
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo phối hợp về công tác truyền thông về công tác y tế. Hội thảo lần này chính là một hoạt động thiết thực, cụ thể hoá chương trình phối hợp mà hai Bộ đã ký kết vào tháng 10/2014. Theo Bộ trưởng, truyền thông về y tế khác với các ngành khác, trong khi các ngành khác tập trung tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đó thì với ngành Y tế, còn phải truyền thông dự phòng, xử lý rủi ro, nguy cơ về sức khoẻ và bệnh tât, nhằm thay đổi để đạt hành vi tích cực. Bộ trưởng cũng cho biết, thông qua việc tuyên truyền, thông tin, nhiều thành tựu ngành Y tế đã đến gần hơn với người dân, như các dịch bệnh lớn trên thế giới không xâm nhập vào nước ta, các thành tựu khoa học công nghệ người dân đã biết đến, được tiếp cận từ tuyến dưới... mặt khác, truyền thông cũng đã phản ánh cho cán bộ, lãnh đạo Ngành biết được về những vấn đề về các chính sách y tế, an toàn thực phẩm và thủ tục khám chữa bệnh... Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Y tế đã lắng nghe đa chiều, có chọn lọc thông tin từ nhiều phía, từ báo chính thống, đến các thông tin bên lề, các trang mạng xã hội... để chọn lọc thông tin, nhằm đem tới cho người dân những thông tin có lợi nhất. “Khủng hoảng truyền thông đất nước nào cũng có, ngành nào cũng có thể xảy ra. Nhưng quan trọng nhất là báo chí truyền thông và chủ thể phải hợp tác như thế nào để phải đặt quyền lợi của người dân, đất nước lên trên hết”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kỳ vọng từ khủng hoảng truyền thông của ngành Y tế sẽ trở thành mô hình mẫu về phối hợp với truyền thông vì lợi ích của nhân dân và đất nước.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: sự động viên, ủng hộ, chia sẻ kịp thời của các cơ cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương chính sách của ngành Y tế. Qua báo chí, ngành Y tế đã kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, tiêu cực, khuyết điểm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, những tác phẩm báo chí về những cống hiến thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, về những thành quả mà ngành Y tế đạt được có ý nghĩa cổ vũ động viên rất lớn với toàn ngành… Thứ trưởng Trương Minh Tuấn mong muốn, phía Bộ Y tế sẽ chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng viết về y tế, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí nhanh nhất, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn nhất là khi có các sự kiện nổi cộm hoặc đặc biệt.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí đã đóng góp nhiều ý kiến, nhằm giúp công tác truyền thông về y tế đạt hiệu quả cao; trong đó ngành Y tế và truyền thông ngành Y tế cần thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động khám, chữa bệnh, y tế dự phòng cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin mới trong phòng, chống dịch bệnh…

Tin, ảnh: Hoàng Hiền