Ngành Y tế điều trị khỏi cho gần 110.000 người bệnh trong dịp Tết
Ngày 3/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 7 ngày Tết Đinh Dậu (từ ngày 26/1 - 2/2), ngành Y tế đã đảm bảo công tác thường trực khám chữa bệnh, cấp cứu, không để người bệnh đến bệnh viện không có người khám chữa bệnh.
Ngành xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh; tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 243.126 trường hợp, trong đó có 159.964 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, 13.402 trường hợp phải chuyển viện; thực hiện 16.939 ca phẫu thuật, trong đó 374 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, hệ thống sản nhi đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 22.516 cháu bé chào đời; điều trị khỏi cho xuất viện 109.420 người bệnh.
Tổng số người bệnh còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh đến 7 giờ ngày 2/2/2017 (mùng 6 Tết) là 125.663 người bệnh. Các bệnh viện trong cả nước đã thực hiện tốt thường trực cấp cứu ngoại viện, có 4.984 lượt vận chuyển cấp cứu bằng xe cứu thương của bệnh viện.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong dịp Tết cả nước có 143 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ (chưa loại trừ số trùng lặp do chuyển viện), không có trường hợp tử vong, có 44 trường hợp đến khám, cấp cứu do chất nổ khác (chưa loại trừ số trùng lặp do chuyển viện).
Đặc biệt, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là 5,675 trường hợp, trong đó có 619 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu bia. Tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 41.054 trường hợp (tăng nhẹ so với 7 ngày Tết Bính Thân 2016 là 40.456 trường hợp).
Tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, bao gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến 1 trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện. Trong đó có 12.389 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, và 3.038 trường hợp phải chuyển tuyến trên điều trị.
Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 192 trường hợp. Ngành y tế ghi nhận tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn và rượu là 3.199 trường hợp trong đó 808 trường hợp được xác định nguyên nhân do bia rượu. Không có trường hợp tử vong (ngoại trừ 1 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ); không có báo cáo về vụ ngộ độc thực phẩm.
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhập 13 ca ngộ độc rượu, trong đó có 3 ca rất nặng (1 ca ở Vĩnh Phúc, 1 ca ở Hưng Yên, 1 ca ở Hà Nội). Trong số 3 ca ngộ độc nặng trên, có 2 ca người nhà xin về tử vong, còn 1 ca đã cứu sống được nhưng bị tổn thương mắt, hiện vẫn đang điều trị. Đáng chú ý, nhiều ca ngộ độc rượu nặng năm nay có liên quan đến rượu chứa methanol.
Trạm trưởng y tế bị chồng của nhân viên chém khi đang trực Tết
Hùng vào trạm y tế xã gây hấn với bác sĩ trạm trưởng, cầm dao chém ông này hai nhát.
Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tạm giữ hình sự Bùi Văn Hùng (trú xã Tân Lộc) để điều tra tội cố ý gây thương tích.
Theo kết quả xác minh, khoảng 21h ngày 1/2, bác sỹ Lê Sỹ Tú (Trạm trưởng Y tế xã Tân Lộc) đang trực Tết ở nơi làm việc thì Hùng gõ cửa, xông vào chửi bới.
Khi lời qua tiếng lại, Hùng bị cáo buộc cầm con dao ở trong phòng chém hai nhát vào bả vai và tay trái của bác sĩ trạm trưởng khiến ông gục tại chỗ. Sau khi được đưa cấp cứu, sức khỏe nạn nhân đã dần ổn định.
Gây án xong, Hùng tới công an xã Tân Lộc đầu thú.
Trưởng công an xã Tân Lộc Nguyễn Duy Sơn cho hay, vợ Hùng là nhân viên dưới quyền của bác sĩ Tú. Nguyên nhân gây án chưa được cơ quan điều tra công bố.
Bộ Y tế cảnh báo bệnh tay chân miệng xuất hiện tại 57 tỉnh thành
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác tại 57 tỉnh, thành phố.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, sau Tết là mùa bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam, nhất là trong các tháng Ba và Năm.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi…
Người dân cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Với trẻ nhỏ, người lớn cần không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
TP HCM: Chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh tay-chân-miệng
http://vov.vn/xa-hoi/tp-hcm-chua-co-truong-hop-nao-tu-vong-do-benh-taychanmieng-590493.vov
Kể từ năm 2016 đến thời điểm này, ngành y tế thành phố kiểm soát tốt tình hình bệnh tay-chân-miệng và chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào.
Hôm nay (3/2), Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM khẳng định: Thành phố chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh tay-chân-miệng như một số báo đưa tin.
Kể từ năm 2016 đến thời điểm này, ngành y tế thành phố kiểm soát tốt tình hình bệnh tay-chân-miệng và chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố ghi nhận có 306 ca mắc tay-chân- miệng nhập viện, không cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong những ngày tết, mỗi ngày, các bệnh viện nhi của thành phố tiếp nhận 4-5 ca nhập viện vì tay-chân- miệng và thực hiện điều trị tốt.
Thạc sỹ, bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM nói: “Bệnh tay-chân-miệng của TP HCM trong những tuần gần đây, xét về mặt diễn tiến thì không ghi nhận biến động nào về tăng đột biến số ca hay tăng ở vùng nào hay thành lập ổ dịch. Và không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào do tay-chân-miệng từ 2016 đến nay”.
Hiện Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố đang tiếp tục khuyến cáo người dân giữ vệ sinh cá nhân và môi trường có liên quan đến trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi để phòng tránh bệnh tay-chân-miệng. Đồng thời, lực lượng cán bộ y tế dự phòng cùng các trường học dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn để đón học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ tết.
Thả muỗi ngăn ngừa sốt xuất huyết và Zika tại Nha Trang
http://thanhnien.vn/suc-khoe/tha-muoi-ngan-ngua-sot-xuat-huyet-va-zika-tai-nha-trang-788004.html
Ngày 3.2, đại diện Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” cho biết Bộ Y tế vừa phê duyệt đề cương nghiên cứu “Đánh giá khả năng thiết lập ổn định quần thể muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang vi khuẩn Wolbachia trên thực địa hẹp tại TP.Nha Trang”.
Theo kế hoạch được phê duyệt, Dự án sẽ thả muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia tại 4 phường của Nha Trang, gồm: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long (nơi có khoảng 55.900 người thuộc 12.600 hộ gia đình sinh sống).
Dự án đã lập bản đồ chia thành 773 ô thả muỗi trên địa bàn 4 phường nói trên; mỗi "ô" có kích thước 50m x 50m. Từ tháng 3, mỗi tuần Dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia vào mỗi "ô" trong thời gian 12 - 18 tuần, nhằm làm giảm số lượng muỗi tự nhiên truyền bệnh, và phòng bệnh sốt xuất huyết, Zika.
Theo đại diện dự án, muỗi vằn thả có nguồn gốc từ Nha Trang, được nuôi trong phòng thí nghiệm, cấy vi khuẩn Wolbachia (một loại vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào của khoảng 60% các loài côn trùng trong tự nhiên, có khả năng ức chế sự phát triển của vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết và Zika trong cơ thể muỗi vằn).
Sau khi thả, muỗi vằn đực mang Wolbachia giao phối với muỗi vằn cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở; muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực (mang hay không mang Wolbachia) sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia. Từ đó, muỗi mang Wolbachia sẽ dần chiếm ưu thế trong quần thể muỗi vằn tự nhiên, giúp hạn chế lan truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika. Các nghiên cứu thử nghiệm thực địa đã chứng minh phương pháp này an toàn, đến nay chưa có bất cứ vấn đề gì bất thường về sức khỏe con người và môi trường.
Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” là dự án nghiên cứu hợp tác giữa Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hoà, và Đại học Monash (Australia) trong khuôn khổ Chương trình loại trừ sốt xuất huyết toàn cầu.
Từ năm 2013 - 2015, việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã được thí điểm ở đảo Trí Nguyên (TP.Nha Trang). Từ khi thả muỗi đến nay, trên đảo không có dịch sốt xuất huyết.
Cả nước ghi nhận 7 trường hợp mắc virus Zika trong tháng Một
http://www.vietnamplus.vn/ca-nuoc-ghi-nhan-7-truong-hop-mac-virus-zika-trong-thang-mot/428555.vnp
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2017 đến nay cả nước ghi nhận 7 trường hợp mắc mới virus Zika, trong tổng số 42 mẫu xét nghiệm.
Các trường hợp mắc mới chủ yếu ở phía Nam. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 5 trường hợp, tại tỉnh Bình Dương có 2 trường hợp mắc bệnh.
Trong năm 2016, cả nước ghi nhận 152 trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại 9 tỉnh, thành phố trong tổng số 4.299 mẫu xét nghiệm virus Zika, trong đó ghi nhận 01 trường hợp trẻ đầu nhỏ nhiều khả năng liên quan đến virus Zika.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu nhận định, trong năm 2017, dịch bệnh do virus Zika sẽ tăng cả về số địa phương và số ca bệnh. Virus Zika sẽ trở thành bệnh dịch lưu hành bởi tại Việt Nam có nguồn bệnh và vật trung gian truyền bệnh là loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, bệnh này lưu hành như bệnh sốt xuất huyết.
Cục trưởng Trần Đắc Phu cho hay, hiện nay, số bệnh nhân nhiễm virus Zika phần lớn là các ca bệnh nhẹ và không gây tử vong nên người dân không nên quá lo lắng về căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh có ảnh hưởng tới các bà mẹ mang thai vì nó có thể liên quan tới chứng đầu nhỏ.
Biểu đồ về sự phân bố các trường hợp mắc mới virus Zika trong tháng 1/2017. (Nguồn: Bộ Y tế)
Để phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng); ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi; dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi…
Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền, ngoài ra có thể truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con.
Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, người dân nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại để được khám, tư vấn, điều trị…
Liên tiếp 3 người nguy kịch vì ăn tiết canh trong dịp Tết
Từ ngày mùng 2 đến mùng 4 Tết Nguyên đán, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận đến 3 trường hợp mắc liên cầu lợn vì ăn tất niên tiết canh, trong đó có một trường hợp bệnh nhân gia đình xin về.
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân 63 tuổi, ở Nam Định nhập viện sáng mùng 2 Tết trong tình trạng sốt, tiêu chảy, xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng và gia đình xin về sau gần 1 ngày nằm viện.
Trước đó, ngày 30 Tết bệnh nhân này ăn tiết canh, uống rượu. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, xuất hiện các ban hoại tử trên da, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Nam Định, rồi chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hai trường hợp còn lại đều là thanh niên 37 tuổi ở Ninh Bình và Bắc Ninh lần lượt được chuyển đến Bệnh viện sáng mùng 1 và mùng 2 Tết trong tình trạng hôn mê, viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Họ đều ăn tiết canh vào ngày cuối năm, 28 và 29 Tết.
Hiện tình trạng cả hai bệnh nhân đã được khống chế. Tuy nhiên BS Cấp cho biết, để điều trị ổn định họ sẽ phải nằm viện cả tháng, với chi phí điều trị vài chục triệu nếu không có bảo hiểm y tế.
Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn. Khi ăn tiết canh, sản phẩm từ lợn chưa nấu chín như nem chạo dễ mắc liên cầu lợn.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, với tỷ lệ tử vong cao.
Để phòng bệnh, người dân không được ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống…; sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khác khi tiếp xúc với lợn, giết mổ, chế biến thịt lợn và thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Thanh Hóa: Bệnh nhân nhi tăng đột biến sau Tết
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/benh-nhan-nhi-tang-dot-bien-sau-tet-1117408.tpo
Sau kỳ nghỉ Tết, bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để điều trị ho, sốt kéo dài, rối loạn tiêu hóa… tăng đột biến.
Cụ thể, theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, dịp Tết trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 100 - 160 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị và tăng đột biến ngay sau những ngày nghỉ Tết.
Trong 2 ngày 2 và 3/2, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 500 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị, số bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú cũng tăng mạnh. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị nội trú cho gần 500 bệnh nhân (tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước và trong Tết), chủ yếu là các bệnh lý về đường hô hấp, bệnh sốt vi rút và tiêu chảy.
Nguyên nhân khiến các bé bị nhiễm bệnh là do trong những ngày Tết vừa qua các bậc cha mẹ ít quan tâm đến chế độ ăn uống của con, một số phụ huynh chủ quan trước bệnh tình của trẻ, tự điều trị ở nhà đến khi bệnh diễn biến nặng mới cho trẻ đến viện khám, một số trẻ đến viện trong tình trạng sốt cao, co giật...
Tết: Tai nạn do sinh hoạt tăng hơn 8%
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/tet-tai-nan-do-sinh-hoat-tang-hon-8-680048.html
Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho thấy trong 6 ngày tết Nguyên đán 2017 (từ 29 tết đến mùng Bốn tết), các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận và điều trị 1.599 trường hợp tai nạn do sinh hoạt (té ngã, bỏng, điện giật…), tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2016 (1.347 ca).
Có mặt tại khoa cấp cứu của các bệnh viện (BV) ở TP.HCM trong những ngày tết 2017, Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số tai nạn sinh hoạt khá hy hữu.
Gãy chân do vấp té trên cầu thang
Bà NTTM (46 tuổi, ở TP.HCM) được người nhà đưa tới BV Nhân dân 115 trong tình trạng chân phải bị nẹp từ bàn chân tới ngang hông. Sau khi thăm khám và chụp X quang, các bác sĩ (BS) kết luật bệnh nhân bị gãy cà hai thân xương cẳng chân.
BS điều trị cho biết gãy cả hai thân xương cẳng chân có thể kèm theo tổn thương mạch, thần kinh vùng cẳng chân. Chưa hết, gãy cả hai thân xương cẳng chân còn có nguy cơ dẫn đến biến chứng sốc chấn thương, đặc biệt là gãy xương hở. Ngoài ra, hội chứng chèn ép khoang cũng dễ xảy ra và là một biến chứng nguy hiểm vì nguy cơ bị cắt cụt chân cao.
Người nhà cho biết bà M bưng dĩa trái cây lên lầu để cúng kiếng. Do vấp bậc cầu thang nên bà M khụy xuống và chân phải cấn mạnh vào bậc cầu thang nên gãy chân. Bà M được đưa đến BV tuyến huyện sơ cứu. Do vết gãy phức tạp nên BV này chuyển bà M lên BV Nhân dân 115.
Tưởng bỏng điện nhẹ, dè đâu khá nặng
“Tôi đang lúi húi sửa chùm đèn nhấp nháy treo trên cây mai thì bị giật do dây điện bị hở. Sau khi bị điện giật, tôi thấy một đốm nhỏ bằng đầu nhang xuất hiện ở cổ tay trái. Tôi nghĩ chắc không sao nên chẳng chú ý. Vài ngày sau, nhìn kỹ lại thì thấy vị trí điện giật có vết loét nhỏ nên lật đật tới BV Nhân dân Gia Định” – anh VHH (34 tuổi, ở TP.HCM) nói.
Sau khi xem xét vết thương, BS Trần Hữu Lợi, trưởng tua trực cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, giải thích: “Điện giật gây ra bởi dòng điện chạy qua cơ thể và tác động nhiệt của dòng nhiệt sẽ làm tổn thương vùng cơ thể mà dòng điện chạy qua”.
Theo BS Lợi, điện giật có thể gây tổn thương bên ngoài tạo thành một đốm cháy đen nhỏ. Tuy nhiên, vài ngày sau vị trí điện giật có thể gây hoại tử khiến vết thương trầm trọng hơn. “Do vậy, khi bị điện giật có tổn thương cháy thịt cho dù rất nhỏ cũng phải đến BV để được xử lý ngay” – BS Lợi lưu ý.
Ngay sau đó, anh H được các BS tiến hành điều trị.
Hiểm hoạ hoá chất từ giấy gói thức ăn nhanh
http://dantri.com.vn/suc-khoe/hiem-hoa-hoa-chat-tu-giay-goi-thuc-an-nhanh-20170203071439631.htm
Các món thức ăn nhanh không chỉ bị xem là thủ phạm gây ra béo phì mà còn là nguyên nhân gây ra các hiểm hoạ về sức khoẻ do hoá chất có trong thức ăn nhanh.
Trong hơn 3 thập niên qua, các chuỗi thức ăn nhanh đã sử dụng hoá chất để giữ các loại dầu mỡ không bị tràn ra khỏi giấy gói các món ăn nhanh như hamburger hoặc không bị tràn ra khỏi các thùng giấy trong khi vận chuyển.
Đến đầu năm 2000, một vài nghi vấn về sự an toàn đối với giấy bọc thức ăn nhanh đã được đặt ra. Người ta đã phát hiện ra một loại hoá chất được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thức ăn hái ra tiền này mà không có sự giám sát bởi chính phủ các nước.
Các nhà khoa học đã xác định được hoá chất được dùng trong bọc thức ăn nhanh có tên perfluorinated (hay PFCs). Hoá chất này khi vào trong cơ thể người sẽ biến đổi thành một chất khác có tên PFOA hay axit perfluorooctanesulfonic (có công thức hoá học: C8HF17O3S). PFOA khi vào trong cơ thể sẽ dần dần phá huỷ các nội tạng như gan gây tổn thương. Ngoài ra, chất này cũng được cho là gây ung thư, và ảnh hưởng đến các vấn đề sinh sản và hoocmon của con người.
Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh trên thế giới bao gồm McDonald’s, Burger King đã cam kết không sử dụng các loại hoá chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, một số nhà hàng vẫn sử dụng các loại giấy bọc thực phẩm có chứa các hoá chất để bảo quản thức ăn. Các loại hoá chất này chưa được xác định rõ tên tuổi nhưng các nhà khoa học vẫn quan ngại về tác dụng phụ của chúng. Không chỉ các cửa hàng thức ăn nhanh mà ngay cả Starbucks cũng đang sử dụng PFCs để bảo quản thức uống của mình, theo trang SCMP.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có rất nhiều loại hoá chất được dùng trong thức ăn nhanh để bảo quản chúng được lâu và những loại hoá chất này cần phải có một thời gian dài để có thể xác định được hoá chất ấy là gì. Điều này khiến cho các thực khách càng nghi ngờ hơn về việc trên các bọc thức ăn có ghi “PFOA-free” (không chứa PFOA). Vì nếu không có PFOA trong giấy bọc thức ăn nhanh thì rất có thể các hãng sử dụng loại hoá chất khác để bảo quản thực phẩm.
Tuy nhiên, điều càng gây ra thêm nhiều lo ngại về PFOA là chất flo, chất cấu tạo nên PFOA, đã được tìm thấy trong quá trình sản xuất thức ăn nhanh. Điều này cho thấy các công ty (hãng) thức ăn ăn nhanh dường như đang “cho phép” PFOA không chỉ trong giấy gói mà còn trong thực phẩm.
Ông David Andrews, một nhà khoa học cao cấp của Nhóm công tác môi trường, đồng tác giả nghiên cứu với các nhà nghiên cứu từ các cơ quan liên bang và tiểu bang Mỹ, các trường đại học và các tổ chức phi lợi nhuận khác nói rằng: “Chúng tôi không dám chắc về độ an toàn của các loại hoá chất mới được sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Có quá nhiều sự lựa chọn và họ phải cảnh tỉnh về các loại hoá chất bảo quản ấy.”
PFOA và các hoá chất liên quan đã được sử dụng trong nhiều thập kỉ để làm Teflon, sản phẩm lớp phủ chống dính tiên phong một thời của công ty hoá chất Mĩ DuPont và đồng thời cũng được dùng trong các sản phẩm tẩy bẩn khác. Các nhà sản xuất nói rằng các sản phẩm này “ít độc và nhanh đào thải ra khỏi cơ thể nhanh hơn”.
Hội đồng Hoá học Mĩ nói rằng: “Bất kì chất bảo quản nào ngày nay là không cần thiết và không có lợi cho sức khoẻ và môi trường cho con người.” Ngoài ra, PFCs hay PFOA cũng được cho là có trong giấy tái chế.
Các cuộc thí nghiệm trên chuột đối với một loại hoá chất khác có tên là Gen X từ năm 2006 đến 2013 đã gây ra một số vấn đề tương tự như khi thí nghiệm PFOA.
Nhà nghiên cứu Laura Vandenburg từ đại học Massachusetts-Amherst nói rằng cần nghiên cứu thêm về các mối nguy hiểm của PFCs ở các mức khác nhau khi mọi người có thể tiếp xúc với các hóa chất. Nhưng công việc này có thể mất nhiều năm, một phần vì nhiều hóa chất được coi là bí mật thương mại và các nhà sản xuất không cần phải nói với FDA hoặc EPA khi chúng được sử dụng trong bao bì thực phẩm hoặc các sản phẩm khác.
Cảnh báo ngộ độc mật cá trắm, cá chép, rượu cồn
http://baochinhphu.vn/suc-khoe/canh-bao-ngo-doc-mat-ca-tram-ca-chep-ruou-con/297899.vgp
Năm nào cũng vậy, sau Tết, do nhiều gia đình tăng sử dụng cá trong bữa ăn, nên tại một số bệnh viện (BV) tuyến cuối, lượng bệnh nhân cấp cứu vì nuốt mật cá trắm, cá chép cũng nhiều hơn ngày thường. Ngoài ra, còn có khá nhiều trường hợp ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol.
BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, ngày mùng 4 Tết, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân Lê Đình Đ. (sinh năm 1959, trú tại Thanh Liêm, Hà Nam) trong tình trạng cấp cứu vì bị ngộ độc mật cá trắm.
“Nếu bệnh nhân chỉ đến muộn một chút nữa, lại không được chạy thận lọc độc kịp thời, thì có thể sẽ tử vong”, BS. Nguyên cũng cho biết thêm, sau 3 ngày nằm viện, sức khỏe của bệnh nhân Đ. đã có cải thiện, nhưng vẫn phải chạy thận nhân tạo.
Ông Đ. cho biết do nghe nói uống mật cá trắm giúp khỏe người, nên đã pha mật cá với rượu để uống. Sau khoảng 7 giờ uống chén rượu đó, ông bị đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít, nhưng cố chịu đựng và vẫn ở nhà, vì tâm lý kiêng đầu năm đến viện. Sang ngày mùng 4 Tết, thấy tình hình nguy kịch, ông buộc phải nhập viện cấp cứu.
Ông Đ. chỉ là một trong số nhiều người bị ngộ độc mật cá trắm, cá chép phải nhập viện cấp cứu. Theo báo cáo của các cơ sở chống độc trên toàn quốc, hầu như năm nào cũng có bệnh nhân phải nhập viện vì ngộ độc mật cá trắm, cá chép, nhất là sau Tết, khi lượng cá được các gia đình sử dụng nhiều hơn.
“Mật của các loại cá nói chung và cá trắm, cá chép nói riêng luôn chứa độc, không có lợi cho sức khỏe con người. Quan niệm dùng mật để tăng cường sức khỏe là sai lầm và cần được loại bỏ”, BS. Nguyên khuyến cáo.
Ngộ độc do rượu, bia tăng mạnh dịp Tết
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước có gần 3.200 trường hợp đến khám và cấp cứu do ngộ độc thức ăn và rượu bia, trong đó có 808 trường hợp đã được xác định nguyên nhân do rượu bia.
