Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ kỹ thuật ghép tạng khó bậc nhất - ghép gan cho bệnh nhi

  • |
T5g.org.vn - Ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, với những đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật. Tiếp nối các thành công về phát triển các kỹ thuật cao, trong năm 2022, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật, ghép gan, cứu sống bé trai 9 tháng tuổi. Đây là ca ghép gan thành công thứ 25 tại Bệnh viện Nhi Trung ương và là ca ghép gan được thực hiện hoàn toàn bởi các y bác sĩ Bệnh viện.
Kíp phẫu thuật của Bệnh viện Nhi Trung ương đang ghép gan cho bệnh nhi

Khi ghép gan là cơ hội sống duy nhất 

TS. BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi được ghép gan thành công là bé trai 9 tháng tuổi, ở Lâm Đồng, cân nặng 8,2kg. Bệnh nhi được chỉ định ghép gan do mắc giai đoạn cuối bệnh xơ gan mật tiến triển của trẻ teo mật bẩm sinh. Thời điểm nhập viện, tình trạng của bệnh nhân đã khá nặng. Do tình trạng thiếu máu và rối loạn đông máu nặng, trẻ thường xuyên phải sử dụng các chế phẩm máu và các thuốc điều trị hỗ trợ. Để cứu sống bệnh nhi, ghép gan là phương pháp duy nhất. Bố của bé là người đã tình nguyện hiến gan cứu con. Theo TS. BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, teo mật bẩm sinh là một bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật. Tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 1/10.000 trẻ sơ sinh sống. Đây là bệnh khiến toàn bộ hệ thống đường mật trong và ngoài gan đều bị tổn thương gây hậu quả xơ gan mật. Tuy được phẫu thuật nối mật-ruột (phẫu thuật Kasai), một số trẻ teo mật bẩm sinh vẫn có tình trạng xơ gan mật tiến triển và cần có chỉ định ghép gan điều trị.

Thành công nhờ tự chủ kỹ thuật và lòng quyết tâm cứu người

Cũng giống như các ca ghép trước đó, ca ghép gan cho bệnh nhi 9 tháng tuổi được chuẩn bị với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều chuyên gia ở các khoa Gan mật, Ngoại tổng hợp, Gây mê, Hồi sức ngoại, trung tâm xét nghiệm cận lâm sàng, Ngân hàng máu, chẩn đoán hình ảnh… PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp thực hiện và chỉ đạo kỹ thuật ca ghép gan của bệnh nhi chia sẻ: “Ca ghép gan này được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp với rất nhiều khó khăn. Trước đó, để chuẩn bị cho ca ghép gan, công tác chuẩn bị người bệnh, chuẩn bị phòng hồi sức, hồi sức sau ghép và điều trị sau ghép đều được Bệnh viện chuẩn bị chu toàn. Đặc biệt cả ê kíp ghép đều cùng nhau xác định trước các nguy cơ có thể xảy ra trước, trong và sau ghép để cùng tìm các giải pháp tốt nhất vượt qua các nguy cơ đó”. Ngày 14/3/2022 ca đại phẫu được tiến hành. Sau 9 giờ căng thẳng, PGS.TS Phạm Duy Hiền và ê kíp phẫu thuật Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép gan thành công cho bệnh nhi. Em được hồi sinh nhờ tình yêu thương của gia đình, của cha em - người đã hiến một phần cơ thể để cứu sống con mình. Quan trọng hơn, là nhờ tài năng và sự quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. Nỗ lực cứu bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo không đơn thuần là sự làm chủ kỹ thuật ghép tạng và hồi sức của các bác sĩ trong ê kíp, mà còn có sự sẻ chia của nhân viên y tế trong toàn Bệnh viện. Ghép gan cần một cơ số máu lớn nhưng chỉ trong 2 ngày, sau lời kêu gọi của Ban chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Bệnh viện Nhi Trung ương, hơn 506 đơn vị máu đã được các y bác sĩ Bệnh viện cùng các Đoàn viên thanh niên Câu lạc bộ phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện Công an thành phố Hà Nội, và một số đơn vị, cá nhân, cộng đồng hiến tặng cho ca ghép và những bệnh nhi khác đang cần phẫu thuật. Với bệnh nhi và gia đình, đó là một ân tình. Với êkip phẫu thuật ghép gan cho bé, đó là thông điệp của hi vọng và sự gửi gắm niềm tin, cầu chúc may mắn. 
Chia sẻ về quá trình chăm sóc cho bệnh nhi, TS.BS Đặng Ánh Dương, Trưởng khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa đã chia sẻ, bệnh nhi được chăm sóc hậu phẫu với chế độ hồi sức đặc biệt trong phòng vô khuẩn. Các bác sĩ đã tiến hành cho bệnh nhi thở máy 24 tiếng, hỗ trợ oxy tối đa, duy trì huyết áp, truyền chế phẩm về máu để điều chỉnh tình trạng đông máu, dùng các thuốc ức chế thải ghép… Nhờ được chăm sóc đặc biệt, bệnh nhi đã hồi phục sức khoẻ nhanh chóng. 

Nơi có số ca ghép gan cho bệnh nhi nhiều nhất Việt Nam

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công 25 ca ghép gan, trở thành Bệnh viện có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam. Nhiều trường hợp trong 25 ca ghép này đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như bất đồng nhóm máu, ghép gan cho trẻ ung thư gan, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp. Để có được sự thành công này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn cho y bác sỹ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và năng lực tổ chức hoạt động nhóm giữa Khoa, Phòng, Đơn vị liên quan, như: Khoa Gan mật, Trung tâm Ngoại Tổng hợp, Trung tâm Tim mạch, Khoa Gây mê Hồi sức, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Điện quang can thiệp, Khối Xét nghiệm, Ngân hàng máu, khoa giải phẫu bệnh, di truyền sinh học phân tử… 
Quan trọng nhất để có được kết quả như ngày hôm nay, từ nhiều năm trước, Bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của các Bệnh viện quốc tế và trong nước. Bắt đầu từ năm 2005, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành những ca ghép gan trẻ em đầu tiên với sự giúp đỡ của rất nhiều các cá nhân, tổ chức, chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Đài Loan. Sau đó là sự giúp đỡ nhiệt tình từ các chuyên gia đến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đầu năm 2021, Bệnh viện Nhi Trung ương được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ và chính thức cho phép triển khai kỹ thuật lấy, ghép gan. PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đây là thủ tục cần thiết để Bệnh viện triển khai kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh trẻ em phù hợp với các quy định pháp lý, tiến tới trở thành quy trình kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện. Đến năm 2022, với sự thành công của ca ghép gan cho bệnh nhi 9 tháng tuổi, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chính thức tự chủ được loại hình ghép tạng khó bậc nhất này. 
Thành công này không chỉ mang lại niềm vui cho người bệnh, người nhà người bệnh mà còn là niềm vui và hạnh phúc của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây là động lực cho đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương vượt qua khó khăn, tiếp tục nỗ lực, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật; góp phần mở ra nhiều hi vọng mới cho các gia đình có con mắc bệnh lý suy gan giai đoạn cuối.

Minh Phú (tổng hợp)
 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang