Trên thế giới có hơn 200 triệu người mắc tiểu đường. Ở Việt Nam, khoảng 4,5 triệu người mắc, trong đó có khoảng 20% những người mắc tiểu đường có biến chứng ở mắt với các mức độ khác nhau. Còn tại Hà Tĩnh tuy chưa có số liệu thống kê về bệnh tiểu đường cũng như bệnh võng mạc tiểu đường, nhưng theo báo cáo của Trung tâm Mắt mỗi năm đơn vị này phát hiện trên 100 bệnh nhân bị bệnh võng mạc tiểu đường.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Ân, 84 tuổi, ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh bị bệnh tiểu đường gần 15 năm, bà vào Trung tâm Mắt trong tình trạng mắt nhìn mờ. Qua thăm khám bác sĩ cho biết mắt của bà bị bệnh lý võng mạc do biến chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu. Do đó bà cần điều trị tích cực và ổn định đường huyết để đề phòng bệnh trở nặng. Bà cho biết: “Tôi bị tiểu đường đã lâu, thời gian gần đây mắt nhìn mờ, vào đây khám mới biết là do biến chứng của bệnh tiệu đường, do thời gian qua tôi không thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, may mà phát hiện sớm, từ nay tôi phải uống thuốc điều độ, ăn uống hợp lý và khám mắt định kỳ để giữ gìn sức khoẻ”.
Điều đặc biệt nguy hiểm là đa số các bệnh nhân tiểu đường không thấy có bất cứ triệu chứng gì về mắt cho đến khi đột nhiên bị mất thị lực. Ông Nguyễn Văn Hội ở phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh tâm sự: “Tôi bị tiểu đường trên 10 năm, khi bệnh mới xuất hiện tôi chỉ điều trị bệnh tiểu đường nhưng không để ý đến mắt vì không thấy biểu hiện gì cách đây 5 năm mắt có biểu hiện nhìn mờ tôi đi khám thì thấy các bác sỹ nói là tôi bị bệnh lý võng mạc do biến chứng của bệnh tiểu đường”.
BS Dương Kim Dũng, Giám đốc Trung tâm Mắt tỉnh cho biết: Hầu hết những bệnh nhân khi đã mất thị lực thì dù có được điều trị rất tích cực và tốn kém thì khả năng bảo tồn được thị lực là rất nhỏ, phần lớn các bệnh nhân sẽ bị mù vĩnh viễn. Trong các tổn thương ở mắt do tiểu đường thì bệnh lý võng mạc là nguy hiểm nhất đe dọa thị lực của bệnh nhân tiểu đường. Khi bị võng mạc tiểu đường thì hầu hết bệnh nhân phải chuyển tuyến trên điều trị, do vậy càng vất vã cho bệnh nhân. Võng mạc được nuôi dưỡng bởi hệ thống các mạch máu nhỏ, nếu bệnh nhân tiểu đường không được kiểm soát tốt trong một thời gian dài có thể làm cho các mạch máu này bị tổn thương gây rò rỉ dịch và xuất huyết trên bề mặt võng mạc... làm mắt bị giảm hoặc mất khả năng thu nhận các tín hiệu ánh sáng, biểu hiện lâm sàng là giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn.
Để phòng tránh các biến chứng ở mắt do bệnh tiểu đường, bệnh nhân cần thực hiện theo sự hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa. Bệnh nhân tiểu đường sẽ tránh được các biến chứng về mắt nếu đường máu của bệnh nhân luôn luôn giữ trong vùng an toàn, huyết áp thường xuyên ở mức dưới 130/80, không hút thuốc lá, đi khám mắt theo định kỳ (ít nhất là một lần/năm và nếu thấy mắt có một hoặc các dấu hiệu sau như: nhìn mờ, khó đọc sách báo, nhìn đôi, đau một hoặc cả hai bên mắt, mắt đỏ hoặc căng tức, nhìn có hình ảnh ruồi bay, không nhìn rõ sang hai bên thì nên đến các bác sỹ chuyên khoa mắt để khám); riêng đối với bệnh nhân mang thai, bệnh lý võng mạc tiến triển nhanh hơn, khi đó bệnh nhân nên tăng thời gian khám mắt định kỳ và khám mắt ngay khi bắt đầu có thai. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường cần có một chế độ ăn uống hợp lý, cần ăn nhiều rau xanh, tránh ăn các thực phẩm có nhiều đường, dầu mỡ, như vậy chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn.
Bài: Thanh Loan
T4G Hà Tĩnh