Từ năm 2001, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành hướng dẫn các địa phương thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã. Thực hiện nhiệm vụ này, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã có 96/122 xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế. Tuy nhiên nhiều xã đạt Chuẩn giai đoạn trước năm 2010 hiện tại các nhà Trạm đã xuống cấp trầm trọng. Nếu không có quỹ đất và nguồn vốn đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị sẽ không thể duy trì Chuẩn hay đạt “Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến 2020”.
Trạm y tế thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rỳ) được xây dựng cách đây hơn 20 năm, chỉ là một căn nhà cấp 4, nằm “ép bên” khối nhà hành chính của Đảng ủy, chính quyền địa phương, với số lượng phòng làm việc và trang thiết bị thiếu thốn, khó có thể triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Do đã có quỹ đất quy hoạch của UBND thị trấn dành cho đầu tư công nên đầu năm 2015, sau khi Thủ tướng chính phủ phê duyệt phân bổ nguồn kinh phí của Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế do Liên minh EU tài trợ, Trạm y tế thị trấn Yến Lạc đã được đầu tư kinh phí xây dựng là 3,5 tỷ đồng trên diện tích 1.020 m2, phần còn lại là nguồn đối ứng của UBND tỉnh. Hiện công trình đã hoàn tất việc xây dựng và lắp đặt trang thiết bị theo đúng tiến độ. Trạm Y tế mới có đầy đủ phòng làm việc, được xây dựng theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế v/v ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020”; Ngoài Khu vực “Nhà sảnh- Nơi đón tiếp người bệnh, đăng ký, cấp phát thuốc” rộng rãi khang trang, còn có 12 phòng làm việc như: Phòng Truyền thông-Hành chính; Phòng KHHGĐ; Phòng Dược; Phòng khám bệnh; 2 Phòng điều trị và lưu bệnh nhân; Phòng sản; Phòng Lưu bệnh nhân sau đẻ; Phòng cấp cứu, tiểu phẫu, tiêm; Phòng xét nghiệm…; Ngoài ra, hệ thống các công trình phụ trợ như: Nhà kho, Nhà tắm, nhà vệ sinh cũng được đầu tư tương đối khang trang, cơ bản đáp ứng Nhu cầu CSSK, KCB cho nhân dân. Nhìn cơ ngơi vật chất trang thiết bị được đầu tư, Lãnh đạo Đảng, chính quyền nơi đây cũng cảm thấy vui mừng và an tâm về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người dân tại địa phương. Đứng trước cổng Trạm y tế vừa được xây dựng xong, Ông Phạm Ngọc Du (Chủ tịch UBND thị trấn Yến lạc, huyện Na rỳ) phấn khởi nói: “Những nguồn tài trợ này sẽ góp phần cho thị trấn chúng tôi tiến tới đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, rất mong có nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước để có thêm nhiều Nhà Trạm như Trạm y tế Yến lạc nhằm giúp cho nhân dân tiếp cận các dịch vụ CSSK ngay tại địa phương…”
Trong tình trạng tương tự, nhiều năm qua cơ sở vật chất Trạm Y tế xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 2014 Trạm y tế xã Cao Kỳ cũng là một trong hai trạm được đầu tư từ nguồn vốn EU. Trạm đã được khởi công xây dựng với sự tham dự của Thành viên Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ trưởng Bộ Y tế. Công trình nhà Trạm được xây dựng trên diện tích mặt bằng 1.700m2, với diện tích xây dựng 333 m2, gồm 12 phòng làm việc, được thiết kế và xây dựng theo đúng Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã với cấu trúc khang trang, hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật được thiết kế và lắp đặt đồng bộ, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, phù hợp với điều kiện CSSK ban đầu cho nhân dân.
Cả hai Trạm y tế này đều được cung cấp các loại trang thiết bị theo chuẩn. Ngoài các trang thiết bị văn phòng, các dụng cụ phục vụ khám chữa bệnh, thiết bị sản khoa, thiết bị điều trị bệnh nhi…còn có đầy đủ các thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng, truyền thông, phòng chống dịch bệnh…Trong quá trình triển khai xây dựng và mua sắm trang thiết bị của các Trạm Y tế này, Sở Y tế Bắc Kạn thường xuyên giám sát, chỉ đạo, cùng lãnh đạo địa phương tháo gỡ, khắc phục các khó khăn nảy sinh, đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình và mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo sử dụng nguồn vốn được cấp có hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí
Khó có thể kể ra hết những niềm vui và phấn khởi của người dân tại địa phương khi xã có cơ sở Nhà Trạm khang trang hiện đại, đồng thời là niềm mong mỏi bấy lâu nay của Chính quyền và cán bộ y tế xã Cao Kỳ. Sau khi được các thầy thuốc thăm khám và cấp thuốc điều trị căn bệnh mạn tính, nhìn cơ ngơi nhà trạm khang trang và các trang thiết bị y tế tại Trạm, Bà Phạm Thị Phượng (Người dân xã Cao Kỳ, Chợ Mới) phấn khởi chia sẻ: “Nhà Trạm bây giờ rộng rãi, thoáng mát và hiện đại, lại nằm trên trục đường chính, người dân đến khám, chữa bệnh thuận tiện, với cơ sở KCB như thế này chúng tôi càng thêm tin tưởng vào công tác CSSK của ngành y tế xã nhà”.
Một trong những vấn đề cấp thiết nhất là tới đây các Trạm y tế này sẽ phải có kế hoạch cắt cử luân phiên cán bộ tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ nhằm đáp ứng các yêu cầu của công việc và khai thác, sử dụng có hiệu quả các Trang thiết bị được cấp vào công tác Khám chữa bệnh, Chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Theo thống kê những năm qua, các Trạm Y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hầu hết được xây dựng dựa vào nguồn ngân sách của các Tập đoàn, Doanh nghiệp, Công ty và các dự án phi chính phủ trong và ngoài nước. Trong khi nguồn ngân sách địa phương còn rất nhiều khó khăn, nếu không có nguồn đầu tư từ các tổ chức này rất khó có thể có các cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các Trạm Y tế.
Với cơ sở Nhà Trạm y tế được đầu tư xây dựng tương đối hiện đại này, theo lộ trình tới đây thị trấn Yến Lạc và xã Cao Kỳ sẽ phấn đấu đạt “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020”. Tuy nhiên, còn rất nhiều các Trạm Y tế trong tỉnh cần đầu tư xây mới nhằm đạt chỉ tiêu của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa XI, là phấn đấu đến năm 2020: 100% các xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành từ TW đến cơ sở, đặc biệt là việc nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế trong công tác tham mưu, chỉ đạo và sự năng động trong việc vận động, thu hút các nguồn tài trợ nhằm có nhiều nguồn kinh phí đầu tư các cơ sở vật chất như hai nói trên.
Bài và ảnh: BsCK2.Tạc Văn Nam
Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Bắc Kạn