18/2/2023. Cậu bé chào đời chỉ nặng 600 gram, bị suy dinh dưỡng, suy hô hấp, thở nấc, phản xạ rất chậm.

Sau 2 tuần được các bác sĩ hồi sức sơ sinh, chống suy hô hấp, nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phần sớm, chiến lược ăn sữa mẹ tăng dần từng ngày, bé đạt hơn 700 gram. Nhưng lúc này, bé lại đối mặt với bệnh viêm ruột hoại tử, sốc nhiễm trùng nhiễm độc và phải điều trị thở máy cao tần, nhịn ăn…

TS. Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh BV Phụ sản Trung ương - thông tin: Bé bị viêm ruột hoại tử - bệnh rất nguy hiểm, có thể khiến trẻ tử vong. Trẻ càng non tháng nguy cơ càng cao, tỷ lệ viêm ruột hoại tử từ 15-20%, thường xảy ra ở ngày thứ 10-45 sau sinh. Sau viêm ruột hoại tử, bé bị hẹp ruột. Vì thế, vấn đề dinh dưỡng với bé rất khó khăn, khi ăn qua đường tiêu hóa thì khó tiêu, bụng chướng, quai ruột nổi.

Khi bé được 110 ngày tuổi, nặng 1,8kg, các bác sĩ BV Phụ sản Trung ương đã hội chẩn với PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật nhi BV Hữu nghị Việt Đức và tiến hành phẫu thuật.

Với trẻ bình thường phẫu thuật đã khó, với trẻ sinh non, hẹp ruột thì khó khăn càng gấp bội. PGS.TS Nguyễn Việt Hoa chia sẻ: "Ruột của bé K. chỉ bằng 1/5 ruột trẻ bình thường, vô cùng nhỏ nên rất khó phẫu thuật. Nguy cơ tử vong tới 90%. Đã vậy, trẻ sinh non rất dễ hạ thân nhiệt, nên khi mổ, các bác sĩ phải không được dùng điều hòa, để an toàn cho bé. Nóng bức đến nỗi các bác sĩ phải quấn bông quanh người để thấm mồ hôi trong quá trình mổ.

Sau ca mổ thành công, bé lại được chuyển về BV Phụ sản Trung ương và chỉ 10 ngày sau, bé đã được cho ăn theo đường tiêu hóa.

Bác sĩ Phạm Hoàng Thái, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh BV Phụ sản Trung ương cho biết, khó khăn chồng chất khó khăn trong quá trình điều trị, chăm sóc bé K: “Trẻ sinh cực non rất hay bị hạ thân nhiệt, phải sử dụng lồng ấp hiện đại đủ tiêu chuẩn, đồng thời, phải dùng máy thở chuyên biệt do phổi rất non, các thông số phổi thay đổi rất nhanh. Bé cũng rất dễ nhiễm trùng do hàng rào bảo vệ kém. Với bé sinh non lại bị nhiều bệnh, toàn trạng cực non yếu, đòi hỏi phải có nhóm bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, phối hợp đồng bộ và số lượng nhân lực chăm sóc lớn”.

 

TS. Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh BV Phụ sản Trung ương phát biểu khi cháu bé được ra viện

Nhưng, sau 143 ngày điều trị, cháu đã nặng 2.200 gram, tương đương bé khoảng 1 tháng tuổi, ăn tốt, bú mẹ được và đặc biệt, bé đã biết cười và rất thích được mẹ bế. 

Ân cần trao em bé cho bố mẹ cháu, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương bày tỏ: Thành công trong việc cứu sống cháu bé sinh non, lại mắc nhiều bệnh, đã cho thấy phương pháp điều trị sau sinh non rất tốt và trình độ, kỹ năng của đội ngũ thầy thuốc ở Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh rất đáng tự hào. Bên cạnh đó là vai trò không nhỏ của PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, BV Hữu nghị Việt Đức trong phẫu thuật cho cháu bé.

PGS.TS Nguyễn Việt Hoa - Trưởng khoa Phẫu thuật nhi BV Hữu nghị Việt Đức

“Với thành công này, BV muốn gửi thông điệp đến các bà mẹ sinh non là không quá bi quan, vì y học có thể không kéo dài được tuổi thai, nhưng đội ngũ thầy thuốc chăm sóc sau sinh “thiện chiến” sẽ cho các bé sự sống. Các bà mẹ hãy có niềm tin rằng, sau COVID-19, BV Phụ sản Trung ương vẫn hoạt động hiệu quả, tiếp tục phát triển và không bao giờ bỏ rơi bệnh nhân.” - PGS.TS. Nguyễn Danh Cường nhấn mạnh.

Hoàng Hiền

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang