Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ CÚM VÀ CÁC BIÊN PHÁP CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A/H7N9

  • |
T5g.org.vn - Ngày 9/12/2013, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các tổ chức quốc tế (WHO, FAO, USAID) tổ chức hội thảo về tăng cường giám sát và phòng chống dịch cúm A/H7N9. Vậy, cúm là gì? cúm A/H7N9 là gì? và cần triển khai các biện pháp nào để phòng chống cúm A/H7N9 có hiệu quả?
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ CÚM VÀ CÁC BIÊN PHÁP CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A/H7N9
 

Ngày 9/12/2013, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các tổ chức quốc tế (WHO, FAO, USAID) tổ chức hội thảo về tăng cường giám sát và phòng chống dịch cúm A/H7N9. Vậy, cúm là gì? cúm A/H7N9 là gì? và cần triển khai các biện pháp nào để phòng chống cúm A/H7N9 có hiệu quả?

Một số thống tin về cúm

Bệnh cúm do vi rút cúm gây nên. Vi rút cúm có 3 típ là: típ A, típ B và típ C, trong đó típ C thường gây ra các vụ dịch nhỏ, típ B thường gây ra các vụ dịch vừa, còn típ A thường gây ra các vụ dịch lớn (hay còn gọi là đại dịch). Vi rút cúm có 2 kháng nguyên. Kháng nguyên H (viết tắt của Hemaglutinin- HA) là chất ngưng kết hồng cầu, giúp cho vi rút dễ bám vào bề mặt tế bào hồng cầu. HA có 16 loại được ký hiệu từ H1-H16. Kháng nguyên N (viết tắt của Neurominidase- NA) là một loại men có tác dụng làm tan nhầy, giúp cho vi rút dễ xâm nhập vào tế bào. NA có 9 loại được ký hiệu từ N1-N9. Do có sự kết hợp chéo giữa các HA và NA nên có tới 144 phân típ vi rút cúm.

Cuối Thế kỷ XIX, Thế kỷ XX và đầu Thế kỷ XXI, Thế giới đã chứng kiến 6 đại dịch cúm:

1- Năm 1889, đại dịch cúm xảy ra tại nước Nga, thủ phạm là vi rút cúm A/H2N2 (không có số liệu người mắc và chết).

2- Năm 1900, đại dịch cúm xảy ra tại Hồng Kông, thủ phạm là vi rút cúm A/H3N8 (không có số liệu người mắc và chết).

3- Đại dịch cúm Tây Ban Nha, khởi phát tại Tây Ban Nha năm 1918 lan ra thế giới và kết thúc năm 1919, thủ phạm là vi rút cúm A/H1N1, làm 20-40 triệu người chết.

4- Đại dịch cúm Châu Á, khởi phát tại Sigapore năm 1957, lan ra thế giới, kết thúc năm 1958, thủ phạm là vi rút cúm A/H2N2, làm cho khoảng một triệu người chết.

5- Đại dịch cúm Hồng Kông, khởi phát tại Hồng Kông năm 1968, lan ra thế giới, kết thúc năm 1969, thủ phạm là vi rút cúm A/H3N2, cũng làm cho khoảng một triệu người chết.

6- Cúm đại dịch 2009, khởi phát tại Mehico năm 2009, lan ra thế giới, kết thúc năm 2010, thủ phạm là vi rút cúm A/H1N1, làm cho 18.449 người chết.

 Ngoài ra, cũng trong khoảng thời gian đó, đã có hơn 30 dịch bệnh mới nổi xuất hiện, gây tỷ lệ mắc và tử vong cao, trong đó có dịch cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N1 gây ra tại Hồng Kông cuối năm 1997. Dịch khởi phát trên gia cầm lây bệnh cho 18 người, trong đó có 6 người chết. Vụ dịch này kéo dài sang Thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ XXI, gây bệnh cho người ở 15 quốc gia với 623 người mắc, trong đó có 372 người chết (tỷ lệ tử vong rất cao là 59,71%).

Tỉnh hình dịch cúm A/H7 và cúm A/H7N9

Bệnh cúm A(H7N9) do vi rút cúm A/H7N9 gây nên. Vi rút cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm. Vi rút cúm A/H7 là một nhóm vi rút cúm thông thường lưu hành trong nhóm gia cầm. Vi rút cúm A/H7N9 là một loại vi rút thuộc nhóm H7. Mặc dù một số loại vi rút thuộc nhóm H7 như H7N2, H7N3 và H7N7 thỉnh thoảng gây bệnh cúm ở người, nhưng vẫn chưa ghi nhận được trường hợp nào mắc bệnh do vi rút cúm A/H7N9 cho đến khi có báo cáo ca bệnh đầu tiên tại Trung Quốc ngày 3/4/2013.

Từ năm 1996 đến năm 2012, những trường hợp nhiễm vi rút cúm H7 như: H7N2, H7N3, và H7N7 ở người đã được ghi nhận tại Hà Lan, Ý, Canada, Hoa Kỳ, Mexico và Vương quốc Anh. Hầu hết những trường hợp nhiễm cúm này đều có liên quan đến các vụ dịch cúm gia cầm.

Ngày 3/4/2013, Trung Quốc thông báo 7 người nhiễm cúm A/H7N9 (người đầu tiên mắc bệnh ngày 29/3, phát hiện ngày 31/3), số người mắc và địa phương có dịch tăng lên hàng ngày. Số liệu cập nhật đến tháng 12/2013 là 143 người mắc (142 người Trung Quốc đại lục và 01 người Đài Loan), trong đó có 47 người chết (tỷ lệ tử vong là 32,86%).

