Tại sao lại phải phân chia ung thư dạ dày giai đoạn sớm và muộn?
Ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ còn dưới 10% theo Orditura M và cộng sự[1], trong khi đó, tỉ lệ sống sau 5 năm đối ung thư phát hiện giai đoạn sớm là 97,1-100% [2], và 97,1 %-100% sau 5 năm bệnh nhân vẫn còn sống khỏe mạnh mà không phải điều trị hóa chất hoặc các phương pháp gì khác sau cắt tách dưới niêm mạc dạ dày qua nội soi (Endoscopic Submucosal Dissection- ESD) [2]. Ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn muộn chủ yếu là phẫu thuật cắt dạ dày và sau đó phải điều trị hóa chất toàn thân, làm chất lượng cuộc sống người bệnh bị giảm đáng kể.
Theo nghiên cứu của Choi IJ. và cộng sự năm 2014 [4] tỉ lệ sống sau 5 năm của ung thư dạ dày sớm là tương đương nhau khi dùng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ dạ dày so với phương pháp cắt tách dưới niêm mạc dạ dày qua nội soi. Theo các nghiên cứu của Abe S và Okada K [5],[6] ngay cả khi ung thư dạ dày típ kém biệt hóa thì tỉ lệ sống sau 5 năm cũng đạt 93-96%.
Cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (Endoscopic Submucosal Dissection- ESD)
Cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi là một phương pháp điều trị ung thư dạ dày sớm và tổn thương tiền ung thư. Kỹ thuật này được tiến hành hành qua nội soi thực quản dạ dày với thuốc tiền mê hoặc gây mê (giúp người bệnh không bị khó chịu và không đau). Toàn bộ vùng tổn thương được tách ra khỏi các lớp cơ và thanh mạc dạ dày trước khi cắt ra. Toàn bộ vùng tổn thương sau đó sẽ được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để đánh giá lại tổn thương ung thư đã tới lớp nào và thực sự ung thư có còn ở giai đoạn sớm hay không. Phương pháp này được tiến hành bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tới năm 2003 đã chính thức được Hiệp Hội Ung thư Dạ dày Nhật Bản công nhận. Hiện nay, một số chuyên gia hang đầu của Nhật Bản cho rằng nếu trên hình ảnh nội soi dạ dày tổn thương ung thư sớm hoặc tiền ung thư đã điển hình thì không cần sinh thiết trước khi tiến hành cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi mà tiến hành cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi sau đó lấy cả vùng tổn thương tiến hành xét nghiệm trên mô bệnh học.
Tại Việt Nam, kỹ thuật này còn là mới. Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai với sự giúp đỡ của Nhật Bản, đặc biệt là trường Đại học Nagoya mà đứng đầu là giáo sư Goto Hidemi đã được trang bị một Trung tâm Nội soi Tiêu hóa hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Đồng thời, thường xuyên có đội ngũ giáo sư, bác sỹ và y tá từ Nhật Bản sang trực tiếp làm việc hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật. Cho tới nay, kỹ thuât này đã được tiến hành thường quy mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh.
Đây là một kỹ thuật cao có rất nhiều lợi ích nhưng điều khó khăn nhất không tiến hành thường quy được không phải vì là kỹ thuật khó mà là do ở Việt Nam phần lớn (gần như 100%) ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn muộn, nên không thể áp dụng được phương pháp này điều trị cho người bệnh. Vì vậy, gần đây khi tập trung vào phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm Trung tâm Nội soi Tiêu hóa đã phát hiện được những trường hợp ung thư ở giai đoạn sớm hoặc tổn thương tiền ung thư. Nhờ đó, đã giúp cho người bệnh có thêm cơ hội sống bởi được tiếp cận dễ dàng với phương pháp cắt tách niêm mạc để điều trị.
Làm thế nào để bệnh nhân được phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm?
Xin xem bài: ung thư dạ dày là bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện được ở giai đoạn sớm của cùng tác giả (http://www.t5g.org.vn/Default.aspx?u=dt&id=5443).
Cắt tách niêm mạc được tiến hành như thế nào?
Đầu tiên người ta tiến hành đánh dấu vùng tổn thương. Tiếp theo, dùng dung dịch có chất chỉ điểm màu (indigocarmin) tiêm vào lớp dưới niêm mạc mục đích để tách tổn thương ung thư đang nằm trong lớp niêm mạc ra khỏi lớp cơ giúp cho khi cắt không làm tổn thương lớp cơ. Bước tiếp theo là dùng dao điện chuyên biệt cắt khoanh toàn bộ vùng tổn thương tại lớp niêm mạc. Như vậy, toàn bộ dạ dày vẫn được bảo tồn, tại vị trí cắt vẫn còn lại lớp cơ và lớp thanh mạc. Sau đó, người bệnh được dùng thuốc giảm tiết axit PPI (proton pump inhibitors) liều cao, nếu không có biến chứng gì sau 2 ngày người bệnh ăn trở lại bình thường và được ra viện. Thường tổn thương loét sau cắt tách niêm mạc sẽ liền sẹo hoàn toàn sau 2 tháng.
Các biến chứng của cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi
Các biến chứng tùy thuộc vào kích thước của tổn thương cần cắt, tình trạng đông máu của người bênh: Có thể gây thủng dạ dày (chiếm khoảng 1,2- 5,2% []) hoặc chảy máu muộn sau cắt (0- 15,6% []).
Như vậy, cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi là một phương pháp điều trị rất hiệu quả có thể nói là khỏi hẳn đối với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm mà không cần điều trị. Giúp người bệnh bảo tồn toàn bộ dạ dày tránh được phẫu thuật cắt dạ dày. Đây là phương pháp điều trị an toàn với thời gian nằm viện ngắn, hầu như không ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
1. Orditura, M; Galizia, G; Sforza, V; Gambardella, V; Fabozzi, A; Laterza, MM; Andreozzi, F; Ventriglia, J; Savastano, B; Mabilia, A; Lieto, E; Ciardiello, F; De Vita, F . "Treatment of gastric cancer. World Journal of Gastroenterology 2014, 20 (7): 1635–49.
2. Kim MY, Cho JH, Cho JY.Ever-changing endoscopic treatment for early gastric cancer: Yesterday-today-tomorrow. World J Gastroenterol. 2014 Oct 7;20(37):13273-13283.
3 Isomoto H1, Shikuwa S, Yamaguchi N, Fukuda E, Ikeda K, Nishiyama H, Ohnita K, Mizuta Y, Shiozawa J, Kohno S.Endoscopic submucosal dissection for early gastric cancer: a large-scale feasibility study. Gut. 2009 Mar;58(3):331-6.
4.Choi IJ1, Lee JH1, Kim YI1, Kim CG1, Cho SJ1, Lee JY1, Ryu KW1, Nam BH2, Kook MC1, Kim YW1.Long-term outcome comparison of endoscopic resection and surgery in early gastric cancer meeting the absolute indication for endoscopic resection. Gastrointest Endosc. 2014 Sep 30.
5.Abe S1, Oda I, Suzuki H, Nonaka S, Yoshinaga S, Odagaki T, Taniguchi H, Kushima R, Saito Y.Short- and long-term outcomes of endoscopic submucosal dissection for undifferentiated early gastric cancer. Endoscopy. 2013 Sep;45(9):703-7.
6Okada K1, Fujisaki J, Yoshida T, Ishikawa H, Suganuma T, Kasuga A, Omae M, Kubota M, Ishiyama A, Hirasawa T, Chino A, Inamori M, Yamamoto Y,Yamamoto N, Tsuchida T, Tamegai Y, Nakajima A, Hoshino E, Igarashi M.Long-term outcomes of endoscopic submucosal dissection for undifferentiated-type early gastric cancer.Endoscopy. 2012 Feb;44(2):122-7.
7. Oda I1, Suzuki H, Nonaka S, Yoshinaga S. Complications of gastric endoscopic submucosal dissection.Dig Endosc. 2013 Mar;25 Suppl 1:71-8.
TS.BS. Vũ Trường Khanh
Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai