Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, đến ngày 31/12/2019, Trung Quốc ghi nhận một chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc. Đến ngày 3/1/2020, Trung Quốc đã ghi nhận 44 trường hợp mắc, trong đó có 11 trường hợp trong tình trạng nặng; đến ngày 5/1/2020, WHO thông báo đã ghi nhận 59 trường hợp mắc, trong đó 7 trường hợp nặng, các trường hợp khác vẫn trong tình trạng ổn đỉnh, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Chưa có bằng chứng việc lây truyền từ người sang người và chưa ghi nhận có cán bộ y tế bị nhiễm bệnh.
Những biểu hiện lâm sàng của các bệnh nhân gồm: sốt, khó thở, X quang phổi có bóng mờ. Nhiều trường hợp bệnh có liên quan tới chợ hải sản lớn nhất của thành phố Vũ Hán. Hiện tại, 163 người dân có tiền sử tiếp xúc gần với các trường hợp bệnh đã được theo dõi, cách ly. Tuy nhiên, các tác nhân gây bệnh như cúm, cúm gia cầm, SARS và Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) đã được loại trừ.
Cũng trong ngày 5/1/2020, Singapore thông báo ghi nhận 1 bé gái 3 tuổi có viêm phổi cấp, có tiền sử đi về từ thành phố Vũ Hán; tuy nhiên kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút RSV (1 loại vi rút gây viêm phổi thông thường). Ngày 6/1/2020, các bệnh viện của Hồng Kông ghi nhận 7 trường hợp bệnh nhân từ 2 đến 55 tuổi từng đến Vũ Hán trong 14 ngày qua: có triệu chứng bị sốt, khó thở và viêm phổi, nhưng không có ai đến thăm chở ở Vũ Hán.
Trước tình hình đó, ngành Y tế Trung Quốc đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác thực hiện xét nghiệm sâu để tìm tác nhân gây bệnh; đồng thời chỉ đạo vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về tự dự phòng dịch bệnh, cách ly theo dõi sức khỏe của người có tiền sử tiếp xúc với các trường hợp bệnh. Đồng thời, ngày 1/1/2020, Trung Quốc cho đóng cửa và triển khai khử trùng tại chợ hải sản, nơi có nhiều trường hợp bệnh.
Bên cạnh đó, WHO cũng đưa ra khuyến cáo với người dân cần:
- Tránh tiếp xúc gần với những bệnh nhân.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh và môi trường nhiễm bệnh.
- Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi ốm, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay với xà phòng.
- Những người có triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp cần đeo khẩu trang, che miệng, mũi khi ho và rửa tay sạch sẽ.
- Không khuyến cáo bất kỳ biện pháp nào hạn chế việc đi lại đến khu vực có trường hợp bệnh tại Trung Quốc.
Tại Việt Nam, có 3 thành phố; Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa có đường bay thẳng đến thành phố Vũ Hán với tổng 2.500 khách mỗi tuần. Tuy chưa ghi nhận trường hợp nào có triệu chứng như trên nhưng ngành Y tế Việt Nam cũng thường xuyên:
- Cập nhập thông tin kịp thời từ WHO, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, mạng lưới văn phòng đáp ứng khẩn cấp khu vực ASEAN.
- Thực hiện các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh/thành phố rà soát các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực sẵn sàng phòng chống.
- Tăng cường việc giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cở sở y tế, cộng đồng thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện (EBS), cửa khẩu.
Ở Việt Nam, theo các chuyên gia đánh giá, trong vòng 1 tháng tới, nguy cơ dịch bệnh viêm phổi cấp nói trên ở mức trung bình và thấp.
Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương