Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phối hợp Sởi- Rubella đạt tiêu chuẩn thế giới; Tổng lực diệt muỗi, lăng quăng dập dịch Zika; Nỗ lực đối phó với vi rút Zika; Chống dịch Zika: Bộ trưởng Y tế kêu gọi học sinh cùng vào cuộc; Tổng lực diệt muỗi, lăng quăng dập dịch Zika; ...

Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phối hợp Sởi- Rubella đạt tiêu chuẩn thế giới

Ngày 8.11, Bộ Y tế Việt Nam vừa thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng cho vắc xin phối hợp sởi-rubella (MR) do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), trực thuộc Bộ Y Tế, sản xuất. Đây là loại vắc xin thứ 11 trong 12 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà Việt Nam đã sản xuất thành công. Đây là vắc xin MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường Năng lực sản xuất Vắc xin phối hợp Sởi – Rubella” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ. Dự án đã được Polyvac bắt đầu triển khai từ tháng 5.2013 và kéo dài trong thời gian 4 năm 11 tháng, với tổng ngân sách khoảng 700 triệu yên Nhật. TS ARAI Setsuo- Giám đốc dự án của đơn vị chuyển giao công nghệ cho Polyvac đánh giá: "Polyvac là đơn vị đầu tiên và duy nhất được phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất loại vắc xin này. Polyvac đã đáp ứng đầy đủ tất cả yêu cầu của chúng tôi về sản xuất vắc xin. Vắc xin MR do Polyvac sản xuất có chất lượng hàng đầu thế giới, đạt tiêu chuẩn của thế giớii" (Lao động, trang 2; Tiền phong, trang 6; Sài gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 2; Tuổi trẻ, trang 14; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Nỗ lực đối phó với vi rút Zika

Trong tháng 10 và tuần đầu của tháng 11 số ca nhiễm vi rút Zika tại TP Hồ Chí Minh tăng nhanh. Để lên phương án đối phó với nguy cơ vi rút Zika lây lan ra diện rộng, UBND TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương triển khai nhiều phương án nhằm theo dõi và kiểm soát dịch bệnh trên toàn địa bàn.

Số ca nhiễm vi rút Zika gia tăng 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút Zika đã lan đến 73 quốc gia, trong đó đang tăng nhanh tại các nước nhiệt đới như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore. Tính đến tháng 11-2016, Singapore đã có 446 trường hợp nhiễm Zika, Thái Lan 349 trường hợp, tại Việt Nam đến thời điểm này đã có 37 trường hợp, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh có 29 người nhiễm.

Điều đáng nói, từ đầu năm 2016 đến cuối tháng 9-2016, toàn thành phố chỉ ghi nhận 5 trường hợp nhiễm Zika qua hệ thống tầm soát Zika đặt tại 30 bệnh viện trên địa bàn; thế nhưng, trong tháng 10 và tuần đầu tiên của tháng 11, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 24 trường hợp, bình quân mỗi tuần có thêm 5 người nhiễm Zika. Trong tổng số 24 quận, huyện của thành phố đã có 11 nơi phát hiện có người nhiễm vi rút Zika gồm các quận 2, 4, 5, 9, 10, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân và huyện Cần Giờ, Hóc Môn. 

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - Giám đốc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, vi rút Zika lây lan qua muỗi đốt, truyền máu và quan hệ tình dục. TP Hồ Chí Minh là vùng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện cho muỗi vằn - là loại muỗi truyền sốt xuất huyết và vi rút Zika đến cho người dân trên địa bàn. Để giảm dịch bệnh Zika lây lan, chỉ có cách triệt tiêu sự sinh sôi nảy nở của muỗi. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, thành phố đã ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông sâu rộng đến 322 xã, phường của toàn thành phố. Hiện nay, khi có ca bệnh nghi ngờ, thành phố sẽ không chờ kết quả xét nghiệm (vì kết quả xét nghiệm mất 5-7 ngày), Ngành Y tế sẽ tiến hành cho phun hóa chất diệt muỗi và vận động người dân cùng làm sạch môi trường. Tới đây, ngành chức năng sẽ triển khai phun hóa chất diệt muỗi diện rộng ở những phường có ca bệnh từ 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. 

Tăng cường theo dõi, chăm sóc các thai phụ

Người bệnh nhiễm vi rút Zika thường sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày, nhưng đối với người mang thai dưới ba tháng tuổi bị nhiễm bệnh có thể gây ra biến chứng dị tật đầu nhỏ cho con. Tại TP Hồ Chí Minh, trong 29 trường hợp mắc Zika thì có 5 phụ nữ mang thai, trong đó có 2 thai phụ nhiễm Zika khi thai kỳ dưới ba tháng. Có một trường hợp đã sẩy thai sau khi phát hiện nhiễm Zika một tháng. Các thai phụ còn lại mới phát hiện trong thời gian gần đây đang được Ngành Y tế giám sát. 

Hiện, Ngành Y tế thành phố đang tập trung tuyên truyền, tư vấn cho thai phụ tại các bệnh viện chuyên khoa sản hiểu rõ bản chất của vi rút Zika. Sở Y tế đã giao nhiệm vụ giám sát thai phụ cho Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Hồ Chí Minh thực hiện. Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện đã xây dựng quy trình tư vấn liên quan đến Zika và đang gấp rút hoàn thành công tác chẩn đoán, tiêu chuẩn xác định dị tật đầu nhỏ. Tại Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ Nguyễn Vũ Mỹ Linh - Trưởng khoa Khám bệnh nói: "Nếu phát hiện thai phụ mang bầu dưới ba tháng nhiễm Zika chúng tôi sẽ cách ly bệnh nhân và theo dõi. Khi thai lớn hơn, bệnh viện sẽ có thể chọc ối xét nghiệm, kết hợp siêu âm mỗi tuần 2 lần để đo đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi để theo dõi tình trạng não nhỏ để tư vấn cho sản phụ". 

Các chuyên gia y tế cho rằng, thực tế, dị tật đầu nhỏ không phải do riêng vi rút Zika gây ra, mà do nhiều di chứng khác trong quá trình mang thai của người mẹ ảnh hưởng đến thai nhi. Ở Việt Nam, khả năng trẻ bị dị tật đầu nhỏ vì nhiễm vi rút Zika từ mẹ là rất nhỏ. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, trong thời điểm này các thai phụ có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Zika như sốt, đau cơ, viêm kết mạc, cần phải đến các bệnh viện chuyên khoa sản để được theo dõi. Các thai phụ không được tự ý siêu âm vòng đầu tại các cơ sở thiếu uy tín, cũng như không tự ý chấm dứt thai kỳ khi chưa được sự đồng ý tư vấn từ các bác sĩ sản phụ và hội đồng chuyên môn của các bệnh viện chuyên khoa sản (Hà Nội mới, trang 6).

 

Chống dịch Zika: Bộ trưởng Y tế kêu gọi học sinh cùng vào cuộc

Tại buổi làm việc với UBND TPHCM chiều 8/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị TPHCM phát động chiến dịch cho học sinh diệt loăng quăng, dọn dẹp vệ sinh môi trường trong các ngày nghỉ cuối tuần trước nguy cơ dịch Zika bùng phát. Về công tác phòng chống sốt xuất huyết và Zika, theo bà Tiến, giải pháp quan trọng không phải là phun thuốc diệt muỗi, mà chính là tập trung diệt các ổ loăng quăng. “Kêu gọi từng người dân, từng nhà bằng một thông điệp đơn giản thôi, đó là lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước sạch trong nhà, xung quanh nhà để diệt các ổ lăng quăng”, bà nói. Bởi theo bà, muỗi gây ra sốt xuất huyết và Zika chỉ đẻ trứng trong môi trường nước sạch. Bộ trưởng cho rằng nên phát động chiến dịch vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần cho học sinh đến từng nhà giúp người dân lật úp tất cả dụng cụ chứa nước sạch, diệt loăng quăng, thả cá bảy màu vào những điểm chứa nước (Tiền phong, trang 15).

 

Tổng lực diệt muỗi, lăng quăng dập dịch Zika

Ngày 8-11, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về tiến độ xây dựng các công trình y tế trọng điểm trên địa bàn TP, cũng như tìm giải pháp chống dịch do virus Zika đang lây lan nhanh. Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay các công trình y tế đang được ngành y tế TP khẩn trương thực hiện đúng tiến độ, đưa vào phục vụ người bệnh, nhưng do ảnh hưởng khách quan nên có công trình bị chậm. Chẳng hạn, Bệnh viện (BV) Ung bướu (cơ sở 2) do ảnh hưởng thời tiết nên việc thi công phần thô móng cọc gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhà thầu hứa sẽ cố gắng đến tháng 11-2017 sẽ bàn giao công trình. Riêng về BV Nhi đồng TP có quy mô 1.000 giường với kinh phí gần 5.000 tỷ đồng đang tiến triển thuận lợi. Sở Y tế đã và đang chuẩn bị nguồn lực nhân sự cho đủ 756 cán bộ y, bác sĩ và sẽ đưa BV Nhi đồng TP vào hoạt động cuối năm nay.

Tiến độ BV Chấn thương Chỉnh hình gặp khó khăn do còn vướng mặt bằng. “Mong muốn của TP là cuối tháng 12 năm nay sẽ thi công được và sẽ đi vào hoạt động vào quý 1-2018”, GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý, TPHCM đang tập trung nhiều công trình y tế quy mô lớn, phục vụ an sinh, giải quyết quá tải BV nên phải sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động. Những vướng mắc, khó khăn phải nhanh chóng tháo gỡ, không được chậm tiến độ.

Với dịch bệnh do virus Zika tăng nhanh ca mắc trong vòng 4 tuần qua, đến thời điểm này trên địa bàn TP đã có 29 ca mắc.

Theo GS Nguyễn Tấn Bỉnh, trong thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống. Trong tháng 11 và 12 tới sẽ tiến hành phun hóa chất diệt muỗi từ 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau một tuần ở nơi có ca bệnh, ổ dịch. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế của ngành y tế, giải pháp căn cơ là việc chủ động phòng chống dịch bệnh của mỗi tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, cần nâng cao mức cảnh báo xã hội, tăng cường kiểm soát các điểm nguy cơ phát sinh. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, TP không chủ quan mà có sự chỉ đạo liên tục, triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh Zika. Mới nhất là phát động phong trào toàn dân diệt muỗi, lăng quăng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trên toàn TP…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, muỗi gây ra bệnh Zika chủ yếu sống gần con người, ở vùng nước sạch, những ụ nước mưa và thường chích người vào thời điểm nhất định trong ngày, tầm 9 - 10 giờ sáng. “Muốn dập dịch Zika cũng như sốt xuất huyết, giải pháp căn cơ lúc này là phải diệt lăng quăng trong cộng đồng. Không có lăng quăng không có sốt xuất huyết, không có bệnh Zika. Phát động chiến dịch cơ động, huy động nhiều lực lượng học sinh, tổ dân phố, hội phụ nữ trong cộng đồng cùng tham gia diệt muỗi, dập dịch”, Bộ trưởng chỉ đạo (Sài gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 8; Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Bóc tách thành công khối u buồng trứng khổng lồ

Ngày 7-11, các bác sĩ BV Ung bướu TP.HCM đã mổ bóc tách khối u buồng trứng nặng 35 kg cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thúy Liễu (53 tuổi, trú quận 3, TP.HCM). Trước đó bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, số đo vòng bụng 110 cm, khó thở. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân mang khối u buồng trứng khổng lồ chứa khoảng 29 lít dịch, nặng 35 kg. “Bệnh nhân bị ung thư buồng trứng, tiên lượng có thể tử vong bất cứ lúc nào nên phải phẫu thuật ngay” - BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu, cho biết.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định chọc ổ dịch lấy ra hơn 10 lít dịch, sau đó tiến hành phẫu thuật bóc tách toàn bộ khối u đồng thời cắt bỏ buồng trứng và tử cung của bệnh nhân. Do hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn nên các bác sĩ BV Ung bướu đã kêu gọi hỗ trợ các khoản chi phí xét nghiệm bước đầu từ các bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch (Pháp luật TPHCM, trang 2 ngày 8.11.201).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang