Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2023 với việc ghi nhận tình hình dịch bệnh tại Việt Nam diễn biến phức tạp như nhận định đầu năm của ngành Y tế, với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi tạo tác động đối với sức khoẻ cộng đồng, đáng chú ý như: Đối với COVID-19, Việt Nam đã gỡ bỏ tình trạng y tế công cộng toàn cầu, bệnh đã được Bộ Y tế xếp thành bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tuy nhiên, COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới với sự xuất hiện liên tục của các biến thể vào cuối năm nay, ngay thời điểm tổ chức Hội nghị này, toàn cầu đã ghi nhận sự gia tăng trường hợp mắc mới.
Ngoài ra năm nay ghi nhận sự tái bùng phát bệnh tay chân miệng, căn nguyên chính cũng là do chủng EV71. Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở nhóm nguy cơ cao tại Việt Nam và cúm gia cầm độc lực cao (cúm A/H5N1) đã liên tục phát hiện ở Campuchia. Mặt khác, các bệnh truyền nhiễm khác ở miền Nam mặc dù đã giảm so với năm 2022, song vẫn xảy ra ổ dịch rải rác và tử vong ở cộng đồng như: bệnh dại, sốt xuất huyết và HIV/AIDS.
Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung cho rằng: Năm nay tiếp tục đánh dấu 1 năm nỗ lực không ngừng ở tất cả các tuyến, các đơn vị trong và ngoài ngành Y tế trong nỗ lực kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Ngành Y tế địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch với các phương án ứng phó cụ thể bám sát thực tế với nguồn lực từ địa phương là nòng cốt. Ngành Y tế đã tổ chức đào tạo liên tục về bệnh truyền nhiễm cho nhân viên y tế công lập và ngoài công lập cũng như bao quát cả mảng nội dung điều trị lẫn dự phòng. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã tổ chức các đoàn công tác chỉ đạo tuyến gần như xuyên suốt các tháng trong năm, luôn kịp thời tại các điểm nóng, nguy cơ cao bùng phát để kiểm soát sớm…
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ được nghe 6 báo cáo tham luận đến từ một số đơn vị trong ngành Y tế như: “Tình hình bệnh truyền nhiễm và hoạt động giám sát phòng, chống tại khu vực phía Nam năm 2023” của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; “Hoạt động chỉ đạo tuyến về điều trị bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng” của Bệnh viện Nhi đồng 1; “Bài học kinh nghiệm trong chẩn đoán phát hiện bệnh đậu mùa khỉ và công tác hỗ trợ tuyến cơ sở” của Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Qua các báo cáo, ý kiến thảo luận cho thấy các bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn tiếp tục được ghi nhận. Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 sắp tới, đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, hoạt động như sau:
Chủ động tham mưu, trình Hội đồng nhân dân, UBND các cấp về ban hành các chính sách thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Trong đó đặc biệt chú trọng việc về kinh phí, định mức chi cho hoạt động phòng chống dịch và mua sắm tại mỗi địa phương;
Sở Y tế cần đầu tư hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng hoạt động thống kê báo cáo. Có giám sát mới phát hiện kịp thời ca bệnh để đáp ứng;
Sở Y tế cần xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực và kinh phí;
Phối hợp với các đơn vị trong hệ thống y tế để thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế các tuyến bao gồm cả liên ngành Thú y, Quân Y và Y tế ngành, đặc biệt là với các vấn đề, yếu tố mới phát sinh trong thực tế;
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch trong cộng đồng để từ đó gắn hoạt động phòng chống dịch là công việc thường xuyên, liên tục của mỗi người dân và các cấp chính quyền, đoàn thể.
Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các nội dung để Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12 tới.
Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ Trung ương