Theo Quyết định số 3254/QĐ-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch hành động Đề án Bệnh viện vệ tinh năm 2016, Bệnh viện Thống Nhất được giao nhiệm vụ là Bệnh viện hạt nhân, chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho bệnh viện vệ tinh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Trong năm 2016, Bệnh viện Thống Nhất đã và đang xây dựng, chuẩn hóa chương trình, nội dung tài liệu đào tạo liên tục thuộc các lĩnh vực thực hiện trong Đề án: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quy trình kỹ thuật chuyên môn; chương trình và các tài liệu đào tạo dự kiến thực hiện giai đoạn 2016 - 2018. Trong 2 năm tới, kíp cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật sẽ được đào tạo tại Bệnh viện Thống Nhất về bệnh học tim mạch lão khoa; bệnh lý mạch máu ngoại vi; cấp cứu tim mạch; bệnh tim mạch và chuyển hóa; bệnh cơ tim; bệnh mạch vành; suy tim; bệnh mạch máu và một số bệnh tim mạch hiếm gặp. Sau khi được đào tạo, kíp cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long sẽ được các bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất chuyển giao kỹ thuật siêu âm tim qua thành ngực; holter nhịp tim; holter huyết áp; siêu âm tim gắng sức; siêu âm tim qua thực quản; đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn; đặt máy ICD, RCT; can thiệp mạch vành… Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống y học từ xa (telemedicine) để đáp ứng nhu cầu đào tạo, tư vấn, hội chẩn chuyên môn với các bệnh viện tuyến trên thông qua mạng internet nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị tại Bệnh viện.
Thực hiện Quyết đinh số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án Giảm quá Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, ngày 11/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định 774/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Bệnh viện Vệ tinh giai đoạn 2013-2020. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên. Hiện nay, tập trung ưu tiên 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản nhi. Theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sau 03 năm thực hiện Đề án (2013-2016), tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên so với các năm trước đã có xu hướng giảm, đặc biệt rõ rệt ở những bệnh viện và chuyên khoa trong Đề án bệnh viện vệ tinh.
Từ những kết quả đạt được nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đến tháng 12/2016, tất cả các tỉnh, thành phố phải thực hiện bệnh viện vệ tinh. Việc đẩy mạnh thực hiện bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật sẽ không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân. Đây được coi là một trong những giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả, hiêu suất của các bệnh viện hiện có. Bộ Y tế sẽ tiếp tục lựa chọn, bổ sung các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ thuật cao thuộc TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân. Bộ Y tế đã nghiên cứu, bổ sung vào Đề án Bệnh viện Vệ tinh giai đoạn 2016-2020 các chuyên khoa quá tải trầm trọng như Nội tiết, Thần kinh, Hồi sức cấp cứu chống độc.
Nhân dịp này, Prudential đã hỗ trợ kinh phí tổ chức Lễ ký kết và trao tặng 10 suất quà cho 10 bệnh nhân thụ hưởng các kỹ thuật trong Đề án bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Tuấn Minh