Trên tinh thần đó, Phòng Công tác Xã hội (CTXH) Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động thiết thực như: Thực hiện Đề án tiếp sức người bệnh, với đội ngũ từ 30-50 tình nguyện viên hàng ngày hỗ trợ nhân viên y tế trong công tác hướng dẫn người bệnh; Thông qua các kênh thông tin đại chúng để truyền thông giáo dục sức khỏe; Kết nối với các công ty/tổ chức đến thăm và tặng quà cho bệnh nhân; Kêu gọi hỗ trợ những bệnh nhân nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có kinh phí chữa bệnh… Mới thành lập chưa đầy 2 tháng, Phòng CTXH đã triển khai hỗ trợ được 9 trường hợp bệnh nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số đó, đáng chú ý có trường hợp bệnh nhân Phạm Thị Huệ 32 tuổi.
Nguy cơ tử vong 9/10
Ngày 19/7/2015, bệnh nhân Phạm Thị Huệ (32 tuổi, ở thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội) nhập viện Bệnh viện Bạch Mai trong ngất xỉu, toàn thân co quắp, tiểu cầu giảm chỉ còn dưới 10G/l, trên da xuất hiện nhiều mảng bầm tím do xuất huyết... Bác sỹ khoa Huyết học truyền máu đã cấp cứu, lọc huyết tương 3 lần không đỡ, bệnh nhân được chuyển lên hoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, tiểu cầu vẫn rất thấp… Tại đây, bệnh nhân được xác định mắc bệnh ban huyết khối giảm tiểu cầu tắc mạch - một căn bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Bệnh có thể do nhiễm trùng hoặc do một số nguyên nhân khác gây tắc mạch máu do giảm tiểu cầu nghiêm trọng, nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân sẽ bị biến chứng suy thận hoặc tắc mạch máu não và rơi vào tình trạng hôn mê sâu, nguy cơ tử vong rất cao.
TS. Đào Xuân Cơ, Phó trưởng Khoa HSTC cho biết: tuy là bệnh hiếm gặp, nhưng căn bệnh này có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phương pháp thay huyết tương. BN Huệ dự kiến cần phải thay huyết tương 15-20 lần, chi phí khoảng 15- 20 triệu/ lần. Như vậy tổng chi phí cho bệnh nhân có thể lên tới 500 triệu đồng. Nếu có bảo hiểm y tế thì câu chuyện sẽ đơn giản hơn, đằng này bệnh nhân Huệ lại không có bảo hiểm y tế. Là gia đình thuần nông, thu nhập kinh tế gia đình chủ yếu chỉ trông vào 2 sào ruộng và nghề may, đứng trước khoản tiền điều trị dự kiến khoảng 500 triệu đồng, gia đình bệnh nhân Huệ một mặt phải vay mượn khắp nơi, phải bán nhà vẫn chưa đủ. Trước tình cảnh đặc biệt thương tâm đó, phòng CTXH bệnh viện đã vào cuộc. Trình bày hoàn cảnh gia đình với Phòng CTXH, anh Nguyễn Xuân Hoa (chồng bệnh nhân Huệ) tâm sự: “Em đã phải vay mượn anh em, chòm xóm rất nhiều nhưng vẫn không thấm vào đâu so với chi phí điều trị, để cứu được vợ mình, em đã bán luôn cả mảnh đất, căn nhà đang ở, nhưng cũng chỉ duy trì được vài hôm”. Giọt nước mắt người đàn ông lặng lẽ trào nơi khóe mắt: “Mong các bác sỹ, anh chị cứu lấy vợ em để 2 con em được có mẹ. Nếu không có cô ấy thì ba bố con em bơ vơ, không biết sống ra sao trong những ngày tiếp theo. Về nhà, nhìn thấy hai con, chúng hỏi mẹ đã khỏe chưa mà em không biết trả lời ra sao...
Trở về từ cõi chết
Cảm thông trước hoàn cảnh của gia đình bệnh nhân Huệ, ngày 23/7/2015 Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức phát đi lời kêu gọi ủng hộ cho bệnh nhân Phạm Thị Huệ. Với sự chung tay giúp sức của các cơ quan báo đài, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, tính đến thời điểm 16h ngày 13/8/2015, tổng số tiền ủng hộ bệnh nhân đã thu được 264.920.000 (hai trăm sáu mươi tư triệu, chín trăm hai mươi nghìn đồng chẵn). Đây là nguồn kinh phí và động lực vô cùng lớn lao để anh Hoa - chị Huệ vượt qua thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời.
Nhớ lại lúc đưa vợ vào viện trong cơn thập tử nhất sinh, anh Hoa nghẹn ngào chia sẻ: Khi nghe các bác sỹ nói tình trạng của vợ em 10 phần chỉ còn 1, mọi thứ xung quanh em như sụp đổ. Hôm nay vợ em được sống, khỏe mạnh trở về với 3 bố con, không biết nói gì hơn bằng tất cả tấm lòng của mình, em xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các thầy thuốc của Khoa HSTC, các tấm lòng của các nhà hảo tâm cùng toàn thể các anh chị của phòng CTXH đã không quản ngại khó khăn, bằng tất cả tấm lòng và lương y của người thầy thuốc không chỉ chữa bệnh mà còn giúp đỡ cho vợ chồng em có kinh phí để chi trả viện phí. Bố mẹ đã sinh ra vợ em nhưng mạng sống của vợ em đã được các bác sỹ và mọi người mang lại.
Bà Phạm Thị Phượng, mẹ chồng chị Huệ cũng không giấu được niềm vui và hạnh phúc khi chia sẻ với chúng tôi: Phúc của nhà em quá lớn, ngay cả trong mơ, tôi không tưởng tượng được lại có ngày vui hôm nay. Con dâu tôi được khỏe mạnh và trở về nhà không chỉ là niềm vui của riêng gia đình mà còn là sự kiện của cả thôn Bạch Nao. Hôm nghe con trai nói “Mẹ ơi vợ con xấu số quá!”, người làm mẹ như tôi không khỏi xót xa. Hôm nay cháu được sống trở về nhà như một huyền thoại.
BS. Nguyễn Đăng Tuân, người trực tiếp điều trị cho BN Huệ cho biết: Sau 22 lần thay huyết tương, đến hôm nay bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo và khỏe mạnh, có thể đi lại và nói chuyện như một người bình thường. Các xét nghiệm cho thấy các chỉ số đã về mức bình thường và mọi dấu hiệu sống của bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục.
Sau gần 1 tháng điều trị, chiến đấu với tử thần, ngày hôm nay, bệnh nhân Huệ đã khỏe mạnh trở về với gia đình. Mẹ chồng, chồng, 2 cậu con trai hân hoan đến Bệnh viện Bạch Mai đón Huệ về nhà. Nhìn những giọt nước mắt lăn trên khóe mắt và những nụ cười không dấu được trên miệng của BN Huệ và những người thân mà những người mới chập chững bước chân vào nghề Công tác Xã hội như chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Mới cách đây vài tuần, bệnh nhân còn hôn mê, vật vã kích thích co giật, cửa tử 9/10 - chỉ le lói 1/10 hy vọng. Nhưng với nỗ lực của gia đình, của tập thể bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và cộng đồng chung tay góp viện phí, ngày hôm nay, bệnh nhân Phạm Thị Huệ đã hoàn toàn khỏe mạnh xuất viện.
“Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp – cảm ơn các bác sĩ, các cô chú rất nhiều. Mong những điều tốt lành sẽ đến với các cô chú để cô chú tiếp tục làm việc thiện giúp đỡ những hoàn cảnh như gia đình chúng tôi”. Lời chúc giản dị của bà Phượng (mẹ chồng Huệ) cũng là mong ước của tập thể cán bộ Bệnh viện Bạch Mai cũng như những người làm công tác xã hội trong bệnh viện.
Bài, ảnh: Đỗ Hằng, BV Bạch Mai