Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Công tác phòng chống dịch do virus Zika tại Việt Nam

  • |
T5g.org.vn - Nếu không có việc khẩn cấp thì nên hạn chế đến những vùng đang có dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch trong dịp Tết nguyên đán và mùa Đông – Xuân diễn ra tại 2 đầu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2/2/2016.
Bộ Y tế tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch dịp Tết nguyên đán và mùa Đông – Xuân 2016

Nguy cơ xâm nhập hoàn toàn có thể xảy ra

Tại cuộc họp, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 1/2/2016, đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh, đáng chú ý là Brazil, Colombia, Mexico... Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika, tuy nhiên nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh. Hiện nay, người dân không có miễn dịch đối với virus Zika, đồng thời Việt Nam lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes – đây cũng là loại muỗi truyền virus Zika.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, virus Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Mỹ và tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu nặng tại Brazil. Ngày 1/2/2016, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban tình trạng khẩn cấp và các chuyên gia của tổ chức này đã thống nhất nhận định có sự liên quan khá rõ ràng giữa việc nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai của người mẹ và chứng não nhỏ của trẻ sơ sinh mặc dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ. Sự lưu hành rộng rãi muỗi Aedes sẽ tạo điều kiện để lây truyền rộng rãi virus Zika trên thế giới. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch, do đó sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh trong thời gian tới. Những chùm ca bệnh liên quan đến chứng đầu nhỏ và hội chứng thần kinh Guillain – Barré tại Brazil, kết hợp với chùm ca bệnh tại French Polynesia năm 2014 là một sự kiện “không bình thường” và đe dọa y tế công cộng tới các khu vực khác trên thế giới. Với tình huống này, cần có một sự điều phối quốc tế trong đáp ứng nhằm giảm thiểu tác động đối với các quốc gia bị ảnh hưởng và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, WHO không khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại để ngăn chặn sự lây lan của virus Zika.

Thực hiện các biện pháp phòng chống virus Zika

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, công tác phòng chống virus Zika đang là nhiệm vụ quan trọng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện tại, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta. Ngày 28/1/2016, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi các Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ về biện pháp tổ chức phòng chống dịch Zika. Theo đó, các đơn vị tổ chức ngay các hoạt động giám sát trường hợp nghi mắc bệnh do virus Zika, đặc biệt các trường hợp đi về từ các quốc gia hiện đang có dịch bệnh. Lồng ghép hoạt động giám sát virus Zika vào hoạt động giám sát trọng điểm sốt xuất huyết Dengue. Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đầu mối, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để thống nhất quy trình xét nghiệm phát hiện virus Zika. Các cơ sở điều trị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong việc xét nghiệm, chẩn đoán xác định dịch cũng như điều tra dịch tễ ca bệnh. Các Viện chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị kiểm tra, vật tư tiêu hao, phương tiện vận chuyển mẫu, đảm bảo đủ sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, chẩn đoán xác định các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm vius Zika. Chỉ đạo hướng dẫn hỗ trợ các địa phương tăng cường giám sát những trường hợp nghi nhiễm virus Zika, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra. Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân để người dân hiểu phải diệt nguồn đẻ của muỗi ở nguồn nước sạch. Lật úp tất cả những gì chứa nước sạch hoặc đậy kín các vật dụng chứa nước sạch, việc làm này vừa phòng được sốt xuất huyết vừa phòng bệnh do virus Zika.

Chuyên gia của WHO tại Việt Nam khuyến nghị, cần tăng cường công tác giám sát và năng lực chẩn đoán ở các cửa khẩu, biên giới. Công tác y tế dự phòng cũng cần được chú ý vì biểu hiện của bệnh do virus Zika không khác gì sốt xuất huyết. Nhóm phụ nữ mang thai và chuẩn bị mang thai nên hết sức cẩn thận, tránh đi du lịch đến vùng dịch.

Bệnh do virus Zika là bệnh nhiễm virus cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch. Virus này được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Khoảng 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Trường hợp bệnh đầu tiên trên người ghi nhận tại Uganda và Tanzania năm 1952. Trước năm 2007, không có ổ dịch lớn nào do virus Zika gây ra. Năm 2007, vụ dịch đầu tiên xảy ra ở đảo Yap (Micronesia) với 185 trường hợp bệnh trong vòng 13 tuần. Tháng 10/2013, vụ dịch lớn tại Polynesia của Pháp với khoảng 10.000 ca bệnh, không có trường hợp tử vong, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter. Năm 2013, tại Thái Lan cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại một số tỉnh, thành phố và Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho rằng virus Zika có thể đã lưu hành tại Thái Lan. Năm 2015, các vụ dịch lan rộng ở khu vực trung và nam Mỹ, đặc biệt tại Brazil, đồng thời ghi nhận rải rác tại một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia.

Để cập nhật thông tin về bệnh do virus Zika, người dân có thể truy cập vào website của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: http://vncdc.gov.vn/

 

Bài, ảnh: Trung Thành

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang