Bộ Y tế kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống dịch bệnh
Tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 tổ chức ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: “Bộ Y tế kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Bộ cũng đề nghị các ngành, các địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và huy động toàn xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia trong công tác phòng, chống dịch để chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát. Luôn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai”. (Chi tiết xem báo Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Phân bổ vaccine 5 trong 1
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành phân bổ vaccine DPT-VGB-Hib (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) để phục vụ nhu cầu tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, ngày 27/12, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có văn bản gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành về việc phân bổ số vaccine 5 trong 1 này.
Trước đó, ngày 16/12/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib do Chính phủ Úc tài trợ cho Việt Nam thông qua Qũy Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF).
Sau khi vaccine được tiếp nhận, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện việc gửi mẫu và hồ sơ yêu cầu kiểm định đến Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế để kiểm định chất lượng trước khi đưa vào sử dụng theo qui định của Bộ Y tế.
Ngày 26/12/2023, Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế đã cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng Vaccine, sinh phẩm cho số vaccine nêu trên. Theo đó số vaccine này đủ điều kiện đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngay trong ngày 26/12/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện việc phân bổ vaccine theo kế hoạch đã báo cáo Bộ Y tế và tiến hành vận chuyển vaccine đến các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur thuộc 4 khu vực gồm miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Đồng thời, Viện đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng cấp phát vaccine DPT-VGB-Hib cho các tỉnh/thành phố, cụ thể với các tỉnh/thành phố thuộc khu vực phía Bắc có thể tiếp nhận vaccine từ ngày 27/12, với các tỉnh/thành phố thuộc khu vực còn lại sẽ có thể tiếp nhận vaccine sau đó 1 - 2 ngày khi vaccine được chuyển tới kho các khu vực.
Theo kế hoạch, vaccine DPT-VGB-Hib sẽ được triển khai tại các Trạm Y tế xã phường trên cả nước ngay từ những ngày đầu tháng 1/2024. Vaccine sẽ được ưu tiên sử dụng tiêm mũi 1 cho trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi sau đó có thể sử dụng tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine DPT-VGB-Hib.
Bộ Y tế đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc phân bổ, tổ chức tiêm chủng vaccine DPT-VGB-Hib trên địa bàn đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Bệnh viện vướng hàng loạt khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM là bệnh viện công đầu tiên được Bộ Y tế kiểm định và chấp thuận triển khai bệnh án điện tử (BAĐT), nhưng sau thời gian thử nghiệm, bệnh viện này rơi vào trạng thái “thiệt đơn, thiệt kép”
Bệnh viện loay hoay tìm hướng đi
Bà Nguyễn Phương Lan (Quận 11, TPHCM) vốn có bệnh nền suy tĩnh mạch và đau khớp gối. Để ổn định sức khoẻ hằng tháng, bà Lan phải đến bệnh viện thăm khám định kỳ nên bà cảm nhận rõ được sự thay đổi trong quy trình khám bệnh hiện nay.
“Tôi được hưởng BHYT 95% thì chỉ việc vào thẳng quầy, đọc thông tin cá nhân là được khám và lấy thuốc. Mấy thủ tục chụp và xét nghiệm nếu cần thì cũng nhanh hơn trước rất nhiều nên việc tháng nào cũng đến bệnh viện không còn áp lực như trước kia” - bà Lan chia sẻ.
Đối với những bệnh nhân như bà Phương Lan, bệnh án điện tử đã giúp bà và hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày được thuận lợi hơn trong quá trình khám, chữa bệnh. Thế nhưng, bệnh viện lại không được suôn sẻ nhiều như vậy.
BAĐT là chương trình đang được ngành y tế TPHCM quan tâm đặc biệt. Minh chứng là hàng loạt các bệnh viện bắt đầu chú ý, đầu tư ngân sách cho việc đổi mới quy trình quản lý bệnh án từ giấy chuyển sang BAĐT.
Và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện đầu tiên đã được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện triển khai BAĐT. Theo đó, từ ngày 1.1.2024, bệnh viện này sẽ triển khai hồ sơ BAĐT để lưu trữ và truyền tải hình ảnh, thông tin thay thế cho giấy hoặc phim trong y khoa.
Tuy nhiên, chỉ mới thời gian ngắn áp dụng BAĐT vừa qua, bệnh viện liên tục gặp khó khăn trong công tác vận hành và xử lý dữ liệu thông tin với các bên liên quan.
Cụ thể, ThS.BS Lương Công Minh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết, để đạt được những quy chuẩn theo quy định khi triển khai chính thức BAĐT, bệnh viện đã đầu tư tính tới nay là 13 tỉ đồng, kinh phí công nghệ thông tin (CNTT) này có thể nói là quá lớn với các bệnh viện. Để được tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế và người dân, lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho rằng, cần có cơ chế đặc thù cho việc triển khai BAĐT. Ví dụ hệ thống CNTT sẽ được hỗ trợ những gì, hệ thống sever đầu tư hỗ trợ ra sao, có phần cơ cấu giá tính đúng, tính đủ trong chi phí khám chữa bệnh hay không, hệ thống PACS triển khai hỗ trợ như thế nào…
“Cơ chế cần nhất hiện nay là nên có biểu giá chẩn đoán hình ảnh trên hệ thống PACS, nghĩa là thay vì in phim thì nên xây dựng giá mới cho BAĐT. Nhưng hiện tại chưa có nên hệ luỵ là Bảo hiểm xã hội TPHCM (BHXH TPHCM) chỉ trừ tiền phim, còn lại các chi phí liên quan đến bệnh án điện tử bệnh viện tự lo” - ThS.BS Lương Công Minh chia sẻ.
Bệnh viện rơi vào trạng thái “thiệt đơn, thiệt kép”
Đứng trước những khó khăn này, vừa qua Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã gửi công văn đến Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM, Bảo hiểm xã hội TP… nhằm tháo gỡ khó khăn.
Theo các chuyên gia, muốn cho bệnh viện phát triển thì phải nghĩ trước những khó khăn của đơn vị y tế triển khai BAĐT nhằm tạo ra những cơ chế động viên. Trong đó, đáng chú ý là cơ chế tính đúng, tính đủ.
Đặc biệt, theo ghi nhận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, BAĐT vẫn chưa được cơ quan công an, BHXH TP coi là một hồ sơ pháp lý nên khi cần điều tra mọi thủ tục hồ sơ bệnh án vẫn phải thủ công in giấy, ký và đóng dấu điều này khiến bệnh viện phải làm song song.
“Đây không phải là cuộc chơi của ngành y tế mà cần có sự phối hợp của cơ quan chức năng. Bởi giờ bệnh viện như rơi vào trạng thái thiệt đơn, thiệt kép” - ThS.BS Minh cho biết thêm.
Liên quan đến những vấn đề này, đại diện BHXH TPHCM cho biết, hiện nay dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trên hệ thống PACS chưa được quy định về giá, vì vậy đề nghị Bệnh viện Nguyễn Tri Phương báo cáo về các cấp có thẩm quyền để được xem xét.
Theo Thông tư 46/2018, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2023 các bệnh viện hạng một trở lên phải triển khai bệnh án điện tử; từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tuy nhiên quá trình triển khai rất chậm. Trong dự thảo mới đây, bộ đề xuất đến hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Việt Nam hiện có khoảng 1.300 cơ sở y tế, gồm khoảng 135 bệnh viện hạng một công lập (tuyến trung ương, địa phương) và tư nhân. Đến giữa tháng 8, cả nước có mới chỉ 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) công bố thử nghiệm chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. (Lao động, trang 3).
Nhiều bệnh nguy hiểm “tấn công” khi trời lạnh
Thời tiết giá lạnh những ngày qua khiến số người nhập viện tăng mạnh. Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân gây bệnh đến từ rất nhiều sai lầm nguy hiểm mà người dân thường mắc phải khi trời lạnh. Vì vậy, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe đúng cách là hết sức quan trọng và cần thiết. Số người nhập viện tăng mạnh
Trong đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông năm nay, khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Lão khoa trung ương) tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng 1,5 lần so với bình thường. Viêm phổi và tai biến mạch máu não là hai bệnh phổ biến nhất mà người cao tuổi dễ gặp phải.
Bác sĩ Tạ Hữu Ánh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cho biết, trời lạnh là yếu tố bất lợi đối với người tăng huyết áp. Bởi khi nhiệt độ xuống thấp, các mao mạch sẽ co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, nếu không theo dõi thường xuyên dễ bỏ qua triệu chứng dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não. Thêm vào đó, thời tiết giá rét kéo dài cũng là yếu tố làm bùng phát các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là với các bệnh nhân có sẵn bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch trong những ngày lạnh tăng khoảng 20%. Điển hình như bệnh nhân N.T.K (84 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp nhưng chủ quan, thường xuyên quên uống thuốc. Đợt lạnh này kéo dài khiến ông K phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, không thể đi lại bình thường. Đến bệnh viện, ông K được chẩn đoán huyết áp tăng 200/120 mmHg và phải nhập viện điều trị khẩn cấp.
Không chỉ người cao tuổi mà khi thời tiết chuyển lạnh, tại các bệnh viện cũng ghi nhận rất nhiều người trẻ cũng bị đột quỵ do cao huyết áp. Những ngày qua, các giường bệnh tại Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) luôn rơi vào cảnh… hết chỗ.
Nằm điều trị tại đây, anh N.V.T (33 tuổi ở Hà Nội) cho hay: “Hai năm nay, tôi phải sống chung với căn bệnh tăng huyết áp. Thế nhưng, do nghĩ mình trẻ khỏe nên chủ quan, không duy trì việc uống thuốc điều trị huyết áp đều đặn. Do đó, khi huyết áp tăng cao, xuất hiện dấu hiệu đột quỵ, gia đình đã đưa tôi nhập viện”.
Tương tự, anh H.Đ.M (34 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện vì căn bệnh đột quỵ. Trước đó, sau giờ làm việc, anh H.Đ.M cùng một số đồng nghiệp chơi bóng bàn tại cơ quan. Khi đang chơi, anh xuất hiện triệu chứng yếu nửa người, khó nói nên được đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện E, anh được chẩn đoán tắc mạch máu não cấp. May mắn, do được đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu nên bệnh nhân đã được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối, tái tưới thông mạch máu não và dần hồi phục.
Tránh những sai lầm “chết người”
Thời tiết giá lạnh khiến sức khỏe con người bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, bệnh tật cũng phát sinh từ những sai lầm nguy hiểm mà nhiều người dễ mắc phải.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Cấp cứu nội (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) lưu ý, trước khi ra ngoài trời lạnh, nhiều người nghĩ rằng, uống trà nóng hay một số loại nước nóng khác có tác dụng giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, thực tế các đồ uống này sẽ làm cho mạch máu mở rộng nên khi ra ngoài trời lạnh, nhiệt độ cơ thể sẽ nhanh chóng giảm xuống, gây hại cho sức khỏe. Bởi vậy, thay vì uống nước nóng chỉ nên uống một cốc nước ấm.
Ngoài ra, dù thời tiết chuyển lạnh nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen tập thể dục từ sáng sớm hay tắm quá khuya. Bác sĩ Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, thời tiết khắc nghiệt khi quá lạnh, người cao tuổi bị tăng huyết áp dễ xảy ra đột quỵ khi tập luyện. Nguyên nhân là cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người già kém hơn người bình thường.
Ngoài ra, việc tập gắng sức ngay sau khi thức dậy có thể gây huyết áp tăng cao kịch phát và xảy ra đột quỵ. Bởi vì cơ thể vừa chuyển từ trạng thái ngủ sang thức, các hormone điều khiển hoạt động hệ thống tim mạch tăng tiết, trong khi một số chất hóa học ảnh hưởng quá trình cầm máu (Nitric oxit) đã tiêu hao sau một đêm dài. Những vận động gắng sức không hợp lý vào thời điểm này có thể gây đột quỵ vào buổi sáng sớm.
“Tôi gặp rất nhiều trường hợp người cao tuổi uống thuốc điều trị huyết áp nên chủ quan không theo dõi huyết áp. Họ lại có thói quen dậy rất sớm đi tập thể dục, sau đó huyết áp tăng cao đột ngột gây đột quỵ. Do đó, khi thời tiết thay đổi, người cao tuổi cần ngủ đủ giấc. Sau khi thức dậy cần chờ cơ thể tỉnh táo, có thể khởi động nhẹ nhàng tại nhà. Ngoài ra, không nên tập thể dục ngoài trời trong thời tiết rét đậm”, bác sĩ Phạm Văn Cường lưu ý.
Với người trẻ, các bác sĩ cũng cho rằng, nên thường xuyên kiểm tra huyết áp để có thể phòng ngừa các nguy cơ. Đặc biệt, với những người ít vận động, ăn uống nhiều chất dư thừa tích tụ sẽ gây rối loạn chuyển hóa, lắng đọng trong thành mạch, gây xơ cứng mạch dẫn đến cao huyết áp. Khi bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... đã được chẩn đoán cần tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mặt khác, không nên tắm khuya sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. (Hà Nội mới, trang 5).