Phụ nữ chuẩn bị mang thai phải cân nhắc trước Zika
Đã có 9 ca mắc dịch Zika xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Y tế hôm qua (24/10) thông báo đồng thời cảnh báo phụ nữ chuẩn bị mang thai phản cân nhắc trước tình hình dịch Zika hiện nay. Hôm qua, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Phan Trọng Lân cho biết, Zika có quan hệ mật thiết với bệnh sốt xuất huyết do có cùng đường lây truyền là muỗi đốt. “Nước nào mắc sốt xuất huyết cao thì Zika đều xuất hiện. Môi trường nóng ẩm của Việt Nam thích hợp cho Zika. Không còn cách nào khác hơn là phải kiểm soát bằng được lăng quăng và muỗi. Với mật độ muỗi như hiện nay, sắp tới việc các ca mắc Zika xuất hiện nhiều hơn chỉ là vấn đề thời gian”, ông Lân đánh giá.
Ngoài 9 ca mắc xuất hiện tại TPHCM, tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và Long An, cơ quan y tế cho biết tại Đắk Lắk đã phát hiện một trẻ 4 tháng tuổi bị dị tật đầu nhỏ nghi do ảnh hưởng của Zika. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã gửi mẫu và đang phối hợp với phòng xét nghiệm của Đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm. Bộ Y tế nhận định khả năng nhiễm Zika ở ca này rất cao (Tiền phong trang 2).
Sẽ bắt buộc thi chứng chỉ hành nghề y
Việt Nam không có quy định về thi cấp chứng chỉ hành nghề trong khi đa số các nước đã thực hiện như một phương thức bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề của nhân viên y tế…Đó là phát biểu của bà Vũ Thị Minh Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế tại hội thảo về ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi chung tiến tới thi chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ đa khoa ngày 24/10 tại Hà Nội.
Phải có một kỳ thi cấp quốc gia
Bà Vũ Thị Minh Hạnh cho biết, hiện nay Việt Nam và một số ít các nước (Singapore, Malaysia,…) đang sử dụng thuật ngữ chứng chỉ hành nghề (CCHN), trong khi các quốc gia khác đều dùng chung thuật ngữgiấy phép hành nghề. Việt Nam hiện chỉ cấp 1 loại CCHN trong khi số đông các nước đều cấp nhiều loại giấy phép hành nghề nhằm đảm bảo vị thế pháp lý cho nhiều hình thức hành nghề, nhiều nhóm tham gia hành nghề trong thực tế. Thời gian thực hành tiền hành nghề để được cấp CCHN của Việt Nam hiện hành là 18 tháng trong khi nhiều nước trên thế giới và trong khu vực là 12 tháng. Việt Nam hiện đang cấp CCHN không thời hạn trong khi số đông các nước đều cấp có thời hạn từ 1 - 5 năm. Việt Nam không có quy định về thi cấp CCHN trong khi đa số các nước đã thực hiện như một phương thức bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề của nhân viên y tế. Bà Hạnh cũng cho biết thêm, Việt Nam chưa có cơ chế giám sát hiệu quả chất lượng hành nghề sau khi được cấp CCHN.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết thực tế chất lượng trường A, trường B là khác nhau vì đầu vào và chương trình dạy ở các trường khác nhau. “Có những trường học 4 năm cũng ra trường, giữa trường trung ương và trường địa phương cũng khác nhau dù ra trường vẫn là bằng bác sĩ. Vì vậy trong quy định của Bộ GD&ĐT, chỉ có một số ngành trong bằng viết là bác sĩ, còn lại các ngành khác của y viết là đại học” - ông Nghĩa lưu ý.
Yêu cầu đánh giá độc lập
Tại hội thảo, sau khi chia nhóm thảo luận, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết nhóm của ông đề xuất kỳ thi quốc gia cấp CCHN y áp dụng với tất cả nhân lực y tế nói chung, những đối tượng phải cấp CCHN, không riêng bác sĩ đa khoa. Câu hỏi được đặt ra vậy đơn vị nào sẽ tổ chức kỳ thi này và thi như thế nào. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí, Bộ GD&ĐT cho rằng không thể để cho các trường tổ chức mà phải là một tổ chức độc lập. “Vì chúng ta đang “ép” các trường phải dạy theo phát triển năng lực. Tức là đào tạo đảm bảo năng lực đầu ra mà Bộ Y tế quy định. Việc này là cần thiết nhưng các trường có làm đúng yêu cầu hay không thì chúng ta chưa nắm được. Vì vậy, chốt một kỳ thi quốc gia cấp CCHN sẽ ép các trường phải dạy đáp ứng chuẩn đầu ra của Bộ Y tế” - ông Nghĩa lý giải. Cũng theo ông Nghĩa, ở các nước, công việc này là của các hiệp hội đảm nhiệm. Nhưng ở Việt Nam các hiệp hội chưa mạnh nên cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm.
Các trường Y sẽ phải đổi mới
Với cương vị là người đào tạo, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, cho biết với việc sẽ có một kỳ thi CCHN cấp quốc gia sắp tới, trường phải tiếp tục đổi mới và sẽ có những thay đổi đáng kể so với hiện tại.
Còn GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong ngành y thời gian tới sẽ có hai hệ thống riêng biệt: nghiên cứu và khám chữa bệnh. “Từ trước đến nay, đào tạo sau ĐH có thạc sĩ, tiến sĩ và hệ thống bằng cấp của Bộ Y tế quy định. Như vậy, sắp tới, hệ thống bằng cấp của Bộ sẽ được công nhận là hệ thống chuẩn quốc gia. Người học sẽ không còn phải chạy ngang chạy ngửa lo chứng chỉ” - GS Cường nói. GS Lê Quang Cường cũng cho biết, các trường đào tạo y trên thế giới có tổ chức thi CCHN. Thi CCHN là một việc làm bắt buộc, không phải là một thủ tục hành chính như chúng ta vẫn quan niệm hiện nay.
“Tại sao phải có hệ thống đánh giá độc lập. Vì nếu trường ra đề và trường chấm điểm thì không có thí sinh nào trượt. Khi kỳ thi được chuẩn hóa cấp quốc gia, dạy như hiện nay tỷ lệ trượt không nhỏ. Các thầy cũng phải đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu mới”- GS Cường khẳng định (Tiền phong trang 6, Thanh niên trang 11).
Kiến ba khoang tấn công nhà dân ở Hà Nội
Thời gian gần đây, kiến ba khoang ồ ạt tấn công nhiều nhà dân ở Hà Nội. Các chuyên gia khuyến cáo, việc xử lý kiến ba khoang không đúng cách có thể làm độc tố lan rộng trên cơ thể. Mấy ngày trước, chị Mai Lan ở khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) bị phỏng rộp, ngứa rát ở cánh tay và cổ. Ban đầu chị tưởng bị zona thần kinh nên mua thuốc về bôi nhưng không khỏi, đi khám biết là bị nhiễm độc từ kiến ba khoang. “Vết phỏng rộp dài trên cổ, bỏng rát. Bác sỹ kê thuốc, tôi bôi gần một tuần nay mới đỡ”, chị Lan tâm sự. Chị Bích Ngọc, khu tây nam Linh Đàm chia sẻ, nhà chị thường xuyên thấy kiến ba khoang. Những ngày gần đây, số lượng nhiều hơn trước nên chị phải mua lưới chống côn trùng và đóng cửa mỗi khi bật điện.
Anh Nguyễn Mạnh Quân ở khu Đô thị Ecohome 2, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cả tuần nay, ngày nào nhà anh cũng thấy kiến ba khoang trong nhà, nhất là ở bàn làm việc gần cửa sổ. “Có hôm làm việc khuya, mở cửa sổ cho mát thì kiến khoang đậu dày bàn làm việc”, anh Quân kể. Con gái anh Quân bị kiến ba khoang đốt mấy ngày nay chưa khỏi. Cùng khu dân cư Ecohome 2, nhiều gia đình khác cũng bị kiến ba khoang tấn công.
Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Phó viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, kiến ba khoang ưa khí hậu ẩm, thường sống chủ yếu ở khu vực đồng bằng, trên các cánh đồng, ven ruộng, bãi cỏ, những nơi đang xây dựng dang dở, trên các thân cây mục. Vào tháng 10, 11, kiến ba khoang di chuyển nhiều từ cánh đồng vào nhà dân. Vì vậy, các khu dân cư gần cánh đồng, bãi cỏ, nhất là các khu chung cư cao tầng có nguy cơ xuất hiện kiến ba khoang rất cao.
Loài côn trùng này có tính hướng sáng, thường bám vào khu vực quanh ánh đèn nên những người làm việc văn phòng, học sinh có nguy cơ bị kiến ba khoang đốt cao. Vì vậy, khi học tập hay làm việc bên ánh đèn, người dân nên đóng cửa sổ hoặc mua lưới chống côn trùng.
Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, kiến ba khoang có hai tuyến độc dưới bụng. Khi đốt tiết ra hai chất độc gây rộp da, nhất là ở vùng nhạy cảm như mắt, miệng. Khi chúng bò lên người và tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính Pederin được tiết ra và trực tiếp thấm vào da, nhẹ thì sẽ làm da ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng mưng mụn nước. Đặc biệt nếu độc tố dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời.
Theo TS Nguyễn Hữu Sáu, Viện Da liễu Trung ương, một số người khi bị kiến ba khoang đốt, sau 1-2 ngày còn có biểu hiện sốt, mệt mỏi, nổi hạch đau ở vùng tương ứng. Người bị kiến ba khoang đốt, nếu ở thể nhẹ sẽ tự khỏi, nặng hơn sẽ phải điều trị bằng thuốc. Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, khi kiến ba khoang xuất hiện, không nên dùng tay trần để giết. Khi có cảm giác côn trùng bám vào cổ, mặt, tránh quệt tay để hạn chế dịch tiết của kiến ba khoang bám vào da sẽ gây bệnh (Tiền phong trang 13).
Cà Mau: Thu hồi giấy phép phòng khám của một giám đốc bệnh viện
Ngày 24-10-2016, tin từ Cà Mau cho biết Sở Y tế tỉnh này vừa thu hồi giấy phép hoạt động phóng khám tại gia của bác sĩ Dương Quốc Thống, Giám đốc BV Đa khoa khu vực huyện Đầm Dơi, Cà Mau.
Phòng khám này nằm tại nhà bác sĩ Thống, trên đường Dương Thị Cẩm Vân, thuộc khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi.
Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, ông Thống bị thu hồi giấy phép hoạt động phòng mạch tại gia vì đã vi phạm Thông tư số 41/2011 của Bộ Y tế (hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh). Thông tư này quy định nguyên tắc đăng ký hành nghề, một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Pháp luật TPHCM online, Lao động trang 3, Tuổi trẻ trang 14).
Long An công bố trường hợp nhiễm Zika đầu tiên
Sáng 24.10, Sở Y tế Long An tổ chức cuộc họp thông báo về trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên của tỉnh này. Đó là một bé gái 4 tuổi, ngụ thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức); không đi học mẫu giáo. Bác sĩ (BS) Ngô Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Long An, cho biết bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 9.10 với triệu chứng ban đầu là sốt, phát ban. Ngày 10.10, gia đình đã đưa cháu bé đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), được bác sĩ chẫn đoán là sốt, phát ban nên được cho toa thuốc điều trị ngoại trú.
Đến ngày 20.10, Trung tâm Y tế dự phòng Long An nhận được thông báo của Viện Pasteur TP.HCM, cho biết kết quả xét nghiệm đây là trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên của tỉnh Long An và là trường hợp thứ 11 của Việt Nam đã được phát hiện. Hiện sức khỏe của cháu bé bình thường (Thanh niên trang 2, Nông thôn ngày nay trang 2).