Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt

  • |
Ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) là khối u ác tính xuất phát từ tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt. UTTTL thường di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết… UTTTL có thể gây đau đớn và khó khăn trong việc đi tiểu, quan hệ tình dục, hoặc rối loạn chức năng cương dương…

Tỷ lệ phát hiện UTTTL khác nhau đối với các vùng trên thế giới. Theo Globocan, năm 2012, tỷ lệ mắc UTTTL cao nhất ở Australia, New Zealand, Bắc Mỹ, Đông Âu. Theo dữ liệu của Mạng lưới Ung thư Quốc gia Mỹ (National Comprehensive Cancer Network, NCCN), năm 2012, có 241.740 trường hợp mới mắc, chiếm 28% tổng số bệnh nhân (BN) ung thư mới mắc ở nam giới và 28.170 BN tử vong.

Người Châu Á có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn: 1-7/100,000: Hong Kong (2.6), Nhật Bản (3.8), Singapore (4.2), Thụy Điển (20.4), Thụy Sĩ (22.5).

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh UTTTL ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Theo dữ liệu Globocan, năm 2012, hằng năm ước tính có khoảng 1.275 ca mới mắc nhưng có tới 872 ca tử vong. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 3,4/100.000 dân, tỷ lệ chết là 2,4/100.000 dân. UTTTL đứng thứ 10 về tỉ lệ mắc.

Các phương pháp điều trị bệnh UTTTL, bao gồm: Phẫu thuật (phẫu thuật mở, nội soi), cắt lạnh; Nội tiết (cắt bỏ tinh hoàn bằng phẫu thuật hoặc bằng thuốc); Hóa chất; Xạ trị (xạ chiếu ngoài, xạ áp sát); Cấy hạt phóng xạ. Tùy theo phân độ nguy cơ và tình trạng BN cụ thể mà áp dụng một hoặc phối hợp các phương pháp trên.

Phương pháp cấy hạt phóng xạ là kỹ thuật cấy hạt phóng xạ vào khối u để điều trị một số bệnh ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư gan ... là sự cải tiến của xạ trị áp sát kết hợp với xạ trị chiếu trong đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu áp dụng và đem lại nhiều lợi ích to lớn cho bệnh nhân. Hiện nay, tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản ... đã áp dụng rộng rãi phương pháp điều trị này. Một số nước trong khu vực như Thái lan, Singapore, Trung Quốc cũng đã bước đầu phổ biến và áp dụng.

Ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh UTTTL khá cao, điều trị còn nhiều khó khăn song cho đến nay chưa có cơ sở y tế nào triển khai áp dụng kỹ thuật điều trị UTTTL bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ (hình 1).

Hình 1: Hệ thống máy cấy hạt phóng xạ điều trị UTTTL tại Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Cấy hạt phóng xạ điều trị UTTTL là phương pháp xạ trị đưa các hạt phóng xạ I-125 kích thước nhỏ 4,5x0,8 mm (hình 2), phát tia gamma năng lượng thấp (35 keV) vào trong tổ chức khối u, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ mà không hoặc ảnh hưởng rất ít tới mô lành xung quanh.

Hình 2:  Hạt phóng xạ I-125

Bức xạ gamma mềm của I-125 chỉ phát huy hiệu quả điều trị trong phạm vi vài milimet (mm) của các mô bệnh và không hoặc rất ít gây tổn thương các mô lành xung quanh. Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là tạo ra liều hấp thụ bức xạ cao tại khối u, trong khi cơ quan và tế bào lành chỉ phải chịu liều bức xạ rất thấp. Các hạt phóng xạ có thời gian bán rã không quá ngắn và không quá dài (chẳng hạn với I-125 là 60 ngày) nên có thể để lại các hạt phóng xạ trong lòng tuyến tiền liệt mà không cần lấy ra sau khi cấy hạt phóng xạ vào. Với thời gian chiếu xạ tại mô bệnh kéo dài khoảng 6 tháng là vừa đủ cho  việc điều trị.

Để đưa các hạt phóng xạ có kích thước rất nhỏ này vào tuyến tiền liệt, người ta phải cho các hạt vào trong lòng một chiếc kim (hình 3, hình 4).

Dưới hướng dẫn của hình ảnh siêu âm, các kim chứa hạt phóng xạ này sẽ được đâm xuyên qua da ở vùng tầng sinh môn để đưa thẳng vào trong lòng của tuyến tiền liệt. Các hạt I-125 sẽ được lưu lại trong lòng tuyến tiền liệt sau khi kim được rút ra (hình 5).

Hình 5: Cấy hạt phóng xạ I-125 vào tuyến tiền liệt

Ưu điểm của phương pháp cấy hạt phóng xạ là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, tăng thời gian sống thêm, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm. Nghiên cứu Peter Grim và cs trên 220.000 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt năm 2003, cho thấy sau điều trị xạ trị áp sát với Pd-103 và I-125: Tỷ lệ chất chỉ điểm khối u PSA không tăng trong 9 năm là 83,5%-87%. Tỷ lệ kiểm soát bệnh tại chỗ là 97%. Tỷ lệ sống thêm không bệnh là 97%.

Tóm lại, phương pháp cấy hạt phóng xạ giúp: Kiểm soát u tại chỗ cao (tỷ lệ kiểm soát bệnh 97%); Thời gian và liệu trình điều trị ngắn; Ít biến chứng; Chức năng sinh lý của nam giới (liệt dương) ít  hoặc không bị ảnh hưởng; Tăng chất lượng cuộc sống.

Chỉ định của phương pháp cấy hạt phóng xạ: Ung thư  tuyến tiền liệt giai đoạn sớm,  khu trú.

Các điều kiện cần thiết để triển khai được kỹ thuật: Đây là một kỹ thuật hiện đại trong điều trị ung thư, tuy nhiên, để triển khai được kỹ thuật rất phức tạp này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa sâu như chuyên khoa ung bướu, y học hạt nhân, chẩn đoán hình ảnh, thận – tiết niệu, ngoại tiết niệu, gây mê hồi sức… Phải có thiết bị cấy hạt phóng xạ, hệ thống máy siêu âm mô phỏng với phần mềm lập kế hoạch xạ trị chuyên dụng…

Kỹ thuật này đã được ứng dụng thường quy tại Hoa Kỳ và một số nước Châu Âu mang lại hiệu quả điều trị cao đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam đã triển khai thành công kỹ thuật cấy hạt phóng xạ I-125 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

GS. TS. Mai Trọng Khoa
PGĐ Bệnh viện Bạch Mai
GĐ. Trung tâm YH Hạt nhân và Ung bướu

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang