Diễn tập phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi vừa có cảng đường biển, vừa có đường hàng không quốc tế thường xuyên tiếp đón nhiều du khách và hàng hoá vận chuyển đến từ các nước trên thế giới, trong đó có nhiều hành khách đến từ các nước Châu Phi. Mặc dù đến nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh do vi rút Ebola, song với vị trí địa lý như trên, Thành phố Hồ Chí Minh luôn phải cảnh giác cao độ trong hoạt động giám sát dịch bệnh này trên địa bàn.
* Tăng cường giám sát
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 21/11/2014, thế giới đã ghi nhận 15.417 trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola, trong đó, đã có 5.508 trường hợp tử vong. WHO cũng ghi nhận 596 nhân viên y tế mắc Ebola và 345 trường hợp trong số này đã tử vong. Ở ngoài Châu Phi, Ebola cũng đã được phát hiện ở Tây Ban Nha và Mỹ. Đến nay, diễn biến của dịch bệnh này vẫn đang ngoài tầm kiểm soát của ngành y tế thế giới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Ebola và nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam qua đường du lịch, lao động xuất khẩu…, cuối tháng 10 vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có công văn gửi các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh này trên địa bàn.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Y tế thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ các quốc gia vùng dịch châu Phi theo tình huống 1 (chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam); sẵn sàng hành động đáp ứng với tình huống 2 (xuất hiện ca bệnh xác định xâm nhập vào Việt Nam). Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola, áp dụng đầy đủ, đúng quy trình giám sát, xử lý theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Ebola; đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe đối với những người nhập cảnh từ các nước vùng dịch bệnh do vi rút Ebola cư trú trên địa bàn thành phố, trong vòng 21 ngày.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế trang bị đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế để tránh lây dịch bệnh cho cán bộ y tế và các bệnh nhân khác trong bệnh viện. Bên cạnh đó, kiện toàn các đội chống dịch, đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết và tổ chức thường trực chống dịch theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, khu vực cách ly để có thể triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Công an Thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát và theo dõi tình hình sức khỏe đối với người nhập cảnh đến lưu trú trên địa bàn tại các khách sạn, hộ gia đình, nhất là người nước ngoài trong thời gian 21 ngày tính từ ngày rời các nước vùng dịch theo quy định.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, tại cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 4 máy đo thân nhiệt để thực hiện giám sát tất cả hành khách trên các chuyến bay. Bên cạnh đó, từ ngày 11/8/2014, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thành phố phối hợp với Công an cửa khẩu thực hiện sàng lọc và khai tờ khai y tế đối với toàn bộ hành khách trong vòng 21 ngày có đến, lưu trú tại các quốc gia có dịch bệnh theo khuyến cáo WHO. Tính đến nay, có 5 hành khách phải nhập viện cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh do có một số dấu hiệu nghi ngờ mắc Ebola, tuy nhiên tất cả đều được chẩn đoán xác định không phải là Ebola. Hầu hết các trường hợp này đều được phát hiện thông qua hệ thống giám sát thân nhiệt ở cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất.
* Phát hiện sớm ca bệnh từ cơ sở điều trị
Để giám sát diễn tiến sức khoẻ những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh do vi rút Ebola, qua tờ khai y tế, hệ thống y tế dự phòng sẽ biết được thông tin dịch tễ liên quan như: địa chỉ tại Việt Nam, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ khác trong thời gian lưu trú, làm việc tại Việt Nam.
Theo một đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận 1, thông thường sau khi nhận được thông tin về số lượng hành khách mới từ các quốc gia có dịch bệnh do vi rút Ebola đến sinh sống và làm việc tại địa bàn từ Sở Y tế cũng như Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, đơn vị sẽ thực hiện việc theo dõi, giám sát diễn tiến sức khoẻ của các trường hợp này trong vòng 21 ngày sau khi về tới Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết những người này sợ bị theo dõi nên chỉ giám sát được rất ít người. Với tình hình này, nếu thực sự có dịch bệnh xảy ra thì công tác kiểm soát dịch bệnh sẽ không thể thực hiện được.
Trước tình trạng trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Công an Thành phố yêu cầu phối hợp trong việc giám sát một số trường hợp khi cần thiết. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố cũng đề nghị các đơn vị y tế tăng cường thông tin truyền thông về tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola, các triệu chứng và thông tin điều trị… ở các khu vực cảng cửa khẩu, cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, các đơn vị cần lưu ý thông tin tuyên truyền không được thổi phồng quá mức, tránh tình trạng người dân lo lắng thái quá.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đa số dịch bệnh mới nổi như SARS, các chủng cúm A trước đây và nay là dịch bệnh do vi rút Ebola thì thông tin thu thập từ tuyến kiểm dịch chỉ mang tính tương đối. Vì vậy, ngoài việc tăng cường giám sát ở cộng đồng và kiểm dịch ở các cửa khẩu cảng quốc tế thì hiện nay ngành Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở điều trị đặc biệt lưu ý, đẩy mạnh việc phát hiện sớm ca bệnh.
Do Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương mà vi rút Ebola có nguy cơ xâm nhập cao theo đường hàng không nên ngay sau khi có trường hợp cách ly đầu tiên, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã thực hiện giám sát công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola tại cửa khẩu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây, một tình huống giả định đặt ra để các lực lượng chức năng sẵn sàng ứng phó khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola ở khu vực ga quốc tế đến của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã lưu ý trong trường hợp khi có tình huống xấu xảy ra, ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Sở Y tế thành phố cần có kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến. Các Trung tâm Y tế quận huyện gần khu vực cảng hàng Tân Sơn Nhất như quận Tân Bình và Bình Tân phải có khoa cách ly và có kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có thông báo; đồng thời phối hợp với các trạm y tế xã, phường theo dõi các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan ở cộng đồng.
Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài xe vận chuyển các ca có dấu hiệu liên quan đến bệnh do vi rút Ebola của y tế cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất từ sân bay về Bệnh viện Nhiệt đới, còn có Trung tâm cấp cứu 115 thành phố tham gia việc vận chuyển các ca bệnh. Tuy nhiên, để chủ động, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện quận, huyện cũng sẵn sàng phương tiện vận chuyển và thiết bị bảo hộ khi phát hiện ca bệnh ở cộng đồng và bệnh viện./.
Nơi kiểm tra tờ khai y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất
Bài, ảnh: Hứa Thị Chung
Phóng viên TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh