Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong Nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ nội dung: Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
Quốc hội cũng yêu cầu đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Theo Bộ Y tế, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm thế hệ mới, không chứa nguyên liệu thuốc lá truyền thống, nhưng chúng hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch chứa nicotine hoặc các hương liệu hòa tan trong propylene glycol hoặc glycerin. Trong dung dịch thuốc lá điện tử, ít nhất có 60 hợp chất hóa học, cùng nhiều chất độc hại khác phát sinh trong khói khí mà sản phẩm này tạo ra.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, thuốc lá điện tử có ba nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe: nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Một khảo sát của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đối với 120 bệnh nhân sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy 13,3% mẫu thử dương tính với ma túy. Các chất ma túy được phát hiện trong những mẫu này bao gồm ADB-Butinaca, MDMD-butinaca, ADB-4en-pinaca, MDMB-4en-pinaca, EDMB-4en-pinaca, THC và PB-22.
Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng tăng lên.
Trên cơ sở liên quan đến tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã có rất nhiều báo cáo khoa học, ảnh hưởng tới tim, gan, loạn thần. Trong năm 2023 có 1.234 người điều trị liên quan tới thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Và trong mỗi năm có khoảng 40.000 người/năm mắc bệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe do thuốc lá.
Trên tình hình thực tế cũng như các thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức liên quan đến việc quản lý thuốc lá, thuốc lá nung nóng, tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11/11/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đề nghị Quốc hội đưa ngay nội dung cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8 trước khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được xem xét, sửa đổi trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của thực tiễn và nhanh chóng triển khai các giải pháp bảo vệ người dân, đặc biệt là trẻ em và nếu Nghị quyết của Quốc hội đưa ra cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, sẽ là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe nhân dân.