Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) và Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (02/11), chiều 10/11, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức Lễ mít tinh. Đến dự Lễ mít tinh có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh; Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới Tiến sĩ Angela Pratt; Chủ tịch Hội Nội tiết - ĐTĐ Việt Nam Trần Hữu Dàng; Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương Phan Hoàng Hiệp và toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện.
Phát biểu khai mạc, TS.BS. Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: ĐTĐ là một trong những bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh trên toàn cầu và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề như mù lòa, suy thận, tai biến mạch máu não, đột quỵ.
Theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong số người trưởng thành tuổi 30-69 tuổi, tỷ lệ ĐTĐ là 2,7% năm 2002, đã tăng lên 5,4% năm 2012 và 7,3% vào năm 2020. Tỷ lệ tiền ĐTĐ năm 2020 là 17,8%. Tỷ lệ mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán là 62,6%.
Cùng với bệnh lý ĐTĐ, hiện nay, một số bệnh nội tiết khác như rối loạn chuyển hóa, bướu cổ, suy giáp cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân của những bệnh lý này chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt I-ốt gây nên. I-ốt là một vi chất dinh dưỡng hết sức cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của con người. Đây là thành phần thiết yếu để tổng hợp nên hormon tuyến giáp trạng có tác dụng vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của bào thai, trẻ nhỏ và còn có tác dụng sinh học hết sức cần thiết trong toàn bộ thời gian sống của con người. “Thiếu I-ốt không chỉ gây bệnh bướu cổ mà còn làm suy giảm trí thông minh, dẫn đến nhiều rối loạn, bệnh lý, khiếm khuyết trong sự phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng học tập, làm việc, đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ độ tuổi sinh để và trẻ nhỏ”, TS.BS. Phan Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Bệnh ĐTĐ và các bệnh do thiếu hụt i-ốt đang gia tăng, khó kiểm soát, biến chứng nặng nề, làm tăng chi phí y tế, giảm chất lượng cuộc sống. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có dự báo sớm và có chiến lược phòng, chống bệnh tật phù hợp.
Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như mọi người chúng ta chú ý và quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn hàng ngày, thường xuyên tăng cường hoạt động thể lực. Liên đoàn Phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới đã và đang kêu gọi phòng chống bệnh đái tháo đường chính là bảo vệ tương lai của bạn. Chính vì vậy, Ngay từ năm 1991, Liên đoàn phòng chống ĐTĐ Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định chọn ngày 14/11 hàng năm là Ngày Thế giới phòng chống ĐTĐ, nhằm kêu gọi tất cả mọi người cùng quan tâm, nâng cao hiểu biết và có các hành động cụ thể để kiểm soát căn bệnh này.
Theo số liệu của Hiệp hội phòng chống ĐTĐ thế giới, năm 2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh ĐTĐ. Các quốc gia có trên 20% dân số trưởng thành mắc bệnh bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn. Số liệu thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ ở người từ 20-79 tuổi tới nay đã tăng hơn gấp ba lần và trong vòng 15 năm qua, chi phí về y tế cho bệnh ĐTĐ đã tăng lên gấp ba lần.
Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ cũng đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Số liệu điều tra cho thấy hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc ĐTĐ, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng về tim mạch (34%); về mắt và thần kinh (39,5 %); về thận (24%). Bệnh nhân ĐTĐ bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát bệnh ĐTĐ, đó là tỷ lệ ĐTĐ dưới 10% (hiện ở mức 7,3%), tỷ lệ tiền ĐTĐ dưới 20% (hiện ở mức hơn 17%). Tuy nhiên trước tình hình các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường vẫn có xu hướng gia tăng, thì cán bộ y tế và mỗi người dân cần đề cao tinh thần phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe hơn nữa để bảo vệ bản thân và gia đình cũng như xã hội trước các nguy cơ bệnh tật.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu giáo dục, đào tạo nhân viên y tế và người bệnh ĐTĐ để làm tốt hơn việc phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị và chăm sóc người bệnh ĐTĐ. Đây là dịp để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh ĐTĐ, động viên, tạo động lực, môi trường để thực hành tốt công tác phòng bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị UBND các cấp, Sở Y tế, các cơ sở y tế ở các tỉnh, thành phố, Hội Nội tiết ĐTĐ Việt Nam phải xác định phòng, kiểm soát ĐTĐ là một nhiệm vụ ưu tiên; thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, để bảo vệ sức khỏe của người dân không mắc bệnh ĐTĐ hoặc chung sống có chất lượng với bệnh ĐTĐ.
Tại Lễ mít tinh, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - ĐTĐ đã kêu gọi toàn thể người dân hãy có trách nhiệm với sức khỏe của mình bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh như ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng i-ốt trong bữa ăn hằng ngày, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh ĐTĐ để dự phòng, phát hiện sớm bệnh; khám sức khỏe thường xuyên, xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng tiền ĐTĐ cũng như bệnh ĐTĐ và các bệnh do thiếu hụt i-ốt để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Tiến sĩ Angela Pratt, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định những nỗ lực của ngành y tế Việt Nam nói riêng và chính phủ nói chung trong công tác phòng, chống bệnh đái tháo đường. Bà cũng bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, mà nòng cốt là cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về các yếu tố nguy cơ, tác hại của bệnh ĐTĐ và các bệnh do thiếu hụt i-ốt gây ra; cán bộ, nhân viên y tế cần nâng cao trình độ chuyên môn để tư vấn, khám phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, quản lý bệnh ĐTĐ hiệu quả.
Ngay sau lễ mít tinh, các đại biểu, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã diễu hành truyền thông lưu động trên các trục đường chính của thủ đô Hà Nội để tuyên truyền, cổ động, nâng cao kiến thức cho người dân về sử dụng muối I-ốt và công tác phòng chống bệnh ĐTĐ.
Nhân dịp này, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức chương trình khám sàng lọc, tư vấn bệnh ĐTĐ miễn phí cho các đối tượng: 200 người bệnh nội trú và người nhà bệnh nhân tại cơ sở Tứ Hiệp - Thanh Trì - Hà Nội, khoảng 100 cán bộ một số cơ quan trên địa bàn huyện, và khoảng 200 người dân xã Tứ Hiệp - huyện Thanh Trì. |
Thông điệp năm 2023 của Hiệp hội phòng chống đái tháo đường Thế giới “Chúng ta cần biết nguy cơ mắc đái tháo đường của mình và biết cách phòng chống bệnh” nhắc chúng ta hãy lắng nghe cơ thể, tự theo dõi, chăm sóc cuộc sống hàng ngày, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời nhằm đẩy lùi căn bệnh này góp phần bảo vệ tương lai tươi sáng của các bạn và gia đình bạn. Dự phòng bệnh đái tháo đường ngay từ lúc này chưa bao giờ là muộn. |
Hoài Phương