Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bắc Kạn: Kết quả bước đầu trong công tác luân chuyển cán bộ tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm

  • |
T5g.org.vn - * Những khó khăn của một Trung tâm Y tế huyện nơi vùng cao

Bệnh viện huyện Pác Nặm là bệnh viện hạng ba, được thành lập từ năm 2003 với quy mô 50 giường bệnh, gồm có 7 khoa phòng: Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng điều dưỡng, Khoa khám bệnh, khoa Ngoại sản, Khoa Nhi, Khoa Nội tổng hợp – Lây và khoa Dược.

Từ khi mới thành lập bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và thiếu cán bộ nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn sâu. Qua quá trình trưởng thành và phát triển, bệnh viện được quan tâm đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị, công tác đào tạo được quan tâm từ nguồn hỗ trợ của Trái phiếu Chính phủ, Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía bắc (NUP)…

Đến nay, bệnh viện được xây dựng tương đối khang trang, các trang thiết bị y tế tương đối đầy đủ. Đội ngũ cán bộ từng bước bước được chuyên môn hóa, toàn viện có 48 viên chức, trong đó có: 01 bác sỹ CKII, 03 bác sỹ CKI, 13 bác sỹ đa khoa, 02 dược sỹ đại học, 09 cử nhân điều dưỡng, Đại học khác 03, còn lại là trình độ trung cấp và nhân viên phục vụ.

Từ  TTYT huyện Pác Nặm đi đến thành phố Bắc Kạn ngót nghét 100 km đường đèo dốc, mùa mưa lũ đường đèo dốc sạt lở liên tục, để vận chuyển bệnh nhân bằng ô tô lên BVĐK tỉnh phải mất khoảng 4 giờ, trong trường hợp bệnh nặng thì các bệnh nhân phải chuyển tuyến sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, do vậy việc thực hiện được những phẫu thuật tại BV huyện là thực sự cần thiết.

* Lần đầu tiên phẫu thuật cắt bỏ khối u và nối đoạn ruột non cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế (TTYT)huyện Pác Nặm.

Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm tiếp nhân bệnh nhân Nông Thị S. 33 tuổi (dân tộc Mông, đang sống tại xã Bộc Bố, Pác Nặm), vào viện với lý do đau bụng vùng dưới rốn bên phải, đau thành từng cơn liên tục đã nhiều tháng nay. Trước đó bệnh nhân đã được khám tại Trung tâm Y tế và bệnh viện tuyến trên nhưng không tìm ra nguyên nhân để chữa trị. Lần này bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có các cơn đau quặn bụng, đồng thời với cơn đau xuất hiện một khối u nổi lên ở hố chậu phải và mất đi khi hết cơn đau.

Bệnh nhân được chẩn đoán "Theo dõi viêm đại tràng co thắt" và được điều trị theo phác đồ chung là: kháng sinh, giảm đau và sinh tố. Qua 5 ngày điều trị bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân được làm các xét nghiệm và siêu âm ổ bụng phát hiện một khối u ở cạnh tử cung bên phải, biệt lập với tử cung, nghĩ nhiều đến u nang buồng trứng. Các thầy thuốc thăm khám thực thể thấy tử cung bình thường, cạnh tử cung bên phải có một khối u với kích thước tương đương quả trứng gà,  di động, mật độ chắc, tách biệt với tử cung. Bệnh nhân được chẩn đoán "U nang buồng trứng bên phải" và được phẫu thuật có chuẩn bị sau hơn 01 tuần nhập viện.

Khi mở ổ bụng kiểm tra thì tại buồng trứng không phát hiện khối u, tiếp tục kiểm tra thì phát hiện một khối u ở ruột non nằm ở phía bên phải tử cung. Khối u có kích thước 3x4 cm, mật độ cứng chắc, chính khối u này đã gây ra hiện tượng bán tắc đoạn ruột phía trên, dẫn đến hiện tượng ruột bị viêm dầy, giãn to. Đoạn ruột phía dưới teo nhỏ... Kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt bỏ khối u và khâu nối đoạn ruột non tận- tận.  Sau mổ bệnh nhân bệnh nhân tiếp tục được điều trị truyền dịch, kháng sinh giảm đau và sinh tố, sau một tuần điều trị hậu phẫu bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và ra viện.  Đây là một ca bệnh rất khó chẩn đoán, rất dễ nhầm với u nang buồng trứng và cũng là ca phẫu thuật đầu tiên cắt nối đoạn ruột thực hiện thành công tại Trung tâm Y tế Pác Nặm. Trong điều kiện trang thiết bị còn thiếu, trình độ chuyên môn còn hạn chế, tuy nhiên các thầy thuốc thuộc Trung tâm Y tế Pác Nặm đã xử trí thành công ca bệnh mà trước đây phải chuyên tuyến trên, góp phần giảm chi phí cho người bệnh, đồng thời đem lại niềm tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở cho đồng bào các dân tộc tại huyện vùng cao Pác Nặm.

* Kết quả bước đầu trong việc luân chuyển và điều động cán bộ

 Thực hiện Thông tư số 43/2013/ TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm đã rà soát và trình Sở Y tế phê duyệt thực hiện được 1.335/17.217 kỹ thuật  tại Quyết định số 46/QĐ-SYT ngày 04/02/2015  của Sở Y tế Bắc Kạn. Hiện nay, Trung tâm Y tế Pác Nặm đang tiếp tục rà soát và đề nghị Sở Y tế một số danh mục kỹ thuật có thể thực hiện tại đơn vị trong thời gian tới. 

Ca phẫu thuật trên chỉ là một trong nhiều ca được thực hiện thành công tại TTYT huyện Pác Nặm trong thời gian vừa qua. Nếu như cả năm  2014, TTYT huyện Pác Nặm chỉ thực hiện được 49 ca bao gồm cả thủ thuật và phẫu thuật (như: mổ lấy thai lần đầu, Mổ tháo bỏ phương tiện kết hợp xương, khâu vết thương phần mềm, tháo đóng mỏm cụt ngón tay, chân…). Thì từ tháng 6/2015 đến nay Sở Y tế đã điều động 01 Bác sỹ chuyên khoa 2 (Ngoại khoa) đến công tác tại đơn vị, nên  tính đến 15/8/2015, Trung tâm Y tế đã phẫu thuật được 101 ca và xử trí được nhiều ca phẫu thuật phức tạp như: Mổ lấy thai lần 2, Mổ cắt u nang buồng trứng, Áp xe túi cùng Dougla do viêm mủ vòi trứng, mổ chửa ngoài dạ con vỡ, mổ lấy thai trong cơn sản giật, mổ cắt nối đoạn ruột do u ruột non, mổ kết hợp xương nẹp vít, mổ cắt ruột thừa ở trẻ em dưới 6 tuổi….Do đó đã giảm bớt tình trạng chuyển tuyến, giảm chi phí cho người bệnh trên địa bàn huyện.

Đây là kết quả bước đầu trong công tác luân chuyển và điều động cán bộ theo chủ trương của Lãnh đạo Sở Y tế Bắc Kạn. Hy vọng với chủ trương đúng đắn này, thời gian tới TTYT Pác Nặm cũng như các BV huyện/TP trong tỉnh sẽ phát huy nội lực, tăng cường công tác đào tạo, phấn đấu thực hiện nhiều danh mục kỹ thuật tại đơn vị (theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế tại Thông tư số 43/2013/ TT-BYT ngày 11/12/2013), góp phần cho người bệnh được KCB và phẫu thuật ngay tại điạ phương, giảm tải cho tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh, tạo niềm tin tưởng cho nhân dân các dân tộc sống trên địa bàn, đồng thời góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch về nhiệm vụ CSSK mà cấp trên giao phó.

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế và giao thông đi lại khó khăn. Hệ thống khám chữa bệnh (KCB) công lập gồm có 01 BVĐK hạng II với quy mô 320 giường bệnh (hiện dự án BVĐK 500 giường bệnh đang dần hoàn thiện); 08 bệnh viện huyện/TP với quy mô từ 50-70 giường bệnh và 02 phòng khám đa khoa khu vực, 122 trạm y tế phục vụ việc CSSK ban đầu cho nhân dân. Ngoài BVĐK tỉnh và một số BV huyện có thể triển khai các phẫu thuật ngoại khoa, sản khoa, còn lại chưa triển khai đầy đủ các thủ thuật, phẫu thuật theo Quy định về phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Nguyên nhân do thiếu TTB cơ bản và thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu.

Đứng trước tình hình đó, vừa qua Lãnh đạo Sở Y tế đã tham mưu cho Tỉnh Ủy, UBND tỉnh và thực hiện việc bổ nhiệm, luân chuyển, hoán đổi một số chức danh lãnh đạo các TTYT tuyến huyện... nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ lãnh đạo quản lý cũng như thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn sâu tại BV tuyến huyện nhất là các huyện vùng cao như: Ba Bể, Pác Nặm (là 2 trong số 62 huyện nghèo theo quyết định 30a của Thủ tướng chính phủ).  Theo đó Lãnh đạo TTYT huyện Pác Nặm luân chuyển tới TTYT huyện Ngân Sơn, Lãnh đạo TTYT huyện Chợ Mới luân chuyển đến TTYT huyện Pác Nặm...Chủ trương và việc làm này đã đem lại hiệu quả nhất định.

 BsCK2. Tạc Văn Nam
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Bắc Kạn)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang