Hội nghị Hộ sinh Quốc tế được tổ chức tại Hà Lan năm 1987 lần đầu tiên đã nêu ra ý tưởng thành lập Ngày Hộ sinh quốc tế. Với sự hỗ trợ của Hội đồng điều dưỡng thế giới (ICN) - Hội nghề nghiệp được thành lập sớm nhất (từ năm 1899) và có số thành viên đông đảo nhất trong lĩnh vực y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ngày Hộ sinh quốc tế lần đầu được tổ chức vào ngày 05/05/1991.
Tại Việt Nam, được sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam, bà Chieko Nohno (Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản) và một số cơ quan ban ngành Trung ương, ngày 16/10/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 657/QĐ-TTG về việc phê duyệt thành lập Hội Nữ Hộ sinh Việt Nam nhằm đoàn kết, xây dựng ngành hộ sinh, giúp đỡ hội viên tiến bộ để góp phần vào việc tăng cường sức khoẻ nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em, sức khoẻ sinh sản và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Hội Nữ Hộ sinh Việt Nam chính thức ra mắt năm 1995 tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 09/12/1995.
Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh biểu dương những đóng góp to lớn của các nữ điều dưỡng, hộ sinh của Bệnh viện và mong rằng, tập thể BV Phụ sản Trung ương luôn đoàn kết, nỗ lực để cùng ngành Y tế thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
PGS.TS. Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Ngược dòng thời gian trở về trong quá khứ, nhận thấy vai trò to lớn, cũng như những đóng góp không thể tính đếm được của lớp lớp những thế hệ hộ sinh, điều dưỡng trên toàn thế giới. “Ngày 12/5/1965, Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12/5 hằng năm là ngày sinh của Bà Florence Nightingale làm ngày Quốc tế Điều dưỡng để tưởng nhớ những cống hiến to lớn của Bà đối với việc hình thành phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại cũng như tôn vinh vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh. Bà Florence Nightingale là một người phụ nữ quí tộc, có tấm lòng nhân hậu với cây đèn huyền thoại đi chăm sóc thương binh trong chiến tranh Crum 1853 -1856. Bà được gọi là người phụ nữ với cây đèn trong cuốn Cook, E.T.Cuộc đời Florence Nightingale.
Để tưởng nhớ những đóng góp của Bà Florence Nightingale với ngành Điều dưỡng, tại buổi lễ, toàn thể đại biểu đã làm lễ tưởng niệm Bà trang nghiêm và xúc động.
Hoàng Hiền