Trong những ngày nghỉ Tết, BV Việt Đức đã cấp cứu cho 714 trường hợp, trong đó có 272 ca chấn thương sọ não, 179 trường hợp tai nạn sinh hoạt. Trong số này có không ít trường hợp có liên quan đến rượu bia.
Tại Khoa Cấp cứu A9 của BV Bạch Mai, trong 7 ngày nghỉ Tết, mỗi ngày khoa này tiếp nhận trung bình 100 bệnh nhân, cao điểm mùng 4 Tết có 116 bệnh nhân. 2/3 trong số này phải nhập viện. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa và hầu hết những người này đều có tiền sử nghiện rượu trên nền bệnh lý mạn tính, mỗi ngày có người uống đến một lít rượu.
Trung tâm Chống độc của BV Bạch Mai, trước, trong và sau Tết cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Điều đáng báo động là có khá nhiều người ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol.
“Do không nhận biết được trong rượu có trộn chất cồn công nghiệp này, nên hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc thường đến viện muộn, khiến cơ hội sống vô cùng mong manh. Trường hợp cấp cứu được thì cũng bị biến chứng nghiêm trọng”, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân nên hạn chế uống rượu bia, mỗi ngày chỉ uống tối đa 2 đơn vị cồn (theo WHO, 1 đơn vị cồn chứa 10 g cồn, tương đương với 30 ml rượu 40 độ, tương đương 100 ml rượu vang 13,5 độ, tương đương 330 ml bia). Nên uống rượu bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không chế biến, sử dụng rượu có cồn công nghiệp methanol.
Bệnh nhân phẫu thuật, tai nạn sinh hoạt cùng tăng trong 7 ngày nghỉ Tết
Trong 7 ngày nghỉ Tết, lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu, phẫu thuật lẫn điều trị nội trú đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong những ngày nghỉ tết Nguyên đán 2017, các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận và điều trị 1.599 trường hợp tai nạn do sinh hoạt (ngã, bỏng, điện giật…), tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2016 là 1.347 ca.
Còn theo báo cáo từ BV Chợ Rẫy TP.HCM - nơi tiếp nhận cấp cứu tại khu vực phía Nam, lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu, phẫu thuật lẫn điều trị nội trú trong 7 ngày nghỉ Tết đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. BS Phan Quang Sang – Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, so với thời điểm bắt đầu có quy định đội mũ bảo hiểm, các trường hợp mổ chấn thương sọ não đã giảm nhưng do mức độ dân số tăng, lượng xe di chuyển tăng đã dẫn đến lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục tăng, áp lực cấp cứu dịp lễ Tết tại BV tiếp tục tăng vọt.
Cụ thể, có 2.118 trường hợp cấp cứu, trong khi năm 2016 chỉ có 1.831 trường hợp, riêng cấp cứu do TNGT chiếm đến 556 trường hợp, tăng gần 124% so với cùng kỳ năm 2016; Bệnh nhân phẫu thuật, chuyển viện phẫu thuật cũng lên tới 296 trường hợp, tăng 131%; Lượng bệnh nhân nhập viện khám điều trị cũng tăng 143%; Bệnh nhân điều trị nội trú tăng 3,8% với 1.158 lượt/ngày; Bệnh nhân cấp cứu tăng 15,7% với 303 lượt/ngày; Cấp cứu do TNGT là 79 lượt/ngày, tăng 23,8%.
Trong khi đó, các bác sỹ BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày khoa Cấp cứu của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 100 - 150 trường hợp cấp cứu, trong đó gần một nửa số ca cấp cứu là do TNGT gồm gãy cột sống, gãy tay, chân....
Quảng Ngãi: Cấp cứu liên quan đến bia rượu gia tăng dịp Tết
Theo thống kê của bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, trong 6 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu (từ ngày 29 đến mùng 5 Tết), có gần 900 bệnh nhân nhập viện. Trong đó có gần 50% các trường hợp nhập viện do liên quan đến bia rượu.
“Ngày Tết bệnh nhân vào viện phần lớn là do tai nạn giao thông và các bệnh liên quan đến rượu bia. Đặc biệt, nhiều trường hợp tai nạn giao thông, qua xét nghiệm thì thấy rằng, lượng cồn trong máu những bệnh nhân này đều vượt mức cho phép.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu và xuất huyết dạ dày do uống rượu. Những trường hợp này nếu không can thiệp kịp sẽ gây mất máu cấp rất nguy hiểm”, bác sỹ Lý Quang Tuấn, khoa Khám bệnh, bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, cho biết.
Các bác sỹ khuyến cáo, người dân cần sử dụng bia rượu ở mức vừa phải. Bởi nếu sử dụng quá đà, lượng cồn trong máu tăng cao rất dễ xảy ra các trường hợp xuất huyết, gây mất máu cấp và nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh viện Xanh Pôn cứu sống 2 bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa
Theo tin từ Bệnh viện Xanh Pôn, trong những ngày Tết Nguyên đán 2017, bệnh viện đã cấp cứu kịp thời 2 bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa, cứu bệnh nhân thoát khỏi tình trạng bị tàn phế, thậm chí tử vong.
Trường hợp thứ nhất là ông D.V.H sinh năm 1942, quê ở Tam Nông ở tỉnh Phú Thọ, nhập viện ngày 26 Tết.
Trước đó, bệnh nhân đột ngột nói ngọng và liệt nửa người phải. Bốn giờ sau, người nhà đã đưa bệnh nhân vào viện huyện Tam Nông, Phú Thọ.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội.
Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành chụp dựng hình mạch não, kết quả cho thấy bệnh nhân đã bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn M1.
Sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã can thiệp lấy huyết khối cho bệnh nhân, tái thông mạch não hoàn toàn.
Kết quả, sau một ngày, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản. Hiện bệnh nhân đã đi lại, nói bình thường và ra viện.
Trường hợp thứ hai là bà T. T.H, 55 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện lúc 10 giờ 30 phút ngày mùng 4 Tết.
Theo người nhà bệnh nhân, lúc 7 giờ cùng ngày, bệnh nhân tỉnh dậy, không nói được nhưng người nhà không phát hiện ra.
Khoảng 30 phút sau, chồng bệnh nhân phát hiện bệnh nhân có biểu hiện tiểu tiện không kiểm soát được nên đã gọi cấp cứu 115 đưa bệnh nhân nhập viện Xanh Pôn.
Tại đây, các bác sỹ xác định bệnh nhân đã bị liệt nửa người phải, hôn mê. Các bác sỹ đã tiến hành chụp mạch não cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn M1 bên trái.
Ngay lập tức kíp trực đã phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương, chạy đua với thời gian tiến hành cấp cứu bệnh nhân.
Kíp tiêu sợi huyết của khoa Hồi sức cấp cứu Nội kết hợp với kíp lấy huyết khối của khoa Chẩn đoán hình ảnh đã lấy được hoàn toàn huyết khối, nhờ đó bệnh nhân được tái thông động mạch não giữa hoàn toàn.
Sau một ngày, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, hết liệt, nói được và đang tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nội.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Bảo Liên, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Xanh Pôn, người đã nhanh chóng thiết lập, liên hệ, kết nối các ê kíp; đồng thời, trực tiếp chỉ huy kíp hồi sức cấp cứu nội cho biết, điều may mắn là bệnh nhân được can thiệp kịp thời, nếu không sẽ khó thoát khỏi tình trạng tàn phế, thậm chí tử vong.
Có được kết quả này, ngoài trình độ chuyên môn còn là sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng giữa các chuyên khoa của bệnh viện cộng thêm sự tận tình, tận tâm với người bệnh của các y, bác sỹ Bệnh viện Xanh Pôn.
Thoát chết sau những ca cấp cứu nghẹt thở
http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/thoat-chet-sau-nhung-ca-cap-cuu-nghet-tho-634457.bld
Cho phép huy động nhiều chuyên khoa của bệnh viện, liên kết bác sĩ các bệnh viện với nhau để cứu sống bệnh nhân, quy trình báo động đỏ của TPHCM đã cứu sống được nhiều bệnh nhân “thập tử nhất sinh” một cách ngoạn mục.
Cứu cô gái bị xe container cán vỡ xương chậu
Sau hơn 2 tháng xảy ra vụ tai nạn, N.T.T.A (23 tuổi, nhà ở quận 2, TPHCM) chưa hết bàng hoàng: “Em không tin mình có thể sống được sau một tai nạn kinh khủng như thế”. Chính các bác sĩ Bệnh viện Quận 2 – nơi cứu sống T.A cũng cho rằng, T.A là một trường hợp chấn thương mất máu nặng được cứu sống. Đây là kì tích của các bác sĩ và nỗ lực của cô gái trẻ. Thành công sau ca mổ đã chứng minh sự hiệu quả của quy trình báo động đỏ liên viện.
BS.CKII Phan Văn Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện quận 2 kể lại, vào ngày 26.10.2016, khoa Cấp cứu của Bệnh viện tiếp nhận T.A trong tình trạng nguy kịch có thể nói là “thập tử nhất sinh” do mất máu quá nhiều. Các bác sĩ ước chừng bệnh nhân phải mất khoảng 2,5 lít máu vì vỡ xương chậu cả 2 bên. Vùng kín bao gồm âm đạo và âm hộ cũng rách nặng, vùng đùi có máu tụ. Người nhà cho biết T.A vừa mới bị tai nạn do xe container cán qua người. Nhiều người dân sống gần vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2, TPHCM) đã kịp đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Thấy tình trạng bệnh nhân quá nặng, Bệnh viện quận 2 nhanh chóng khởi động quy trình báo động đỏ liên viện, gọi điện thoại cho các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định – nơi thường xuyên giúp đỡ chuyên môn trong các ca phẫu thuật. Trong lúc chờ các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, không uổng phí một “phút vàng bạc” nào của bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện quận 2 nhanh chóng đẩy T.A lên phòng mổ, tiến hành gây mê, chuẩn bị sẵn lượng máu cần thiết, phòng hậu phẫu cho ca mổ.
Di chuyển một cách thần tốc, trong vòng chưa đầy 15 phút, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định có mặt, nhanh chóng bước vào phòng mổ. Bác sĩ hai bệnh viện tiến hành phẫu thuật cầm máu cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra đầy căng thẳng đã thành công. Khi tính mạng cô gái tạm thời được cứu sống, các bác sĩ Bệnh viện quận 2 tiếp tục phải giải quyết một vấn đề lớn ở bệnh nhân. Cô gái bị loét toàn bộ vùng da và vùng mông lớn, nếu không khống chế tốt có thể dẫn đến hoại tử. Mặt khác, vùng kín của bệnh nhân bị rách nặng nên rất dễ bị nhiễm trùng tiểu dẫn đến nhiễm trùng huyết. Nếu tình trạng này xảy ra, một lần nữa, tính mạng cô gái bị đe dọa.
Để đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa, Ngoại niệu, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Sản của Bệnh viện quận 2 đã hội chẩn với nhau và đưa ra hướng điều trị cho cô gái. Bệnh nhân được khâu lại vùng kín, điều trị tích cực tránh nhiễm trùng huyết. Riêng vùng da mông có nguy cơ hoại tử, TS-BS Phan Minh Hoàng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện đã tiến hành đặt áp lực âm nhằm giúp liền da cho bệnh nhân và nhiều lần thực hiện cấy ghép da. Đến nay, sau quá trình kiên trì tập vật lý trị liệu, T.A đã có thể đi lại được. Thậm chí, cô đã tự đến bệnh viện để tái khám.
Cậu bé bị hàng rào đâm thủng tim phổi thoát chết kì diệu
Cũng là một trong những bệnh nhân may mắn thoát chết nhờ quy trình báo động đỏ liên viện, bé H.V.N.T (5 tuổi, nhà ở TPHCM) được các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM hợp sức cứu sống trong gang tấc.
Vào đêm 26.10.2016, được bạn gọi dưới sân nhà, bé T đứng ở lan can nhoài người xuống dưới, không may đã trượt chân ngã xuống hàng rào cổng bằng sắt sắc nhọn. Với lực rơi từ trên cao, bé trai bị thanh nhọn đâm từ sau ra trước trong tư thế nằm ngửa, máu chảy rất nhiều. Cha mẹ cháu vội vã đưa con đến Bệnh viện Thống Nhất – bệnh viện gần nhà nhất để cấp cứu.
Nhớ lại giây phút tiếp nhận em bé, GS.BS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, đó là buổi trực khuya của các bác sĩ. Khi tiếp nhận, bé T bị hai vết thương sau lưng và một vết thương trước ngực. Người cháu bê bết máu, hơi thở yếu, tiên lượng rất xấu. Thấy trong tình trạng nguy kịch như vậy, các bác sĩ đã có chút bối rối vì Bệnh viện Thống Nhất chuyên điều trị cho người lớn, không có dụng cụ phẫu thuật phù hợp với thân hình nhỏ bé của một em bé 5 tuổi. Thế nhưng, nhận thấy nếu chuyển bệnh nhân sang bệnh viện chuyên khoa nhi, bé có thể chết ngay trên đường chuyển viện, BS Nguyễn Đức Công đã kiên quyết giữ bệnh nhân ở lại bệnh viện để can thiệp và phát đi tín hiệu báo động đỏ liên viện. BS Công bốc điện thoại, gọi điện ngay cho Th.S – BS Đào Trung Hiếu là Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 – người được mệnh danh là “bàn tay vàng” trong các cuộc phẫu thuật khó.
Trong lúc chờ đợi bác sĩ nhi tới, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã tiến hành siêu âm khẩn cấp cho bé T. Kết quả siêu âm khẩn cấp cho thấy có dịch màng phổi bên phải. bé T ngay lập tức được đẩy thẳng vào phòng phẫu thuật. Dù nửa đêm, song 20 bác sĩ đến từ nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Thống Nhất đã có mặt. Các y bác sĩ bắt đầu tiến hành gây mê và đặt nội khí quản. Ngân hàng máu được huy động vào cuộc vì bệnh nhân mất máu quá nhiều. Em bé được bơm máu 5 đơn vị máu trực tiếp vào cơ thể. Trong quá trình dẫn lưu dịch màng phổi, bệnh nhi ngưng tim trên bàn mổ. Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã tiến hành bóp tim, hồi sức cho tim đập lại. Họ tận dụng những dụng cụ phẫu thuật cỡ nhỏ nhất để làm khâu vết thương cho em bé.
Khoảng 10 phút sau cuộc gọi của BS Công, BS Đào Trung Hiếu có mặt. Với kinh nghiệm ngoại nhi, ông nghi ngờ em bé bị thủng tim và đề nghị bỏ qua siêu âm tim mà tiến hành mở ngực ngay. Đúng như chẩn đoán của BS Hiếu, kết quả mở ngực cho thấy ở vùng tâm nhĩ bên phải có vết rách khoảng 3cm, máu từ vết rách chảy ra rất nhiều. BS Hiếu phải dùng tay bịt lỗ thủng của tim để cầm máu, giảm bớt lượng máu chảy. Sau đó dùng phương tiện phẫu thuật kẹp lại cầm máu, khâu vết thủng ở tim. Tiếp tục thám sát phổi, kíp mổ phát hiện có 2 vết rách ở phổi. Gần 12 giờ, cuộc mổ hoàn tất.
Sau khi khâu tất cả vết thủng tim, phổi, bé T qua được cơn nguy kịch nhưng các chỉ số sinh hiệu vẫn chưa ổn định. Lúc này, cháu bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 – nơi có nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị y tế cho trẻ em để tiếp tục hồi sức. Sau ca mổ sinh tử đó, bé T đã dần hồi phục. 3 tuần sau, bé được xuất viện, vô cùng khỏe mạnh trong sự vui mừng khôn siết của gia đình và các bác sĩ.
BS Đào Trung Hiếu chia sẻ: “Đêm 26.10, khi đang bắt taxi để đi công việc thì nhận được cuộc gọi của BS Công. Tôi vội vàng chuyển hướng, đi thẳng đến Bệnh viện Thống Nhất”. Khá khiêm tốn khi nói về quyết định quan trọng, góp phần giữ tính mạng bệnh nhi, BS Đào Trung Hiếu cho rằng, thành công trong ca mổ này là nhờ quy trình báo động đỏ liên viện và sự quyết đoán của BS Công - quyết định không chuyển viện.
Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ
Trước ca phẫu thuật ấn tượng cứu sống bé bị thủng tim phổi trên, lãnh đạo Bệnh viện huyện Cần Giờ cũng phát lệnh báo động đỏ, huy động ê-kíp mổ gồm bác sĩ chuyên khoa sản của Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ gây mê của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cùng các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện huyện Cần Giờ tiến hành mổ cấp cứu một thai phụ trong tình trạng nguy kịch, cứu sống cả hai mẹ con bệnh nhân.
Vào đầu tháng 12.2016, nam thanh niên bị một vết thương đâm sâu vào tim, được đưa đến Bệnh viện quận Tân Phú TPHCM trong tình trạng huyết áp tụt nhanh, có hiện tượng chèn ép tim. Lập tức, các bác sĩ đã phát đi quy trình báo động đỏ liên viện và nhận được sự giúp sức của các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương để phối hợp cứu sống được bệnh nhân.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, với quy trình khám, chữa bệnh thông thường, một trường hợp vào cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp cần sự phối hợp rất nhiều khoa, từ cấp cứu đến trực phẫu thuật, trực phòng mổ, ngân hàng máu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Nếu làm theo đúng quy trình phải mất nhiều thời gian để mời các khoa hội chẩn, rồi thông báo phòng mổ xếp phòng, đăng ký máu. Trình tự này đã làm vuột mất “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân. Thực hiện quy trình “báo động đỏ” cho phép huy động nhiều chuyên khoa tập trung phương tiện, kỹ thuật cứu chữa bệnh nhân trong thời gian vô cùng ngắn, chỉ bằng khoảng 1/5 đến 1/6 thời gian thông thường mà chất lượng chuyên môn rất tốt. Chính vì thế, quy trình “báo động đỏ” đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cứu được nhiều bệnh nhân tiên lượng tử vong.
Cứu sống sản phụ bị ngừng tim, ngừng thở 4 lần
http://danviet.vn/tin-tuc/cuu-song-san-phu-bi-ngung-tim-ngung-tho-4-lan-742730.html
Sau khi sinh được 5 ngày, sản phụ H. bị ngất xỉu tại nhà.
Sáng 3/2, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa (HNĐK) Nghệ An cho biết, bệnh viện vừa cứu sống 1 sản phụ bị ngừng tim, ngừng thở 4 lần.
Theo đó, trung tuần tháng 1/2017, sản phụ Nguyễn Thị H. (23 tuổi), quê huyện Thanh Chương, Nghệ An sinh bé gái nặng 3,1kg tại trạm y tế xã. Sau sinh, sản phụ được cho về nhà sớm.
Tuy nhiên, 5 ngày sau chị H. bất ngờ ngất xỉu trong nhà vệ sinh. Gia đình đưa sản phụ H. đi bệnh viện huyện, rồi chuyển lên Bệnh viện HNĐK Nghệ An cấp cứu.
Tại bệnh viện các bác sĩ xác định sản phụ H. suy hô hấp nặng, khó thở, xuất huyết âm đạo sau sinh kèm suy thận, suy gan, suy đa tạng. Từ khi nhập viện, chị H. liên tục bị ngừng tim, ngừng thở.
Trước tình trạng bệnh nhân nguy kịch, các bác sĩ liên tục ép tim, sốc điện. Sau 4 lần ngừng tuần hoàn, ngừng tim, ngừng thở, các bác sĩ đã cứu sống sản phụ H.
Theo Thạc sỹ. BS. Nguyễn Văn Thủy - Phó khoa Hồi sức Tích cực chống độc, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: "Qua hội chẩn cho thấy bệnh nhân được chẩn đoán có dịch tồn dư sau sinh, sót rau, bị nhiễm khuẩn huyết nặng. Bệnh nhân có dấu hiệu bị tim bẩm sinh, rối loạn bất thường van ba lá. Kết hợp giữa 2 bệnh lý trên nên quá trình điều trị rất phức tạp và khó khăn".
Hiện bệnh nhân H. đã qua giai đoạn nguy kịch nhất, và đang được tiếp tục điều trị tại khoa Tim mạch.
Cứu sống bệnh nhân vỡ tim cực hiếm ở Bắc Ninh
http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/cuu-song-benh-nhan-vo-tim-cuc-hiem-o-bac-ninh-819194.html
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã cấp cứu và cứu sống một bệnh nhân vỡ tim do tai nạn xe máy.
Bệnh nhân vỡ tim ở Bắc Ninh được cứu sống là anh Trịnh Đình Cường, sinh năm 1998, ở xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng da, niêm mạc nhợt, huyết áp khó đo, mạch khó bắt, bụng mềm, không đau, có xây xát vùng trước ngực do tai nạn xe máy.
Khi siêu âm, các bác sỹ phát hiện anh Cường này bị tràn dịch màng phổi trái và dịch màng tim, sốc đa chấn thương, chấn thương ngực kín và chấn thương tim nên phải mổ phẫu thuật cấp cứu.
Theo các bác sĩ Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh ca mổ cho nam bệnh nhân vỡ tim này diễn ra trogn 2 giờ.
Các bác sĩ đã mở lồng ngực và phát hiện tim bệnh nhân bị vỡ tâm nhĩ, màng tim thâm đen, máu chảy nhiều rất nguy hiểm. Ngay sau đó, các bác y, bác sỹ đã tiến hành khâu vết thương tâm nhĩ dài 1,5 cm và xử lý những thương tổn khác cứu sống bệnh nhân.
Được biết đến thời điểm hiện tại sức khỏe của bệnh nhân Cường đã ổn định và qua cơn nguy kịch.
Hà Tĩnh: Mổ cấp cứu kịp thời bệnh nhân đa chấn thương bụng kín, doạ vỡ tạng
Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị đa chấn thương, doạ vỡ tạng do tai nạn xe máy.
Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Văn Thắng, 55 tuổi, địa chỉ ở xã Đức Liên – Vũ Quang đi xe máy tự ngã đập người vào thành cầu, sau đó được gia đình đưa xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ để cấp cứu. Qua thăm khám ban đầu bệnh nhân có biểu hiện khó thở, đau tức ngực, mạng sườn trái kèm theo đau toàn ổ bụng và được chỉ định làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp phim X quang. Kết quả khám cận lâm sàng phát hiện bệnh nhân bị gãy xương sườn 8, 9, 10, 11; gãy xương cánh chậu bên “trái” kèm theo có dịch trong ổ bụng. Kíp trực đã tiến hành hội chẩn thống nhất chẩn đoán chấn thương bụng kín, theo dõi vỡ tạng/đa chấn thương và được tiến hành mổ cấp cứu.
Quá trình phẫu thuật phát hiện bệnh nhân bị thủng hỗng tràng 2 lỗ, đại tràng trái đụng dập thanh mạc ruột, rách mạc treo tá tràng; tụ máu sau phúc mạc; đặt sonde tiểu có máu và được tiến hành cắt đoạn ruột non, lưu sonde tiểu theo dõi, hồi sức tích cực, giảm đau bằng Fentanil bằng bơm tiêm điện duy trì 48 giờ.
Sau 5 ngày điều trị hậu phẫu, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và đang được chăm sóc điều trị tại khoa Ngoại, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Quảng Ninh: Cấp cứu thành công vết thương thấu bụng tại tuyến huyện
Trong một tuần Tết Nguyên đán, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống hai bệnh nhân nặng.
Bệnh nhân thứ nhất là anh Vũ Mạnh Tuấn, 23 tuổi, ở thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, vào viện ngày 28/1 trong tình trạng sốc với biểu hiện da xanh, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt; người bệnh có vết thương vùng hạ sườn trái 2 cm, kèm theo 1/3 dưới mặt trong cẳng tay phải có vết thương rách da dài 3cm và được bác sĩ chẩn đoán vết thương thấu bụng, có chỉ định mổ cấp cứu. Sau khi mở ổ bụng bệnh nhân thấy vết thương rách thuỳ gan trái, thủng dạ dày, thủng ruột, rách mạc treo, rách động mạch chủ bụng. Kíp mổ đã xử lý tổn thương trong ổ bụng, đồng thời truyền bổ sung 9 đơn vị máu cho bệnh nhân. Hiện sau 6 ngày điều trị tại Trung tâm y tế Hải Hà, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc được, các chỉ số sống ổn định.
Bệnh nhân thứ hai là anh Bế Văn Quắn, 46 tuổi, ở xã Quảng Điền, vào viện ngày 1/2 trong tình trạng hôn mê sâu; được chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng do tai nạn giao thông. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật lấy 20ml máu tụ, người bệnh đã qua khỏi nguy kịch. Đây là ca mổ sọ não đầu tiên được thực hiện ngay tại Trung tâm y tế huyện.
Hai ca phẫu thuật đều do các thầy thuốc của Trung tâm y tế huyện Hải Hà thực hiện thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật của bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy, giúp xử lý kịp thời những ca bệnh khó, phức tạp tại chỗ, hạn chế tử vong, giảm chi phí đi lại, ăn ở cho bệnh nhân trên địa bàn.
Giỏ quà cảm ơn của bệnh nhân được bác sĩ rửa ruột đêm giao thừa
Bị trụy tim do sốc thuốc và được bác sĩ kịp thời cứu sống vào đêm giao thừa, một tuần sau người đàn ông mang giỏ quà đến viện để cảm ơn.
Gần một tuần xuất viện, người đàn ông gần 60 tuổi đã hoàn toàn bình phục. Ông một mình quay lại bệnh viện mang theo giỏ quà Tết để tặng các bác sĩ đã cứu sống mình.
Đêm giao thừa, Đà Nẵng se lạnh, chiếc taxi 7 chỗ lao nhanh đến sảnh cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí, chở theo người đàn ông toàn thân tái nhợt nằm bất động ở ghế sau. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, tim đã ngừng đập, huyết áp tụt sâu, có nguy cơ tử vong nhanh, các bác sĩ lập tức cho dùng thuốc vận mạch và ổn định huyết áp. Sau đó bệnh nhân tiếp tục được truyền dịch, truyền thuốc bổ trợ, xét nghiệm máu kiểm tra tình trạng rối loạn điện giải và các yếu tố đông máu...
Nhớ lại khoảnh khắc nghẹt thở giành giật sự sống người đàn ông bị sốc thuốc, bác sĩ Võ Phước Toàn cho biết quá trình hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân có vài lần khựng lại vì tưởng chừng người bệnh không thể qua khỏi. Tuy nhiên trong giờ phút sinh tử ấy, những đôi mắt của người thầy thuốc không ngừng động viên nhau "còn nước còn tát" nhằm giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Sau hơn một tiếng đồng hồ súc rửa ruột và truyền các thuốc hỗ trợ, cơ thể người đàn ông dần hồng hào trở lại, tim đập ổn định hơn, huyết áp và các chỉ số sinh tồn từ từ trở về mức bình thường. Nhận định bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, cả ê-kíp bác sĩ cấp cứu mới thở phào nhẹ nhõm và bắt tay chúc mừng nhau.
Phút giao thừa Tết Đinh Dậu đến trong niềm hạnh phúc của các thầy thuốc và những giọt nước mắt biết ơn từ người nhà bệnh nhân. Mùng 2 Tết, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và hồi phục, được xuất viện về nhà ăn Tết.
Mùng 7 Tết, khi mang giỏ quà đến cám ơn bác sĩ, người đàn ông chia sẻ: "Lúc bị sốc thuốc, tôi thấy trời đất tối sầm lại và cảm nhận rõ cái chết đang đến rất gần. Tỉnh lại thấy mình đang nằm trên giường bệnh, tôi không biết nói gì để cám ơn các bác sĩ đã sinh ra tôi lần thứ hai trong cuộc đời".
Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Phước Toàn hiện là Trưởng khoa Khám bệnh và Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, có thâm niên gần chục năm trực cấp cứu dịp Tết. Bác sĩ cho biết mỗi dịp xuân về người dân được nghỉ ngơi cũng là thời gian nhân viên y tế phải trực chiến căng thẳng nhất. Số lượt khám bệnh vào ngày Tết giảm nhưng số ca cấp cứu tăng gần gấp đôi. Trong 4 ngày từ 30 đến mùng 3 Tết, bệnh viện tiếp nhận gần 500 ca cấp cứu, chủ yếu là tai nạn giao thông, ngộ độc thuốc hay thực phẩm, người già bị tai biến, trẻ em sốt xuất huyết...
Năm nào bác sĩ Toàn cũng trực Tết nên trước Tết anh đã tranh thủ bay về Khánh Hòa đưa vợ con đi dạo đường hoa rồi phải quay trở lại Đà Nẵng làm việc tiếp. Chứng kiến nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, các thầy thuốc càng ý thức hơn về sứ mệnh cao cả của mình mà tạm hy sinh những ngày xuân đoàn viên bên gia đình.
"Chọn nghề y, chúng tôi đã xác định là phải hy sinh niềm vui cá nhân để đảm bảo sức khỏe cho người dân an tâm vui xuân, tận hưởng Tết một cách trọn vẹn", bác sĩ Toàn tâm niệm.
Cứu sống bệnh nhân nguy kịch nhờ ‘báo động đỏ’
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/cuu-song-benh-nhan-nguy-kich-nho-bao-dong-do-680251.html
“Sau khi cứu sống bệnh nhân ĐTQ, 78 tuổi, ở TP.HCM thông qua quy trình báo động đỏ nội viện, lãnh đạo BV Nhân dân Gia Định đã lì xì cho các bác sĩ, điều dưỡng để khích lệ tinh thần” - BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết ngày 3-2.
Trước đó, bà Q. nhập viện do chấn thương sọ não. Sau khi điều trị ổn định, bà Q. được chuyển đến khoa Ngoại thần kinh để tiếp tục được chăm sóc. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bà Q. bị biến chứng viêm phổi nặng. Rạng sáng 28-1, do sức khỏe bà Q. quá xấu, thở khó nên BV kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Nhận được tin báo, ngay lập tức các bác sĩ giỏi khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Hồi sức ngoại, Ngoại thần kinh… có mặt và phối hợp tìm phương án cứu sống bệnh nhân. Nhờ đó bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo, hiện được chăm sóc tại khoa Hồi sức ngoại.
CIRC kêu gọi hạ giá thành vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung
http://bnews.vn/circ-keu-goi-ha-gia-thanh-vaccine-hpv-phong-ngua-ung-thu-co-tu-cung/34531.html
Ung thư cổ tử cung đang cướp đi sinh mạng của 250.000 phụ nữ mỗi năm trên thế giới trong khi phần lớn các trường hợp ung thư này có thể tránh được thông qua tiêm chủng vaccine HPV.
Ngày 2/2, Trung tâm quốc tế nghiên cứu bệnh ung thư (CIRC) - cơ quan nghiên cứu ung thư thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Pháp, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm giá thành vaccine chống virus papilloma ở người (HPV) nhằm ngăn chặn hàng nghìn trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
CIRC cho biết ung thư cổ tử cung ở phụ nữ hàng năm cướp đi sinh mạng của 250.000 người trên thế giới, trong đó có tới 85% trường hợp ở các nước có mức thu nhập trung bình hoặc thấp tại châu Á và châu Phi.
Trong khi đó, phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể tránh được thông qua các biện pháp phòng ngừa thích hợp, như tiêm chủng vaccine HPV, cùng các chương trình khám sàng lọc và điều trị các tổn thương tiền ung thư.
Vaccine chống virus HPV sẽ bảo vệ phụ nữ chống lại việc lây nhiễm 2 dạng virus HPV 16 và 18, tác nhân chính gây ung thư cổ tử cung.
CIRC xác nhận tỷ lệ ung thư cổ tử cung đã giảm mạnh tại các nước có thu nhập cao. Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển, cuộc chiến chống ung thư cổ tử cung lại không được coi là ưu tiên hàng đầu trong khoản ngân sách y tế hạn hẹp và phụ nữ không có điều kiện tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa và điều trị một cách thích hợp.
Ông Rolando Herrero, phụ trách việc phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư tại CIRC cho rằng: "Phải hành động ngay lập tức bởi hàng nghìn phụ nữ sẽ mắc phải ung thư cổ tử cung vì họ không được tiêm vaccine phòng ngừa".
Ông cũng cho biết tại một số quốc gia, việc phát hiện và sàng lọc sớm còn gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng không đáp ứng thì việc tiêm vaccine đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Theo kết quả nghiên cứu của CIRC trong các dự án nghiên cứu quan trọng về bệnh ung thư cổ tử cung tại các nước có thu nhập thấp, việc tiêm chủng vaccine HPV 2 liều có thể thay thế hiệu quả chương trình tiêm chủng HPV 3 liều, một chiến lược cho phép giảm giá thành vaccine HPV.
Ngoài ra, CIRC cũng đang xem xét tính hiệu quả của vaccine 1 liều duy nhất và cải thiện cách tiếp cận trong phòng chống ung thư cổ tử cung, trong đó chú trọng vấn đề tài chính.
WHO cũng khuyến cáo việc tiêm chủng vaccine phải đúng lứa tuổi, trong đó vaccine 2 liều dành cho trẻ e gái từ 9-14 tuổi và vaccine 3 liều từ 15 tuổi trở nên.
Ngày ung thư thế giới 2017: Sẽ có một cuộc cách mạng trong điều trị!
Nhân ngày Ung thư thế giới (4/2), các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này tin rằng những tiến bộ trong di truyền học sẽ giúp việc điều trị ung thư giống như điều trị 1 căn bệnh mãn tính trong 1 tương lai rất gần.
Theo các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về ung thư, điều trị tất cả các loại ung thư sẽ có những bước tiến vượt bậc trong vòng 5-10 năm tới.
Tỉ lệ sống sót đã tăng đáng kể trong 5 thập kỷ qua, với độ tuổi sống sót trung bình từ 24% vào đầu những năm 70 của thế kỷ 20 lên khoảng 50%.
Nhưng 1 số dạng bệnh vẫn sẽ tiếp tục khó trị - chỉ 1% bệnh nhân ung thư tuyến tụy và 5% bệnh nhân ung thư phổi có thể sống tới 10 năm sau chẩn đoán.
GS Karol Sikora, nguyên Chủ tịch chương trình Ung thư của tổ chức Y tế thế giới, cho biết những tiến bộ trong di truyền học chẳng bao lâu nữa sẽ tạo ra những đơn thuốc mang tính cá nhân, có hiệu quả tốt nhất trên 1 bệnh nhân duy nhất. Bởi những khối ung thư vú ở 100 phụ nữ là hoàn toàn khác nhau và sự hiểu biết ở cấp độ phân tử đã chỉ ra các tế bào ung thư khác các tế bào thường.
“Những gì loại thuốc chuyên biệt này sẽ ngăn chặn các bệnh ung thư và chuyển nó thành căn bệnh mãn tính”, GS Sikora nói.
“Hầu hết bệnh nhân bị ung thư khi ở tuổi 50 - 60. Nếu họ sống thêm 20 - 30 năm nữa thì rõ ràng là họ đã đạt tới ngưỡng tuổi thọ như người bình thường”.
GS Sikora cũng cho rằng cuộc cách mạng y học trong điều trị ung thư sẽ diễn ra trong vòng 5 - 10 năm tới khi các nghiên cứu về điều trị đang được đẩy mạnh.
Khả năng sống 10 năm sau khi phát hiện ung thư:
Vào những năm 70, tỉ lệ sống sót của ung thư tinh hoàn lên đến 98% với thời gian sống cao nhất là 10 năm.
Còn theo số liệu của Viện Nghiên cứu Ung thư Anh năm 2010-2011, tỉ lệ sống của ung thư da là 89% và 84% với ung thư tuyến tiền liệt.
78% bệnh nhân ung thư vú có thể sống ít nhất 10 năm, cùng với 80% bệnh nhân ung thư lympho Hodgkin và 77% ung thư cổ tử cung.
Tỉ lệ sống được 10 năm thấp nhất là ung thư tuyến tụy (1%), ung thư phổi (5%) và ung thư thực quản (12%).
Mặc dù đã có những tiến bộ trong điều trị ung thư nhưng 1 số loại ung thư vẫn tỏ ra rất “ngoan cố”. Ví dụ như tỉ lệ sống 10 năm của ung thư não chỉ tăng từ 6% lên 14% kể từ thập kỷ 70 đến nay. Tương tự là tỉ lệ sống sót của ung thư thực quản chỉ tăng từ 4 lên 12%.
Trong khi tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi chỉ tăng từ 3 lên 5% và chẳng có sự cải thiện nào với ung thư tuyến tụy, mặc dù gần đây đã có những đột phá đáng kể.
Tuy nhiên, cũng đã có 1 số loại ung thư có thể chữa khỏi như bệnh máu trắng, ung thư tinh hoàn.
Dùng liệu pháp sốc điện để cai nghiện ma túy
Theo The Daily Mail, các chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) tin rằng có thể dùng liệu pháp sốc điện để cai nghiện ma túy.
Họ đề xuất dùng điện để kích thích sâu vào phần não "chịu trách nhiệm" về tình trạng nghiện. Như được chứng minh qua các thử nghiệm với động vật gặm nhấm, sốc điện đã dẫn đến sự sụt giảm trong tiêu thụ ma túy.
Việc kích thích sâu được tiến hành bằng cách dùng các điện cực được cấy trực tiếp vào não bộ. Vị trí cấy ghép là vào nhân dưới đồi - khu vực não chịu trách nhiệm về sự ức chế các phản ứng và hành động. Trước đó, các nhà nghiên cứu đã xác định được rằng sự kích hoạt của các khu vực này có thể làm giảm các biểu hiện triệu chứng của bệnh parkinson. Và giờ đây, họ đã cố gắng sử dụng phương pháp này trong việc điều trị chứng nghiện ma túy.
Phải nói rằng phương pháp kích thích sâu bằng điện để cai nghiện ma túy mở ra nhiều hy vọng bởi cai nghiện ma túy là việc làm cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, việc dùng kích điện thay thế các loại thuốc trong cai nghiện có thể làm giảm tác dụng phụ do các loại thuốc gây ra.
Nhà nghiên cứu Olivier George khẳng định rằng các kết quả dùng liệu pháp sốc điện là rất ấn tượng. Còn tiến sĩ Carrie Wade, người đã tham gia nghiên cứu, nói thêm: "Chúng tôi nghĩ rằng sự kích thích não sâu có thể là một giải pháp không dùng thuốc hữu ích cho việc cai nghiện”.