Làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế, về phía tỉnh Tây Ninh có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, lãnh đạo Sở Y tế, Ban chỉ đạo công tác Dân số của tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Một trong những nội dung Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dành nhiều quan tâm trong buổi làm việc là mô hình tổ chức và nhân lực làm công tác dân số, trong đó có “vấn đề chế độ phụ cấp đặc thù nghề đối với cán bộ dân số”. “Các đồng chí đã giải thích rõ và nêu rõ các định hướng của tỉnh Tây Ninh về công tác DS-KHHGĐ, tuy nhiên trong chuyến đi thực tế tại huyện Châu Thành, đoàn công tác của Bộ Y tế đã gặp và trò chuyện với nhiều cán bộ chuyên trách làm công tác dân số. Đoàn đã nghe rất nhiều tâm tư về vấn đề sáp nhập dân số ở tuyến xã và tuyến huyện vào trung tâm y tế”- Thứ trưởng nói.
Cán bộ dân số phải làm kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ y tế khác
Theo đó, trước đây, cán bộ dân số tuyến xã trực thuộc UBND xã quản lý và họ làm công tác tham mưu cho xã thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ; còn tại tuyến huyện có Trung tâm Dân số-KHHGĐ riêng, và cán bộ dân số chỉ tâp trung đúngchuyên môn công tác này, tham mưu đầy đủ về công tác dân số, hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo công việc. Thời điểm này, không có việc cán bộ dân số đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi nghề từ 30% lên 40%. Từ khi sáp nhập theo hướng cán bộ dân số xã vào trạm y tế xã, còn ở tuyến huyện vào trung tâm y tế huyện, đội ngũ cán bộ dân số này phải đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác như một cán bộ y tế. Họ không chỉ đơn thuần làm công tác dân số như trước đây nữa.
Vậy câu hỏi đặt ra là nhiệm vụ nào chính, nhiệm vụ nào phụ đối với họ? Và xác định vị trí việc làm của họ thế nào? Chính vì thế đội ngũ cán bộ dân số này rất tâm tư, bức xúc, từ đó đẩy lên vấn đề liên quan đến Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Theo Thứ trưởng, Sở Y tế Tây Ninh đã tập hợp ý kiến của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và đã gửi về Bộ Y tế, nhưng đề nghị Sở Y tế nghiêm túc nghiên cứu lại các chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ về vấn đề phụ cấp ưu đãi nghề, làm thế nào để thực hiện đúng chủ trương và phải xem xét, sắp xếp lại vị trí việc làm của cán bộ dân số phù hợp.
“Phải xác định rõ nhiệm vụ nào là chính, thực hiện thường xuyên liên tục, để bảo đảm các chính sách phụ cấp ưu đãi nghề đúng, không để tình trạng cán bộ dân số hưởng phụ cấp 30% nhưng lại phải thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác y tế dự phòng thường xuyên liên tục, hàng ngày, trong khi có những vị trị thực hiện chuyên trách y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng làm nhiệm vụ tương tự lại được hưởng phụ cấp 40%. Như vậy là thiệt thòi cho cán bộ làm công tác dân số. Đây là do việc sắp xếp và thực hiện vị trí việc làm của địa phương chứ không phải do chính sách từ Trung ương”- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Khẩn trương kiện toàn ổn định tổ chức của đội ngũ làm công tác dân số
Bày tỏ thông cảm với đặc thù và khó khăn liên quan đến vấn đề biên chế của ngành y tế Tây Ninh, tuy nhiên để giải quyết tâm tư và xác định đúng vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các Sở, Ban ngành liên quan cần phối hợp để nhanh chóng có xác định đúng vị trí việc làm của đội ngũ này. Cùng đó, tỉnh cũng nghiên cứu khẩn trương kiện toàn ổn định tổ chức của đội ngũ làm công tác dân số để thực hiện hiệu quả công việc theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tỉnh Tây Ninh căn cứ khả năng cân đối ngân sách, rà soát để triển thực hiện các chế độ cho công tác dân số, cán bộ làm công tác dân số.
“Chúng tôi luôn sát cánh cùng địa phương để giải đáp, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách và các vấn đề liên quan đến chính sách y tế do các bộ, ban ngành khác đảm nhiệm, nhưng mỗi địa phương cũng cần khẩn trương kiện toàn cơ cấu tổ chức, xác định đúng vị trí việc làm về thực hiện công tác dân số trên địa bàn. Trong quá trình triển khai, tỉnh Tây Ninh tiếp tục tập hợp các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn vượt thẩm quyền giải quyết gửi về Bộ Y tế, để Bộ Y tế tập hợp phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo, đề xuất với Chính phủ có những tháo gỡ, chỉ đạo phù hợp”- Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế nghiên cứu, rà soát về vấn đề chức danh nghề nghiệp. Ví dụ đội ngũ cán bộ dân số làm thêm một số công việc về y tế khác thì xác định chức danh thế nào, hoặc có được cộng thêm các phụ cấp khác, ưu đãi nghề thế nào. “Tất nhiên vấn đề này phải được sự ủng hộ của Bộ Nội vụ”- Thứ trưởng nói.
Thông tin về Nghị quyết của Quốc hội trong việc giám sát chuyên đề về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện chính sách pháp luật về y tế dự phòng, y tế cơ sở có rất nhiều nội dung liên quan đến công tác dân số, trong đó nêu y tế dự phòng sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, có cả công tác dân số, Thứ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế rà soát, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ về vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức của công tác dân số thuộc lĩnh vực y tế dự phòng để có sửa đổi chế độ phụ cấp cho phù hợp.
Theo báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác DS- KHHGĐ thời gian qua, để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác dân số góp phần từng bước đạt mục tiêu theo nghị quyết 21-NQ/TW. Những năm vừa qua, Tây Ninh gặp nhiều khó khăn, không chỉ thiếu nhân lực làm công tác y tế mà còn thiếu nhân lực thực hiện công tác dân số ở các cấp. Bên cạnh đó, kinh nghiệm chuyên môn để nghiên cứu, tham mưu thực hiện công tác dân số trong tình hình mới của cán bộ địa phương cũng còn hạn chế. Mặc dù vậy, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Tây Ninh đã hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch được giao như: tỷ lệ sinh thô, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Tuy nhiên, với mức sinh thấp chỉ đạt 1,8 con/phụ nữ vào năm 2022, trong tương lai sẽ để lại hệ quả xấu như tỷ lệ già hoá, tác động đến chương trình an sinh xã hội. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao những nỗ lực của Tây Ninh trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân thời gian qua. Đối với lĩnh vực DS-KHHGĐ, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Tây Ninh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh triển khai các nhiệm vụ được giao để bảo đảm công tác dân số. Thư trưởng cũng nhấn mạnh, tỉnh Tây Ninh cần đặc biệt chú trọng đến tỷ lệ sinh đang ở mức thấp so với nhu cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Theo Thứ trưởng, công tác DS-KHHGĐ phải có sự phối hợp của tất cả các sở, ban, ngành. Bộ Y tế với vai trò tham mưu cũng ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về công tác dân số trong tình hình mới từ tổ chức, nhân lực đến vấn đề về chính sách và hướng dẫn về chuyên môn. Đề nghị Tây Ninh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về DS-KHHGĐ để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 21, kế hoạch hành động của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trong công tác dân số, bảo đảm thực hiện đủ, đạt các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, đặc biệt thực hiện đầy đủ 42 chương trình, đề án đã đặt ra. Rà soát kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Tăng cường, thường xuyên họp Ban Chỉ đạo, trao đổi, cung cấp thông tin, tham mưu đầy đủ cho lãnh đạo tỉnh, cấp uỷ Đảng, HĐND hỗ trợ, tạo điều kiện giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Tổ chức các tổ công tác liên ngành chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn công tác dân số trong tỉnh. |
Trung tâm Truyền thông - GDSK Trung ương