Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Việt Nam đạt thang điểm khá trong kỳ đánh giá năng lực thực hiện Điều lệ Y tế

  • |
T5g.org.vn - Chiều 25/7/2025, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn đánh giá độc lập chung (JEE) trong khuôn khổ đánh giá việc thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR 2005) tại Việt Nam từ ngày 21/7/2025 đến 25/7/2025.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại buổi tiếp

Buổi làm việc có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, cùng lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Viện, Trung tâm thuộc và trực thuộc Bộ Y tế. Đại diện Đoàn đánh giá JEE gồm đồng Trưởng đoàn là bà Gina Samaan, Giám đốc Khẩn cấp Khu vực, Văn phòng Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO (WPRO) và ông Marc Zheng Jie Ho, Giám đốc Chính sách và Hệ thống, Cơ quan Phòng, chống Bệnh Truyền nhiễm Singapore, cùng các chuyên gia đánh giá, quan sát viên và chuyên gia viết báo cáo. Về phía WHO tại Việt Nam, bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện; bà Jennifer Horton, Phó Trưởng Đại diện và các cán bộ nhóm An ninh Y tế và Tình trạng Y tế khẩn cấp cùng tham dự.

Trong chuyến công tác JEE diễn ra tại Hà Nội từ ngày 20 đến 25/7/2025, năng lực của Việt Nam trong 19 lĩnh vực kỹ thuật đã được đánh giá thông qua quy trình tham vấn và thảo luận trực tiếp giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế từ nhiều ngành, lĩnh vực.  Sau một tuần làm việc, các bên đã đạt được thống nhất chung về điểm số cũng như khuyến nghị JEE về các hành động ưu tiên trên 19 lĩnh vực kỹ thuật.  Theo đó, đánh giá dựa trên Bộ công cụ JEE do WHO xây dựng, bao gồm 19 lĩnh vực kỹ thuật thuộc 4 nhóm vấn đề: Dự phòng, Phát hiện, Đáp ứng và Các mối nguy liên quan khác. Kết quả sơ bộ cho thấy không có lĩnh vực nào ở mức 1 (thấp nhất) hoặc đạt mức 5 (cao nhất). Có 9/19 lĩnh vực (47,4%) đạt mức 2 và 10/19 lĩnh vực (52,6%) đạt mức 3. Trong tổng số 56 tiêu chí đánh giá, có 22 tiêu chí đạt mức 2 (39,2%), 30 tiêu chí đạt mức 3 (53,7%) và 4 tiêu chí đạt mức 4 (7,1%).

Toàn cảnh buổi tiếp

Đoàn đánh giá ghi nhận một số điểm mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, Đoàn cũng chỉ ra một số tồn tại như: Năng lực y tế công cộng tuyến xã còn hạn chế; phối hợp đa ngành cần thể chế hóa đầy đủ hơn; cơ chế tài chính cho ứng phó y tế khẩn cấp còn bất cập; một số kế hoạch ứng phó thiếu sự liên kết liên ngành; các quy trình chuẩn chưa được diễn tập định kỳ.

Đánh giá cũng đưa ra 9 khuyến nghị tổng thể, nếu được thực hiện sẽ củng cố tiến độ của Việt Nam và loại bỏ những điểm nghẽn có thể cản trở việc thực hiện các hành động ưu tiên đã thống nhất, bao gồm:

        Tận dụng đà cải cách hành chính hiện nay tại Việt Nam để cải thiện công tác phối hợp và cập nhật, điều chỉnh quy định pháp luật, chiến lược và chính sách do trung ương chỉ đạo thành các hoạt động hiệu quả ở cấp tỉnh và xã nhằm tăng cường an ninh y tế;

        Xây dựng và phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia về An ninh Y tế (NAPHS), phân bổ kinh phí và có thời hạn năm năm vào cuối năm 2026, trên cơ sở kết luận và khuyến nghị của JEE cũng như các đánh giá liên quan khác;

       Theo IHR sửa đổi năm 2024, các quốc gia cần chỉ định Cơ quan thực hiện IHR quốc gia để hỗ trợ các hoạt động đa ngành, đồng thời tiếp tục tăng cường chức năng của Đơn vị đầu mối quốc gia thực hiện IHR;

       Đảm bảo Luật Phòng bệnh và các nghị định liên quan hỗ trợ tăng cường an ninh y tế thông qua việc thực hiện Điều lệ y tế quốc tế - bao gồm các điều khoản về phối hợp liên ngành hiệu quả trong việc phát hiện và ứng phó với các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp ở cấp quốc gia, tỉnh và xã - trên cơ sở xem xét kết luận và khuyến nghị JEE trong tất cả các lĩnh vực kỹ thuật có liên quan;

       Phân tích và giải quyết các nút thắt về thủ tục trong cơ chế tài chính, đảm bảo ngân sách kịp thời cho công tác phòng bệnh và ứng phó khẩn cấp, bảo vệ và nâng cao sức khỏe theo Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Thể chế hóa các quy trình thủ tục, vai trò và trách nhiệm trong các luật và nghị định liên quan, đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu: một mặt, đảm bảo thẩm quyền và trách nhiệm giải trình rõ ràng và mặt khác, hành động kịp thời và linh hoạt theo nguyên tắc “ưu tiên cứu người”;

       Tăng cường phân bổ tài chính cho công tác phòng bệnh, an toàn thực phẩm và các năng lực cốt lõi khác theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế;

       Thúc đẩy ứng phó nhanh chóng và toàn diện đối với các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp;

     Xây dựng kế hoạch cụ thể, với các hành động và mốc thời gian rõ ràng, nhằm cải thiện tính tương thích/khả năng liên thông nền tảng dữ liệu nhằm phát hiện, thông báo, đánh giá, phòng ngừa và ứng phó với các tình trạng y tế khẩn cấp của các ngành, khu vực và các cấp chính quyền. Điều này sẽ giúp tăng cường bảo vệ sức khỏe bằng cách tận dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam theo Tầm nhìn đến năm 2045;

      Mở rộng số lượng cơ sở y tế xanh, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách đầu tư và duy trì hạ tầng bền vững, từ đó nâng cao khả năng thích ứng của Việt Nam trước các tình trạng y tế khẩn cấp liên quan đến khí hậu. Ưu tiên các giải pháp thân thiện với môi trường để tăng cường phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn (IPC) và tình trạng kháng thuốc (AMR), đi kèm với đánh giá thường xuyên để đảm bảo trách nhiệm giải trình và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thay mặt Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Y tế trân trọng cảm ơn Tổ chức Y tế Thế giới và Đoàn đánh giá JEE đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện đánh giá này và cho biết kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam xác định rõ những thành tựu để tiếp tục phát huy, đồng thời nhận diện những tồn tại, thách thức nhằm xây dựng các kế hoạch phù hợp, nâng cao năng lực đáp ứng trong tương lai. Thứ trưởng đề xuất Đoàn JEE tiếp tục đánh giá toàn diện, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh Việt Nam và chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác để hỗ trợ Việt Nam cải thiện năng lực đáp ứng theo yêu cầu của IHR.

MP

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang