Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh: mặc dù các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật ghép tạng, nhưng do nguồn tạng còn thiếu nên mỗi năm, có hàng nghìn người vẫn trong danh sách chờ ghép. Vì thế, việc vận động hiến mô, tạng có ý nghĩa quan trọng để cứu sống thêm nhiều người bệnh. "Hiến tặng mô, tạng không chỉ cứu sống nhiều người bệnh mà còn thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả. Chúng ta, những người làm trong ngành Y tế, cần tiên phong trong phong trào này, không chỉ để lan tỏa thông điệp yêu thương mà còn tạo gương sáng cho toàn xã hội để người dân có niềm tin, kêu gọi mọi người cùng hiến tạng", PGS.TS Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với phong trào này và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để triển khai các hoạt động tuyên truyền hiệu quả. Đặc biệt, theo ông Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam: Cùng với việc tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện, Hội còn tổ chức các hội thảo để nâng cao nhận thức, đóng góp tích cực vào công tác vận động hiến tạng. Hội cũng sẽ phối hợp tổ chức các nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành quả quốc tế vào công tác ghép tạng của Việt Nam…
Đánh giá cao sáng kiến của 3 đơn vị trong việc ký kết tuyên truyền vận động hiến mô, tạng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu: Ba đơn vị ký kết, bên cạnh việc tuyên truyền vận động, cần hướng dẫn cá nhân đăng ký hiến tạng; tập trung tuyên truyền cả người đăng ký hiến lẫn người thân của người đăng ký hiến tạng, để khi điều không may xảy ra là có thể lấy tạng được ngay. “Từ chương trình ký kết phối hợp, ba đơn vị cần có kế hoạch cụ thể, tổ chức sơ kết từng năm, đánh giá lại. Đặc biệt, cần chú ý động viên, tri ân những người hiến tạng, để lan toả phong trào”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, năm 2023 là năm Việt Nam có số ca ghép tạng cao nhất từ trước đến nay với 1.000 ca, nhưng 95% là từ người cho sống, chỉ có 5% người cho chết não, trong khi các nước có từ 80-95% nguồn tạng từ người cho chết não. Tạng của người chết ở Việt Nam chôn vùi trong lòng đất hoặc thiêu thành tro bụi, rất lãng phí, bởi nguồn tạng này có thể cứu được rất nhiều người bệnh bên bờ sinh tử.
Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng cũng thông tin thêm, Bệnh viện Việt Đức ít nhất có 1.000 ca chết não tử vong/năm, đây cũng là bệnh viện vận động hiến tạng sau chết não tốt nhất cả nước, nhưng mỗi năm cũng chỉ có khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Vì vậy, mô hình thành lập tổ tư vấn vận động hiến tạng tại các bệnh viện là rất cần thiết. “Lễ ký kết thể hiện tính tiên phong của Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong việc thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, mang ý nghĩa nhân văn và nhân đạo sâu sắc. Với hơn nửa triệu đoàn viên công đoàn ngành Y tế, chúng ta kỳ vọng số người đăng ký hiến tạng sẽ tăng nhanh so với con số hơn 100.000 người hiện nay”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ hy vọng.
Sự kiện này không chỉ dừng lại ở việc ký kết hợp tác mà còn đánh dấu sự khởi đầu cho chiến dịch đăng ký hiến mô, tạng rộng khắp. Các cán bộ, đoàn viên ngành Y tế được khuyến khích tham gia đăng ký ngay tại buổi lễ và tiếp tục lan tỏa thông điệp này đến đồng nghiệp, bạn bè và người thân.
Theo ký kết, ba đơn vị sẽ phối hợp để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trong cộng đồng như: Tổ chức các lớp đào tạo, hội nghị, hội thảo, tọa đàm... về lĩnh vực hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người hoặc lĩnh vực khác có liên quan; Tổ chức tôn vinh, tri ân, chăm lo cho người hiến sống và gia đình có người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người sau chết/chết não; Vận động, huy động nguồn lực để chăm lo, thăm hỏi, động viên người hiến sống và gia đình có người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người sau chết/chết não và người được hiến tặng; Tham gia xây dựng các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến người lao động ngành Y tế nói chung và đội ngũ thực hiện công tác tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người nói riêng… Mục tiêu cuối cùng ba đơn vị hướng tới là xây dựng một xã hội mà việc hiến tặng mô, tạng trở thành một hành động tự nguyện, được mọi người đón nhận và ủng hộ.
Thời gian qua, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu trong ngành Y tế hiến tạng sau khi qua đời, như nữ điều dưỡng Lộ Thị Thuỳ Linh (Bệnh viện E), đã hiến tạng cứu sống bốn bệnh nhân và được Bộ trưởng Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khoẻ nhân dân". Công đoàn Y tế Việt Nam cũng tặng Bằng khen cho điều dưỡng Lộ Thị Thuỳ Linh để tri ân và lan toả hành động nhân văn trong toàn ngành.
Hoàng Hiền