Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, cùng sự tham dự của đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ, Văn phòng Bộ, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Viện VSDT Trung ương và Lãnh đạo các Sở Y tế, các Trung tâm kiểm soát bệnh tật của các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Hội thảo sẽ bàn về một trong những công tác quan trọng của ngành y tế và rất có ý nghĩa đối với cộng đồng, đó là công tác truyền thông giáo dục sức khỏe ở tuyến tỉnh.
Thứ trưởng cho biết công tác truyền thông giáo dục sức khỏe luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Trong tất cả những Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác truyền thông đều được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để đưa nghị quyết, chính sách vào cuộc sống.
Trong giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19 (2020-2022), giai đoạn mà toàn xã hội phải cách ly để phòng, chống dịch, các cán bộ làm công tác truyền thông từ tuyến tỉnh cho đến huyện và xã, phường, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hiểm nguy, không ngại hy sinh, sẵn sàng xông pha lên tuyến đầu, đi sâu vào trong vùng dịch, vừa thực hiện chuyên môn phòng, chống dịch bệnh, vừa làm công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của Việt Nam trong ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của đại dịch COVID-19. Sự đóng góp này càng chứng tỏ vai trò và tầm quan trọng của mạng lưới truyền thông GDSK trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Báo cáo thực hiện công tác truyền thông GDSK từ đầu năm 2023 đến nay của các tỉnh, thành phố cho thấy, nhiều hoạt động truyền thông đã được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt, các hoạt động truyền thông qua mạng lưới thông tin đại chúng, mạng xã hội, chiến dịch truyền thông theo chủ đề, theo sự kiện y tế, truyền thông lồng ghép được thực hiện với tần xuất cao và đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhiều hoạt động đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng và nỗ lực của các cán bộ phụ trách và cán bộ trực tiếp làm công tác truyền thông GDSK ở tuyến cơ sở.
Mới đây, vào tháng 9/2023, Hội thảo chuyên đề về nâng cao năng lực truyền thông GDSK cho 9 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ (Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Vĩnh Long) được tổ chức tại Cần Thơ cho thấy bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập đối với mạng lưới truyền thông GDSK tuyến tỉnh, thành phố. Những khó khăn gồm: (1) Mặc dù đã có mạng lưới truyền thông GDSK từ tỉnh đến huyện, xã, nhưng do biến động cán bộ cả về số lượng và chất lượng, đa số là kiêm nhiệm nên năng lực thực hiện công tác truyền thông GDSK còn rất hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả và chất lượng công tác truyền thông GDSK cho nhân dân; (2) Từ khi sáp nhập đến nay, việc chỉ đạo tuyến, định hướng công tác truyền thông GDSK hàng năm từ trung ương và từ tỉnh còn rất chậm và hạn chế do COVID-19, do phải sắp xếp ổn định tổ chức, nhân sự dẫn đến chậm hoặc không kịp thời trong thực hiện công tác truyền thông GDSK; (3) Nhiều ý kiến cho rằng chế độ chính sách (ưu đãi ngành) cho cán bộ làm công tác truyền thông GDSK hiện tại không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chưa khuyến khích được cán bộ tận tâm với công việc; (4) Thiếu trang thiết bị và kinh phí cho hoạt động truyền thông GDSK. Tại một số tỉnh, thành phố, công tác truyền thông GDSK vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, quy mô của Hội thảo khu vực Tây nam Bộ còn nhỏ. Vì vậy, cần phải tổ chức Hội thảo tương tự ở quy mô lớn hơn để có điều kiện tìm hiểu râu hơn, rộng hơn về khó khăn, nguyên nhân và giải pháp để nâng cao năng lực cho mạng lưới truyền thông GDSK, giúp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ truyền thông GDSK cho nhân dân trong tình hình mới.
Thứ trưởng đề nghị, Hội thảo cần tập trung thảo luận sâu hơn, kỹ hơn về bốn trọng tâm đang được các tỉnh quan tâm, gồm: (1) thực tế công tác chỉ đạo tuyến về truyền thông giáo dục sức khỏe hiện nay; (2) đầu tư cho truyền thông giáo dục sức khỏe tại địa phương mình; (3) thực trạng đội ngũ làm truyền thông giáo dục sức khỏe; (4) chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ này. Các giải pháp cần được thảo luận cho cả giai đoạn trước mắt và lâu dài để đảm bảo vừa khắc phục khó khăn trước mắt, vừa củng cố và xây dựng nền tảng lâu dài.
Trên cơ sở các ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ/ các Viện VSDT Trung ương và khu vực/Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương sẽ trao đổi, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản chỉ đạo để tạo động lực làm tốt hơn công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; tạo điều kiện tốt hơn cho đội ngũ làm truyền thông giáo dục sức khỏe ở các địa phương vừa được nâng cao trình độ, kỹ năng, vừa được quan tâm tới chế độ chính sách và điều kiện làm việc để yên tâm công tác và đóng góp tâm huyết cho sự nghiệp truyền thông, giáo dục sức khỏe.
Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương