Tin học hóa trong khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế
Ứng dụng tin học nhằm minh bạch quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), ngăn chặn việc lợi dụng, lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT…, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đang dần được hiện thực hóa tại TP Hải Phòng.
Từ tháng 4-2015, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hải Phòng cùng Sở Y tế và Tập đoàn FPT phối hợp triển khai chương trình tin học hóa trong quản lý khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán BHYT theo chỉ đạo của Chính phủ. Chỉ sau hai tháng triển khai, Hải Phòng đã hoàn thành kết nối liên thông dữ liệu KCB BHYT tại 100% số trạm y tế và y tế cơ quan có KCB BHYT, 100% số cơ sở KCB BHYT tuyến thành phố và 97% số cơ sở tuyến quận, huyện. Việc thực hiện chương trình tin học hóa này bước đầu đã giúp cho việc tổng hợp số liệu, chi phí KCB BHYT của từng cơ sở, từng người bệnh được nhanh chóng, việc giám định tự động bước đầu được thực hiện…
Giám đốc BHXH TP Hải Phòng Nguyễn Ngọc Toan cho biết, với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Tập đoàn FPT, một phần mềm quản lý KCB và thanh toán BHYT được xây dựng. Phần mềm này đã kết nối được với mạng lưới tin học hiện tại của các cơ sở KCB trên địa bàn hiện đang sử dụng. Thông qua việc kết nối này, cơ quan BHXH bước đầu xây dựng được cơ sở dữ liệu về KCB BHYT tập trung, nhằm quản lý, khai thác được các thông tin liên quan mọi lúc, ở mọi cơ sở KCB trên địa bàn. Khi máy tính kết nối in-tơ-nét, cán bộ quản lý BHXH đều có thể kiểm tra số liệu, chi phí của tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn, thậm chí có thể kiểm tra thông tin, chi phí KCB BHYT của từng người bệnh… Trước đây, những thông tin này phải chờ đến cuối từng quý. Nay, mọi dữ liệu, thông tin trên đều có thể cập nhật từng ngày. Đây là một trong những điểm ưu việt, không chỉ phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, mà còn tạo thuận lợi cho cả cơ quan BHXH và các bệnh viện. Bởi quá trình thanh toán, quyết toán BHYT sẽ nhanh hơn, sự minh bạch trong giám định, thanh toán BHYT cũng sẽ tạo điều kiện để hai cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý KCB BHYT.
Phó Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH TP Hải Phòng) Nguyễn Thị Kim Thanh nhận xét, phần mềm quản lý KCB BHYT đem lại nhiều tiện ích. Việc ứng dụng CNTT này đã hình thành mô hình ứng dụng quản lý tập trung cơ sở dữ liệu giữa cơ sở KCB có đăng ký KCB BHYT và BHXH, thuận tiện cho việc giám định và là công cụ hỗ trợ trực tiếp và tích cực cho công tác giám định, thanh toán, quyết toán BHYT một cách nhanh chóng, chính xác, giảm thời gian, công sức và chi phí so với trước đó… Phần mềm KCB có công cụ hỗ trợ việc phân loại, cảnh báo các hồ sơ thanh toán chi phí KCB một cách tự động, thực hiện được việc chuẩn hóa các danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc và vật tư y tế áp dụng thống nhất trên toàn thành phố...
Sau một thời gian triển khai, việc xây dựng phần mềm phục vụ việc kê khai, giám định BHYT trực tuyến đã dần hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Hiện, 44 trạm y tế xã và y tế cơ quan tham gia KCB BHYT, 20 cơ sở KCB tuyến thành phố, 31 cơ sở y tế tuyến quận, huyện và tương đương trên địa bàn đều đã cài đặt phần mềm, thực hiện kết nối hệ thống dữ liệu quản lý KCB BHYT. Đồng thời, 8/9 phần mềm Quản lý bệnh viện của các đơn vị cung cấp phần mềm khác nhau trên địa bàn thành phố cũng đã được kết nối thành công.
Tuy nhiên, việc kết nối dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB cũng đang vấp phải những vướng mắc do nhiều cơ sở y tế KCB BHYT không thống nhất đưa ra chuẩn dữ liệu phù hợp với hệ thống, hạ tầng CNTT giữa các cơ sở có sự chênh lệch, yếu tố thiết bị, đường truyền in-tơ-nét, nhân lực và trình độ tiếp cận thông tin, nhất là vùng sâu, vùng xa, hải đảo… cũng cần phải có thời gian, sự đầu tư và chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT là bước tiến mới thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT. Điều đó không chỉ tạo thuận lợi cho nhà quản lý, các cơ sở y tế, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT, ngăn chặn các hành vi lợi dụng, lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT đã từng xảy ra trong thời gian qua. Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện BHYT toàn dân và thực hiện thông tuyến KCB BHYT tuyến huyện nội tỉnh từ đầu năm 2016, thông tuyến KCB trên toàn quốc từ năm 2021. (Nhân dân trang 5)
Thận trọng khi cổ phần hóa bệnh viện
Bệnh viện Giao thông vận tải chính thức được thí điểm cổ phần hóa bằng việc thực hiện xong bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Nhưng từ đây đã hình thành hai luồng quan điểm khác nhau, người thì khẳng định cổ phần hóa là tốt, ý kiến khác cho rằng không nên cổ phần hóa các cơ sở y tế.
Cổ phần hóa được coi là giải pháp thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm quản lý, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... tạo điều kiện đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ở đó môi trường làm việc mang tính cạnh tranh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao tay nghề chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên cổ phần hóa bệnh viện công, mà nên khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng bệnh viện hay phối hợp công tư trong cung cấp dịch vụ y tế. Cổ phần hóa là tư nhân hóa, lợi nhuận sẽ là mục tiêu chính, khi đó người nghèo sẽ khó tiếp cận dịch vụ y tế. Tại nhiều nước trên thế giới, bệnh viện công là xương sống trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội về chăm sóc sức khỏe, phải do nhà nước nắm giữ để bảo đảm phục vụ đại đa số người dân với giá dịch vụ có kiểm soát, có sự hỗ trợ từ nhà nước. Bệnh viện nhà nước còn là cơ sở đi đầu trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cao, phòng, chống dịch bệnh… Những lĩnh vực đó có chi phí lớn, lại không thu được lợi nhuận nên các bệnh viện tư nhân “ngại” tham gia. Hơn nữa, những bệnh viện đầu ngành không chỉ phát triển kỹ thuật mũi nhọn mà còn làm công tác chỉ đạo, đào tạo để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới.
Cổ phần hóa bệnh viện để thu hút thêm nguồn lực, đầu tư cho các bệnh viện mua sắm trang, thiết bị, kỹ thuật phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng cho bệnh viện vay không thiếu; trong khi đó, giá dịch vụ y tế chuẩn bị được điều chỉnh, góp phần cải thiện cơ sở vật chất, cho nên không nhất thiết phải cổ phần hóa.
Quan điểm của ngành y tế là không mặn mà, thậm chí nói không với việc cổ phần hóa bệnh viện. Ngành đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện, cơ chế để các bệnh viện công lập giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm các nhiệm vụ, các lĩnh vực mà tư nhân không hoặc ít có điều kiện tham gia, còn y tế ngoài công lập đóng vai trò bổ sung, phục vụ các đối tượng có khả năng chi trả, tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Như vậy, cần hết sức thận trọng, có chăng cũng chỉ nên cổ phần hóa các bệnh viện ngành, hoặc những bệnh viện hoạt động kém hiệu quả. (Nhân dân trang 5)
Thực phẩm bẩn vẫn đổ về Hà Nội hàng ngày
Hầu hết thực phẩm từ các tỉnh, TP đưa về Hà Nội tiêu thụ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, với gần 10 triệu dân, mỗi ngày Hà Nội cần tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau quả các loại… Tuy nhiên, sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 69% nhu cầu thịt, 32% nhu cầu cá, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại. Gần 30% còn lại là nhập từ các tỉnh, thành khác về.
Hầu hết thực phẩm từ các tỉnh, TP đưa về Hà Nội tiêu thụ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, trong 10 tháng của năm 2015, các cơ quan chức năng đã lấy 437 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chợ đầu mối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận để giám sát chất lượng ATTP. Hà Nội lấy 192 mẫu, các tỉnh, thành phố khác lấy 245 mẫu.
Kết quả phân tích 356/437 mẫu, đã phát hiện 2/39 mẫu chè (5,12%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tồn dư kim loại nặng vượt ngưỡng tối đa cho phép; 2/95 mẫu cá (2,1%) có dư lượng chất cấm; 2/42 mẫu (4,76%) rau có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng giới hạn cho phép trong khi năm 2014 chỉ tiêu này chỉ là 2,72%. 17/101 mẫu thịt (16,83%) phát hiện Salmonella. Đáng chú ý có 5/55 mẫu thịt lợn (9,1%) phát hiện dư lượng chất cấm tạo nạc Salbutamol.
“Những mẫu thịt dương tính với Salbutamol có nguồn gốc từ Hải Dương và Bắc Ninh. Việc phát hiện dư lượng Salbutamol và Sulfadimidine trong các mẫu lợn, Enrofloxacin trong thịt gà chứng tỏ người chăn nuôi vẫn lạm dụng chất tạo nạc và kháng sinh để kích thích tiêu hóa, tăng trưởng trong chăn nuôi”, ông Giang khẳng định.
Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng đã chủ động lấy 302/480 mẫu nông sản (rau, thịt) để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP. Kết quả phân tích 203/302 mẫu, cụ thể 17,9% mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép, 38% mẫu thịt phát hiện Salmonella, 1/9 mẫu thịt có dư lượng chất cấm Salbutamol có nguồn gốc tại Hưng Yên. Sau khi có kết quả phân tích mẫu thực phẩm, Hà Nội đã truy xuất nguồn gốc, thông báo cho cơ quan chức năng các tỉnh, TP để có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời.
Ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La nhận xét, là một địa phương cung cấp lượng rau, củ, quả khá lớn cho Hà Nội, sản lượng rau, củ sản xuất tại Mộc Châu chỉ có 20% tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, còn lại là đưa về Thủ đô.
Ông Cường cũng thừa nhận có tình trạng trà trộn rau bẩn vào rau sạch để bán về Hà Nội. “Chúng tôi đã nhận được thông báo của các cơ quan chức năng Hà Nội về một số mẫu rau sản xuất tại Mộc Châu không đảm bảo ATTP. Chúng tôi đã truy xuất, tất cả các hộ dân đều có sản xuất rau an toàn, nhưng do nhu cầu tiêu thụ đầu Hà Nội lớn, lượng rau của Hợp tác xã không đáp ứng đủ nên bà con đã thu mua thêm rau ở bên ngoài vào”. Ông Cường cho rằng, thời gian phân tích mẫu, thông báo vi phạm cho cơ quan chức năng Sơn La hơi muộn, nên việc truy xuất nguồn gốc, xử lý gặp khó khăn. “ Chưa kể, rau, củ quả bà con sản xuất theo mùa vụ. Nên khi phía đầu Hà Nội có thông báo kết quả vi phạm thì số rau, củ ấy cũng đã bán và tiêu thụ hết ra thị trường”.
Ngay tại Hà Nội, tình trạng nông dân trà trộn rau không rõ nguồn gốc vào rau an toàn bán cũng xảy ra khá phổ biến. Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số hợp tác xã trà trộn rau thu mua ở chợ đầu mối vào làm rau an toàn.
“Một số bếp ăn tập thể, trường học qua kiểm tra đã phát hiện, chỉ ký hợp đồng cung ứng rau an toàn làm phép, để đối phó, còn lại vẫn mua rau tại các chợ đầu mối đưa vào sử dụng”, ông Lộc cung cấp thêm dẫn chứng.
Để giảm thiểu tình trạng thực phẩm bẩn gắn mác sạch bán cho người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Đắc Lộc, các tỉnh, TP cần xây dựng những chuỗi sản xuất, sơ chế, phân phối có chỉ dẫn địa lý để có thể truy xuất khi có sự cố xảy ra, xử lý đúng việc, đúng tội. Bên cạnh đó, cần xây dựng và giữ thương hiệu thực phẩm sạch. Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu càng khó hơn.
Ông Nguyễn Đắc Lộc nêu dẫn chứng đáng buồn: “Gà đồi Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), đã xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ nhưng lại không phát huy hiệu quả. Qua kiểm tra, gà đồi Yên Thế được bày bán phổ biến ở Hà Nội, như chợ Hà Vỹ giá chỉ từ 50.000 đồng-55.000 đồng/kg, tương đương với gà bình thường, không thương hiệu”. Vì vậy, quan trọng vẫn là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, và Hà Nội cần có thêm nhiều biện pháp siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất đến lưu thông và tới tay người tiêu dùng. (Công an Nhân dân trang 4)
Tạm đình chỉ nhân viên bệnh viện xem phim trong giờ làm việc
Liên quan đến thông tin được bệnh nhân phản ánh trên mạng xã hội facebook, về việc 1 nữ nhân viên bộ phận thu viện phí xem phim trong giờ làm việc, ngày 17/11, Ban Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đã nhanh chóng tiếp thu ý kiến bệnh nhân, tạm đình chỉ công việc của nhân viên Trần Thị Thanh Thủy ở quầy thu viện phí, đồng thời yêu cầu nhân viên này viết tường trình về vụ việc.
Trước đó, ngày 16/11, Lê Kim Bách Khoa đã đăng tải lên trang facebook cá nhân hình ảnh nữ nhân viên thu viện phí trên của bệnh viện xem phim trong giờ làm việc. Những hình ảnh này được chị Hoàng Quỳnh My (em họ anh Khoa, ngụ tại Đắc Lắc) chụp lại khi đưa ba đi khám bệnh tại bệnh viện sáng cùng ngày.
Qua kiểm tra và xác minh, bệnh viện Chợ Rẫy nhận thấy nhân viên Thủy đã vi phạm quy chế của bệnh viện nên đã nhanh chóng xử lý nhân viên của mình.
TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã chân thành cảm ơn những phản ánh kịp thời của bệnh nhân, đồng thời cũng cho biết, Ban giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy luôn kịp thời lắng nghe những tâm tư, tình cảm, bức xúc của bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện.
Mọi phản ánh của bệnh nhân sẽ được tiếp nhận và xử lý nhanh chóng qua đường dây nóng của bệnh viện: 0908539607 hoặc 08 39 557 114. (Công an Nhân dân trang 5)
Đường dây nóng tiếp nhận thông tin vi phạm về thực phẩm
Trước tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật, đặc biệt việc sử dụng chất cấm, hoá chất ngoài danh mục cho phép gia tăng ở mức báo động, Bộ NN&PTNT vừa công bố Đường dây nóng nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin của nhân dân phản ánh về các hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi phát hiện các hành vi nêu trên, có thể liên hệ qua đường dây nóng theo số điện thoại: 08042526 hoặc 0917808113, gửi qua thư điện tử theo địa chỉ: thongtinvipham@mard.gov.vn.
Nhân dân cũng có thể liên hệ trực tiếp với Thanh tra Bộ NN&PTNT (Địa chỉ: Tầng 3, nhà B6, số 2 phố Ngọc Hà, Ba Đình, TP Hà Nội). Các tổ chức, cá nhân khi cung cấp thông tin tố giác về dấu hiệu, hành vi vi phạm sẽ được giữ bí mật danh tính theo quy định của pháp luật. Khi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm sẽ được thưởng theo quy định. (Công an Nhân dân, An ninh Thủ đô trang 7)
Cảnh báo trẻ đau dạ dày do học nhiều, ăn vội
Các bác sĩ nhi khoa cảnh báo, tình trạng trẻ em bị bệnh dạ dày đang gia tăng. Nguyên nhân được chỉ ra là do học tập căng thẳng, thức khuya, ăn uống không điều độ. Đáng nói là nhiều trẻ viêm loét dạ dày nhập viện trong tình trạng muộn do bệnh tiến triển rất nhanh.
Tại phòng khám tiêu hóa (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư), bác sĩ xác định bệnh nhi N.T.H (7 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị viêm loét dạ dày. Chị Hạnh, mẹ bệnh nhân cho biết nửa tháng nay thấy con hay kêu đau bụng, thi thoảng buồn nôn hoặc nôn.
Cứ nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa nên chị Hạnh mua men tiêu hóa về cho con uống, nhưng tình trạng bệnh của bé có dấu hiệu nặng lên. Kết quả khám lâm sàng và nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện bé H. bị viêm loét dạ dày và chỉ định cho uống 3 loại thuốc.
Trường hợp khác là bệnh nhi Tr.V.Ch (ở Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì bị xuất huyết dạ dày với khối lượng máu lên tới gần 1 lít. Mẹ bệnh nhân cho biết khoảng 3 tuần trước đó thấy con kêu đau bụng âm ỉ, nghĩ con bị giun nhiều nên mua thuốc tẩy giun cho bé uống. Các cơn đau không giảm mà còn tăng lên đến mức phải nhập viện. Các xét nghiệm cho thấy bé bị xuất huyết dạ dày nặng.
Trẻ bị đau dạ dày do căng thẳng, lo âu cũng là điều không hiếm gặp hiện nay. Chị Hạnh cho biết thấy các bạn cùng lớp con học thêm nhiều nên chị cũng cho bé học thêm mấy môn. Chị Hạnh nghĩ đơn giản, đã học thì phải ăn để đảm bảo sức khỏe, vì thế một ngày của bé H. hết ăn lại học, học lại ăn. Có những hôm hai ca học gần nhau nên hai mẹ con lại ra quán ăn tạm cái gì đó rồi vào lớp. Thức ăn ngoài quán đã trở nên quen thuộc với cậu bé. Nỗi ám ảnh ăn và học khiến bé H. bị căng thẳng. Nhiều khi chị Hạnh phải dọa nạt, quát mắng để bé ăn cho hết suất.
Ở trẻ em, thường cơn đau diễn ra khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị như người lớn nên cha mẹ thường không nghĩ tới việc con mình đau dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Thị Út, Khoa Khám bệnh cho biết, nếu không được điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị. Theo bác sĩ Út, thời điểm giao mùa, nhất là mùa thu sang đông, tỷ lệ trẻ mắc bệnh đau dạ dày cũng tăng lên.
Bác sĩ Bùi Thu Hương, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Vinmec) cho biết, khi bị căng thẳng, trẻ có nguy cơ bị ợ, gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, tức là a-xít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Khoa Nhi đã tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi vào cấp cứu vì viêm loét dạ dày, tá tràng gây chảy máu đường tiêu hóa. Còn tại Bệnh viện Nhi T.Ư, lứa tuổi mắc bệnh dạ dày thường gặp nhất từ 5-10 tuổi. Mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận khoảng 200 trường hợp đến khám và điều trị vì đau dạ dày.
Bác sĩ Dũng cho hay nguyên nhân đầu tiên gây nên bệnh đau dạ dày ở trẻ chủ yếu là do ăn uống. Việc ép con cái ăn nhiều dễ khiến trẻ bị nôn, trớ vì trẻ no, hệ thống tiêu hóa không làm việc kịp dẫn đến đau dạ dày. Ngoài ra trạng thái lo âu, sức ép học tập lớn cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị đau dạ dày. Việc phụ huynh thúc ép trẻ học hành tạo cảm giác căng thẳng, học không vào đầu đối với trẻ, khiến trẻ luôn rơi vào trạng thái lo lắng thái quá dễ dàng dẫn tới những cơn đau bụng tăng dần lên, một biểu hiện ban đầu của bệnh dạ dày.
Bệnh dễ bị bỏ qua
Hiện nay đau dạ dày là bệnh đứng đầu trong các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không nghĩ trẻ có dấu hiệu của bệnh đau dạ dày vì nghĩ chỉ người lớn mới mắc bệnh này. Bác sĩ Bùi Thu Hương cho biết một số trẻ bị đau dạ dày có biểu hiện đau bụng âm ỉ, có khi kéo dài đến vài tháng.
Nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ có các cơn đau cấp tính như đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Ở trẻ em, thường cơn đau diễn ra khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị như người lớn nên cha mẹ thường không nghĩ tới việc con mình đau dạ dày.
Triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh lý dạ dày tá tràng thường không đặc hiệu ở trẻ em. Chủ yếu là đau bụng tái diễn, nôn hoặc buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng khó tiêu. Một số trẻ có biểu hiện loét dạ dày tá tràng sẽ có đau bụng vùng thượng vị khi đói, đau về đêm làm trẻ thức giấc, thiếu máu, nôn máu hoặc đi ngoài phân đen.
Mọi trẻ em đều có thể mắc bệnh lý dạ dày tá tràng. Với bệnh lý do nhiễm khuẩn Hp, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn ở trẻ em tăng dần theo tuổi. Trẻ có thể bị nhiễm ngay từ khi sinh và tỷ lệ nhiễm tăng nhanh trong vòng 10 năm đầu của cuộc đời. (Tiền phong trang 6)
Bệnh viện Việt Đức cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm
Ngày 18-11, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã triển khai hoạt động hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc với khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”. Đây là một trong những bệnh viện đầu tiên trực thuộc Bộ Y tế hưởng ứng và ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
Tại lễ ký kết, đại diện lãnh đạo bệnh viện, các khoa phòng đã tham gia ký cam kết với nội dung: “Bác sĩ kê đơn hợp lý, cán bộ y tế thực hiện tốt quy chế chuyên môn: kê đơn thuốc đúng; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm; sử dụng thuốc an toàn, hợp lý”.
Theo GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa, nơi hàng ngày tiếp nhận và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân thì việc sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn và hiệu quả có ý nghĩa rất to lớn. Sử dụng kháng sinh hợp lý không chỉ giúp cho người bệnh không gặp tình trạng kháng thuốc mà còn giúp người bệnh và bệnh viện tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho điều trị bệnh.
GS,TS Trịnh Hồng Sơn cũng chỉ đạo các phòng ban của bệnh viện phối hợp chặt chẽ với Giám định BHYT kiểm duyệt thuốc theo đúng kháng sinh đồ, mọi cán bộ y tế phải sử dụng kháng sinh có hiệu quả và trách nhiệm.
Hiện nay, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô 1.500 giường và gần 2.000 cán bộ viên chức, do đó, việc sử dụng kháng sinh hợp lý trong các cán bộ y tế là một yêu cầu và trách nhiệm của các cán bộ y tế toàn bệnh viện trong công cuộc phòng chống kháng thuốc. (Nhân dân, Tiền phong trang 6)