Công điện yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai ngay các công việc: theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, chủ động phòng chống lũ quét, sạt lở đất ở miền núi, ngập úng ở vùng trũng, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời chính xác, hạn chế thấp nhất về người và tài sản do mưa, lũ gây ra; Sở Y tế các tỉnh/ thành phố triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ, lụt, sạt lở đất; chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh trong, sau mưa lũ; các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất khi có lệnh; đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực ban, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; kịp thời báo cáo về Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Bộ Y tế.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng kết hợp của vùng áp thấp, gió Đông Bắc, từ đêm 12/10 đến hết ngày 15/10 các tỉnh/thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa cả đợt trên 200 mm, riêng khu vực Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế là khoảng 300-500 mm (cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2). Ngoài ra, do ảnh hưởng của kỳ triều cường, từ ngày 18-20/10, mực nước trên sông Cửu Long và sông Sài Gòn sẽ lên mức Báo động 3 và trên Báo động 3, nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp, đặc biệt là khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh (cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 3).
Tin: Nguyễn Hiển