Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Những điều cần nhớ về bệnh do virut Ebola

  • |
T5g.org.vn - Ebola, trước đây còn có tên là sốt xuất huyết Ebola, là một căn bệnh hiếm gặp nhưng có thể gây chết người do nhiễm một trong số các chủng virut Ebola. Ebola có thể gây ra bệnh ở người và động vật linh trưởng (khỉ, khỉ đột và tinh tinh).

Đôi nét về virut Ebola

Ebola, trước đây còn có tên là sốt xuất huyết Ebola, là một căn bệnh hiếm gặp nhưng có thể gây chết người do nhiễm một trong số các chủng virut Ebola. Ebola có thể gây ra bệnh ở người và động vật linh trưởng (khỉ, khỉ đột và tinh tinh).

Bệnh (gọi tắt là Ebola) gây ra bởi nhiễm một loại virut thuộc họ Filoviridae, chi Ebolavirus. Có 5  loài  virut Ebola đã được xác định, trong số đó 4 loài được biết là gây ra bệnh ở người: virut Ebola (Zaire ebolavirus); virut Sudan (Sudan ebolavirus); virut Taï Forest (Taï Forest ebolavirus, tên gọi cũ là Côte d'Ivoire ebolavirus) và virut Bundibugyo (Bundibugyo ebolavirus). Loài thứ năm, virut Reston (Reston ebolavirus), gây bệnh ở động vật linh trưởng nhưng không gây bệnh ở người.

Virut Ebola được tìm thấy ở một số nước châu Phi. Virut này lần đầu tiên được phát hiện năm 1976 gần sông Ebola (nơi ngày nay là Cộng hòa dân chủ Công-gô). Kể từ đó, các vụ bùng phát đã xuất hiện rải rác ở châu Phi.

Vẫn chưa rõ về các vật chủ tự nhiên của virut Ebola, tuy nhiên, dựa trên các bằng chứng và bản chất của các virut tương tự như virut Ebola, các nhà nghiên cứu tin rằng virut Ebola lây truyền qua động vật và vật chủ có nhiểu khả năng  nhất là con dơi. 4 trong số 5 chủng virut thấy ở vật chủ động vật bản địa châu Phi.

Hình 1: Virut Ebola

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh do virut Ebola

- Sốt

- Nhức đầu dữ dội

- Đau cơ

- Yếu lả

- Mệt mỏi

- Tiêu chảy

- Nôn

- Đau dạ dày

- Xuất huyết không rõ nguyên nhân (chảy máu hoặc bầm tím)

Các triệu chứng có thể xuất hiện từ 2 ngày đến 21 ngày sau khi nhiễm virut Ebola, nhưng trung bình là 8-10 ngày.

Việc hồi phục sau khi mắc bệnh do virut Ebola còn phụ thuộc vào chăm sóc hỗ trợ tốt trên lâm sàng và đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân. Những người phục hồi sau khi nhiễm virut Ebola có kháng thể tồn tại ít nhất 10 năm.

Lây truyền

Vì tới nay vẫn chưa xác định chắc chắn được các vật chủ tự nhiên của virut Ebola, nên chúng ta vẫn chưa rõ cách virut xuất hiện lần đầu tiên ở người khi bắt đầu một đợt bùng phát. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng bệnh nhân đầu tiên bị lây nhiễm qua tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như loại dơi ăn quả hoặc động vật linh trưởng (vượn và khỉ), được gọi là một kiểu lan toả. Lây truyền từ người này sang người khác tiếp theo sau đó và có thể dẫn đến một số lượng lớn người bị nhiễm bệnh. Trong một số vụ bùng phát Ebola trước đây, động vật linh trưởng cũng bị nhiễm Ebola và kiểu lây nhiễm đa lan tỏa xảy ra khi con người đụng chạm vào hoặc ăn thịt động vật linh trưởng bị nhiễm bệnh.

Khi nhiễm vào cơ thể con người, virut có thể lây lan cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp (ví dụ như qua vết thương hở trên da hoặc niêm mạc ở mắt, mũi, miệng) với:

- máu hoặc chất dịch cơ thể (như nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ và tinh dịch) của người bị bệnh do virut Ebola,

- các vật dụng (như bơm kim tiêm) đã bị nhiễm virut,

- con dơi ăn quả hoặc động vật linh trưởng (vượn và khỉ) bị nhiễm bệnh.

Virut Ebola không lan truyền qua không khí, nước hoặc thực phẩm nói chung. Tuy nhiên, ở châu Phi, Ebola có thể lây lan do hậu quả của việc xử lý thịt thú rừng (động vật hoang dã bị săn bắt làm thực phẩm) và tiếp xúc với những con dơi bị nhiễm bệnh. Không có bằng chứng cho thấy muỗi hay côn trùng khác có thể truyền virut Ebola. Chỉ có một vài loài động vật có vú (ví dụ như con người, dơi, khỉ và vượn) có khả năng bị lây nhiễm và phát tán virut Ebola.

