Về hoạt động tiêm chủng thường xuyên: Triển khai thành công đưa vắc xin mới là vắc xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm (IPV) vào Chương trình TCMR với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu Vắc xin và tiêm chủng (GAVI). Từ tháng 9/2018 đến nay, vắc xin đã được triển khai tại tất cả các trạm y tế xã, phường. Đã có 297.391 trẻ em trên cả nước được tiêm chủng vắc xin này. Chuyển đổi sử dụng thành công từ vắc xin sởi-rubella nhập khẩu sang vắc xin do Việt Nam sản xuất cho trẻ 18 tháng tuổi từ tháng 4/2018. Chuyển đổi sang sử dụng vắc xin 5 trong 1 ComBe Five cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc từ tháng 12/2018.
Hoạt động triển khai tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ tại nhiều địa phương được thúc đẩy với sự tham gia chủ động hơn của các bệnh viện. Bên cạnh đó, mô hình tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tiếp tục được mở rộng tại một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh ở mức cao trên 70% trong 11 tháng đầu năm 2018... Hoạt động tiêm vắc xin sởi-rubella và DPT 4 cho trẻ 18 tháng, tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai tiếp tục được các địa phương quan tâm và đẩy mạnh. Tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin này đạt chỉ tiêu đề ra.
Về hoạt động tiêm chủng chiến dịch bổ sung: Theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên qui mô lớn, dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019. Để chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em, trong năm 2018 được sự đồng ý của Bộ Y tế, Dự án TCMR đã tổ chức 3 đợt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho nhóm đối tượng từ 1-5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao. Nhờ vậy, số ca bệnh sởi, rubella đã được khống chế kịp thời, số mắc sởi trong năm 2018 đã giảm rõ rệt.
Đồng thời, để chủ động phòng chống dịch bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB), Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm bổ sung vắc xin VNNB cho trẻ 6-15 tuổi vùng nguy cơ cao. Đã có 173.138 trẻ được tiêm mũi 3 vắc xin VNNB tại 28 huyện nguy cơ cao thuộc 16 tỉnh, đạt tỷ lệ 94,2%. Đến hết 11 tháng đầu năm 2018 số mắc VNNB được báo cáo (197 ca) giảm rõ so với năm 2017 (232 ca) và năm 2016 (357 ca).
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng chiến dịch bổ sung, hoạt động quản lý đối tượng trong tiêm chủng mở rộng cũng đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, công tác tiêm chủng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần được khắc phục trong thời gian tới.
Trọng tâm năm 2019, ngành Y tế cả nước tiếp tục duy trì được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% trên phạm vi cả nước. Tăng cường tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ sau sinh nhằm phòng chống bệnh viêm gan B mạn tính. Tổ chức tiêm bù vắc xin ComBE Five cho đối tượng của các tháng cuối năm 2018 để đạt chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ trên 95% và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Hoàn thành đợt 2 & 3 của chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ em từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao. Triển khai chiến dịch uống bổ sung văc xin bại liệt cho trẻ 1-5 tuổi theo Quyết định số 7319/QĐ-BYT tại 67 huyện của 23 tỉnh/TP dự kiến trong quý I/2019. Triển khai tiêm chủng bổ sung vắc xin Td chủ động phòng chống dịch bạch hầu, uốn ván cho đối tượng trẻ 7 tuổi vùng nguy cơ cao trong thời gian quý III/2019 tại 27 tỉnh/TP nguy cơ cao. Tiếp tục truyền thông sự kiện, vận động cộng đồng về lợi ích của tiêm chủng đủ mũi, các hoạt động tiêm chủng bổ sung để người dân chủ động đưa con đi tiêm chủng đầu đủ, đúng lịch, phổ biến các kiến thức về theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Thúc đẩy truyền thông vận động chính sách huy động nguồn lực của các địa phương cho công tác TCMR.
Phóng viên