Bảo vệ trẻ đúng cách trong thời tiết rét khắc nghiệt
PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viên Nhi Trung ương, tuy số ca cấp cứu không tăng nhưng số ca nặng tăng đáng kể, chủ yếu là các bé dưới 6 tháng tuổi bị viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp phải vào bệnh viện cấp cứu. PGS.TS. Trần Minh Điển nhận định, một số sai lầm của bố, mẹ là không giữ ấm được cho con mình, đưa con mình khỏi buồng ấm mà không có biện pháp tránh rét cho trẻ dẫn đến trẻ dễ bị gió lùa gây sốc nhiệt (lạnh đột ngột) tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ; trong giấc ngủ về đêm, đôi khi cha/mẹ không nằm cạnh trẻ nên không kiểm soát được môi trường xung quanh trẻ nên trẻ có khả năng nhiễm lạnh dễ mắc bệnh đường hô hấp. Để bảo vệ cho trẻ phòng tránh các bệnh hô hấp do thời tiết khắc nghiệt, PGS.TS. Trần Minh Điển khuyến nghị các bậc cha, mẹ: cho trẻ mặc đủ quần áo ấm, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Khu vực đầu của em bé sơ sinh có thể thoát nhiệt đến 20%, do vậy, cần phải đội mũ và đeo găng tay, chân cho em bé; cho em bé uống đủ nước ấm, cho em bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; buồng của em bé phải lưu ý tránh gió lùa và đặc biệt không cho sửa ấm bằng than, củi, hiện có rất nhiều trường hợp tai nạn, tử vong đáng tiếc do sửa ấm bằng than, củi. Với thời tiết như hiện nay, em bé sơ sinh và trẻ nhỏ nên nằm với mẹ vì hơi ấm của mẹ giúp cho em bé tránh tình trạng mắc bệnh hô hấp trong mùa rét này.
Đối với việc tắm, vệ sinh cho trẻ sơ sinh mỗi ngày, PGS.TS. Trần Minh Điển cho rằng, vệ sinh cho em bé tuổi sơ sinh cũng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, trong thời tiết này, phải đưa em bé vào buồng kín gió; sử dụng các thiết bị như lò sửa, điều hòa ấm để làm ấm không khí khu vực vệ sinh cho trẻ, sau đó tắm cho em bé, nhưng phải thao tác thật nhanh làm sạch các khu vực cổ, nách, bẹn..., sau đó phải đưa ngay em bé vào khăn ấm sẵn và mặc lại ngay quần áo đã được làm ấm cho em bé.
Với những trẻ đang bị mắc các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm tai, PGS.TS. Trần Minh Điển khuyến nghị, gia đình nên bố trí thời gian để đưa trẻ đi khám bệnh để có thể điều trị đúng cách. Nếu trẻ có thể điều trị ở nhà, gia đình cần nghiêm túc tuân thủ theo hướng dẫn, uống thuốc theo đơn được bác sĩ chỉ định, vệ sinh mũi, họng theo hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, cần lưu ý, cho trẻ uống nước ấm và ăn uống nhẹ, không ép các bé ăn nhiều trong thời gian này, quan tâm, phát hiện nếu có dấu hiệu bất thường, bệnh chuyển nặng như: sốt tăng lên, trẻ bú kém đi, trẻ quấy khóc, mệt mỏi hay một số dấu hiệu khác... Khi đưa trẻ đi khám bác sĩ, các bậc cha, mẹ có thể hỏi bác sĩ thế nào là dấu hiệu nặng của bệnh trẻ đang mắc phải để có thể kịp thời phát hiện, phòng tránh nguy cơ xảy ra tình trạng nặng thêm của bệnh.
Ngành Y tế chú trọng tăng cường phòng chống rét tại các cơ sở y tế
Để tăng cường phòng tránh rét cho bệnh nhân, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn số 84/KCB-QLCL ngày 22/01/2016 yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện các biện pháp tăng cường công tác phòng chống rét cho người bệnh và người nhà thăm nuôi tại các cơ sở khám chữa bệnh, với các nội dung sau:
1. Bảo đảm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện: nơi xếp hàng chờ khám, phòng khám bệnh, buồng điều trị, buồng kỹ thuật người bệnh phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện giữ nhiệt, sưởi ấm phù hợp. Nghiên cứu phương án phòng chống rét cho người nhà thăm nuôi người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh ở lại thăm nuôi nằm trên sàn nhà lạnh, hành lang gây nguy hại đến sức khoẻ.
2. Bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp do các loại virut đường hô hấp gây ra do nhiệt độ giảm sâu và điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém.v.v.
3. Giám sát chặt chẽ việc phòng chống rét tại các cơ sở khám chữa bệnh, tổng hợp số liệu về ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại tới tình hình sức khỏe nhân dân, báo cáo Bộ Y tế (Cục QL Khám chữa bệnh: tonghopkcb@gmail.com) các diễn biến đặc biệt để kịp thời chỉ đạo giải quyết.
Bài, ảnh: Như Hiển