Những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Ebola, gia đình và bạn bè tiếp xúc gần với bệnh nhân Ebola có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh, bởi vì họ có thể tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể bị nhiễm virut.

Trong các vụ bùng phát Ebola, bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong các cơ sở y tế (phòng khám hoặc bệnh viện). Tiếp xúc với Ebola có thể xảy ra trong cơ sở y tế nơi các nhân viên bệnh viện không trang bị phòng hộ cá nhân phù hợp.

Các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nên sử dụng thiết bị y tế chuyên dụng (nếu có thể thì tốt nhất là loại dùng một lần). Vệ sinh và khử trùng hợp lý các dụng cụ, chẳng hạn như bơm kim tiêm, cũng rất quan trọng. Nếu dụng cụ không phải loại dùng một lần, thì chúng phải được khử trùng một lần nữa trước khi sử dụng. Nếu không khử trùng triệt để các dụng cụ, sự lây truyền virut có thể tiếp tục xảy ra và vụ dịch nhanh chóng lan rộng.

Khi người bệnh hồi phục, họ không còn làm lây truyền virut cho người dân trong cộng đồng. Mặc dù virut Ebola đã được phát hiện trong tinh dịch sau khi bệnh nhân đã phục hồi, song vẫn chưa rõ liệu virut có thể lây lan qua đường tình dục (bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng) hay không. Để đề phòng, nam giới sau khi khỏi bệnh do virut Ebola nên tránh quan hệ tình dục (bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng) trong vòng ba tháng. Nếu không thể kiêng quan hệ tình dục thì nên sử dụng bao cao su để giúp ngăn ngừa bệnh lây lan.

Nguy cơ nhiễm bệnh

Các nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân Ebola và gia đình và bạn bè tiếp xúc gần với bệnh nhân Ebola có nguy cơ cao nhất bị bệnh bởi vì họ có thể tiếp xúc với máu và các chất dịch cơ thể của bệnh nhân. Con người cũng có thể bị bệnh do virut Ebola sau khi tiếp xúc với động vật hoang dã bị nhiễm bệnh (làm thịt thú rừng, tiếp xúc với dơi bị nhiễm bệnh...). Virut cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với các vật dụng (như quần áo, vải trải giường, bơm kim tiêm, vật sắc nhọn hoặc thiết bị y tế) đã bị nhiễm virut.

Trước đây, đã có các vụ bùng phát bệnh do virut Ebola tại các nước gồm Cộng hòa dân chủ Công-gô, Ga-bông, Nam Xu-đăng, Bờ biển Ngà, Uganđa, Cộng hòa Công-gô, Nam Phi. Trong năm 2014, vụ dịch Ebola lớn nhất trong lịch sử và đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở Tây Phi. Đã có 2 ca bệnh từ vùng dịch trở về (trong đó có 1 người tử vong) và 2 nhân viên y tế địa phương bị nhiễm bệnh tại Hoa Kỳ, 1 trường hợp đã được xác nhận Tây Ban Nha.

Hình 2: Các quốc gia Tây Phi có các ca bệnh Ebola

Phòng bệnh

Hiện tại chưa có thuốc hoặc vắcxin đặc hiệu phòng chống bệnh do virut Ebola.

Nếu bạn đi du lịch hoặc đang ở trong khu vực bùng phát Ebola, hãy thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh:

- Thực hành vệ sinh kỹ càng. Ví dụ, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dùng chất khử trùng có cồn, tránh tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể.

- Không dùng tay không xử lý các vật dụng có thể đã dính máu hoặc chất dịch cơ thể của người bị nhiễm (như quần áo, vải trải giường, bơm kim tiêm và thiết bị y tế).

- Tránh đến dự lễ tang và mai táng mà có thể phải chạm vào thi thể người chết vì Ebola.

- Tránh tiếp xúc với con dơi và các loài linh trưởng hoặc máu, dịch thể và thịt sống của các động vật này.

- Tránh đến các cơ sở y tế nơi có bệnh nhân Ebola đang được điều trị.

- Sau khi trở về nước, cần theo dõi sức khỏe của bạn trong 21 ngày và nếu thấy có các triệu chứng của Ebola, phải đến ngay cơ sở y tế.

Nhân viên y tế có thể tiếp xúc với những người bị Ebola cần thực hiện các biện pháp sau:

- Mang trang bị phòng hộ cá nhân thích hợp.

- Thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và các biện pháp khử trùng thích hợp.

- Cách ly bệnh nhân Ebola khỏi các bệnh nhân khác.

- Tránh tiếp xúc trực tiếp mà không có trang bị phòng hộ cá nhân với thi thể của người chết do Ebola.

- Thông báo cho nhân viên y tế nếu bạn đã tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch cơ thể (như phân, nước bọt, nước tiểu, chất nôn và tinh dịch...) của người bị bệnh Ebola. Virut có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương da hở hoặc niêm mạc (ở mắt, mũi, hoặc miệng) không được bảo vệ.

Chẩn đoán

Rất khó chẩn đoán Ebola ở một người mới bị nhiễm chỉ một vài ngày, vì các triệu chứng sớm (như sốt) là không đặc hiệu đối với bệnh Ebola và cũng thường gặp ở những bệnh nhân mắc các bệnh như sốt rét và thương hàn.

Tuy nhiên, nếu một người có các triệu chứng sớm của Ebola và đã có tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bị bệnh Ebola; tiếp xúc với các vật dụng dính máu hoặc các chất dịch cơ thể của người bị bệnh Ebola hoặc tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, thì họ cần được cách ly và thông báo cho các chuyên gia y tế công cộng. Sau đó cần lấy mẫu bệnh phẩm của người bệnh và xét nghiệm để xác nhận người bệnh có mắc Ebola hay không.

Virut Ebola được phát hiện trong máu ngay sau khi khởi phát triệu chứng, nhất là sốt, đi kèm với sự gia tăng lưu thông virut trong cơ thể bệnh nhân. Có thể phải mất tới 3 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng để virut đạt đến nồng độ có thể phát hiện được. Các xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán bao gồm:

Tiến trình nhiễm virut

Xét nghiệm chẩn đoán

Trong vòng một vài ngày sau khi khởi phát triệu chứng

- Xét nghiệm miễn dịch hấp phụ gắn enzym (ELISA) bắt giữ kháng nguyên

- IgM ELISA

- Phản ứng chuỗi polymerase (PCR)

- Phân lập virut

Sau khi phát bệnh hoặc sau khi hồi phục

- Xét nghiệm tìm kháng thể IgM và IgG

Hồi cứu ở các bệnh nhân tử vong

- Xét nghiệm hóa mô miễn dịch

- PCR

- Phân lập virut

Điều trị

Hiện chưa có vắcxin hoặc thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh do virut Ebola.

Điều trị các triệu chứng của Ebola và các biến chứng, nếu có. Các can thiệp cơ bản sau đây, khi được sử dụng sớm, có thể cải thiện đáng kể cơ hội sống của người bệnh:

- Truyền dịch tĩnh mạch và cân bằng điện giải.

- Duy trì tình trạng oxy và huyết áp.

- Điều trị các nhiễm trùng khác nếu có.

Vắcxin và thuốc điều trị Ebola đang được phát triển thử nghiệm, chúng vẫn chưa được kiểm tra đầy đủ về độ an toàn hoặc hiệu quả.

Sự hồi phục khỏi bệnh Ebola phụ thuộc vào việc chăm sóc hỗ trợ tốt và đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân. Người phục hồi sau nhiễm Ebola có kháng thể ít nhất 10 năm và có thể lâu hơn. Vẫn chưa rõ liệu người phục hồi có được miễn dịch suốt đời hay có thể vẫn bị nhiễm một loài virut Ebola khác. Một số người tuy khỏi bệnh Ebola nhưng bị các biến chứng lâu dài, chẳng hạn như các vấn đề về khớp và thị lực.

Những điều bạn thực sự cần biết về Ebola

1. Chó, mèo nuôi trong nhà không làm lây truyền bệnh Ebola.

2. Muỗi tuy là côn trùng trung gian của nhiều bệnh nguy hiểm, song muỗi không làm lây truyền virut Ebola.

3. Những thành viên gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm... trở về từ các nước có dịch Ebola không gây nguy hại cho bạn và gia đình bạn. Virut Ebola lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với máu và các chất dịch cơ thể (như nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ và tinh dịch) của người bị bệnh Ebola. Không phải tất cả mọi người trở về từ vùng dịch Ebola đều đã tiếp xúc với người bệnh.

4. Các chất tẩy rửa và khử trùng gia dụng có thể diệt được virut Ebola.

5. Ebola không lây truyền qua không khí. Không có bằng chứng cho thấy Ebola lây lan qua ho hoặc hắt hơi. Ebola có thể lây lan qua những giọt chất tiết lớn, nhưng chỉ khi bệnh nhân đang bị bệnh rất nặng. Đó là lý do tại sao nhân viên bệnh viện phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân khi chăm sóc bệnh nhân Ebola để giữ an toàn.

6. Dịch Ebola không ảnh hưởng đến sự an toàn của việc đi lại bằng đường hàng không.

7. Ebola chỉ lây lan từ người này sang người khác sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Các triệu chứng của Ebola xuất hiện vào khoảng 2-21 ngày (trung bình 8-10 ngày) sau khi tiếp xúc với virut. Người bị nhiễm Ebola không thể lây bệnh cho người khác cho đến khi khởi phát các triệu chứng.

8. Bạn không thể nhiễm bệnh Ebola từ một cái bắt tay hoặc một cái ôm. Ebola lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của một người bị bệnh Ebola hoặc tiếp xúc với thi thể người chết do bệnh Ebola.

 

Linh Đan
(Nguồn: CDC - Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang