Theo WHO, tính đến nay, trên thế giới đã có 72 quốc gia và 07 quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) có lưu hành của virus Zika. Hiện nay, các nước Lào, Brunei, Myanmar chưa ghi nhận có ca bệnh nào. Hầu hết các nước trong khu vực ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika trong khoảng hai năm gần đây. Đặc biệt, từ cuối tháng 8 đến nay, tại Singapore đã bùng phát dịch với số mắc tăng nhanh, với tổng số 368 ca mắc. Kết quả giải trình gen cho thấy đây là chủng vi rút có nguồn gốc châu Á đã từng lưu hành trong những năm 1960, không phải chủng xâm nhập từ châu Mỹ.
Tại Cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế 11 nước Đông Nam Á cùng thống nhất rằng, do sự đi lại giao lưu thuận lợi giữa các quốc gia ASEAN nên nguy cơ dịch Zika tiếp tục lan rộng trong thời gian tới ở khu vực rất cao, nhất là sẽ xuất hiện thêm những người nhiễm bệnh từ vùng dịch trở về. Hiện tại, chưa có nước nào trong khu vực khuyến cáo hạn chế hay cấm du lịch, đi lại để phòng Zika song Bộ Y tế nhiều nước đang tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch; đẩy mạnh giám sát Zika tại các cơ sở y tế, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đến nay, ngành Y tế Việt Nam đã xét nghiệm 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố, trong đó, phát hiện 03 trường hợp nhiễm Zika. Đây là 03 bệnh nhân không có tiền sử đi về từ vùng dịch, điều đó cho thấy, Việt Nam đã có sự lưu hành vi rút Zika trong cộng đồng. Kết quả giải trình tự gen cho thấy, mẫu vi rút tại Khánh Hòa có nguồn gốc từ châu Á và mẫu vi rút tại thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ châu Mỹ. Đối với 02 trường hợp khách Đài Loan, Nhật Bản có nhiễm vi rút Zika sau khi rời Việt Nam về nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chưa thể khẳng định rằng 02 trường hợp này nhiễm vi rút Zika trong thời gian lưu trú ở Việt Nam. Để phòng chống dịch bệnh Zika, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch; đẩy mạnh giám sát Zika tại các cơ sở y tế, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ. Bộ Y tế cũng tăng cường triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex để giám sát, sàng lọc đồng thời 3 bệnh gồm: Zika, sốt xuất huyết, Chikunggunia.
Tin, ảnh: Nguyễn Hiển