
Khoa đã dành riêng tầng 2 làm khu cách ly bệnh tay chân miệng, nhưng do diện tích quá chật hẹp, chỉ kê được 20 giường vì vậy những ngày này, các phòng điều trị luôn trong tình trạng quá tải, phải nằm ghép 2 bé/giường.
Trong khi đó, số liệu báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ về tình hình bệnh tay chân miệng trong thời gian từ đầu tháng 9 đến nay cũng có xu hướng tăng. Nếu như tuần đầu tháng 9 phát hiện 8 ca mắc mới, thì sang tuần đầu tháng 10 số ca mắc mới tăng lên 28 ca. Tính từ đầu năm 2015 đến ngày 9/10, tổng số ca mắc tay chân miệng ghi nhận tại TP Cần Thơ là 616 ca (giảm 217 ca so với cùng kỳ năm ngoái). Các quận/huyện có số ca mắc nhiều là: Ninh Kiều (149 ca), Bình Thủy (83 ca), Cái Răng (66 ca); đặc biệt tại Ô Môn (101 ca), tăng 12 ca so với cùng kỳ.
Cũng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 ổ dịch tay chân miệng tại cộng đồng ở các quận/huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Vĩnh Thạnh, tăng hai ổ dịch so với cùng kỳ năm ngoái. Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc xin - sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang trong mùa cao điểm (từ tháng 9-11), Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã chỉ đạo y tế dự phòng tuyến quận/huyện tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường học, cung cấp đầy đủ hóa chất khử khuẩn cho các quận/huyện để xử lý ổ dịch. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyên truyền phòng chống các bệnh truyền nhiễm tại trường học được tốt hơn, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã in ấn và phân bổ 98.789 tờ thời khóa biểu cho các trường tiểu học quận/huyện (trong đó có kèm các nội dung tuyên truyền về biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy) để phát cho học sinh vào ngày tựu trường”.
Vào đầu năm học, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác y tế trường học do Sở Y tế chủ trì cũng tiến hành kiểm tra một số trường học trên địa bàn 9 quận/huyện. Qua kiểm tra thực tế, Đoàn cũng nhắc nhở, đề nghị các trường có sự phối hợp tốt với ngành Y tế trong chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm. Trong trường hợp, khi phát hiện có trẻ, học sinh mắc bệnh, cán bộ y tế trường học cần thông báo ngay cho các đơn vị y tế để phối hợp xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch trong trường học và cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người; bên cạnh đó thường xuyên tuyên truyền tới các bậc phụ huynh để họ biết cách phòng tránh, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và con em mình.
Vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã tham mưu cho Sở Y tế đề ra kế hoạch số 2666 ngày 1/10/2015 về thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi diện rộng phòng chống bệnh sốt xuất huyết, trong đó cũng chỉ đạo các quận/huyện khi triển khai chiến dịch, lồng ghép hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các xã/phường/khu vực trọng điểm.
Để phục vụ công tác tuyên truyền phòng chống bệnh tay chân miệng trong tháng cao điểm, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe (TTGDSK) TP Cần Thơ cũng sản xuất, in ấn 100.000 tờ rơi tài liệu truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng để cung cấp, phân phối cho các quận/huyện. Ngoài ra, Trung tâm TTGDSK còn phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền nâng cao sức khỏe học đường, phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh tay chân miệng cho giáo viên và học sinh, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt dưới cờ của nhà trường.
Theo các bác sĩ, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút đường ruột nhóm Enterovirus gây ra, dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa, đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch nốt phỏng vỡ (do vi rút ở trong phân, dịch hắt hơi, dịch sổ mũi, nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bệnh, đồ chơi, môi trường tiếp xúc,...). Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm (viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp) dẫn đến tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngành Y tế khuyến cáo các thầy cô, bậc phụ huynh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.
Bài, ảnh: Hương Giang, t4g Cần Thơ