Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận một trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Ê-bô-la. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, ngày 2/12/2014, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, mặc dù, thế giới đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong việc phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ê-bô-la, như bước đầu hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh ở khu vực trung tâm dịch - tại các nước Tây Phi; những tín hiệu tích cực trong nghiên cứu chế tạo vắc xin. Dịch bệnh do vi rút Ê-bô-la vẫn tiềm tàng mối nguy hiểm và công tác phòng, chống dịch bệnh xâm nhập nước ta, cũng như công tác chuẩn bị đáp ứng tốt khi có dịch xâm nhập là điều cần thiết và cần tiếp tục thực hiện.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tính đến ngày 5/12/2014, thế giới đã ghi nhận 17.617 trường hợp mắc, trong đó 6.251 trường hợp tử vong do vi rút Ê-bô-la tại nhiều quốc gia khu vực Châu Phi như Guinea: 2.192 trường hợp mắc, 1.366 trường hợp tử vong; Liberia: 7.690 trường hợp mắc, 3.161 trường hợp tử vong; Sierra Leone: 7.635 trường hợp mắc, 1.660 trường hợp tử vong; Mali: 08 trường hợp mắc, 06 trường hợp tử vong; Nigeria: 20 trường hợp mắc, 08 trường hợp tử vong; Senegal: 01 trường hợp mắc, 0 trường hợp tử vong; Cộng hòa Dân chủ Congo: 66 trường hợp mắc, 49 trường hợp tử vong. Ở bên ngoài biên giới Châu Phi, Tây Ban Nha cũng đã ghi nhận 01 trường hợp mắc và Mỹ ghi nhận 04 trường hợp mắc, 01 trường hợp tử vong.
Ngay từ khi có những dấu hiệu bùng phát dịch bệnh do vi rút Ê-bô-la tại các nước Tây Phi, ngành Y tế Việt Nam đã nhanh chóng, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có Dịch xâm nhập. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ê-bô-la. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ công tác giám sát chặt chẽ dịch bệnh của ngành Y tế.
Tại các cửa khẩu Quốc tế, ngành Y tế đã triển khai áp dụng tờ khai y tế, giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch, khám sàng lọc hành khách nghi ngờ nhiễm bệnh do vi rút Ê-bô-la, thực hiện cách ly y tế khi nghi ngờ có trường hợp nhiễm bệnh xâm nhập, tại cộng đồng, ngành Y tế tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường theo dõi người đi từ vùng dịch bệnh về Việt Nam trong vòng 21 ngày. PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trên thực tế công tác giám sát, theo dõi y tế gặp nhiều khó khăn do: khác biệt về ngôn ngữ; những thay đổi địa chỉ, nơi cư trú của người nhập cảnh. Để giải quyết vấn đề này, ngành Y tế đã thực hiện các hình thức liên hệ với hành khách qua điện thoại, email, cũng như phối hợp với ngành công an nhằm xác định được nơi cư trú của hành khách để gặp gỡ, tư vấn. Ngành Y tế cũng yêu các các bộ, ngành, địa phương phối hợp cùng ngành Y tế thực hiện giám sát dịch bệnh xâm nhập qua đường bộ, đường thủy. Bộ Y tế đã thiết lập các đường dây nóng; thành lập Văn phòng đáp ứng khẩn cấp dịch (EOC) để theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Sau khi thành lập, EOC đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ thu thập, trao đổi thông tin với các cơ quan, tổ chức trên thế giới như WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)…, các cơ quan, đơn vị hữu quan trong nước, cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng tạo thành một mạng lưới trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ đắc lực cho phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ê-bô-la. Những thông tin hữu ích này đã được Bộ Y tế kịp thời cung cấp đến các bộ, ban, ngành liên quan, làm cơ sở tin cậy giúp cho các bộ, ban, ngành chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mà ngành mình được giao.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng luôn quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ê-bô-la đến với người dân. Tại những buổi gặp mặt báo chí do Bộ Y tế tổ chức, các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng đã được cung cấp đầy đủ thông tin những diễn biến mới nhất của dịch bệnh, qua đó, kịp thời nắm bắt, truyền tải thông tin tin cậy, chính xác đến với độc giả trên cả nước, giúp người dân trang bị những kiến thức cần thiết để chủ động phòng, chống dịch bệnh và tránh được tâm lý hoang mang do những tin đồn thất thiệt.