Nguy cơ, mục tiêu và các biện pháp phòng chống cúm A/H7N9

Nguy cơ dịch cúm A/H7N9 lây lan vào nước ta, lây bệnh cho người rất lớn, do:

- Trung Quốc đã xác lập vi rút cúm A/H7N9 có ở chim bồ câu, chim cút, gà. Hiện vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc chính gây bệnh cho người và cơ chế lây truyền. Chưa phát hiện bệnh lây từ người sang người.

- Tình trạng người (cháu bé 7 tuổi ở Bắc Kinh) và chim (chim bồ câu và chim cút ở Thượng Hải) mang vi rút không có triệu chứng làm lây lan bệnh rất nguy hiểm.

- Cúm A/H7N9 trên gia cầm độc lực thấp nên khó phát hiện, nhưng khi lây bệnh sang người lại chuyển biến nặng dễ gây tử vong. Phần lớn các ca nhiễm là nam giới và đa số ca tử vong ở người cao tuổi (miễn dịch giảm và mắc nhiều bệnh mạn tính).

- Đây là lần đầu tiên vi rút cúm A/H7N9 gây bệnh trên người, nên cộng đồng chưa có miễn dịch chủ động.

- Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu (vắc xin do Trung Quốc sản xuất chưa được khẳng định hiệu lực bảo vệ trên thực tế).

- Giao lưu giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc rất lớn bằng cả đường không, đưởng thủy và đường bộ (biên giới đường bộ dài hơn 1.200 km).

- Tình trạng gia cầm nhập lậu, trong đó có gà thải loại và chim di cư từ Trung Quốc vào Việt Nam diễn biến phức tạp, chưa kiểm soát được.

- Mầm bệnh có ở loài chim rất khó giám sát và khống chế.

- Thế giới và Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống bệnh này...

Các mục tiêu chính cần đạt được:

- Không để dịch cúm A/H7N9 lây lan vào Việt Nam.

- Nếu có dịch cúm A/H7N9 ở gia cầm phải phát hiện sớm, bao vây, dập dịch nhanh chóng, không để lây bệnh sang người.

- Nếu có dịch cúm A/H7N9 ở người, phải tổ chức cách ly, cấp cứu và điều trị tốt, không để lây chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh, không để tử vong xảy ra.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Y tế - Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm và dịch bệnh mới nổi đã khởi động toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch và các hướng dân chuyên môn. Các Tiểu ban (thuộc Ban chỉ đạo), trong đó có Tiểu ban Truyền thông đã triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Các biện pháp chính cần triển khai:

1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự tham gia của cả cộng đồng.

2- Trong khi dịch chưa vào Việt Nam, truyền thông phải đi trước một bước, với phương châm: phòng là chính, dân là chính và cơ sở là chính.

3- Đề cao vai trò của giải pháp kỹ thuật như: giám sát dịch tễ, quản lý và điều trị ca bệnh, điều tra dịch tễ và theo dõi các ca tiếp xúc gần, củng cố hệ thống xét nghiệm, tập huấn cho cán bộ y tế và chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, thuốc, hóa chất...

4- Triển khai đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và sản xuất vắc xin.

5- Dự báo dịch, dự kiến tình huống, xây dựng kịch bản và tổ chức diễn tập phòng chống cúm A/H7N9.

6- Chia sẻ thông tin, đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế cả về kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính.

7- Đảm bảo các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính đầy đủ và kịp thời. Nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách đối với đội ngũ tham gia phòng chống dịch và bệnh nhân (nếu có).

Truyền thông đi trước một bước

Nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương đã triển khai ngay các hoạt động sau:

- Có công văn hướng dẫn công tác truyền thông phòng chống cúm A/H7N9 gửi Trung tâm Truyền thông GDSK các tỉnh, thành phố (T4G).

- Mở chuyên mục Phòng chống cúm A/H7N9 trên Trang tin điện tử Truyền thông GDSK (web t5g) cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tài liệu truyền thông.

- Mở chuyên trang Phòng chống cúm A/H7N9 trên Tạp chí Nâng cao sức khỏe.

- Sản xuất Thông điệp truyền hình, phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, phát trên web t5g và in đĩa gửi cho các T4G.

- Sản xuất Thông điệp phát thanh, phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát trên web t5g và in đĩa gửi cho các T4G.

- Thiết kế ma két tờ gấp, áp phích và cuốn sách hỏi và đáp về phòng chống cúm A/H7N9, đưa ma két lên web t5g, in (số lượng nhất định) để phục vụ phòng chống dịch khẩn cấp và in đĩa gửi cho các T4G.

- Thường xuyên có các tin, bài, phóng sự về phòng chống cúm A/H7N9 cả ba thể loại: báo hình, báo nói và báo in, nhằm cung cấp thông tin kịp thời về tình hình dịch và phản ánh các hoạt động phòng chống dịch.

Khuyến cáo phòng chống dịch cúm A/H7N9:

1- Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với gia cầm và người bệnh.

2- Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

3- Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4- Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5- Người tới từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe./.
 
 
 
BS. Đặng Quốc Việt, Giám đốc
Trung tâm Truyền thông GDSKTW

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang