Những “điểm nóng” về kết hôn cận huyết
Ông Huỳnh Văn Triều – Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) – Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Đăk Nông– cho biết,năm 2011, tỉnh Đăk Nông có 2 huyện có tình trạng kết hôn cận huyết cao đến mức báo động, đó là huyện Tuy Đức và huyện Đăk Glong.
Tại huyện Tuy Đức, 3 xã có tỷ lệ kết hôn cận huyết cao, đó là xã Đăk R`tih (42,3%), xã Quảng Trực (33,6%), xã Đăk Ngo (35,5%). Tại huyện Đăk Glong, xã Đăk Plao có tỷ lệ kết hôn cận huyết cao nhất, chiếm 43,5%, và 2 xã Đăk Ha, Quảng Khê có tỷ lệ kết hôn cận huyết lần lượt là 9,7% và 9,3%.
“Hôn nhân cận huyết là hôn nhân nội tộc, chỉ những cặp hôn nhân trong cùng một nhóm thân tộc, họ hàng bởi luật tục hoặc tập quán quy định có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha. Hôn nhân cận huyết thông thường là hôn nhân anh chị em họ chéo – giữa con của anh/em trai với con của chị/em gái. Con cô con cậu lấy nhau, có thể là con gái cô lấy con trai cậu, hoặc con gái cậu lấy con trai cô. Hôn nhân anh chị em họ song song tức hôn nhân giữa anh, chị em bạn dì và hôn nhân con chú – con bác. Biểu hiện rõ nét nhất của hôn nhân cận huyết thống ở miền núi phía bắc và Tây Nguyên là hôn nhân con cô con cậu. Đây là hình thức hôn nhân giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”, ông Triều nói.
Ông Triều cũng cho biết thêm, hôn nhân cận huyết làm suy giảm sức khỏe và chất lượng giống nòi. Thực tế y học đã chứng minh, hôn nhân cận huyết thống là cơ sở cho những gen lặn bệnh lý tương đồng ở những ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau và kết quả là dù khỏe mạnh, họ vẫn có thể sinh ra con dị dạng hoặc có bệnh di truyền như mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bệnh bạch tạng, bệnh da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) mở đầu cho cuộc sống tàn tật suốt đời…
“Xóa sổ” tình trạng kết hôn cận huyết
Xác định rõ việc kết hôn cận huyết không chỉ làm giảm chất lượng dân số mà còn làm người dân sống trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo – bệnh tật, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đăk Nông quyết tâm “xóa sổ” các điểm nóng về kết hôn cận huyết tại 2 huyện Tuy Đức và Đăk Glong. Năm 2011, Chi cục đã triển khai mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết” tại 6 xã trọng điểm trên địa bàn tỉnh, gồm xã Đăk R`tih, xã Quảng Trực, xã Đăk Ngo (huyện Tuy Đức); xã Đăk Plao, xã Đăk Ha và xã Quảng Khê (huyện Đăk Glong).
Ông Huỳnh Văn Triều – Trưởng phòng DS-KHHGĐ – Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Đăk Nông, khẳng định, để ngăn ngừa tình trạng kết hôn cận huyết thì giải pháp tuyên truyền phải được chú trọng.Bởi vì, khi có nhận thức đúng, người dân mới thay đổi hành vi cho phù hợp. Vì vậy, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, trong các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi họp thôn, họp nhóm, họp đoàn thanh niên… các cán bộ phụ trách dân số, các cộng tác viên y tế… đều lồng ghép vào các nội dung tuyên truyền về chống kết hôn cận huyết để người dân hiểu rõ và vận động, ngăn chặn những người xung quanh mình không làm trái pháp luật. Ngoài ra, nội dung tuyên truyền về tác hại của kết hôn cận huyết cũng được phổ biến rộng rãi qua các “Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn tỉnh Đăk Nông” hàng năm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Đặc biệt, khi triển khai mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết” tại các xã trọng điểm, Chi cục DS – KHHGĐ phối hợp cùng ban, ngành, đoàn thể tại địa phương thành lập 4 nhóm cộng đồng, gồm: nhóm các bậc phụ huynh; nhóm thanh niên, vị thành niên; nhóm người có uy tín trong cộng đồng và nhóm người trong độ tuổi sinh đẻ. Mỗi tháng, các nhóm tiến hành họp hội viên 1 lần để tuyên truyền, phổ biến các chính sách về dân số - kế hoạch gia đình, tác hại của việc kết hôn cận huyết,… Đặc biệt, Chi cục DS-KHHGĐ còn chú trọng tuyên truyền, vận động các già làng về tác hại của hôn nhân cận huyết để họ đưa vào hương ước của thôn, bon … Khi hiểu rõ luật tục này làm suy kiệt sức khỏe của thế hệ sau, làm người dân không thoát được cái vòng lẩn quẩn của nghèo đói, các già làng rất ủng hộ và nhiệt tình tuyên truyền, ngăn cản kết hôn cận huyết trong cộng đồng. Mặt khác, Chi cục DS – KHHGĐ còn phối hợp với cán bộ Tư pháp xã tư vấn các quy định nhưkhông kết hôn khi chưa đủ tuổi, không kết hôn với những người có họ hàng trong phạm vi 3 đời… cho thanh niên, những người đang có ý định kết hôn để họ cân nhắc lựa chọn, không quyết định sai lầm.
Sau gần 5 năm thực hiện mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết”, 6 xã trọng điểm tại huyện Tuy Đức và Đăk Glong đã không còn tình trạng kết hôn cận huyết. Đây là tín hiệu đáng mừng, là minh chứng cho việc thực hiện hiệu quả của mô hình trên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Đăk Nông.Tin rằng, nếu mô hình này được nhân rộng trên toàn tỉnh thì tình trạng kết hôn cận huyết sẽ chấm dứt, góp phần nâng cao chất lượng dân số và mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Đăk Nông.
Bài: Kim Nguyệt
T4G Đăk Nông