Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế gửi lời cám ơn đến WHO đã hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với ngành Y tế Việt Nam trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, WHO đã và đang đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách ngành y tế, hỗ trợ về thuốc, vắc xin và trang thiết bị y tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và hậu COVID-19, WHO cũng đã hỗ trợ Việt Nam đối phó với các bệnh hiểm nghèo và kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Một số chính sách quan trọng đã và đang được ban hành có phần đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các tổ chức quốc tế mà trong đó WHO đóng vai trò tích cực, như là: Chỉ thị số 25 mới được Ban Bí thư ban hành gần đây về Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bộ trưởng mong muốn: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật do WHO viện trợ giai đoạn tới cần tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển Ngành y tế cũng như cần phù hợp để đáp ứng nhu cầu tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật do WHO viện trợ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chính sách và chiến lược với chất lượng cao nhất cho Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các luật, chính sách và kế hoạch y tế nhằm mang lại những cải thiện có thể đo lường được về chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam giai đoạn 2024- 2027.
Dự án được thiết kế xoay quanh 5 ưu tiên chiến lược đó là: Tăng cường nền tảng thể chế cho hệ thống y tế phù hợp với mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Tăng cường y tế cơ sở/chăm sóc sức khỏe ban đầu và tác động của các chương trình kiểm soát một số bệnh ưu tiên; Tăng cường năng lực chuẩn bị và ứng phó với các vấn đề an ninh y tế quốc gia dựa trên bài học rút ra từ Covid- 19 và các tình huống khẩn cấp về y tế khác; Giảm các nguy cơ của bệnh không lây nhiễm với sức khỏe và các yếu tố gây bệnh trong suốt cuộc đời; Tăng cường các nỗ lực của hệ thống y tế để chuẩn bị và đáp ứng với các biến đổi khí hậu đối lên sức khỏe.
Trọng Tiến