Kính tiếp xúc (kính áp tròng) là một thiết bị y tế được đặt trực tiếp lên bề mặt giác mạc để chỉnh tật khúc xạ hoặc điều trị một số bệnh lý của giác mạc. Trong khoảng vài năm trở lại đây, kính tiếp xúc ngày càng trở nên phổ biến nhờ những ưu điểm về mặt thẩm mỹ cũng như tính tiện dụng trong cuộc sống. Kính tiếp xúc có thể điều chỉnh các tật cận, viễn, loạn, kể cả lão thị; giúp bệnh nhân có hình ảnh trung thực, mang tính thẩm mỹ cao, thuận tiện trong các hoạt động thể thao hoặc nghệ thuật. Kính tiếp xúc có thể khắc phục được một số khuyết điểm của kính gọng. Ngoài ra, kính tiếp xúc còn có một số ưu điểm đặc biệt như: Có thể thay đổi màu mắt, làm cho tròng mắt to hơn hoặc để che sẹo đục giác mạc; bảo vệ bề mặt giác mạc (trong một số bệnh lý trợt giác mạc, bệnh giác mạc bọng …); khắc phục tình trạng lóa mắt cho những bệnh nhân không có mống mắt và kính tiếp xúc phù hợp cho bệnh giác mạc hình chóp.
Hiện nay có các loại kính tiếp xúc như: Kính tiếp xúc mềm để chỉnh các tật khúc xạ (bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị và cả lão thị); Kính tiếp xúc thẩm mỹ (giãn tròng, tạo hình mống mắt) và kính dùng cho mục đích điều trị (bảo vệ bề mặt nhãn cầu, khắc phục tình trạng lóa mắt cho những bệnh nhân bị khuyết hoặc không có mống mắt)
Kính tiếp xúc cứng chỉnh hình giác mạc OrthoK đeo ban đêm giúp hạn chế tiến triển của cận thị hoặc cho những bệnh nhân không muốn đeo kính gọng, kính tiếp xúc ban ngày hoặc bệnh nhân không phù hợp với phẫu thuật khúc xạ; kính tiếp xúc cứng chỉnh tật khúc xạ và kính tiếp xúc điều trị bệnh giác mạc hình chóp.
Các chuyên gia ngành Nhãn khoa khuyến cáo, hiện nay có tình trạng một số bạn trẻ tự ý đặt mua kính trên mạng mà không được khám, tư vấn đúng, đầy đủ về cách sử dụng, vệ sinh, bảo quản kính nên có thể dẫn đến một số vấn đề như lựa chọn thông số kính không phù hợp, thậm chí có thể dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm, đe dọa thị lực như viêm, loét giác mạc. Vì vậy, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế đáng tin cậy để được thăm khám, tư vấn và theo dõi để đảm bảo lựa chọn được loại kính phù hợp, hướng dẫn sử dụng đúng cách, hợp lý, tránh những biến chứng không may do việc sử dụng kính sai cách mang lại.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, Phòng khám kính tiếp xúc được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc theo đúng tiêu chuẩn, thiết kế của Nhật Bản đồng thời đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng phục vụ cho phòng khám đã được các chuyên gia của Công ty kính tiếp xúc SEED đào tạo, hướng dẫn thực hiện trực tiếp trên bệnh nhân.
Lễ khai trương Phòng khám kính tiếp xúc đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Bệnh viện Mắt Trung ương và Công ty SEED, Nhật Bản. Hy vọng, Phòng khám kính tiếp xúc, Bệnh viện Mắt Trugn ương đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
Hoàng Hiền