Tại Hội nghị, GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao 23,8% và thể nhẹ cân là 13,4%, đồng thời có sự khác biệt giữa các vùng miền, khu vực; tỷ lệ thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy có đến 57,2% số người trưởng thành (18-69 tuổi) ăn ít rau/trái cây (tức là ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày – theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới); mức tiêu thụ muối hiện nay của người Việt Nam cao gấp 2 lần mức khuyến nghị; có đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực (tức là có <150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình trên tuần hoặc tương đương).
Để thực hiện các mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân mà Đảng và Nhà nước đã đề ra và triển khai có hiệu quả các giải pháp can thiệp của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển với chủ đề “Thực hiện dinh dưỡng ngay hôm nay giúp cải thiện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống ngày mai”. Hoạt động của Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển tập trung vào các nội dung: Chăm sóc dinh dưỡng sớm, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi: định kỳ thường xuyên theo dõi tăng trưởng và phát triển; sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, ăn uống đầy đủ, cân đối và hợp lý cho bữa ăn gia đình; biết cách lựa chọn, chế biến và sử dụng nguồn thực phẩm an toàn sẵn có tại gia đình và địa phương; thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường tiêu thụ rau xanh/quả chin và thường xuyên vận động thể lực để phòng chống bệnh mạn tính không lây, thừa cân/béo phì, suy dinh dưỡng thấp còi nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống người Việt Nam; chăm sóc dinh dưỡng sớm cho trẻ vị thành niên và trẻ thành niên, phụ nữ có thai, uống bổ sung viên sắt/acid folic để phòng chống thiếu máu; tổ chức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình và người lao động; ăn uống đa dạng, đầy đủ và cân đối theo nhu cầu lứa tuổi; thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho người cao tuổi, học sinh, phụ nữ và trẻ em về chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn giảm muối, tăng cường hoạt động thể lực.
PV