Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Việt Nam đang chịu đồng thời ba gánh nặng về dinh dưỡng

  • |
T5g.org.vn - Sáng ngày 18/12/2024, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và Chiến lược quốc gia dinh dưỡng năm 2024, định hướng kế hoạch năm 2025 cho 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc. Hội nghị có sự tham gia của nhiều lãnh đạo và cán bộ công tác trong lĩnh vực dinh dưỡng đến từ các tỉnh, cùng đánh giá thành quả của các hoạt động cải thiện dinh dưỡng trong năm qua, cũng như nhận diện khó khăn vướng mắc để cùng tháo gỡ trong thời gian tới.
PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Việt Nam đang chịu đồng thời ba gánh nặng về dinh dưỡng: thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Đến 2023, theo kết quả của Hệ thống giám sát dinh dưỡng toàn quốc, ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ nhẹ cân còn 9,7%, thấp còi 18,2%, gầy còm là 4,4%, trong khi đó thừa cân béo phì đã tăng đến 9,4%.

Để giải quyết các gánh nặng này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2022. Bộ Y tế đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng theo Quyết định 1294/QĐ-BYT ngày 19/5/2022, theo đó phân công cụ thể cho các Vụ, Cục, đơn vị liên quan thuộc ngành Y tế tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc kế hoạch, bao gồm cả 11 Chương trình, Đề án, Dự án can thiệp về dinh dưỡng... 3 chương trình quốc gia thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Các chương trình này đều có nội dung cải thiện dinh dưỡng, ưu tiên cho bà mẹ và trẻ em. 

Quang cảnh hội nghị

Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản gồm: Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 721/QĐ-BYT ngày 23/3/2022; Kế hoạch hoạt động tổng thể của Bộ Y tế thực hiện “Cải thiện dinh dưỡng” trong Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 2593/QĐ-BYT ngày 23/09/2022; Hướng dẫn thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1768/QĐ–BYT ngày 30/06/2022 và cập nhật sửa đổi theo Quyết định số 3452/QĐ-BYT ngày 6/9/2023. Đây là những tài liệu quan trọng để các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia dinh dưỡng.

 Năm 2025 là một năm quan trọng, khi chúng ta cần phải tiến hành tổng kết đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng của ngành Y tế và kết thúc giai đoạn 2021-2025 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Trong thời gian tới, toàn ngành cùng quyết tâm phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra của Kế hoạch hành động và Chương trình MTQG nhằm “Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo trên toàn quốc, góp phần giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo một cách bền vững”, PGS.TS. Trần Thanh Dương chia sẻ.

 Tại Hội nghị, các báo cáo tham luận gồm: Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch thực hiện 2025; Hướng dẫn triển khai các hoạt động đánh giá 16 chỉ tiêu thuộc hoạt động của Chiến lược quốc gia năm 2025; Báo cáo kết quả thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 2024 và định hướng 2025. Kết quả giám sát các chương trình MTQG năm 2024 và khuyến nghị; Tham luận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh về Kế hoạch hoạt động triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch 2025… đã được trình bày, đem lại nhiều thông tin hữu ích cho những hoạt động tiếp theo trong năm 2025.  
                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Hoàng Hiền
 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang