Những bệnh nhân đầu tiên được thụ hưởng!
TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, được sự đồng ý của Bộ Y tế, 30 ca đầu tiên về bệnh lý cột sống được các bác sỹ, phẫu thuật viên Khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống, Bệnh viện phẫu thuật thí điểm bằng hệ thống công nghệ O.ARM và hệ thống dẫn đường không gian 3 chiều định vị chính xác trong phẫu thuật (Navigation). Hiện nay, các ca đã được phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân được hồi phục tốt.
Bệnh nhân Nguyễn Thùy Linh, 18 tuổi, Thường Tín, Hà Nội bị vẹo cột sống cách đây 5 năm, đã điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng tình trạng không thuyên giảm. Trước khi phẫu thuật, Thùy Linh đau cột sống nhiều, vận động khó khăn và không tự tin với ngoại hình của mình. Đến Bệnh viện Bạch Mai, với sự chuẩn bị chu đáo và tư vấn tận tình của chuyên môn ê kíp phẫu thuật Khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống; đặc biệt là việc ứng dụng hệ thống chụp O.ARM và dẫn đường không gian ba chiều bằng hình ảnh Navigation định vị chính xác trong phẫu thuật, ca mổ của Thùy Linh đã thành công tốt đẹp. Sau 3 tuần phẫu thuật nắn chỉnh cột sống, dáng người của Thùy Linh gần như bình thường. Giờ đây cuộc sống của Thùy Linh đã sang một trang mới mặc dù cần thời gian để có thể bình phục hoàn toàn. Nở nụ cười tươi, thân thiện, Thùy Linh vui vẻ chia sẻ: “Sau mổ em cảm thấy tự tin hơn, mặc quần áo đi lại bình thường mà không sợ bị mọi người để ý”.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Lê Thị Sợi, 73 tuổi, chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm và trượt đốt sống thắt lưng. Khi chưa phẫu thuật, bệnh nhân đau đớn không đi lại được. Sau phẫu thuật 3 ngày, sức khỏe bệnh đã nhân ổn định có thể đi lại nhẹ nhàng. Sự hồi phục của bệnh nhân mang lại nhiều bất ngờ, niềm vui cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như các phẫu thuật viên trực tiếp thực hiện.
“Những cơn đau cột sống kéo dài suốt mấy chục năm nay. Từ khi nghỉ hưu, tôi càng thấy đau nhiều hơn và không thể đi lại được. Vậy mà sau 2 ngày phẫu thuật, tôi đã có thể đi lại bình thường được. Đối với tôi, đó thật sự là một điều kỳ diệu”, chia sẻ cảm xúc của bệnh nhân bị vẹo cột sống thắt lưng Nguyễn Thị Liên, 53 tuổi, Nghệ An.
Với những tính năng ưu việt trong phẫu thuật cột sống, hệ thống chụp O.ARM và hệ thống dẫn đường không gian 3 chiều định vị chính xác trong phẫu thuật (Navigation) đã góp phần rút ngắn thời gian điều trị và hồi phục nhanh cho các bệnh nhân; đồng thời giảm những tai biến có thể xảy ra trước và sau phẫu thuật cột sống cho bệnh nhân. Đây được coi là cuộc cách mạng trong phẫu thuật cột sống, mang lại niềm tin, sự an toàn và sức khỏe cho bệnh nhân.
Hệ thống chụp O.ARM có những ưu điểm gì khác biệt?
TS.BS. Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Phẫu thuật cột sống truyền thống được tiến hành bằng cách sử dụng các hệ thống chụp C - ARM để hướng dẫn vị trí đặt của các ốc vít hỗ trợ. Hệ thống C - ARM chỉ giới hạn trong việc cung cấp hình ảnh 2 chiều (2D) nên phẫu thuật viên phải tự tưởng tượng ra các chi tiết giải phẫu, bao gồm cả đường đi, kích thước của ốc vít mà không ảnh hưởng đến tủy sống hay các mạch máu lớn của bệnh nhân. Hạn chế của C - ARM còn nằm ở việc gây ra các bức xạ ảnh hưởng đến bệnh nhân và nhóm phẫu thuật viên.
Hệ thống chụp O.ARM ra đời dựa trên công nghệ tấm cảm biến X-quang phẳng, trạng thái rắn. O.ARM cung cấp hình ảnh không gian 3D với độ phân giải cao, toàn diện hơn, chính xác hơn và tăng cường độ chính xác và an toàn cho các bác sĩ phẫu thuật. Với cánh tay linh động có thể mở ra và tự động đồng bộ hóa với hệ thông định vị trong phẫu thuật (Navigation), O.ARM đã thay đổi mô hình cho phẫu thuật cột sống. Công nghệ này đã được chứng minh với các ưu thế: tăng độ chính xác của vị trí bắt vít cột sống, làm giảm tỷ lệ phẫu thuật lại do bắt sai vị trí; giảm các biến chứng phẫu thuật; giảm tiếp xúc với bức xạ cho bệnh nhân, phẫu thuật viên và nhân viên y tế; cung cấp các thông tin quan trọng cho phép các bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp; giúp cho bác sĩ phẫu thuật áp dụng các kỹ thuật ít xâm lấn làm giảm tổn thương mô, giảm sử dụng của thuốc và đau hậu phẫu, rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân.
“Trong phẫu thuật, phẫu thuật viên phải xác định vị trí để phẫu thuật, vị trí đó yêu cầu cần độ chính xác gần như tuyệt đối. Hệ thống chụp O.ARM và hệ thống định vị trong phẫu thuật (Navigation) đảm bảo tính ưu việt đó. Hệ thống hỗ trợ cho phẫu thuật viên xác định được vị trí phẫu thuật chính xác và hướng dẫn cho phẫu thuật viên, cho bác sỹ đang thao tác gì, làm gì, ở đâu trên cột sống bệnh nhân. Ngoài ra, vị trí phẫu thuật sẽ được hiện rõ trên màn hình để phẫu thuật viên có thể phòng tránh được tất cả các tai biến, biến chứng trong phẫu thuật”, TS.BS. Hoàng Gia Du chia sẻ.
Với những lợi ích trên, Bệnh viện Bạch Mai triển khai lắp đặt hệ thống chụp O.ARM và hệ thống định vị trong phẫu thuật (Navigation) tại Bệnh viện Bạch Mai. Với ưu thế của hệ thống O.ARM cùng với đội ngũ bác sĩ, phẫu thuật viên của Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật cột sống có trình độ chuyên môn cao giàu kinh nghiệm, tận tâm với nghề, hệ thống chụp O.ARM và định vị trong phẫu thuật (Navigation) sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các bệnh nhân bị bệnh lý cột sống ở Việt Nam.
Ngày 23/11/2016, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức Hội thảo ứng dụng hệ thống O.ARM và dẫn đường không gian ba chiều định vị chính xác trong phẫu thuật cột sống; đồng thời tổ chức Lễ cắt băng khai trương hệ thống O.ARM trong phẫu thuật cột sống. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế đã tới dự. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, việc ứng dụng hệ thống chụp O.ARM và dẫn đường không gian ba chiều định vị chính xác trong phẫu thuật cột sống đang được thực hiện thí điểm tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đánh giá cao. Tuy nhiên sau 30 ca thí điểm đầu tiên, Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng quốc để đánh giá lại chuyên môn, chỉ định cũng như chi phí khi ứng dụng công nghệ này chính thức tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Bài, ảnh: Hoàng Hiền