Ngày 20/5/2025, các thành viên của WHO đã thông qua một thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai, sau phản ứng rời rạc của toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters.
Thỏa thuận này hướng tới việc khắc phục những hạn chế từng bộc lộ trong đại dịch vừa qua, như phản ứng thiếu thống nhất giữa các quốc gia, tình trạng hỗn loạn trong phối hợp quốc tế, sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine.
Theo đó, văn kiện mới sẽ tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin và phối hợp toàn cầu, cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine tốt hơn nếu xảy ra đại dịch trong tương lai.

Sau 3 năm đàm phán, thỏa thuận được toàn thể Đại hội đồng Y tế Thế giới - cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO - thông qua tại Geneva (Thụy Sĩ). Các cuộc đàm phán được khởi động từ tháng 12/2021 khi 194 quốc gia thành viên của WHO nhất trí khởi động quá trình đàm phán về một thỏa thuận mới nhằm tăng cường phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai. Đến tháng 2/2022, cuộc họp đầu tiên của cơ quan đàm phán liên chính phủ được tổ chức.
“Tài liệu này là một chiến thắng của y tế công, của khoa học và của hành động đa phương. Nó sẽ giúp chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ thế giới tốt hơn trước các mối đe dọa đại dịch trong tương lai” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu.
Theo ông Tedros, đây cũng là sự ghi nhận rằng cộng đồng quốc tế không thể để người dân, xã hội và nền kinh tế tiếp tục chịu những thiệt hại sâu sắc như đã từng trải qua trong đại dịch COVID-19.
Thỏa thuận quy định các loại thuốc, liệu pháp điều trị và vaccine phải được phân phối một cách công bằng trên toàn cầu khi đại dịch tiếp theo xảy ra. Theo đó, các nhà sản xuất tham gia sẽ phải dành ra 20% số lượng vaccine, thuốc và bộ xét nghiệm để phân bổ qua WHO nhằm đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận.