Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bình Dương: Gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

  • |
T5g.org.vn - Tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 43 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 53 tỉnh, thành phố và 28 trường hợp tử vong. Số mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Phóng viên Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương đã có cuộc trao đổi với BSCKII. Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Bình Dương để cung cấp thông tin về tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến khá phức tạp tại tỉnh.

Phóng viên: Xin ông cho biết, đến thời điểm này tại tỉnh Bình Dương đã có bao nhiêu ca mắc, tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết? những huyện nào của tỉnh mắc nhiều nhất, nguyên nhân vì sao thưa ông?

BSCKII. Từ Tấn Thứ: Hiện nay tình hình sốt xuất huyết tại tỉnh Bình Dương đang diễn biến khá phức tạp, dịch bệnh bùng phát mạnh từ tháng 8/2015 đến nay. Số trường hợp mắc sốt xuất huyết trong 9 tháng đầu năm 2015 đã lên đến 2.803 ca, tăng 72,2% so với cùng kỳ năm 2014; số ca sốt xuất huyết nặng là 59 ca, chiếm 2,1% tổng số ca mắc, tăng 24 ca so với cùng kỳ 2014 (35 ca). Số ca tử vong do sốt xuất huyết là 8 ca, tăng 7 ca so với cùng kỳ 2014 (1 ca).

Số ca mắc SXH và tử vong tập trung tại các địa bàn như: thị xã Thuận An (mắc 597 ca; tử vong 03 ca), thị xã Dĩ An (mắc 597 ca, tử vong 03 ca, tăng 4,7 lần so cùng kỳ 2014), thành phố Thủ Dầu Một (mắc 630 ca, tử vong 01 ca), thị xã Bến Cát (mắc 186 ca, tử vong 01 ca). Đây là các địa bàn phát triển công nghiệp, có mật độ dân số đông, tốc độ đô thị hóa cao, các khu nhà trọ phát triển mạnh và tập trung nhiều công nhân lao động nhập cư… không gian sống trở nên chật hẹp, các vật dụng phế thải gia tăng, gặp mùa mưa trở thành vật ứ đọng nước, tạo điều kiện để muỗi vằn phát triển, nhưng người dân lại ít quan tâm đến việc dẹp bỏ những vật dụng ứ đọng nước để diệt lăng quăng.

Phóng viên: Để khống chế sự gia tăng của dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh triển khai công tác truyền thông kết hợp với điều trị và dự phòng như thế nào thưa ông?

BSCKII. Từ Tấn Thứ: Để khống chế sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo mạnh mẽ các Sở ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương trong tỉnh tích cực tham gia các hoạt động phòng sốt xuất huyết, nhất là trong huy động cộng đồng diệt lăng quăng. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh chủ động triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết bao gồm: tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện và xử trí các ổ dịch; củng cố cơ sở điều trị sốt xuất huyết tại các tuyến; đặc biệt, công tác truyền thông và huy động cộng đồng tham gia phòng, chống sốt xuất huyết đã được đẩy mạnh. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh sốt xuất huyết, về sự nguy hiểm của bệnh để người dân tích cực tham gia các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như: diệt lăng quăng, muỗi vằn, phòng chống muỗi đốt; nhận biết các dấu hiệu bệnh để đến cơ sở y tế khám, điều trị…

Ngoài ra, các hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết đã được triển khai liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố; hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; Báo Bình Dương, Tạp chí Lao động Bình Dương, Bản tin Sức khỏe Bình Dương…; tuyên truyền qua hệ thống loa trong các bệnh viện; tuyên truyền bằng băng rôn, tờ rơi, áp phích, xe tuyên truyền lưu động; tuyên truyền trực tiếp trong các buổi sinh hoạt tập thể công nhân, học sinh, sinh viên; đặc biệt đội ngũ cộng tác viên đã tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình trong Ngày ASEAN phòng chống SXH 15/6/2015 và trong 02 đợt Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng vào tháng 6 và tháng 8/2015 vừa qua.

Phóng viên: Ông có thể nêu những khó khăn, thuận lợi của tỉnh Bình Dương trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn?

BSCKII. Từ Tấn Thứ:

Về thuận lợi: được sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương; sự chỉ đạo trực tiếp của của các cơ quan tuyến trung ương như: Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế, Viện Pasteur TP. HCM... Ban chỉ đạo phòng, chống dịch dịch bệnh sốt xuất huyết của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã được củng cố và thường xuyên chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại tỉnh. Công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết được đẩy mạnh, liên tục và thực hiện trên nhiều phương tiện, bằng nhiều hình thức. Đồng thời, tỉnh đã huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tham gia vận động quần chúng nhân dân tích cực thực hiện các hoạt động như diệt lăng quăng/bọ gậy. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đã sớm xây dựng và triển khai kế hoạch chủ động phòng, chống sốt xuất huyết. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh đã được tập huấn phác đồ điều trị, sẳn sàng thu dung điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Về khó khăn: Vấn đề đô thị hoá làm cho mật độ dân số trong tỉnh tăng cao, vệ sinh môi trường, các dụng cụ phế thải chưa được người dân quan tâm xử lý; trong khi hiện nay đang là mùa mưa, nhiều điểm ứ đọng, ngập nước là điều kiện để muỗi phát triển. Mặc dù người dân trong tỉnh đã có kiến thức về phòng, chống sốt xuất huyết nhưng việc thực hành còn rất hạn chế, chưa nhận thức được nguy cơ mắc bệnh, khiến cho việc xử lý dịch bệnh là của y tế cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, nhân lực y tế tại các đơn vị tuyến huyện thiếu, yếu và thay đổi liên tục nên cán bộ mới không kịp cập nhật về công tác phòng chống sốt xuất huyết. Các phòng khám tư nhân còn giữ bệnh nhân lại để điều trị, nhưng điều trị không đúng phát đồ nên gây rất nhiều khó khăn cho tuyến trên điều trị, có trường hợp người bệnh tử vong chỉ sau vài giờ chuyển đến bệnh viện tuyến trên.

Theo nhận định của các chuyên gia Y tế, bệnh sốt xuất huyết sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp do năm nay đúng chu kỳ 5 năm, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Vì vậy, để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh trong những tháng tới, các địa phương trong cả nước cần tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên diện rộng ở những xã, phường trọng điểm. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết hiệu quả.

Hoàng Hiền thực hiện

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang