Lập sổ theo dõi sức khỏe toàn dân là sự kiện lịch sử
Nếu hoàn thành việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho toàn dân thì đây sẽ là một sự kiện rất lớn, có ý nghĩa lịch sử. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy.
Nhằm nắm bắt thực trạng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai khám và lập sổ theo dõi sức khỏe của người dân trên toàn quốc trong thời gian tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đi thực tế tại Trạm y tế phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong ngày 9-2.
Mong muốn của dân
Tại Trạm y tế phường Tây Mỗ, Phó thủ tướng đã trò chuyện với cán bộ, nhân viên của trạm và một số người dân tới khám bệnh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ đối với kế hoạch lập sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân.
Trạm trưởng Trạm y tế phường Tây Mỗ cho rằng nếu thực hiện được việc này thì đây là mong muốn của đội ngũ cán bộ, nhân viên của trạm, của người dân trong xã vì nhiều người rất mong muốn được khám chữa bệnh, phát thuốc tại cơ sở, không phải đi xa.
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định kế hoạch này chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân.
Ông Chung cho biết Hà Nội đã thí điểm đạt kết quả tốt việc theo dõi sức khỏe (tập trung vào bệnh mãn tính) cho người dân ở huyện Sóc Sơn nên tin rằng Hà Nội triển khai trên diện rộng sẽ thành công.
Nói về kế hoạch lập sổ theo dõi sức khỏe cho người dân trên toàn quốc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông rất trăn trở việc này từ hai năm nay nên ông đã trực tiếp đi khảo sát và trao đổi với các cơ quan chuyên môn. Đến nay đã triển khai thí điểm tại một số xã ở Bắc Ninh và đang chỉ đạo làm tại một huyện ở Phú Thọ.
Phó thủ tướng kể khi đi kiểm tra việc khám lần đầu để lập sổ tại Bắc Ninh, nhiều người đã xúc động nói với ông rằng họ chưa bao giờ được mời tới khám sức khỏe như vậy.
“Trước đây, chỉ cán bộ các cấp, người giàu, cán bộ, nhân viên của một số doanh nghiệp, cơ quan mới có chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ, còn nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa hầu như không bao giờ được kiểm tra, thường khi họ đi khám là lúc bệnh đã nặng rồi” - Phó thủ tướng nói.
Hoàn thành trong năm nay
Về việc triển khai lập sổ cho người dân thủ đô, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý Hà Nội có thể tiến hành theo phương thức cuốn chiếu từng phường, từng xã.
Phó thủ tướng cho biết kinh phí năm đầu tiên đã được ngành bảo hiểm dự trù đảm bảo để lập những thông tin cơ bản, khám cận lâm sàng, xét nghiệm các chỉ số cơ bản, siêu âm. Tùy từng địa phương có thể huy động tài trợ để tiến hành các xét nghiệm khác.
Đặc biệt, Phó thủ tướng cho biết sẽ tạo cơ chế tự chủ cho tuyến y tế cơ sở để việc khám chữa bệnh cho người dân trở thành công việc chuyên môn của trạm, qua đó cũng góp phần nâng cao thu nhập của cán bộ, y bác sĩ tại trạm y tế.
Bên cạnh việc được lập sổ theo dõi sức khỏe hằng năm, theo Phó thủ tướng, người dân sẽ hiểu rõ hơn lợi ích của bảo hiểm y tế mang lại, qua đó mở rộng được diện bao phủ của bảo hiểm y tế.
Phó thủ tướng nói: “Hiện cứ 10 người dân có thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ có khoảng 4 người khám chữa bệnh ở y tế cơ sở. Rất nhiều người mua bảo hiểm y tế nhưng chưa bao giờ đi khám bệnh nếu không bị bệnh nên không thấy tác dụng thiết thực của bảo hiểm y tế”.
Phó thủ tướng cũng cho biết đã chỉ đạo rất quyết liệt việc kết nối toàn bộ các cơ sở y tế, đồng thời tiếp tục cập nhật lên hệ thống thanh toán bảo hiểm vì đây là công cụ hữu hiệu để tránh thất thoát bảo hiểm y tế.
“23.000 loại thuốc, toàn tên Latin, không ai thuộc được.Trên 16.000 loại dịch vụ, 150 triệu lượt khám, nếu không tin học hóa mà cứ sổ nhập nhèm thì thế nào?Vì thế phải quyết liệt.Ai không tích cực là có biểu hiện tiêu cực vì đây là việc có liên quan tới lợi ích của một số người” - Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hi vọng Hà Nội sẽ triển khai tích cực và hoàn thành việc khám, lập sổ theo dõi sức khỏe cho toàn bộ người dân thủ đô vào dịp giải phóng thủ đô (10-10) năm nay.
Với cả nước, ông tin tưởng nếu thực hiện tốt thì ngay trong năm nay sẽ hoàn thành.
Việc khám và lập sổ theo dõi sức khỏe cho người dân không chỉ đúng về mặt khoa học y tế mà còn là mơ ước của người dân, của cán bộ y tế, của ngành bảo hiểm vì chúng ta sẽ quản lý, chăm sóc được sức khỏe ban đầu cho tất cả người dân. Đó là thể hiện rõ định hướng xã hội chủ nghĩa, thực sự vì người dân. Nếu hoàn thành việc khám và lập sổ cho người dân cả nước, đây sẽ là một sự kiện rất lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Nhiều bệnh viện thẩm mỹ có điểm chất lượng thấp
Trong số 10 bệnh viện có điểm chất lượng thấp nhất có tới 5 bệnh viện thẩm mỹ, 1 bệnh viện quốc tế, 3 bệnh viện tư nhân khác và một bệnh viện quận.
Cụ thể, 10 bệnh viện có điểm chất lượng thấp nhất là: BV Đa Khoa Tân Hưng, BV Mắt Việt Hàn, BV CKPTTM Quốc tế Thảo Điền, BV Thẩm Mỹ JW, BV Tân Sơn Nhất, BV Quận 3, BV Thẩm mỹ Kim Hospital, BV Thẩm Mỹ Sài Gòn, BV Thẩm Mỹ Kỳ Hòa, BV Thẩm mỹ AVA Văn Lang.
Trong 10 bệnh viện có điểm chất lượng cao nhất có 8 bệnh viện công lập và chỉ có 2 bệnh viện tư nhân.Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đứng đầu trong 10 bệnh viện có điểm chất lượng cao nhất.
Những thông tin này đã được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết chất lượng bệnh viện và Lễ công bố giải thưởng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của ngành y tế TP.HCM năm 2016 được tổ chức vào sáng 10-2. Hiện TP.HCM có khoảng 100 bệnh viện.
“Quy trình báo động đỏ” của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã được giải nhất trong tổng số 120 sản phẩm của 35 bệnh viện dự thi Giải thưởng chất lượng khám chữa bệnh của Ngành Y tế TP. Đây cũng là lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM tổ chức bình chọn giải thưởng này.
Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP, quy trình báo động đỏ không tốn thêm một đồng nào, một nhân lực nào nhưng trong thời gian qua đã cứu sống không ít trường hợp nguy kịch mà nếu trước đây không có quy trình này sẽ khó cứu sống.
10 bệnh viện có điểm chất lượng cao nhất (thang điểm 5):
1 BV Nhân Dân 115 4.28
2 BV Nhân Dân Gia Định 4.09
3 BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn 4.07
4 Viện Y Dược Học Dân Tộc 4.06
5 BV Nhi Đồng 1 4.01
6 BV Quận Thủ Đức 3.99
7 BV Từ Dũ 3.94
8 BV Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park 3.92
9 BV Hùng Vương 3.90
10 BV Bệnh Nhiệt Đới 3.88
10 bệnh viện có điểm chất lượng thấp nhất:
91 BV Đa Khoa Tân Hưng 2.21
92 BV Mắt Việt Hàn 2.20
93 BV CKPTTM Quốc tế Thảo Điền 2.13
94 BV Thẩm Mỹ JW 2.12
95 BV Tân Sơn Nhất 2.11
96 BV Quận 3 2.09
97 BV Thẩm mỹ Kim Hospital 2.08
98 BV Thẩm Mỹ Sài Gòn 2.06
99 BV Thẩm Mỹ Kỳ Hòa 1.75
100 BV Thẩm mỹ AVA Văn Lang 1.29
Vì sao người khám BHYT nhiều lần không bị phát hiện?
Vì sao chỉ cần quẹt thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh là Cổng tiếp nhận lập tức có dữ liệu để tra cứu nhưng vẫn có nhiều người đi khám nhiều lần, nhiều nơi mà các bệnh viện không phát hiện được?
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - trưởng phòng giám định 1, Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết có nhiều nguyên nhân.
Một là, nhân viên tiếp nhận bệnh tắc trách không làm. Hai là, một số bệnh viện cho rằng phần mềm quản lý khám thông tuyến chậm, nếu quẹt thẻ kiểm tra trên Cổng tiếp nhận sẽ gây quá tải nên bỏ quẹt thẻ.
Ba là, một số bệnh viện đang trong giai đoạn hoàn thiện phần mềm theo điều chỉnh của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN nên dữ liệu khám bệnh đưa lên Cổng tiếp nhận chưa kịp thời.
Giám định qua cổng tiếp nhận điện tử
Ngày 21-7-2016, Bảo hiểm xã hội VN có công văn gửi bảo hiểm xã hội các tỉnh hướng dẫn gửi dữ liệu điện tử đến Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (gọi tắt là Cổng tiếp nhận).
Theo hướng dẫn này, Cổng tiếp nhận chính thức nhận hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử từ các cơ sở y tế từ ngày 25-6-2016.
Khi tra cứu, Cổng tiếp nhận sẽ cho biết giá trị sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế, lịch sử khám bệnh, chi tiết chỉ định điều trị của người bệnh trong vòng 6 tháng.
Bác sĩ Phạm Bảo Lâm - giám đốc Bệnh viện Bình Thạnh - cho biết bệnh viện thực hiện chuyển dữ liệu khám bệnh về Cổng tiếp nhận một ngày hai lần theo quy định. Việc kiểm tra thẻ bảo hiểm y tế và lịch sử khám bệnh của bệnh nhân được thực hiện đầy đủ, gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi của bệnh viện, bác sĩ.
“Tuy bệnh viện làm tốt nhưng vẫn bị vướng do một số bệnh viện chưa thực hiện đồng bộ việc cập nhật dữ liệu bệnh nhân lên Cổng tiếp nhận kịp thời nên không có dữ liệu để biết người bệnh có lạm dụng đi khám nhiều lần hay không” - bác sĩ Lâm nói.
Năm 2018, mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế có thể phải tăng
Quỹ bảo hiểm y tế liên tục tăng chi trong những năm qua, trong đó năm 2015 quỹ chi khám chữa bệnh trên 50.000 tỉ đồng, năm 2016 số tiền này là 70.000 tỉ, năm 2017 dự kiến chi tới 90.000 tỉ cho khám chữa bệnh.
Tăng chi cũng có nghĩa nếu không kiểm soát được nguồn chi khổng lồ này thì sẽ có những khoản thất thoát rất lớn.
Theo ông Phạm Lương Sơn - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2017 khi thực hiện dự án sổ quản lý sức khỏe cho toàn bộ trên 90 triệu dân, chi phí mỗi người 60.000 đồng thì quỹ sẽ phải chi hàng ngàn tỉ đồng từ quỹ dự phòng và phần kết dư hiện có.
“Với nhiều khoản chi tăng cùng lúc như chi phí khám và làm sổ quản lý sức khỏe, giá dịch vụ y tế tăng..., chúng tôi chỉ có thể đảm bảo đến hết năm 2017 không tăng mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế, nhưng 2018 có thể phải tăng, lúc đó sẽ có tính toán cụ thể là tăng lên bao nhiêu” - ông Sơn cho hay.
Một dự án có thể kiểm soát chi tiêu là kết nối toàn bộ hệ thống cơ sở y tế và bảo hiểm xã hội, giám định hồ sơ ra viện của bệnh nhân đang tiến hành rất chậm.
Từ quý 4-2016, kết nối tới 99% cơ sở y tế nhưng chỉ có 30% hồ sơ được đưa vào giám định.Bên bảo hiểm cho rằng bệnh viện đang “né”, không tích cực đưa hồ sơ vào hệ thống, bệnh viện lại nêu lý do hai bên chưa thống nhất về nhiều dịch vụ và thuốc bị hệ thống trả lại.
Còn năm 2017, theo ông Phạm Lương Sơn, nếu giám định được 100% hồ sơ thì năm 2017 có thể giữ lại quỹ 9.000 tỉ đồng, tương đương 10% dự toán chi.
Một người 6 tháng đi khám bảo hiểm y tế... 319 lần
Một bệnh nhân ở Q.8, TP.HCM lợi dụng quy định khám bệnh bảo hiểm y tế thông tuyến để đi khám rất nhiều lần tại nhiều bệnh viện khác nhau.Từ ngày 27-6-2016 đến 13-1-2017, người này đi khám bệnh... 319 lần.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, nếu kiểm soát tốt chi phí thì chỉ riêng năm 2017 quỹ bảo hiểm y tế sẽ có thêm 9.000 tỉ đồng.
Chỉ tính riêng quý 4-2016 sau khi triển khai giám định điện tử với 30% hồ sơ ra viện, cơ quan Bảo hiểm xã hội phát hiện nhiều sai phạm trong chi trả chi phí y tế trị giá tới 200 tỉ đồng.
29 bệnh nhân đi khám bệnh rất nhiều lần
Qua rà soát dữ liệu, Bảo hiểm xã hội VN phát hiện trong quý 4-2016 cả nước có khoảng 100 người đi khám bệnh 50 lần trong ba tháng.
Tại TP.HCM, Bảo hiểm xã hội TP tiến hành xác minh thông tin của Bảo hiểm xã hội VN chuyển về, qua đó cho thấy từ tháng 6-2016 đến ngày 16-1-2017 có 29 bệnh nhân đi khám bệnh rất nhiều lần (thấp nhất 49 lần, cao nhất 319 lần) ở nhiều bệnh viện.
Điển hình nhất là bệnh nhân N.G.H. (47 tuổi, Q.8, TP.HCM).Bệnh nhân này lợi dụng quy định khám bệnh BHYT thông tuyến để đi khám rất nhiều lần tại nhiều bệnh viện khác nhau.Từ ngày 27-6-2016 đến 13-1-2017, ông H. đi khám bệnh... 319 lần.
Tuy nhà ở Q.8 nhưng ông H. còn “xoay tua” đi 21 bệnh viện trong TP để khám bệnh. Trung bình mỗi ngày bệnh nhân này đi 3-4 bệnh viện ở gần nhau để khám và lấy thuốc.
Đơn cử như ngày 13-10-2016, ông H. đến khám ở bốn bệnh viện là Bệnh viện Q.1, Q.3, Q.Tân Bình và Bệnh viện Y học cổ truyền TP.
Trường hợp lạm dụng khác là bà M.B.N. (52 tuổi, Q.12, TP.HCM). Từ tháng 6-2016 đến ngày 16-1-2017, bà N. đi khám 79 lần ở 11 bệnh viện.
Trong đó có 54 lần bà N. đến Bệnh viện Q.12, hầu hết được bác sĩ ở bệnh viện này cho chuyển lên tuyến trên.Từ việc chuyển tuyến của Bệnh viện Q.12, bà N. đến khám rất nhiều lần ở khoa khám bệnh của các bệnh viện đa khoa lớn ở TP.HCM.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - khẳng định có một số trường hợp người bệnh lợi dụng quy định khám thông tuyến để đi khám bệnh nhiều nơi, nhiều lần.
Trong đó có những bệnh nhân đi khám nhiều lần và cả bệnh viện, bác sĩ đều biết nhưng vẫn phải khám, cho thuốc, nếu từ chối họ sẽ “ăn vạ”.
Có trường hợp cố ý lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế từng được Bảo hiểm xã hội TP phát hiện và chuyển cho thanh tra Sở Y tế TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng họ vẫn tiếp tục tái phạm.
“Với những trường hợp này Bảo hiểm xã hội TP sẽ xem xét để chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật. Một số trường hợp khác sẽ thông báo về địa phương, công an phường để nhắc nhở” - bà Huyền nói.
Lạm dụng
Ông Lê Văn Phúc - phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN - cho hay qua kiểm tra tại Cà Mau, Cần Thơ... phát hiện một số vi phạm gây tốn kém không đáng có.
Đáng kể, tại một bệnh viện đa khoa huyện thuộc tỉnh Cà Mau, ông Phúc cho biết số lượng xét nghiệm sử dụng thiết bị phân tích tế bào máu có nguồn vốn xã hội hóa gấp đến 3-4 lần so với số lượng xét nghiệm sử dụng thiết bị có nguồn vốn nhà nước đặt tại cùng bệnh viện, trong khi thiết bị xã hội hóa có giá dịch vụ cao hơn và phần lời đáng kể được trả cho nhà đầu tư.
“Kiểm tra tại Cần Thơ, khi nhìn hợp đồng của bệnh viện ký với nhà đầu tư thiết bị chúng tôi thấy nhiều điều lạ. Họ cam kết cả số lượng xét nghiệm sẽ chỉ định mỗi ngày và cam kết mua hóa chất mà đơn vị đặt máy cung cấp.
Làm sao biết được mỗi ngày có bao nhiêu bệnh nhân cần sử dụng xét nghiệm ấy mà bệnh viện cam kết từ trước?
Và khi không đủ số lượng xét nghiệm như cam kết, bệnh viện có thể chỉ định xét nghiệm không cần thiết, đó cũng là một hình thức rút ruột của quỹ bảo hiểm” - ông Phúc cho hay.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kiểm tra tại 24 cơ quan bảo hiểm xã hội và đối chiếu với 59 cơ sở khám chữa bệnh, kiểm toán phát hiện quỹ bảo hiểm y tế phải chi lố gần 330 triệu đồng khám chữa bệnh cho những cán bộ công nhân viên vẫn có tên trong danh sách chấm công đi làm.
Riêng tại Thái Bình, kiểm toán xác định cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán với cơ quan bảo hiểm sai quy định gần 3 tỉ đồng.
Cũng tại Thái Bình có trên 24 tỉ đồng phí dịch vụ và vật tư y tế giá trị cao nhưng chưa xác định được tính hợp lý và hợp pháp để chi trả.
Tại Hòa Bình, từ năm 2013-2016, hàng chục ngàn xét nghiệm máu bị áp giá sai, khiến giá xét nghiệm máu tăng 35.000 đồng/xét nghiệm.
Với nhóm thiết bị xã hội hóa, riêng ở hai tỉnh Thái Bình và Hà Giang có gần 42 tỉ đồng thuộc diện phải kiểm tra, rà soát.
Tại Cà Mau, sáu tháng đầu năm 2016, bảo hiểm ngưng chi trả tới trên 70 tỉ đồng cho một phòng khám chuyên tặng đồ gia dụng, đồ chơi, thực phẩm để “hút” bệnh nhân bảo hiểm y tế và thực hiện nhiều dịch vụ khám, xét nghiệm không cần thiết, không thuộc phạm vi được chi trả.
Bảo hiểm xã hội VN cũng cho hay cơ quan này đang có rà soát chi phí để đánh giá, trong đó có những bất hợp lý rất dễ thấy là một tỉ lệ lớn xét nghiệm có trùng lặp công thức máu, trong khi công thức máu lẽ ra chỉ làm một lần đầu tiên.
Hiện chưa có quy định về công nhận xét nghiệm lẫn nhau, nên người bệnh đi đâu cũng phải lấy máu làm xét nghiệm, chụp chiếu, xét nghiệm nước tiểu các kiểu, kể cả khi họ chuyển qua các bệnh viện cùng tuyến T.Ư.
Bệnh thuỷ đậu bùng phát, dịch đau mắt đỏ tấn công sớm
http://plo.vn/xa-hoi/benh-thuy-dau-bung-phat-dich-dau-mat-do-tan-cong-som-681724.html
Cùng với bệnh thủy đậu đang có nguy cơ bùng phát mạnh với số ca tăng từng ngày, dịch đau mắt đỏ xuất hiện sớm, thay vì đến vào tháng 9, tháng 10 như hàng năm.
Hiện nay, mỗi ngày BV Mắt Trung ương tiếp nhận từ 150 đến 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, tăng nhanh so với dịp trước Tết và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm.
BS Hoàng Minh Anh, Trưởng khoa Tổng hợp, BV Mắt Trung ương, cho biết thời tiết vừa lạnh vừa nóng ẩm như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và phát tán trong không khí, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh. Bệnh này lây nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay.
Vì bệnh đau mắt đỏ rất dễ gây thành dịch nên BS Minh khuyến cáo: “Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên ngành nhãn khoa để khám. Không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể mua không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh. Nếu không sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa thì có thể gây những biến chứng dẫn đến mất thị lực. Người bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác”.
Bên cạnh đó, bệnh thủy đậu cũng đang có nguy cơ bùng phát mạnh. Chỉ trong tháng 1 đến đầu tháng 2-2017, TP Hà Nội đã ghi nhận hơn 160 ca thủy đậu.
Tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, tuần qua tiếp nhận hơn 10 ca thủy đậu, có ngày tiếp nhận 3 - 4 ca. Đáng chú ý, có những trẻ sơ sinh bị lây thủy đậu từ mẹ. Còn tại khoa Nhi, BV Việt Nam - Cu Ba, trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần chục ca thủy đậu. BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị thủy đậu cho hàng chục bệnh nhi. Ghi nhận tại khoa Bệnh nhiệt đới, BV Sản nhi Nghệ An tuần qua cũng tiếp nhận hơn 30 ca thủy đậu, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch bệnh thủy đậu: Nguy cơ bùng phát ở Hà Nội
http://doanhnghiepvn.vn/dich-benh-thuy-dau-nguy-co-bung-phat-o-ha-noi-d91826.html
Tại các bệnh viện (BV) của Hà Nội như: BV Bạch Mai, BV Nhi TW, BV E, BV Việt Nam- Cu Ba... nhiều bệnh nhân nhập viện vì mắc bệnh thủy đậu.
Theo ghi nhận, tại các bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội như: BV Bạch Mai, BV Nhi TW, BV E, BV Việt Nam- Cu Ba… hiện đã có nhiều trường hợp khám, nhập viện vì bệnh thủy đậu. Tại phía Nam, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 cũng cho biết đã ghi nhận một số trường hợp bị thủy đậu nhập viện, tin tức trên báo Sức khỏe & Đời sống.
Theo TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), phòng khám bệnh truyền nhiễm của bệnh viện mỗi ngày có từ 3-4 ca thủy đậu đến khám, tuy nhiên đa phần các ca bệnh nhẹ và điều trị ngoại trú.
Đặc biệt có một số trường hợp nặng biến chứng khi nhập viện như bệnh nhân có thai, bệnh nhân bị bội nhiễm nốt phỏng. Đặc biệt hiện tại khoa có một trường hợp bệnh nhân nam, trung tuổi, do chủ quan dẫn đến bệnh nặng, khi vào viện đã gây biến chứng viêm phổi và đang phải thở ôxy…
Tại BV E, trong một tháng trở lại đây, các bác sỹ của bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 20 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. Điều đặc biệt là có khá nhiều trường hợp người lớn mắc bệnh phải nhập viện.
Thống kê của Khoa Nhi (BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba) cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 8/2, đã ghi nhận 72 bệnh nhân (từ 12 tháng tuổi đến 11 tuổi) bị mắc thủy đậu.
Tại BV Nhi TW, trong tuần qua, có hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì mắc thủy đậu. Đặc biệt, có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. Đáng chú ý, có những bệnh nhi sơ sinh mới mấy tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ.
Ghi nhận của phóng viên báo Lao động, tại khu vực phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho thấy, trong vòng 1 tháng trở lại đây đã có rất nhiều ca mắc bệnh thủy đậu.
Thậm chí, một gia đình có tới 6 người cùng mắc bệnh một lúc.Điều đáng nói, không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng mắc bệnh, ngay cả những trường hợp đã từng tiêm vaccine.
Anh Lê Văn P (Đại Mỗ) chia sẻ: “Nhà tôi có đến 6 người mắc thủy đậu: Vợ, con tôi, em gái tôi, em vợ, chị vợ, và cháu tôi. Lây bắt đầu từ đứa cháu học lớp 1 ở Trường Tiểu học Đại Mỗ, con gái tôi sang chơi với anh thì bị lây; sau đó mẹ thằng cu kia bị, rồi đến vợ tôi… Chúng tôi phải kiêng ra gió, cho uống thuốc chống ngứa và bôi thuốc xanh thôi, hơn tuần sau thì khỏi”.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter.Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa Đông Xuân.Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện 5 biện pháp sau: Thứ nhất, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Thứ hai, những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thứ ba, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Thứ tư, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Thứ năm, tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Vịt chết ở Phúc Thọ âm tính với bệnh cúm gia cầm
http://kinhtedothi.vn/vit-chet-o-phuc-tho-am-tinh-voi-benh-cum-gia-cam-280031.html
Ngày 10/2, thông tin với Kinh tế & Đô thị, đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cho biết đã có kết quả xét nghiệm mẫu vịt chết tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) do Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư thực hiện.
Theo đó, ngày 10/2, Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm mẫu vịt chết tại xã Phụng Thượng. Kết quả mổ khám 1 mẫu vịt chết được lấy trong tủ bảo quản cấp đông của hộ ông Hoàng Văn Hợp, cụm 5, xã Phụng Thượng cho thấy não sung huyết, khí quản xuất huyết, phổi sưng, xuất huyết. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu vịt trên âm tính với virus cúm gia cầm H5N1. Do đó có thể khẳng định, vịt chết không phải do dịch cúm gia cầm.
Trước đó, như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ đã xảy ra tình trạng vịt chết sau khi ăn thóc. Theo khai báo của chủ hộ, số vịt bị chết thuộc hộ ông Cấn Xuân Tình, cụm 2, xã Phụng Thượng với tổng đàn 850 con, trong đó số bị chết là 400 con và hộ ông Hoàng Văn Hợp, cụm 5 xã Phụng Thượng với tổng đàn 1.000 con, số bị chết là 170 con.
Qua nắm bắt tình hình, chủ hộ không thực hiện nghiêm túc việc khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi có vịt chết. Số vịt chết nhanh sau khi ăn thức ăn (570 con), số còn lại của 2 hộ chăn nuôi đã dùng thuốc và giải độc nên không còn hiện tượng chết. Sau khi có thông tin đàn vịt chết tại xã Phụng Thượng, Chi cục Thú y Hà Nội đã lấy 1 mẫu vịt gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư đề nghị xét nghiệm bệnh cúm gia cầm.
Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗi lo dịch cúm gia cầm
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dong-bang-song-cuu-long-noi-lo-dich-cum-gia-cam-637031.bld
Thời điểm này, nhiều ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại ĐBSCL. Đáng lo hơn lúc này nông dân đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa đông xuân, trong khi tình trạng thả nuôi vịt chạy đồng cũng diễn ra rầm rộ với các nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch cúm gia cầm…
Trước Tết Nguyên đán vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang đã phát hiện và tiêu hủy hơn 800 con gà nhiễm cúm H5N1 của ông Nguyễn Văn Thành ở ấp 6, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ. Ông Thành cho biết, toàn bộ số gà này được ông mua từ tỉnh Trà Vinh, bình quân mỗi con đạt trọng lượng hơn 1kg. Do có kinh nghiệm nuôi gà, vịt trên 10 năm nên ông tự mua thuốc ngừa về tiêm phòng và điều trị bệnh. Nhưng tất cả đều không khỏi mà chết dần, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 12 triệu đồng.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 1.2017, ngành thú y tỉnh Bạc Liêu cũng đã tiêu hủy toàn bộ đàn gà 1.700 con, nuôi được hơn 1 tháng tuổi của hộ ông Võ Thanh Tùng (ngụ ấp Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Trước đó, đàn gà của ông Tùng đã bị bệnh và chết hàng loạt.Kết quả xét nghiệm cho thấy đàn gà của ông Tùng bị dương tính cúm A /H5N1.
Sau khi tiêu hủy, cơ quan chức năng tiến hành tiêu độc, sát trùng, tiêm phòng các đàn gà, vịt nuôi trong bán kính 1km nhằm khống chế, không để dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, một thực tế đang lo ngại là vụ lúa đông xuân đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, đây là thời điểm thuận lợi cho người dân thả nuôi vịt chạy đồng, kèm theo đó là nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng…
Ông Trương Ngọc Trưng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết: Mặc dù ổ dịch đã được khống chế, nhưng ngành chăn nuôi và thú y xác định không thể lơ là trong công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh tại nơi xảy ra ổ dịch nói chung và công tác phòng, chống dịch bệnh toàn tỉnh nói riêng. Hiện, chúng tôi đã rà soát đàn nuôi mới, đàn hết hạn miễn dịch trên địa bàn xã Long Trị A để khẩn trương tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm.Đồng thời, kết hợp các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm triệt tiêu mầm bệnh. Mặt khác, tăng cường giám sát ổ dịch và vùng lân cận, theo dõi chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn…”.
Đáng lo nhất hiện nay là triệu chứng cúm gia cầm H5N1 cũng giống với triệu chứng thông thường, nhưng một số điểm đặc biệt là sốt cao từ 39 độ trở lên và sốt liên tục, đau đầu, đau cơ; có những trường hợp đau bụng, nôn ói. Đặc biệt bệnh này thường xảy ra trường hợp viêm kết mạc mắt.Nặng hơn, có thể xảy ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, suy tuần hoàn dẫn đến tử vong.
Ông Nguyễn Văn Lành - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, khuyến cáo: “Trong sử dụng thực phẩm, nên sử dụng sản phẩm có đóng dấu xác nhận an toàn của cơ quan chức năng. Đối với những sản phẩm gia cầm tại địa phương như gà, vịt, bà con nên chọn những con khỏe mạnh, không có biểu hiện khác thường, nhất là không nên dùng sản phẩm gia cầm chưa được chế biến chín. Còn đối với người chăn nuôi, khi chăm sóc gia cầm, cần có đồ bảo hộ an toàn”.
Chỉ tính riêng tại tỉnh Hậu Giang, tổng đàn gia cầm lên tới hơn 2 triệu con. Các đàn vịt hàng nghìn con chạy từ xã, huyện này sang xã, huyện khác, hầu như không có ai kiểm soát. Đáng lo ngại là hiện nay, trên một số tuyến kênh, rạch đã xuất hiện xác gia cầm chết không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, không khí mà nguy cơ phát tán mầm bệnh rất cao…
Gia tăng dịch bệnh đầu mùa
http://thanhnien.vn/suc-khoe/gia-tang-dich-benh-dau-mua-789995.html
Theo số liệu chưa đầy đủ từ Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng, từ đầu năm 2017 đến nay, tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố ghi nhận có hơn 1.000 ca mắc các bệnh qua đường hô hấp.
Theo đó, bệnh sốt xuất huyết là 851 ca, tay chân miệng 87 ca và thủy đậu 102 ca. Điều đáng nói là các ca này đều chớm tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Anh N.L.B (trú Q.Sơn Trà) cho hay mặc dù cậu con trai 5 tuổi của anh đã chích ngừa đủ mũi tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước đó 2 năm, nhưng sau tết Nguyên đán, cháu vẫn mắc bệnh thủy đậu. Vợ chồng anh B. đưa cháu đến bệnh viện tư nhân tại Đà Nẵng khám thì bác sĩ cho biết dù đã tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu, nhưng nguy cơ mắc bệnh này của trẻ vẫn cao, chỉ khoảng 90% là đảm bảo hệ miễn dịch đối với bệnh này. Bác sĩ cho thuốc và căn dặn cách chăm sóc, giữ gìn vệ sinh điều trị cho cháu tại nhà.
Qua tìm hiểu, được biết trong lớp mầm non cháu học có đến 6-7 trẻ bị mắc bệnh thủy đậu trước tết (hầu hết các cháu này đều đã chích ngừa vắc xin thủy đậu). Riêng con anh L.B cùng một bạn nữa thì ủ bệnh đến ra tết mới phát. Trao đổi với bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng, bác sĩ Thạnh cho rằng việc trẻ tiêm ngừa vắc xin thủy đậu những vẫn mắc bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhờ chích ngừa sẽ tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên, giúp khả năng miễn dịch của cơ thể được lâu hơn, hạn chế tối đa các biến chứng cơ thể có thể mắc phải; người tiêm ngừa thì bệnh cũng nhẹ hơn những người không được tiêm ngừa. Cũng theo bác sĩ Thạnh, hiện bệnh nhân mắc thủy đậu thường có tâm lý đi khám bác sĩ tư và điều trị tại gia đình, chỉ khi có biến chứng nặng mới mang đến bệnh viện.
“Tại các Trung tâm Y tế dự phòng luôn có sẵn vắc xin ngừa thủy đậu, nhưng thuộc nhóm tiêm dịch vụ, không phải vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên nhiều phụ huynh chưa thực hiện tiêm cho trẻ. Chưa kể, nhiều phụ huynh có tâm lý lo ngại biến chứng mũi tiêm nên chưa cho con chích ngừa, đến khi dịch bùng phát thì mới mang con ồ ạt đi chích, nhưng ở thời điểm này thực sự mũi tiêm không hiệu quả”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh và cho biết thủy đậu là vắc xin an toàn, ít có biến chứng, nhưng nếu bệnh nhân đã ủ bệnh trong 10 - 14 ngày mà thực hiện tiêm ngừa sẽ có nguy cơ biến chứng. Bên cạnh đó, trẻ đã bị thủy đậu 1 lần vẫn có nguy cơ mắc nếu tiếp xúc với một lượng lớn vi rút bệnh trong khi thể trạng yếu. Người lớn vẫn có nguy cơ lây thủy đậu không riêng gì trẻ nhỏ, vì vậy việc phòng ngừa, ngăn lây chéo là một việc làm hết sức quan trọng; bệnh nhân mắc thủy đậu cần cách ly đảm bảo.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Thạnh nói: “Trong tiết đông xuân, không riêng gì thủy đậu mà đối với các bệnh theo mùa và lây qua đường hô hấp còn có các loại cúm, sởi, rubella, quai bị… và đều có khả năng gia tăng nếu không có cơ chế phòng ngừa hiệu quả”. Theo đó, ngoài vắc xin phòng bệnh đặc hiệu thông qua tiêm ngừa, cần tăng cường thể trạng cho trẻ, trời lạnh thì mặc ấm và tránh đến những nơi đông người, cách ly với người có bệnh để tránh lây lan. Người đã mắc bệnh nên đến các cơ sở y tế để được điều trị, tránh di chứng, biến chứng, tránh lây lan cho cộng đồng.
“Các biến chứng của bệnh lây qua đường hô hấp đều nguy hiểm đến tính mạng như nhiễm trùng da dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm xương khớp…”, bác sĩ Thạnh cảnh báo.
WHO: Bệnh sốt vàng do muỗi đốt với tỷ lệ tử vong đến 50%
http://www.vietnamplus.vn/who-benh-sot-vang-do-muoi-dot-voi-ty-le-tu-vong-den-50/429908.vnp
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tiêm vắcxin phòng sốt vàng khi đến các khu vực đang có dịch trước tình hình bệnh sốt vàng đang gia tăng tại Brazil.
Bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A do virus sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỷ lệ tử vong có thể đến 50%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt vàng hiện đang lưu hành tại 42 quốc gia, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ.
Từ tháng 12/2016 đến nay Brazil đã liên tục ghi nhận các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh sốt vàng tại 4 bang (Bahia, Espírito Santo, Minas Gerais, São Paulo) của nước này. Đến nay, đã có 364 trường hợp mắc trong đó có 49 trường hợp tử vong.
WHO đánh giá đây là đợt dịch lớn nhất, rộng nhất tại Brazil kể từ năm 2000 và người đến vùng dịch có nguy cơ cao bị nhiễm virus sốt vàng.
Tại các nước khu vực châu Á và tại Việt Nam đến nay không có dấu hiệu lây truyền và lưu hành bệnh sốt vàng, tuy nhiên, một số nước đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh về từ vùng có dịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam có giao lưu, thương mại, hợp tác lao động với nhiều quốc gia đang có dịch, do đó có thể ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt vàng từ các nước đang có dịch trở về hoặc nhiễm bệnh khi đi đến các khu vực đang có dịch.
Vì vậy vấn đề quan trọng hiện nay là phòng bệnh đối với người đi đến vùng dịch và những người từ vùng dịch về có triệu chứng để được theo dõi, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng và tử vong.
Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng và đau cơ, có thể phát triển các triệu chứng nguy hiểm dẫn đến chảy máu, sốc, tổn thương nội tạng và có thể tử vong.
Hiện bệnh sốt vàng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, sử dụng vắcxin phòng bệnh sốt vàng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và cho miễn dịch phòng sốt vàng suốt đời.
Để chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch và các biến chứng nặng của bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đi/đến vùng dịch thực hiện tốt các nội dung như: Người đến quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ Latinh chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắcxin phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch để có miễn dịch suốt đời phòng bệnh Sốt vàng.
Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần chủ động thực hiện các biện pháp xua muỗi và phòng phòng muỗi đốt.
Người từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.
Vấn đề y tế quan tâm nhất tuần: Chủ quan thủy đậu, phải thở ôxy
http://www.vietnamplus.vn/van-de-y-te-quan-tam-nhat-tuan-chu-quan-thuy-dau-phai-tho-oxy/429750.vnp
Mùa Đông-Xuân với kiểu thời tiết nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát triển như bệnh thủy đậu, cúm, tay chân miệng, bệnh sởi… Nhiều người nghĩ đây là những bệnh nhẹ nên chủ quan trong công tác điều trị khiến bệnh nặng và trở nên nguy hiểm.
Điển hình như, hiện tại, các bác sỹ ở Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị cho một bệnh nhân nam, tuổi trung niên bị thủy đậu, do chủ quan đã để bệnh biến chứng viêm phổi và đang phải thở ôxy.
Từ đầu năm đến nay, tại các bệnh viện của Hà Nội đã ghi nhận nhiều ca bệnh mắc thủy đậu, từ người lớn đến trẻ mới sinh.Đáng lưu ý, có nhiều bệnh nhân mắc thủy đậu vào đúng dịp Tết, khiến cái Tết của họ chỉ bó hẹp trong nhà.
7 ngày Tết cố thủ trong nhà vì thủy đậu
Theo thống kê của VietnamPlus - SocialBeat, thông tin về dịch bệnh thủy đậu đang xuất hiện tại nhiều địa phương, nhất là tại Hà Nội là sự kiện y tế nổi bật nhất trong tuần thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 1-2/2, có 130 bài viết liên quan đến chủ đề này được đăng tải trên các báo điện tử, trang tin tức, diễn đàn và mạng xã hội Facebook... Những bài viết này thu hút rất nhiều lượt bình luận và tương tác.
L.M.S (25 tuổi) chàng trai cao lớn ở Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, anh mắc bệnh thủy đậu vào đúng dịp nghỉ Tết và những ngày nghỉ Tết đồng nghĩa với việc cậu phải cố thủ trong nhà. Kênh giao tiếp phổ biến nhất với mọi người trong dịp này là thông qua mạng xã hội.
S. chia sẻ, cậu lây bệnh thủy đậu từ người hàng xóm. Khi biết người hàng xóm mắc bệnh thủy đậu, S. đã tránh tiếp xúc, một thời gian sau tưởng người hàng xóm kia đã khỏi S. mới đi nhậu cùng. Sau hôm nhậu đó 1 tuần, S. bắt đầu có những biểu hiện của bệnh thủy đậu.Vậy là từ 30 Tết đến mùng 10, S. phải ngồi một chỗ.
Không riêng gì S. mà có rất nhiều người tại Hà Nội hay trên toàn quốc đã bị mắc bệnh thủy đậu trong những ngày gần đây.
Dường như dịch thủy đậu đang bùng phát trong mùa Đông Xuân này, nhất là tại Hà Nội.Điều này khiến rất nhiều người dân lo lắng và quan tâm.
Theo thống kê của VietnamPlus - SocialBeat, những chủ đề được mọi người chú ý về bệnh thủy đậu gồm: cách phòng bệnh, tình hình dịch bệnh thủy đậu đang diễn biến phức tạp, bệnh thủy đậu tấn công người lớn, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu…
Ùn ùn bệnh nhân thủy đậu
Những ngày này, tại các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E, Việt Nam-Cu Ba… đã ghi nhận nhiều trường hợp khám, nhập viện vì bệnh thủy đậu.
Tiến sỹ Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, phòng khám bệnh truyền nhiễm của bệnh viện mỗi ngày có từ 3-4 ca thủy đậu đến khám, tuy nhiên đa phần các ca bệnh nhẹ và điều trị ngoại trú. Có trường hợp nặng biến chứng cần nhập viện thì trong tháng vừa qua có khoảng 3-4 ca bệnh. Đó là các trường hợp như ở, bệnh nhân có thai, bội nhiễm nốt phỏng. Đặc biệt hiện tại khoa có một trường hợp bệnh nhân nam, trung tuổi, do chủ quan trong công tác điều trị bệnh thủy đậu dẫn đến bệnh nặng, gây biến chứng viêm phổi và đang phải thở ôxy…
Tại Bệnh viện E, trong một tháng trở lại đây, các bác sỹ của bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 20 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu.Điều đặc biệt là có khá nhiều trường hợp người lớn mắc bệnh phải nhập viện.
Thống kê của Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba) cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 8/2, tại bệnh viện đã ghi nhận 72 bệnh nhân (từ 12 tháng tuổi đến 11 tuổi) bị mắc thủy đậu.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tuần qua, có hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì mắc thủy đậu. Đặc biệt, có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. Đáng chú ý, có những bệnh nhi sơ sinh mới mấy tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ.
Như vậy, có thể thấy, bệnh thủy đậu không trừ một ai, từ người lớn, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… ai ai cũng đều có nguy cơ mắc bệnh này.
Năm bước để phòng chống bệnh thủy đậu
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa Đông Xuân.Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.
Tiến sỹ Cường nhấn mạnh, bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Tiến sỹ Đỗ Duy Cường phân tích, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện năm biện pháp: Thứ nhất, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Thứ hai, những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Thứ ba, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Thứ tư, là thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Cuối cùng, mỗi người dân nên chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi./.
Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh liên cầu lợn
Trước nhiều ca bệnh phải nhập viện trong dịp Tết nguyên đán vừa qua vì mắc liên cầu lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa đưa ra khuyến cáo về việc phòng bệnh liên cầu lợn.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người qua đường tiêu hoá, chủ yếu là từ lợn.
Khi mắc liên cầu lợn, người bệnh sẽ có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể, cơ thể lạnh, tụt huyết áp,...Bệnh dễ diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong cao. Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó, người dân cần phải nâng cao nhận thức hơn nữa để có biện pháp phòng bệnh cho mình.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2016 vừa qua bệnh do liên cầu lợn đã giảm 19,4%, từ 514.299 trường hợp năm 2015 xuống còn 414.587 trường hợp. Tử vong do bệnh này cũng giảm tới 58%, từ 17 trường hợp năm 2015 xuống còn 7 trường hợp năm 2016. Tuy nhiên, diễn biến nguy hiểm của bệnh này khi người bệnh mắc phải rất nguy hiểm và để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe cho người dân.
Đặc biệt, trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, nhiều ca mắc bệnh liên cầu lợn phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trong bốn ngày đầu năm Đinh Dậu đã tiếp nhận đến năm trường hợp mắc liên cầu lợn vì ăn tiết canh với nhiều triệu chứng như hôn mê, viêm màng não mủ, hoại tử da... Trong đó có một trường hợp ở Nam Định khi chuyển lên tuyến trên cấp cứu đã rất nguy kịch với các triệu chứng sốt, tiêu chảy, xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng không thể qua khỏi nên gia đình đã xin về.
Do đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh liên cầu lợn:
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo...);
Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề;
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Người khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Tung lực lượng chặn thực phẩm bẩn từ Trung Quốc
http://plo.vn/thoi-su/tung-luc-luong-chan-thuc-pham-ban-tu-trung-quoc-681764.html
Lực lượng công an từ trung ương đến các địa phương sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan kiểm soát vật tư nông nghiệp, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.
Cần xử lý thực phẩm bẩn mạnh tay hơn, đồng thời tránh hô hào nhưng rồi để đó không làm. Nhiều đại biểu đã kiến nghị như thế tại hội nghị trực tuyến triển khai năm cao điểm hành động an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 10-2.
“Thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm”
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế nông thôn (Bộ Công an), nói thời gian qua chúng ta dù đã nỗ lực đẩy lùi thực phẩm bẩn nhưng an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề báo động.
Thiếu tướng Thế cũng cho rằng việc xử lý người đứng đầu ở các địa phương để xảy ra nạn thực phẩm bẩn còn lỏng lẻo. “Chúng ta từng nói phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu nhưng đến nay chúng ta đã xử lý được trường hợp nào chưa hay chỉ là hô hào mà thôi. Nếu chỉ hô hào mà không làm thì rất khó”. Tướng Thế nói và cho rằng phải xử lý, làm rõ, xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra ở các địa phương.
Tướng Thế cũng cho biết tới đây lực lượng công an từ trung ương đến các địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt cùng với các bộ, ngành liên quan kiểm soát vật tư nông nghiệp, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài về như rau quả, thịt…, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.
Tướng Thế cũng nhấn mạnh đến việc phải khuyến khích những người làm ăn tử tế nhằm đẩy lùi những người kinh doanh dối trá. “Phải xử lý nghiêm, mạnh tay với kiểu làm ăn gian dối chứ không như kiểu tồn tại hiện nay: Thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm” - tướng Thế nói.
Tăng kiểm tra đột xuất và xử lý mạnh tay
Tại hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết kết quả kiểm tra năm 2016 cho thấy tỉ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cho phép chiếm 3,68% (tăng 2,24% so với năm 2015).
Ông Việt cho rằng để ngăn chặn chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, trong năm 2017, cơ quan thanh tra sẽ tiến hành thanh tra đột xuất 50% các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hoặc từ nguồn tin cung cấp. Ngoài ra, đối với các trường hợp đã vi phạm, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra đột xuất, thường xuyên truy xuất, xử lý nhằm ngăn chặn các cơ sở tái phạm.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay trong năm 2017, Bộ sẽ tiến hành thanh tra ngay chính các đơn vị của Bộ NN&PTNT để ngăn chặn từ xa, tránh xảy ra những sự việc lùm xùm vừa qua như vụ cấp khống 800 giấy phép lưu hành sản phẩm thủy sản tại Tổng cục Thủy sản.
“Tiếp tục tập trung công tác thanh tra đột xuất, chuyên ngành. Đồng thời cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Công an, Bộ sẽ vào cuộc xử lý những sai phạm liên quan đến thực phẩm bẩn” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
2.000 đó là số cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trong tổng số 21.364 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản bị kiểm tra đột xuất trong năm 2016 (chiếm 9%).
Trên 150 học sinh bán trú bị ngộ độc thực phẩm
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170210/tren-100-hoc-sinh-ban-tru-bi-ngo-doc-thuc-pham/1262959.html
Chiều 10-2, trên 100 học sinh Trường tiểu học A, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng và nôn ói.
Ngay sau khi phát hiện, nhà trường đã khẩn trương đưa các em đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Long Hồ và được các y, bác sĩ bệnh viện cấp cứu, truyền dịch.
Theo thông tin từ ban giám hiệu, các em học sinh này được nhà trường tổ chức ăn bán trú tại trường vào khoảng 10h40 cùng ngày với canh súp củ su thịt bằm và cơm dương châu. Suất ăn do cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống của bà Đinh Thụy Lan Phương làm chủ, tại địa chỉ 130/11/6A Nguyễn Huệ, P.2, TP Vĩnh Long cung cấp.
Trường tiểu học A cho biết cơ sở này đã hợp đồng cung cấp suất ăn trưa với trường hơn 2 năm nay, bữa ăn nào trường cũng đều cho lưu mẫu lại, đây là trường hợp ngộ độc đầu tiên.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm y tế huyện Long Hồ và các ngành chức năng đã lấy mẫu thức ăn để kiểm nghiệm.
Sau đó, có hơn 34 em học sinh có dấu hiệu nặng nên được đưa lên bệnh viện đa khoa Vĩnh Long cấp cứu.
Được biết mỗi ngày cơ sở cung cấp suất ăn này đã cung cấp cho các trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long khoảng 1.500 suất ăn trưa.
Thông tin từ cơ quan chức năng, ngoài trường tiểu học A còn có 50 học sinh của hai trường học ở TP Vĩnh Long là trường tiểu học Chu Văn An và Trường Tiểu học Trương Định cũng bị ngộ độc thực phẩm do cơ sở của bà Đinh Thụy Lan Phương cung cấp.
Như vậy tổng số học sinh bị ngộ độc là trên 150 em.
Hiện cơ quan công an đã đến kết hợp với ngành chức năng địa phương điều tra vụ việc.
Gần 20 cán bộ Sở Y tế Bình Định đồng loạt xin nghỉ ra Hưng Yên đi lễ hội
Gần một nửa cán bộ, nhân viên Sở Y tế Bình Định đồng loạt xin nghỉ phép để đi dự lễ hội ở Hưng Yên. Lãnh đạo Sở thừa nhận sự việc là có thiếu sót.
Ngày 10/2, trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định - xác nhận việc cho phép khoảng 20 cán bộ đang công tác tại Sở này nghỉ làm và đi dự lễ hội tại Hưng Yên vào thứ 5 (ngày 9/2) là có thiếu sót. Hiện ông cùng đoàn cán bộ, nhân viên của Sở đã về đến nhà vào khoảng 5h sáng cùng ngày. Ngay trong sáng nay, tất cả cán bộ, nhân viên của Sở đến cơ quan làm việc bình thường.
Ông Hùng cho biết: “Bản thân tôi, Bộ Y tế có giấy mời đi dự lễ kỷ niệm ngày viên tịch của Hải Thượng Lãn Ông và trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông ở tỉnh Hưng Yên. Tôi làm giấy phép đầy đủ, đi với trưởng phòng tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, một số anh em trong cơ quan ra Tết làm cật lực rồi nên muốn xin đi giỗ tổ một lần cho biết nên tôi đồng ý và làm giấy phép đầy đủ hết.
Năm nay tỉnh không tổ chức lễ kỷ niệm ngày 27/2, để tiết kiệm nên anh em tự bỏ kinh phí ra xin đi cùng với mình. Cả năm qua, lũ lụt liên tục, anh em làm việc cật lực, giải quyết xong nhiều việc nên tôi ký cho nghỉ phép đi cho biết. Quyết định cho đoàn đi chúng tôi đã sắp xếp, bố trí cán bộ trực ở nhà. Cái này là tôi sai hoàn toàn khi cho nghỉ phép nhiều người vào thời điểm nhạy cảm”.
Theo đó, có 22 người cùng đi một chuyến bay ra Hà Nội. Trong đó, ông Hùng và một cán bộ Phòng Tổ chức hành chính được Bộ Y tế mời đi; 13 công chức biên chế của Sở xin nghỉ phép; còn lại là một số nhân viên hợp đồng các dự án...
Ông Hùng cho biết, sáng ngày 10/2, tổ công tác do UBND tỉnh Bình Định thành lập đã làm việc với lãnh đạo Sở để kiểm tra vụ việc, xác định lại tất cả các cán bộ, nhân viên xin nghỉ phép để ra Bắc đi lễ. Sau khi có báo cáo cụ thể lên, lãnh đạo tỉnh sẽ đưa ra hình thức xử lý.
Sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo lãnh đạo Sở Y tế xử lý vụ việc.“Ngay chiều qua (9/2), đoàn vừa đặt chân tới Hà Nội thì phải tức tốc mua vé máy bay về ngay, hủy toàn bộ kế hoạch chuyến đi. Máy bay về Đà Nẵng, đoàn không ăn uống mà bắt xe ô tô về tỉnh. Tôi cũng hủy việc dự lễ ở Hưng Yên dù là thành phần mời của Bộ Y tế để về xử lý công việc”, ông Hùng cho hay.
Ngay sau khi nắm bắt thông tin, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo báo cáo và khắc phục vụ việc.“Họ đi mà không hề báo cáo chứ nếu báo tôi đã không cho đi.Chúng tôi sẽ chấn chỉnh nghiêm việc này” - ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói.
Được biết, Sở Y tế tỉnh Bình Định có gần 50 cán bộ, nhân viên.
Hà Tĩnh: Cứu sống hai mẹ con sản phụ bị tai biến sản giật
http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/cuu-song-hai-me-con-san-phu-bi-tai-bien-san-giat_t114c9n114869
Bác sỹ Nguyễn Viết Đồng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Bệnh viện vừa cấp cứu thành công cho sản phụ Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi) ở xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bị sản giật ở tuần 32 của thai kỳ.
Anh Nguyễn Văn Minh - chồng của sản phụ Thúy cho biết: Vào lúc 14 giờ ngày 24/1, đang ở nhà thì vợ anh lên cơn co giật, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, tứ chi co giật… ngay lập tức sản phụ được đưa vào BVĐK thành phố Hà Tĩnh, sau khi thăm khám các bác sỹ đã cho chuyển lên BVĐK tỉnh Hà Tĩnh để cấp cứu.
Ngay sau khi tiếp nhận và hội chẩn, các bác sỹ chẩn đoán sản phụ bị suy hô hấp, phù phổi cấp, biến chứng nhau bong non, sản giật đồng thời chuyển thẳng nhà mổ, mổ cấp cứu thành công bé trai nặng 1,7kg. Do sinh non tháng nên cháu bé được chuyển Khoa Nhi để cấp cứu và điều trị, còn sản phụ Thúy qua cơn nguy kịch và được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị hỗ trợ sau mổ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Phó Trưởng khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh - người trực tiếp phẫu thuật cứu sống sản phụ Thúy và cháu bé cho biết: “Đây là thành công lớn khi kịp thời cấp cứu và cứu sống được cả mẹ và con. Vì sản giật là một biến chứng cấp tính của tiền sản giật nặng, nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé như xuất huyết não, hôn mê, hoặc tiến triển thành biến chứng nặng hơn ở mẹ, biến chứng HELLP (hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu ở thai phụ) hoặc nhau bong non làm em bé suy thai và chết”.
Sau 2 tuần điều trị tích cực, đến nay 2 mẹ con sản phụ Thúy đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Quảng Ninh: Phẫu thuật thành công lấy khối u xơ tử cung nặng gần 2 kg
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa phẫu thuật lấy khối u xơ tử cung nặng 1,7 kg cho bệnh nhân Phạm Thị Ngoan, 36 tuổi, ở phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long.
Trước khi vào viện, chị Ngoan thấy bụng to hơn bình thường, nhưng chỉ nghĩ do mình tăng cân. Gần đây, chị thấy đau bụng âm ỉ, ra máu âm đạo nên đã đi khám bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh.Kết quả khám cho thấy chị bị u xơ tử cung có chỉ định phẫu thuật.Sau hơn 1 giờ phẫu thuật các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã phẫu thuật bóc tách lấy khối u thành công.
U xơ tử cung là bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và chiếm tỷ lệ mắc khoảng 20%. Đây là căn bệnh lành tính, nếu được phát hiện sớm sẽ chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị muộn, có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sinh sản như: khó có thai, sảy thai, sinh non, khó đẻ, băng kinh, băng huyết sau sinh, thậm chí là vô sinh...
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên khám phụ khoa định kỳ, khi có dấu hiệu ra máu bất thường nên đến cơ sở y tế kiểm tra để được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Thay khớp háng cho cụ ông gần 100 tuổi
Khi đang tập thể dục, cụ ông 98 tuổi quê Bình Thuận bị trượt chân té ngã và được đưa tới bệnh viện tỉnh cấp cứu.
Qua thăm khám, các bác sĩ ở đây kết luận cụ ông bị gãy cổ xương đùi phải. Do tuổi đã quá cao, chỉ điều trị nội khoa để giảm đau nhức chứ không thể phẫu thuật để cụ đi đứng lại như thường.
Gia đình sau đó đã chuyển cụ ông vào Bệnh viện quận 11 TP.HCM chữa trị. Bác sĩ Phạm Thanh Vũ - Quyền Trưởng khoa Ngoại tổng hợp BV quận 11 cho biết, qua chụp CT cho thấy bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển cổ xương đùi rất phức tạp.
Người bệnh muốn thoát khỏi cảnh tàn phế chỉ còn cách phẫu thuật thay khớp háng.Tuy nhiên cổ xương đùi của bệnh nhân bị gãy nát rất khó để ráp khớp háng nhân tạo, và bệnh nhân quá lớn tuổi, khó có thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật.
Sau khi nhận được sự cố vấn từ TS BS Nguyễn Vĩnh Thống - Chủ tịch Hiệp hội chấn thương chỉnh hình TP.HCM về tình trạng bệnh của cụ ông, bệnh viện quận 11 đã tiến hành ca phẫu thuật.
Theo BS Vũ, do mấu chuyển cổ xương đùi của bệnh nhân bị gãy nát, ê-kíp phẫu thuật sử dụng xi măng sinh học làm dính lại mới có thể lắp đặt khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân.
Trong quá trình mổ, bệnh nhân được truyền 2 đơn vị máu. BS Vũ cho biết, chừng 10 ngày nữa bệnh nhân có thể xuất viện, và sau 3 – 6 tháng có thể đi đứng trở lại bình thường.
Trường hợp không phẫu thuật thay khớp háng thì chắc chắn cụ ông sẽ bị tàn phế, nằm một chỗ, dẫn tới nguy cơ bị lở loét, gây nhiễm trùng, bội nhiễm các bệnh khác, và có thể tử vong.
Thay khớp háng cho bệnh nhân lớn tuổi là loại phẫu thuật thường nhiều rủi ro, bệnh nhân có thể tử vong trên bàn mổ nên đòi hỏi phải chuẩn bị chặt chẽ.
Biện pháp chưa từng có của Canada với thuốc giảm đau
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/bien-phap-chua-tung-co-cua-canada-voi-thuoc-giam-dau-681591.html
Tại Canada, số người chết do lạm dụng thuốc giảm đau đang tăng lên một cách đáng báo động.
Các quan chức y tế của Canada đang thực hiện các biện pháp chưa từng có về việc sử dụng thuốc giảm đau. Số người chết do lạm dụng thuốc giảm đau ở nước này đang tăng lên một cách báo động, buộc nước này phải có những biện pháp mạnh tay hơn về loại thuốc này, bao gồm cả việc dán nhãn cảnh báo sử dụng thuốc như việc dán nhãn cảnh báo ung thư phổi khi sử dụng thuốc lá.
Bộ trưởng Bộ Y tế Canada, bà Jane Philpott, đã nói với Reuters rằng tháng tới nước này sẽ có kế hoạch công bố chi tiết về việc dán nhãn cảnh báo cho các loại thuốc. Các nhãn này có ghi cảnh báo đối với những người sử dụng thuốc giảm đau loại opioid có thể gây nghiện và quá liều.Trong tháng ba này, một ban cố vấn sẽ được thành lập để có biện pháp chính thức đối với thuốc giảm đau opioid.
Việc dán nhãn cảnh báo đối với thuốc giảm đau opioid được coi như bước đầu cho việc hạn chế số người tử vong do lạm dụng các loại thuốc phiện kê toa. Ngoài opioid còn có oxycontin và một số thuốc khác.
Số người tử vong do dùng thuốc quá liều hoặc lạm dụng thuốc giảm đau đã tăng vọt. Ở tỉnh đông dân nhất Canada là Ontario, số người tử vong thuốc opioid đã tăng lên 40% trong sáu năm. Tại Saskatchewan, tỉ lệ tử vong do thuốc giảm đau đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010. Đáng báo động hơn, một dòng biến thể khác của thuốc giảm đau Fentanyl được ghi nhận sử dụng nhiều nhất ở tỉnh British Columbia khiến số người chết do loại thuốc này tăng 80% lên con số 914.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Canada, cuộc chiến chống lạm dụng thuốc giảm đau opioid là cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn nhất mà nước này đang trải qua.Các quan chức đang tìm mọi cách để hạn chế việc lạm dụng này. Bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về việc hiện tượng kê toa có thuốc giảm đau ngày càng tăng vượt ngoài kiểm soát. “Chúng tôi cần phải biết được sự thật đằng sau để có giải pháp cấp bách” - vị này cho hay.
Đa số công ty dược cho biết họ ủng hộ với các biện pháp để tăng sự an toàn khi sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, một số công ty hiện chưa có thông tin phản hồi về điều này.Còn các bác sĩ và chuyên gia y tế lại nói rằng tuy đề xuất này hay nhưng có vẻ như đã quá muộn so với thực tế hiện nay.Họ cho rằng lẽ ra việc dán nhãn này phải được thực hiện từ năm 2006 hoặc 2007.
Hiện tại, các quan chức chưa tiết lộ thời điểm quyết định chính thức đối với việc dán nhãn thuốc giảm đau.Trước mắt, các quan chức sẽ ghi nhận và tham khảo ý kiến của người dân Canada trước khi Bộ trưởng Philpott đưa ra quyết định.
Ngoài ra, việc dán nhãn này còn đặt ra câu hỏi liệu điều đó có thể làm sụt giảm doanh thu của các công ty dược do ít người sử dụng thuốc lại hay doanh thu vẫn cứ tiếp tục tăng. Được biết ngành sản xuất dược ở Canada là ngành sản xuất béo bở, đóng góp đến 881 triệu USD vào GDP nước này mỗi năm.
Trung Quốc: Ít nhất 5 bệnh nhân bị phơi nhiễm HIV tại 1 bệnh viện Đông y
Vụ việc gây sốc cư dân mạng Trung Quốc này đang làm dấy lên mối lo ngại về sự phơi nhiễm HIV tại những nơi thành y tế kém.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng địa phương, một bác sĩ ở bệnh viện y học cổ truyền Trung quốc tại 1 khu vực phía đông của Hàng Châu đang bị điều tra hình sự.
Trong khi đó, Chính phủ tuyên bố đây là một “sự cố y khoa nghiêm trọng” tại 1 bệnh viện y học cổ truyền ở tỉnh Chiết Giang.
Vi rút gây ra căn bệnh AIDS được cho là đã bị lây nhiễm khi bác sĩ vi phạm quy tắc vứt bỏ ống tiêm sau khi đã sử dụng, khiến vi rút HIV từ 1 bệnh nhân lây nhiễm sang ít nhất 5 bệnh nhân khác.
Cư dân mạng Trung Quốc đã tỏ ra sốc khi biết thông tin này và bày tỏ mối lo ngại HIV có thể sẽ bị phơi nhiễm ở những nơi thực hành y tế kém.
Vụ việc được báo cáo lên cơ quan chức năng ngày 26/1.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Trung Quốc có khoảng 500.000 trường hợp nhiễm HIV và AIDS, tính đến cuối năm 2014. Trung Quốc cũng đã công bố 1 bản kế hoạch cho thấy những nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút này trong 5 năm tới.
Vào năm 1990, hàng ngàn người đã bị phơi nhiễm vi rút chết người này trong 1 vụ bê bối bán máu ở vùng Hà Nam.
Thành công phương pháp tránh thai mới dành cho nam giới
http://anninhthudo.vn/doi-song/thanh-cong-phuong-phap-tranh-thai-moi-danh-cho-nam-gioi/717726.antd
Một nhóm nghiên cứu tại Mỹ đã sáng chế ra Vasalgel - dung dịch tiêm tránh thai cho nam giới, để thay thế cho các phương án truyền thống như sử dụng bao cao su.
Cụ thể, sau khi được tiêm vào ống dẫn tinh, dung dịch Vasalgel sẽ giúp ngăn chặn tinh trùng đi xuống ống dẫn tinh và giúp tránh thai trong khi đó vẫn cho phép chất lỏng quan trọng khác di chuyển xuống. Các cuộc thử nghiệm đã cho thấy loại gel mới này đạt hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa thụ thai.
Trước đó, loại gel này đã được thử nghiệm thành công trên khỉ.Nó được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận Parsemus Foundation ở California (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã tiêm Vasalgel vào các con khỉ nâu đực trong một nhóm 16 con. Kết quả cho thấy đã không có trường hợp mang thai nào giữa các con khỉ trong nhóm này.
Elaine Lissner, giám đốc của Parsemus Foundation, nói với Yahoo rằng, Vasalgel có tác dụng tương tự như vòng tránh thai của phụ nữ - dụng cụ tử cung được đưa vào tử cung của người phụ nữ để ngăn ngừa mang thai.
Nghiên cứu gel này dựa trên những thử nghiệm tại Ấn Độ trong 20 năm qua dưới hình thức sử dụng hỗn hợp dimethyl sulphoxide và copolymer styrene maleic anhydride tiêm vào ống dẫn tinh.Hỗn hợp này tương tác với các tiết dịch của cơ thể và làm phát sinh một điện tích có tác dụng tiêu diệt tinh trùng. Đây là một trong các thử nghiệm lâm sàng cao cấp.
Tiến sĩ Jamin Brahmbhatt, đồng Giám đốc của The Pur Clinic và là một chuyên gia nam học cho biết, đây là một lựa chọn tránh thai mới cho nam giới, nhưng cần thận trọng và nghiên cứu dài hạn vì ông lo ngại rằng sẹo từ việc tiêm chất này có thể cản trở việc lấy lại khả năng sinh sản cho nam giới.
Một phát ngôn viên thuộc Parsemus Foundation cho biết: “Chúng tôi muốn Vasalgel có mặt trên thị trường càng sớm càng tốt, nhưng tất cả những thử nghiệm về hiệu quả và an toàn đối với cơ thể người phải được hoàn thành".
Nếu phương pháp tránh thai mới này đạt hiệu quả cao, sẽ giảm thiểu được gánh nặng cho phụ nữ trong việc phòng tránh thai cũng như việc có thai ngoài ý muốn.
Sắp bào chế được thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt
Theo công trình nghiên cứu được công bố trên Biological Psychiatry, các nhà khoa học tại Đại học Maryland (Mỹ) đã phát hiện rằng việc điều chỉnh nồng độ axit kynurenic (KYNA) có thể có ảnh hưởng đáng kể đến sự biểu hiện các triệu chứng tâm thần phân liệt.
Những người bị tâm thần phân liệt gặp phải rối loạn não dẫn đến một số tình trạng kết hợp giữa ảo giác, ảo tưởng, suy nghĩ bị rối loạn và hành vi không thực tế, có nồng độ KYNA trong cơ thể cao hơn so với mức bình thường.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu trên những con chuột bị thiếu men có tên kynurenine 3 monoxygenase (KMO), là men ảnh hường đến nồng độ KYNA. Kết quả cho thấy càng ít men KMO thì nồng độ KYNA càng cao.
Các nhà khoa học nhận ra rằng những con chuột bị thiếu men KMO thì trí nhớ bối cảnh bị trục trặc. Ngoài ra, chúng ít giao tiếp với chuột lạ hơn so với ở nhóm đối chứng. Một khi bị giảm nồng độ men KMO, chuột tỏ ra lo lắng cao độ khi sa vào mê cung. Chắc chắn KYNAđứng đằng sau sự xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm thần, bao gồm cả các rối loạn về nhận thức.
Theo các chuyên gia, chính KYNA làm giảm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh axit glutamic khi bị bệnh tâm thần phân liệt.Giáo sư, tiến sĩ Robert Schwarcz, tác giả của công trình nghiên cứu đã khẳng định trong một thông cáo báo chí rằng có thể điều chỉnh nồng độ KYNA để làm giảm các triệu chứng tâm thần phân liệt.
Chao đảo với dịch sốt vàng da
http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/chao-dao-voi-dich-sot-vang-da-318860.html
Dịch sốt vàng da đang diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng tại Brazil khi số bệnh nhân mắc bệnh và tử vong liên tục tăng cao. Theo các chuyên gia y tế, lần cuối cùng sốt vàng da được ghi nhận tại Brazil là vào năm 1942, ở bang Acre.
Ngày 7/2/2017, Bộ Y tế Brazil cho biết số ca tử vong vì sốt vàng da tại nước này đã tăng lên 69 người và đã có gần 1.000 trường hợp nghi nhiễm kể từ khi bùng phát dịch vào đầu năm nay. Bang Minas Gerais là nơi có số các ca tử vong cao nhất.
Phát lệnh báo động
Chính phủ Brazil đã ban bố tình trạng báo động và gửi gần 10 triệu liều vaccine đến các vùng bị ảnh hưởng và có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Thống kê của Bộ Y tế Brazil cho biết số ca lây nhiễm sốt vàng da tại nước này đã tăng đáng kể với tổng cộng 972 trường hợp được ghi nhận, trong đó 777 bệnh nhân đang được xét nghiệm và số còn lại đã cho kết quả dương tính.
Minas Gerais là bang bị ảnh hưởng nặng nhất với 173 ca nhiễm bệnh và hiện còn 81 ca tử vong đang được xét nghiệm, tiếp đến là bang Espirito Santo và Sao Paulo. Theo phân tích của các chuyên gia, đợt dịch lần này xuất phát từ loài khỉ.Trước đó, các bang ổ dịch như Minas Gerais, Espirito Santo và Sao Paulo đều xuất hiện hiện tượng hàng chục con khỉ bị chết vì nhiễm bệnh.
Trước đó, vào tháng 8/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo bệnh sốt vàng da ở châu Phi, nhất là tại Angola và CHDC Congo khi đã có 400 người tử vong tại hai quốc gia này và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch tại châu Phi, châu Á và lan rộng ra toàn thế giới.
Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Sốt vàng hay sốt vàng da là một chứng bệnh sốt xuất huyết gây vàng da do siêu vi trùng Yellow Fever Virus (virut sốt vàng), thuộc họ Flavividae, giống Flavivirus, lây truyền qua đường muỗi đốt. Các chuyên gia phân biệt hai loại sốt vàng da khác nhau. Một loại do muỗi Haemogogus và Sabethes truyền và loại khác do muỗi Aedes aegypti - cũng là thủ phạm gây dịch sốt xuất huyết, zika và sốt rét vàng. Bệnh thường phát sinh vào mùa mưa, khí hậu nóng với nhiệt độ trung bình tháng trên 20 độ C, là giai đoạn phát triển mạnh của loài muỗi Aedes.
Từ thế kỷ XVII, bệnh sốt vàng da đã xuất hiện và phổ biến ở những vùng nhiệt đới của Nam Mỹ và châu Phi. Đến thế kỷ XIX, sốt vàng da được xem là một trong những căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm trên thế giới. Theo WHO, mỗi năm ở châu Phi có đến hàng nghìn người mắc bệnh sốt vàng da, còn ở Nam Mỹ cũng có đến hàng trăm người mắc và số người mắc cũng không ngừng tăng ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Hiện đã có vaccine phòng chống dịch bệnh này.
Trong đa số trường hợp, các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt vàng da bao gồm sốt cao, khởi phát đột ngột kèm rét run, đau bắp cơ đặc biệt ở lưng, đau nhức cơ thể, nhức đầu, mặt đỏ xung huyết, mất cảm giác thèm ăn, buồn nôn và nôn, mạch chậm, mệt mỏi, suy nhược, bạch cầu máu ngoại vi giảm và có vàng da nhẹ. Phần lớn trường hợp bệnh cải thiện sau các triệu chứng ban đầu này.
Tuy nhiên, khoảng 15% trường hợp mắc bệnh sốt vàng da, sau khoảng một ngày thuyên giảm, bệnh chuyển sang giai đoạn nặng có nhiễm độc biểu hiện bằng các triệu chứng: sốt tái phát kèm theo đau bụng, giảm đi tiểu, loạn nhịp tim, vàng da vừa hoặc nặng.
Nếu tình trạng này xảy ra thì có nguy cơ xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, máu mũi, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen), tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, ảnh hưởng đến chức năng thận, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn. Sốt vàng da là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, ở thể nặng từ 20% đến 50%, các thể khác dưới 5%.
Mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính khi chưa có miễn dịch đều có thể nhiễm vi rút sốt vàng da. Tuy nhiên, nhóm người có nguy cơ cao hơn với bệnh là trẻ em và những người có nghề nghiệp phải thường xuyên phơi nhiễm cho muỗi tấn công đốt hút máu.
Bệnh sốt vàng da hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị theo các nguyên tắc: phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh; điều trị sớm; tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống suy gan, thận; trợ tim mạch, chống dị ứng; chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn; hạn chế tối đa các biến chứng muộn.
Phòng chống muỗi đốt
Biện pháp dự phòng hiệu quả nhất đối với bệnh sốt vàng cho đến nay là tiêm phòng vaccine. Thường sử dụng vaccine 17D sống, giảm độc lực, an toàn cao, chế tạo từ phôi gà. Vaccine được tiêm dưới da cho người từ 9 tháng tuổi trở lên, dùng 1 liều duy nhất, hiệu lực đạt trên 90% và có thể duy trì kháng thể bảo vệ lâu dài, tuy nhiên nên có mũi tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm ở những người có nguy cơ cao trong vùng dịch lưu hành.
Vaccine sốt vàng da được quy định tiêm bắt buộc cho người đi đến từ vùng có bệnh lưu hành và đi vào vùng có bệnh dịch sốt vàng da. Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, quản lý những trường hợp nghi mắc sốt vàng da có thể xâm nhập. Tuyên truyền giáo dục và tổ chức cho cộng đồng tiến hành các biện pháp giám sát thường xuyên dịch bệnh. Xử lý vệ sinh môi trường, khống chế việc sinh sản và diệt muỗi trưởng thành đối với loài muỗi Aedes trong các khu vực dân cư.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các biện pháp chống dịch sốt vàng da chủ yếu là chống muỗi đốt cho bệnh nhân; thu gom và khử khuẩn triệt để chất dịch cơ thể của bệnh nhân (máu, dịch não tủy, tinh dịch, dịch tiết khác). Thời gian theo dõi cách ly ngắn nhất trong vòng 7 ngày, thường là 14 ngày sau khi phát bệnh.
Kết hợp phun hóa chất diệt muỗi (phun dạng ULV, phun nhắc lại sau 1 tuần) trong bệnh viện và khu vực ổ dịch, tập trung vào khu vực muỗi Aedes truyền bệnh có thể trú đậu và sinh sản. Đăng ký cụ thể, tổ chức theo dõi những người tiếp xúc trực tiếp và người cùng sống với người bệnh trước khi phát bệnh 5 ngày, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mới phát bệnh để đưa vào diện cách ly, điều trị.
Sau hàng loạt dịch bệnh xuất hiện liên tục gần đây trên thế giới, việc bùng phát bệnh sốt vàng da tại Brazil cùng những cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh này trở thành đại dịch lại tiếp tục đặt cộng đồng quốc tế trước những khó khăn mới.