Người dân nên đến các bệnh viện để được khám và chẩn đoán kịp thời
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh lưu hành trên 100 quốc gia trên thế giới thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới như vùng Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Châu Mỹ, Châu Phi với khoảng 3,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành trên cả nước nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc bộ và ven biển miền Trung. Do đặc điểm địa lý, khí hậu khác nhau, ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra cao vào các tháng 7, 8, 9, 10 hàng năm.
“Sốt xuất huyết có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt vi rút thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh, dẫn tới bệnh nặng, có biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa… đe dọa tới tính mạng. Để tránh tình trạng bệnh nặng hoặc có biến chứng mới vào viện điều trị, những bệnh nhân bị sốt đột ngột, kèm theo triệu chứng đau đầu, đau mỏi toàn thân, cơ thể có chấm đỏ ở ngoài da, chảy máu răng lợi hoặc chảy máu cam… nên đến các bệnh viện để được khám và chẩn đoán kịp thời”, PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bộ Y tế chủ động, tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh
Từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết như: chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh sốt xuất huyết từ trung ương đến địa phương; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; gửi công điện, các văn bản tới các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết ngay từ đầu năm khi bắt đầu vào thời điểm có nguy cơ mắc bệnh tăng cao; giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và dịch truyền tại các cơ sở điều trị để sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; chuẩn bị hóa chất, máy phun hóa chất, dụng cụ điều tra bọ gậy phục vụ công tác phòng chống sốt xuất huyết; tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc sốt xuất huyết để xử lý kịp thời; tổ chức các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại các khu vực có nhiều nguy cơ; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị, hướng dẫn quản lý mô hình cộng tác viên, về nội dung quản lý chương trình phòng chống sốt xuất huyết; tăng cường đăng tải các khuyến cáo, các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết tại các địa phương, triển khai áp dụng các biện pháp kiểm tra, hướng dẫn diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình thông qua mạng lưới cộng tác viên; huy động chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể tham gia chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết; đồng thời thành lập 5 Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch năm 2015 trong đó tập trung vào các tỉnh có nhiều nguy cơ sốt xuất huyết.
Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5-5%. “Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; không có miễn dịch chéo giữa các type vi rút, nguy cơ dịch luôn tiềm ẩn, khó kiểm soát. Ngoài ra, việc đô thị hóa nông thôn, di dân cùng với chu kỳ dịch thay đổi và biến đổi khí hậu nên khó dự báo được nguy cơ bùng phát dịch. Nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Người dân hãy nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng bằng cách khơi thông cống rãnh, phun thuốc muỗi tại hộ gia đình và khu dân cư theo định kỳ.
Bệnh Sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, bùng phát 4-5 năm/lần, vì vậy, để ứng phó với bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã chủ động kiểm soát, chuẩn bị và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống của bệnh; đồng thời Bộ Y tế kêu gọi người dân chủ động và tích cực thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống sốt xuất huyết.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như sau: 1. Thường xuyên kiểm tra để phát hiện, xử lý ngay các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh như: Hàng tuần kiểm tra tất cả những nơi có chứa nước (bể nước dự trữ, bể nước cứu hoả, bể nước nhà vệ sinh, hòn non bộ, bình hoa …), diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá; thả hóa chất diệt ấu trùng; thau rửa dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa ... thực hiện tốt vệ sinh, thu gom, loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, không để vật chứa đọng nước mưa. 2. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. 3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. 4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch 5. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. |
Bài, ảnh: Hoàng Hiền