Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội bà Trần Thị Nhị Hà; Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người bà Nguyễn Thị Kim Tiến; Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 bà Hoàng Thị Minh Châu; đại diện Ban thường Hội vận động hiến tặng mô bộ phận cơ thể người Việt Nam; Hội chữ thập đỏ; cơ quan báo chí và đại diện cán bộ nhân viên, người lao động đang công tác tại Bệnh viện.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Ngân hàng mô, giác mạc ra đời không chỉ là nơi tiếp nhận, bảo quản và phân phối các mô, giác mạc được hiến tặng, mà còn là trung tâm nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực ghép mô, giác mạc. Hiện nay, chuyên khoa mắt có 10 đơn vị có ngân hàng mô, giác mạc trên cả nước. Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là một trong những bệnh viện tiên phong tiếp theo được Bộ Y tế cho phép thực hiện công tác tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và tiến tới điều phối mô, giác mạc. Đây không chỉ là kết quả của sự nỗ lực, tâm huyết của toàn thể nhân viên bệnh viện sau 7 năm thành lập và phát triển, mà đó còn thể hiện y tế tư nhân đang từng bước khẳng định vị thế của mình, cùng chung tay với hệ thống y tế công lập trong sự nghiệp chung bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành Y tế không phân biệt công - tư.
“Tôi hi vọng trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục cố gắng, phối hợp với hệ thống bệnh viện chuyên ngành Mắt cả công lập và tư nhân trong việc vận động, tiếp nhận cũng như điều phối nguồn giác mạc, để đem lại ánh sáng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều người bệnh nhất có thể. Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác vận động hiến tặng mô, tạng và giác mạc. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội để triển khai các chương trình, dự án liên quan, đảm bảo chương trình đạt được hiệu quả và bền vững. Tôi tin rằng, với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta sẽ ngày càng có nhiều người sẵn sàng hiến tặng mô, tạng, giác mạc, góp phần cứu sống hàng ngàn mạng người và mang lại niềm hy vọng cho những bệnh nhân đang chờ đợi”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
PGS.TS. Hoàng Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Với tôn chỉ khi Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 được thành lập: Tâm - Chính - Chuyên - Năng - Nhiệm (Tận Tâm, Chính trực, Chuyên nghiệp, Năng động, Trách nhiệm) Bệnh viện luôn nỗ lực đem những trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại nhất, tiên tiến nhất cùng với chất lượng phục vụ tốt nhất để phục vụ người bệnh.
Ngày 29/02/2024, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động cho Ngân hàng Mô theo QĐ số 06/GPHĐNHM với vai trò tuyên truyền, thu nhận bảo quản giác mạc, củng mạc và màng ối. Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 sẽ trở thành một đơn vị cùng với Ngân hàng Bệnh viện Mắt Trung ương đồng hành tuyên truyền, vận động thu nhận giác mạc mang lại ánh sáng cho những người bệnh không may bị mù do các bệnh lý giác mạc gây ra.
Được sự đồng ý của Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng ra mắt Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người. Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng là đơn vị y tế tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đây là hoạt động góp phần tuyên truyền vận động người dân hiến mô tạng nói chung và giác mạc nói riêng.
Kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4 năm 2007 của cụ bà Nguyễn Thìn Hoa (ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình) đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, cả nước đã ghi nhận 963 người hiến giác mạc trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến). Nam Định (332 người hiến). Đến nay, đã có hơn 20 tỉnh thành trong cả nước đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời...
Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều gười đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động sinh hoạt bình thường. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao, không gì sánh được của những người bị bệnh lý giác mạc. Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng…
Thấu hiểu vai trò quan trọng của công tác truyền thông, vận động hiến tặng, thu nhận mô tạng nói chung và bảo quản giác mạc nói riêng việc thực hiện các ca phẫu thuật ghép giác mạc đạt tiêu chuẩn quốc tế đã góp phần nâng cao sức khỏe người dân. Vì vậy, người dân cần hiểu được ý nghĩa cao cả của việc hiến tặng một phần cơ thể của mình sau khi qua đời sẽ giúp nhiều người khác có thể hồi sinh, đặc biệt là giúp người bị bệnh lý giác mạc có thể tìm được ánh sáng, trở lại sinh hoạt, lao động như người bình thường, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, đem lại chất lượng sống tốt hơn.
Hoàng Hiền