Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử 9/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Để thoát khỏi khủng hoảng truyền thông, ngành y tế sẽ cởi mở hơn; Bệnh ung thư: Chết nhiều, hiểu biết quá ít; Từ đường dây nóng y tế: Chuyện dở khóc, dở cười; Mỗi năm Việt Nam có thêm 125.000 người mắc bệnh ung thư; Vụ được BHYT chi trả hơn 1,6 tỷ đồng:“Bảo hiểm y tế đã cứu cuộc đời tôi”

Để thoát khỏi khủng hoảng truyền thông, ngành y tế sẽ cởi mở hơn

Chiều 8.12 Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế". Hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương. 

Nhiều tham luận của các cơ quan báo chí truyền thông trong Hội thảo đã chỉ ra sức mạnh của truyền thông trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực y tế. Truyền thông đã sát cánh bên cạnh ngành y tế để mang đến cho người dân những thông tin hết sức hữu ích cho cuộc sống. Bên cạnh đó, đôi khi, truyền thông cũng vẫn còn những mặt hạn chế khi không ít lần như thổi phồng nhiều vấn đề y tế khiến dư luận hoang mang. 

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Mẫu số chung của y tế và truyền thông là để phát triển kinh tế xã hội. Truyền thông cần thông tin những điều hay điều tốt và cả hạn chế. Thông tin cho người dân biết những kiến thức về dự phòng chăm sóc sức khoẻ và nguy cơ bệnh tật, thay đổi hành vi nguy cơ để trở thành hành vi tích cực".

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ: "Khủng hoảng truyền thông là hiện tượng đất nước nào cũng có, lĩnh vực nào cũng có, nhưng làm thế nào để giải quyết nó thì cần có sự tương tác giữa truyền thông và cơ quan phụ trách lĩnh vực đó. Phải hợp tác như thế nào để có lợi nhất cho người dân. Phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Tôi ví dụ về khủng hoảng truyền thông như tiêm nhầm vắc xin ở Quảng Trị, dịch sởi, như tiêm nhầm vắc xin- nước cất... Nó là hiện tượng bình thường của mọi xã hội đang phát triển và đã phát triển nhưng nó đã trở thành cuộc khủng hoảng truyền thông do ngành y tế không biết xử lý truyền thông. Ngành y tế cần chủ động, cởi mở và minh bạch hơn đối với truyền thông". 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Nói về hiệu quả truyền thông, từ việc để xảy ra các khủng hoảng truyền thông, chúng tôi có khát vọng làm một mô hình mẫu về sự phối hợp với truyền thông vì mục tiêu cho con người và đất nước".

http://laodong.com.vn/y-duc-y-nghiep/de-thoat-khoi-khung-hoang-truyen-thong-nganh-y-te-se-coi-mo-hon-404553.bld

Bệnh ung thư: Chết nhiều, hiểu biết quá ít

(PLO) - Theo ghi nhận của Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2012, trên thế giới có 14,1 triệu người mắc mới và có 8,2 triệu người tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, năm 2010 có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới ung thư và có chiều hướng ngày càng gia tăng. 

Vì thế, phối hợp đa ngành phòng, chống ung thư sẽ là xu hướng chung của toàn cầu cũng như của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống căn bệnh nan y này.

Sẽ có 189.000 trường hợp mắc mới ung thư vào năm 2020

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, ung thư là một bệnh ngày càng gia tăng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Càng lo ngại hơn khi thống kê từ các bệnh viện (BV) chuyên ngành cho thấy số bệnh nhân mắc ung thư có xu hướng ngày càng gia tăng. 

Cụ thể, theo bà Xuyên, năm 2010 nước ta có ít nhất 125.000 trường hợp ung thư mới được phát hiện. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số tử vong do ung thư lớn nhất trên thế giới. Ước tính đến năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc mới ung thư. 

Qua phân tích dữ liệu 1.916 bệnh nhân ung thư mới được chẩn đoán tại BV Bạch Mai (604 trường hợp), BV K (688), BV Ung bướu TP HCM (624), kết quả cho thấy độ tuổi trung bình mắc ung thư là 53 tuổi; 57,7% bệnh nhân đã tốt nghiệp trung học nhưng có tới 25,3% bệnh nhân chưa từng đi học và chỉ học hết tiểu học; 34,86% bệnh nhân lao động trong ngành nông, lâm và ngư nghiệp; 77,1% có bảo hiểm y tế.

Thống kê cho thấy, có 5 loại ung thư thường gặp là ung thư tiêu hóa, ung thư vú, ung thư phụ khoa, ung thư đầu cổ và ung thư phổi. Chỉ có 36,69% bệnh nhân trong nghiên cứu này chưa có di căn ở thời điểm mới chẩn đoán. 

Ai cũng biết phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng chúng ta không thể không lo ngại khi biết rằng kiến thức của người dân về các dấu hiệu cảnh báo ung thư còn rất thấp. Qua nghiên cứu tỷ lệ người dân biết được từ 4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư chỉ chiếm 22,3%; 19,7% không  kể được bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ ung thư…

Tại Việt Nam, ung thư vẫn được xem là một bệnh vô phương cứu chữa, vì thế phát hiện ung thư đồng nghĩa với mang án tử hình. Nghiên cứu trên một số hộ gia đình có bệnh nhân ung thư mới tại 3 BV kể trên cho thấy, sau 12 tháng được phát hiện và trị bệnh, có tới 41% bệnh nhân còn sống chịu ảnh hưởng về kinh tế, cụ thể như không thể thanh toán tiền ăn uống, mua thuốc, tư vấn y tế và xét nghiệm, bảo hiểm y tế, chi phí đi lại, tiền điện, nước, ga… 

Trong khi đó, chi phí cho việc khám và điều trị ung thư là không hề nhỏ (từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng). 

Thật đau đớn, xót xa khi các nhà chuyên môn cho hay, thực tế có không ít trường hợp phải bỏ dở điều trị ung thư vì không có tiền chi trả; đa số các trường hợp phải đi vay ngân hàng, thậm chí vay nặng lãi để có tiền chữa bệnh; nhiều em nhỏ phải vĩnh viễn rời xa việc học tập, vui chơi cùng bè bạn và ngừng điều trị vì gia cảnh quá khó khăn; nhiều trường hợp các nhân viên y tế phải tự quyên góp cho người bệnh có tiền ăn, ở và đi lại… Trước thực tế đó, rất nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng túng quẫn, kiệt quệ và nghèo đói…

Ngành Y không thể “đơn thương độc mã”

Tại hội thảo “Phối hợp đa ngành trong phòng, chống ung thư” vừa được Bộ Y tế tổ chức hôm qua (8/12) tại Hà Nội, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thừa nhận so với nhu cầu, việc chẩn đoán và điều trị ung thư vẫn còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí dành cho công tác phòng, chống ung thư không nhiều. Bên cạnh đó, thực tế việc chẩn đoán sai về ung thư vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt, các cơ sở y tế chuyên khoa luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân...

Để phòng, chống ung thư, TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, phải quan tâm đến một loạt các vấn đề như: hạn chế lạm dụng rượu bia; chú trọng thực phẩm trong các bữa ăn, kiểm soát thực phẩm không an toàn, hoạt động thể lực; tăng cường nhận thức về bệnh ung thư, khám, chẩn đoán phát hiện sớm ung thư…). 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất thành lập “Quỹ nâng cao sức khỏe” hình thành từ các nguồn đóng góp bắt buộc của các hoạt động kinh doanh thuốc lá, đồ uống có cồn và các hoạt động khác gây nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư, để trực tiếp hỗ trợ  cho các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm… 

Để phòng, chống ung thư có hiệu quả, ông Khuê cũng cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng Chiến lược Quốc gia về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 và đề xuất Kế hoạch hành động kiểm soát ung thư. 

Trong đó, chú trọng các giải pháp phối hợp liên ngành trong phòng, chống ung thư như: thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia; bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các  yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. 

“Một mình ngành y tế không thể “đơn thương độc mã” thực hiện chính sách này mà cả cộng đồng, xã hội phải vào cuộc. Trong đó, sự phối hợp đa ngành trong hoạt động kiểm soát, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt ung thư là vô cùng quan trọng!” – ông Khuê khẳng định.

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/benh-ung-thu-chet-nhieu-hieu-biet-qua-it-240268.html

Từ đường dây nóng y tế: Chuyện dở khóc, dở cười

Tắm công cộng không quần áo bị phê bình - gọi đường dây nóng. Lót tay nhân viên y tế không thành - gọi đường dây nóng. Sốt ruột không chờ đợi được BV chữa máy xạ trị - gọi đường dây nóng... Có thể các bạn không nhịn được cười khi đọc những dòng này nhưng, đã có không ít người trong ngành y phải khóc vì thế...

1. Ấy là trường hợp của bệnh nhân Đàm Văn Tâm, sinh năm 1993, quê tại Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng. Ông đến Phòng khám Ngoại BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hoà ngày 14/11 trong tình trạng tỉnh táo, tay chân hoạt động động bình thường tuy có dấu hiệu xây xát nhẹ vùng chóp đầu do đánh nhau.

Theo lời kể của bệnh nhân, đêm 13/11 có nhập BV đa khoa tỉnh Bình Định tại lầu 6, khoa Thần kinh và có gây gổ với nhân viên y tế ở đó rồi trốn viện mà chưa thanh toán viện phí. Bác sĩ BV Phong - Da liễu Quy Hoà đề nghị cho chụp CT Scanner đầu để chẩn đoán điều trị và làm một số xét nghiệm khác nhưng bệnh nhân Tâm không đồng ý cho chụp.

Ông nói: “Tôi chỉ bị đánh vào đầu chứ không bị chấn thương sọ não nên chụp CT làm gì?”. Cuối cùng ông chỉ chấp thuận cho BV làm một số xét nghiệm rồi xin nhập viện. Sau khi làm xong thủ tục nhập viện, 9h sáng hôm đó, bệnh nhân Tâm vào nhà vệ sinh chung để tắm nhưng lại... không mặc quần lót và không đóng cửa phòng tắm khiến cho một số người bệnh và người nhà bệnh nhân khác thấy phản cảm, khó chịu và nhắc nhở. Bệnh nhân Tâm không những không tiếp thu mà chửi lại họ. Sau khi nhận được phản ánh của người bệnh, nhân viên BV nhắc nhở cũng bị bệnh nhân Tâm nói lại với những lời lẽ thiếu tôn trọng. Khi được Giám đốc nhắc nhở, ông Tâm vặc lại: “Ở đất Đà Nẵng tôi đã không ngán ai thì đất Quy Nhơn này là cái gì? Ông là ai mà dám nói tôi?”. 

2. Chuyện xảy ra tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới vào trung tuần tháng 10 vừa qua, liên quan đến người nhà sản phụ Nguyễn Thị Ái Vân. Sau khi lót tay không thành cho nhân viên BV với số tiền 300 nghìn đồng, người nhà sản phụ gọi điện thoại vào đường dây nóng của Bộ Y tế phản ánh hộ sinh ở đây “đòi cảm ơn” và việc này “diễn ra ở tất cả các khoa/phòng khác của BV nói trên, kể cả trưởng khoa”.

Nếu không có quà cảm ơn thì bác sĩ sẽ “không quan tâm đến bệnh nhân”. Người gọi điện vu khống cho một hộ sinh “chê ít”  đối với khoản tiền nói trên, rằng “từng này không đủ để chia cho cả khoa”(!). Việc người nhà bệnh nhân nói trên lót tay và bị nhân viên BV này từ chối còn lặp lại nhiều lần. Tất cả những sự việc lót tay không thành rồi vu khống cho cán bộ, nhân viên BV nói trên đã được gia đình sản phụ xác nhận sự thực và đính chính lại những gì họ đã đặt điều cho BV.

3. Ngày 14-10 vừa qua, Sở Y tế TP Hà Nội nhận được công văn của Bộ Y tế về việc kiểm tra thông tin và đề xuất giải pháp giải quyết ý kiến phản ánh của người dân phản ánh “thái độ thờ ơ, không quan tâm, không hướng dẫn chu đáo của bác sĩ Nguyễn Việt Đăng - khoa Nội Cấp cứu, BV đa khoa Xanh Pôn”. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Sở Y tế vỡ lẽ ra rằng ngày 3/10, bác sĩ nói trên có tiếp bệnh nhân Đặng Thị Nhung, sinh năm 1991 đến khám vì bị sốt giờ thứ 7.

Bác sĩ Đăng đã cho làm xét nghiệm công thức máu nhưng chưa cho bệnh nhân làm xét nghiệm test NS1 để chẩn đoán sốt xuất huyết vì người bệnh mới sốt; đã cho bù dịch và kê đơn thuốc cho bệnh nhân cũng như ghi sổ khám bệnh. Tất cả việc làm nói trên của bác sĩ Đăng đúng quy trình nhưng chưa kịp thời giải thích kỹ lưỡng cho bệnh nhân, khiến người bệnh này “phát” vào vào đường dây nóng như vậy.

Tại BV K Trung ương, do máy xạ trị gia tốc bị hỏng khiến người bệnh phải chờ đợi lâu lại không được giải thích kịp thời, thoả đáng cũng bị họ “phát” như trường hợp người nhà bệnh nhân Trần Thị Tèo, ung thư cổ tử cung, hiện đang được điều trị tại khoa Xạ 2, BV này.

Những chuyện nói trên xảy ra và đã được làm rõ sự thật. Tuy nhiên, để làm hài lòng người bệnh, các BV nói trên vẫn tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong giao tiếp với bệnh nhân đối với các bộ, nhân viên của mình đồng thời giải thích kỹ lưỡng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu những quy định của BV trong quá trình điều trị tại đây. Các bệnh nhân nói trên đã hiểu ra vấn đề và thông cảm với các cán bộ, nhân viên y tế.   

http://daidoanket.vn/xa-hoi/tu-duong-day-nong-y-te-chuyen-do-khoc-do-cuoi/78635

 

Mỗi năm Việt Nam có thêm 125.000 người mắc bệnh ung thư

 (SGGPO). - Bệnh ung thư đang là vấn đề quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội và kinh tế Việt Nam khi người mắc ung thư đang gia tăng. Trong khi đó chi phí điều trị cho căn bênh nan y lại vô cùng tốn kém... Đây là vấn đề đáng quan tâm được đặt ra tại hội thảo hợp tác đa ngành trong phòng chống ung quốc gia do Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, xu hướng mắc bệnh ung thư không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Theo ghi nhận của Tổ chức Ung thư toàn cầu, năm 2012 toàn thế giới có 14,1 triệu người mắc mới và có 8,2 triệu người tử vong. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới ung thư và dự báo tới năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này mỗi năm. Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, mặc dù Bộ Y tế đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế trong các hoạt động phòng chống và kiểm soát bệnh ung thư nhưng chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa các nguồn lực để thực hiện được chiến lược và kế hoạch phòng chống ung thư một cách toàn diện và lâu dài.

Không chỉ có số người ung thư đang gia tăng mà việc điều trị căn bệnh này cũng rất khó khăn, tốn kém và là gánh nặng lớn cho nhiều người. Theo các kết quả từ nghiên cứu của Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George về chi phí điều trị ung thư tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy, 55% bệnh nhân ung thư tử vong trong vòng 12 tháng sau khi phát hiện bệnh hoặc gặp phải hệ lụy tài chính. Trong đó đáng chú ý có tới 31% trường hợp gặp hệ lụy tài chính, 24% trường hợp tử vong, 41% bệnh nhân sống sót sau 1 năm chẩn đoán phải đối mặt với hệ lụy tài chính từ chi phí điều trị. Hơn nữa, hầu hết bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều được phát hiện và chẩn đoán ung thư ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, chỉ có 14% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm, trong đó 5% được chẩn đoán ở giai đoạn I và 19% ở giai đoạn II.

Nhân dịp này để góp phần chia sẻ những khó khăn mà bệnh nhân ung thư và các gia đình có người bệnh ung thư đang phải đối mặt, Bộ Y tế đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia tổ chức Chiến dịch 1 triệu tin nhắn ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo. Theo đó, với mỗi một tin nhắn theo cú pháp UT gửi 1406 có giá trị ủng hộ 12.000 đồng. Chiến dịch nhắn tin ủng hộ bệnh nhân ung thư sẽ kéo dài đến ngày 6-2-2016.

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/12/405338/

 

Vụ được BHYT chi trả hơn 1,6 tỷ đồng:“Bảo hiểm y tế đã cứu cuộc đời tôi”

Nhắc lại ca phẫu thuật cắt bỏ 2% phần hoại tử, cấy ghép lại da cổ tay do biến chứng bệnh máu khó đông Hemophilia, cũng như hơn 2 tháng ròng điều trị tại bệnh viện với tổng chi phí lên đến hơn 1,6 tỷ đồng, anh Đặng Tuấn Dũng (trú tổ dân phố 4, phường Bắc Hà, Thành phố Hà Tĩnh) nói nếu khôngcó điều tuyệt diệu đến từ bảo hiểm y tế, hẳn anh khó lòng sống được đến hôm nay.

Chúng tôi đến thăm anh Đặng Tuấn Dũng, tổ dân phố 4, phường Bắc Hà, Thành phố Hà Tĩnh một ngày đông. Nhìn căn nhà xây ai cũng nghĩ cuộc sống gia đình anh phải khá giả lắm, nhưng không phải vậy. Sinh được 3 người con, bố mẹ anh Dũng đã thực sự kiệt quệ, nhiều năm nay là hộ nghèo trong tổ dân phố.

Nguyên nhân chính là bố mẹ anh Dũng đã phải dành tất cả tiền bạc để lo chi phí điều trị cho chứng bệnh máu khó đông có tên khoa học là Hemophilia mà anh Dũng được phát hiện ngay từ khi lọt lòng mẹ. Suốt 34 năm qua, năm nào anh Dũng cũng phải nhập viện điều trị chứng bệnh nêu trên.

Đầu năm 2015 này khi đang điều trị ở Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, do biến chứng từ chứng bệnh máu khó đông Hemophilia, tay phải anh Dũng đã nổi mụn nhọt. Sau đó rất nhanh cổ tay của anh Dũng cứ bị hoại tử dần.

Vốn sức khỏe đã yếu, gia đình lại nợ nần, kiệt quệ, nên khi Dũng gặp biến chứng của căn bệnh máu khó đông, gia đình anh hết hoang mang, lo lắng.

Anh Dũng sau đó được Viện huyết học - Truyền máu Trung ương chuyển tới Viện bỏng Quốc gia để chữa trị. Từ ngày 6-14/2/2015 anh Dũng đã được Viện bỏng Quốc gia phẫu thuật cắt bỏ 2% phần hoại tử, tiến hành cấy ghép lại da. “Ca phẫu thuật tốn kém lắm. Nằm ngoài khả năng kinh tế của gia đình. Nếu không tham gia bảo hiểm y tế thì em và gia đình không thể nào nghĩ đến ca phẫu thuật ấy”, anh Dũng tiếp chuyện.

Anh Dũng cung cấp những chứng từ liên quan đến ca phẫu thuật tại Viện bỏng quốc gia và chi phí thuốc men điều trị sau phẫu thuật tại Viện huyết học - Truyền máu Trung ương khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Tổng cộng chi phi ca phẫu thuật và hơn 2 tháng nằm điều trị lên đến hơn 1,6 tỷ đồng. Trong số này có những loại thuốc lên đến 23 triệu/lọ, vậy mà anh Dũng phải dùng đến 21 lọ, tương đương hơn 480 triệu đồng.

 “Ngay cả 96 triệu tiền thuốc không có danh mục bảo hiểm sau ca phẫu thuật gia đình em cũng phải đi vay nóng, thì số tiền 1,6 tỷ đồng là một con số quá khổng lồ mà nếu không có bảo hiểm y tế chi trả có lẽ không bao giờ gia đình anh lo liệu được để lo cho ca phẫu thuật”, anh Dũng tiếp thêm.

Sau 2,5 tháng liên tục nằm điều trị, anh Dũng đã trở về tiếp tục điều trị tại nhà với bao niềm vui của gia đình. Từ một người thể xác bị hoại tử, sự sống rất mong manh, có thể nói là ngồi đếm ngược ngày từ giã cõi trần, giờ sức khỏe của anh Dũng đã phần nào được cải thiện.

Không chỉ giảm được khó khăn cho gia đình trong việc chăm sóc vệ sinh cá nhân, mà hằng ngày anh Dũng vẫn dành thời gian làm việc thiết kế đồ họa phụ trợ cho một vài công ty để kiếm thêm lo chi phí thuốc men, trang trải phần nào nợ nần. Nụ cười tươi, tia hi vọng về cuộc sống tươi đẹp hơn đã trở lại với người đàn ông bệnh tật này.

Ông Tôn Đức Hải, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh nói rằng, sự ưu việt của bảo hiểm y tế nói riêng và bảo hiểm xã hội nói chung đã mang lại điều kỳ diệu không chỉ đối với người nghèo mà ngay cả người giàu vì nhiều khi gặp bệnh nan y họ trở tay không kịp. Trường hợp như anh Dũng và nhiều trường hợp khác đã được bảo hiểm chi trả khi gặp hoạn nạn, sẽ là những minh chứng rõ nhất cho điều tất yếu mỗi người dân  phải mua, đóng bảo hiểm y tế cho mình.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-duoc-bhyt-chi-tra-hon-1-6-ty-dong-bao-hiem-y-te-da-cuu-cuoc-doi-toi-20151207230218296.htm

 

Bộ Y tế thanh tra toàn diện 4 công ty nước giải khát lớn tại Việt Nam

Dân trí Thanh tra Bộ Y tế đề xuất tiến hành thanh kiểm tra toàn diện 4 công ty nước giải khát lớn là Pepsi, Coca-Cola, Wonderfarm và URC trong năm 2016.

Theo Thanh tra Bộ Y tế, nội dung trên đã được kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2016. Theo đó, trong năm 2016 sẽ thanh tra toàn diện với bốn công ty nước giải khát lớn là Pepsi, Coca-Cola, Wonderfarm và URC.

Đại diện cơ quan này cho biết, việc thanh kiểm tra nhằm mục đích kiểm tra toàn diện hoạt động của các công ty sản xuất nước giải khát, nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh, sản xuất được tuân thủ theo đúng quy định, đảm bảo sản xuất ra thực phẩm, nước uống an toàn cho người sử dụng.

Được biết, trong năm 2015, Thanh tra Bộ Y tế cũng đã tiến hành thanh kiểm tra toàn bộ hoạt động của Công ty nước giải khát Tân Hiệp Phát tại Bình Dương khi nhận được phản ánh của khách hàng về chất lượng nước uống.

Trước đó, liên quan đến thông tin nghi ngại chất lượng nước giải khát của PepsiCo có vấn đề, đoàn thanh tra của Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra đột xuất 4 nhà máy của hãng này tại Bắc Ninh, TPHCM, Đồng Nai và Cần Thơ.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thông tin đánh giá sơ bộ từ 4 đoàn kiểm tra cho thấy các nguồn nước sử dụng của công ty này đều được cấp chứng nhận an toàn.

Đoàn kiểm tra số 1 do ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm kiểm tra nhà máy tại Bắc Ninh cũng đã lấy 6 mẫu nước giải khát để kiểm nghiệm và cho kết quả an toàn.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-thanh-tra-toan-dien-4-cong-ty-nuoc-giai-khat-lon-tai-viet-nam-20151208201212507.htm

 

Cứu sống bệnh nhân xuất huyết não kèm suy thận giai đoạn cuối

 (SGGP).- Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang cho biết vừa cứu sống ông  N.V.G. (55 tuổi, ngụ TPHCM) trong tình trạng hôn mê sâu, bị xuất huyết não và suy thận giai đoạn cuối.

Trước đó, bệnh nhân G. đã được điều trị tại một bệnh viện đa khoa của thành phố nhưng do bệnh tình quá nặng, đang trong lúc chạy thận thì bị xuất huyết não, không đáp ứng thở, toàn thân tím tái nên được các bác sĩ tư vấn gia đình đưa về nhà lo hậu sự. Tuy nhiên, “còn nước còn tát”, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang. Để xử lý tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, các bác sĩ đã sử dụng máy thở để kiểm soát đường hô hấp, dùng kháng sinh phối hợp điều trị nhiễm trùng, kiểm soát huyết áp, đường máu, phối hợp cùng đơn vị chạy thận nhân tạo để cân bằng nước điện giải… Hiện bệnh nhân dần hồi phục, tỉnh táo, được cai máy thở và cho thở tự nhiên, tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm và bệnh nhân có thể tiếp xúc nói chuyện với người thân.

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/12/405298/

 

Tầm soát ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là bệnh lý ung thư thường gặp ở Việt Nam, đứng hàng thứ tư cả hai giới. Ở nước ta, mỗi năm có khoảng hơn 7.300 người mới mắc và hơn 4.100 người tử vong do UTĐTT. Tỷ lệ sống 5 năm đạt 90% nếu bệnh chỉ khu trú trong thành ruột; đạt 68% nếu bệnh đã di căn hạch và chỉ còn 10% nếu bệnh đã di căn xa. Nếu được tầm soát và phát hiện sớm bệnh UTĐTT có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh là 23% và giảm 31% tỷ lệ tử vong do UTĐTT.

Ai nên đi khám

Các polyp tuyến được xem là có liên quan đến UTĐTT. Vì thế việc phát hiện và lấy đi các polyp tuyến, phát hiện bệnh sớm sẽ giúp tăng tỷ lệ sống còn đối với bệnh UTĐTT. Polyp tuyến thường xuất hiện ở tuổi 50 trở đi. Do đó, hầu hết các chương trình khám tầm soát UTĐTT thường áp dụng cho những người từ 50 tuổi trở đi. Ngoài ra, những người sau đây được xem là nhóm nguy cơ cao (dễ mắc UTĐTT) bất kể độ tuổi: trước đây đã từng bị polyp tuyến, UTĐTT, viêm đại tràng hoặc trong gia đình có cha, mẹ, anh chị em ruột bị UTĐTT hoặc bướu tuyến đại trực tràng.

Làm gì để tầm soát và phát hiện sớm UTĐTT

Khám trực tràng bằng ngón tay: Các bác sĩ sẽ đeo găng và khám trực tràng trực tiếp bằng ngón tay. Khoảng 50% các trường hợp UTĐTT nằm ở vùng hậu môn - trực tràng, vì thế động tác khám đơn giản này có thể giúp phát hiện đa số các sang thương ở trực tràng.

Tìm máu ẩn trong phân: nhiều trường hợp bệnh nhân đi tiêu có vẻ bình thường, phân không thấy vấy máu nhưng có thể có hiện tượng chảy máu rất ít, mắt thường không thấy được. Bằng các xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, phòng xét nghiệm có thể phát hiện được có sự hiện diện của máu trong phân hay không, từ đó giúp bác sĩ có chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác để phát hiện ra bệnh.

Các kỹ thuật nội soi ruột:

- Nội soi trực tràng bằng ống cứng: các bác sĩ sẽ dùng ống soi đặt vào lòng trực tràng bệnh nhân, qua đó sẽ quan sát các tổn thương của trực tràng nếu có. Kỹ thuật này giúp phát hiện những tổn thương trong khoảng 30cm cuối của trực tràng.

- Nội soi đại tràng sigma bằng ống mềm: giúp phát hiện các tổn thương ở 40cm cuối của đường tiêu hóa, việc chuẩn bị nội soi ruột đơn giản và thường không cần dùng thuốc an thần cho bệnh nhân.

- Nội soi khung đại tràng bằng ống mềm: giúp phát hiện các tổn thương trong khung đại tràng. Cần phải chuẩn bị đại tràng kỹ và bệnh nhân cần dùng thuốc an thần.

Khi nào đi khám

Đối với người từ 50 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát UTĐTT mỗi năm  một lần. Các bác sĩ sẽ khám trực tràng, tìm máu ẩn trong phân. Nếu có nghi ngờ các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân nội soi trực tràng hoặc đại tràng sigma. Việc nội soi khung đại tràng chỉ nên thực hiện mỗi 5 năm hoặc tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại, việc khám tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh UTĐTT sẽ giúp các bác sĩ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, vì thế việc điều trị sẽ hiệu quả với chi phí thấp hơn, đem lại lợi ích cho người bệnh, cho gia đình, cho ngành y tế và cho toàn xã hội.

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/tuvanddsk/2015/12/405299/

 

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ gia súc gia cầm lậu

Trên cả nước hiện có 7 ổ dịch cúm gia cầm, 17 ổ dịch long mồm lở móng trên gia súc, và 3 ổ dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày. Thời điểm cuối năm, tình hình buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm lậu sẽ đe dọa nguy cơ bùng phát dịch.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 6/12, trên cả nước đang tồn tại nhiều ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể: 7 ổ cúm gia cầm đang xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi; 17 ổ dịch long mồm lở móng đang hoành hành tại Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Ninh Thuận; 3 ổ dịch heo tai xanh tại Cần Thơ, Sóc Trăng. Tất cả các ổ dịch trên đều chưa qua 21 ngày.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các ổ dịch cúm gia cầm vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại một vài hộ chăn nuôi gia đình, chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Dịch lở mồm long móng xảy ra chủ yếu ở dạng nhỏ lẻ. Bệnh heo tai xanh xảy ra phổ biến trên những đàn heo chưa được tiêm phòng. Dự báo, từ này đến cuối năm thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao.

Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc gia cầm lậu chưa qua kiểm dịch lại đang có chiều hướng phức tạp, ngày càng gia tăng. Tại TPHCM, tuần qua Chi cục Thú Y thành phố đã phối hợp với các ban ngành liên quan, kiểm tra và xử lý hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có giấy kiểm dịch chủ yếu từ các tỉnh chuyển vào thành phố.

Trong số 29 vụ vi phạm bị phát hiện, cơ quan chức năng tại các quận huyện cửa ngõ của thành phố như Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Củ Chi đã tiến hành xử phạt các đối tượng với số tiền gần 36,5 triệu đồng; xử lý và tiêu hủy hơn 500kg thịt heo; 120kg thịt gà làm sẵn; 480 con gia cầm sống; hơn 8.000 trứng gia cầm.

Trước tình hình dịch bệnh đe dọa lây lan trên diện rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông khuyến cáo, các loại vi rút gây bệnh đang lưu hành trên đàn vật nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tấn công gây bệnh. Những địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao như: nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, cần giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm; kiểm soát và quản lý chặt việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch. Nghiêm cấm vận chuyển vật nuôi bị bệnh ra khỏi vùng dịch.

Từ nay đến cuối năm sẽ là thời điểm những loại cúm gia cầm có độc lực cao như: H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như H7N9 sẽ gia tăng. Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh, TS.BS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Các chủng cúm nguy hiểm từ gia cầm và những loại bệnh trên đàn vật nuôi nói chung có thể lây sang người qua ăn uống và tiếp xúc trược tiếp. Do đó, các hộ chăn nuôi cần phải giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo an toàn thú y, thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; khi tiếp xúc với vật nuôi cần phải mang công cụ bảo hộ lao động, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc hoặc chế biến thức ăn.

Các bệnh nhân mắc cúm A/H5N1, liên cầu khuẩn lợn,… theo thống kê của Bộ Y tế phần lớn đều liên quan đến tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt, gia súc, gia cầm bệnh. Do đó, khi phát hiện vật nuôi bị bệnh, người dân tuyệt đối không được giết mổ, tiêu thụ mà cần thông báo đến cơ quan thú y địa phương để có giải pháp xử lý. Ngay cả gia cầm khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch cũng cần phải nấu chín kỹ, tuyệt đối không sử dụng huyết gia cầm để chế biến món tiết canh. Các bà nội trợ chỉ mua và sử dụng những sản phẩm đã có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tiem-an-nguy-co-dich-benh-tu-gia-suc-gia-cam-lau-20151207225612566.htm

10.30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chất bảo quản

(Dân Việt) Chế độ dinh dưỡng không hợp lý và sử dụng thực phẩm có chứa chất bảo quản là nguyên nhân gây nên 30% các bệnh ung thư, điển hình là ung thư đại tràng, ung thư vú...

   Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, năm 2000, số ca mắc ung thư là 68.810 và lên tới 126.307 ca vào năm 2010. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư là 190.000 ca.

Trao đổi với phóng viên, bên lề Hội thảo “Phối hợp đa ngành trong phòng chống ung thư Quốc gia” được tổ chức vào sáng 8.12 tại Hà Nội, PGS. TS Trần Văn Thuấn - Viện Trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ưng thư Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện nay tỷ lệ mắc ung thư gia tăng ở cả thế giới và Việt Nam.

Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân gây nên 30% bệnh ung thư, điển hình là ung thư phổi và ung thư vòm họng. Có 30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chứa chất bảo quản. Có từ 5-10% các bệnh ung thư liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, các loại vi rút, thuốc trừ sâu, người làm việc trong môi trường độc hại cũng có nguy cơ mắc ung thư cao.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, ung thư phổi ở nam giới tăng, ung thư vú ở nữ giới là phổ biến nhất, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm.

PGS. TS Trần Văn Thuấn chia sẻ, hiện nay tại một số nước phát triển đã chữa khỏi được trên 80% các bệnh ung thư. Có được kết quả trên là nhờ các thành tựu trong phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư. Tại Việt Nam, theo thống kê, có trên 70% bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn cuối. Chính vì vậy mà hiệu quả điều trị không cao, kéo theo đó là thời gian điều trị và chi phí tăng cao. Do đó, việc phát hiện sớm ảnh hưởng rất lớn tới quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư. 

PGS. TS Trần Văn Thuấn khuyên, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe. Trường hợp mắc ung thư sẽ được bác sĩ phát hiện và điều trị sớm. "Ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp, PGS. TS Trần Văn Thuấn nói.

Hiện nay, cả nước có 6 bệnh viện chuyên khoa về ung thư. Bên cạnh đó, có 50 trung tâm, đơn vị đáp ứng được cơ bản nhu cầu khám, phát hiện sớm và điều trị ung thư cho người dân trên cả nước.

http://danviet.vn/tin-tuc/30-benh-nhan-bi-ung-thu-do-an-thuc-pham-co-chat-bao-quan-646435.html

 

HIV/AIDS: Nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng rất lớn

 (VnMedia) - Hiện mới chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khiến nhiều người lo ngại những bệnh nhân này không có tiền theo đuổi điều trị, hàng nghìn người sẽ bỏ thuốc, kéo theo nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng rất lớn.

Mỗi năm Việt Nam thêm 12.000 người nhiễm HIV

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đã có khoảng 78 triệu người nhiễm HIV trên thế giới, trong đó ước tính 50% đã tử vong. Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2015, số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là khoảng 227.000 trường hợp với trung bình 12.000 - 14.000 ca nhiễm mới mỗi năm và đã có khoảng 75.000 người tử vong do AIDS được báo cáo kể từ đầu vụ dịch đến nay. Đại dịch HIV có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, dù không gây tử vong ngay khi nhiễm bệnh, nhưng HIV không thể bị tiêu diệt, người nhiễm HIV là nhiễm suốt đời, khả năng lây lan lớn, thời gian ủ bệnh dài và không có dấu hiệu nên khó phát hiện để phòng tránh, khi dấu hiệu bệnh phát ra ngoài thì đã chuyển sang giai đoạn bệnh nặng, khiến việc kiểm soát, dự phòng và điều trị phức tạp hơn rất nhiều.

Tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở các bệnh nhân. Theo báo cáo Bộ Y tế năm 2014, số ca tử vong do HIV/AIDS là 2.299 ca, gấp gần 230 lần mức trung bình của một bệnh truyền nhiễm (10 ca tử vong/bệnh trong tổng số 28 bệnh).

Như vậy, mặc dù trong thời gian qua Việt Nam đã khống chế không để dịch HIV/AIDS gia tăng nhưng mới chỉ là giảm về xu hướng, trong khi lũy tích số người nhiễm HIV còn sống vẫn tiếp tục tăng cao cho nên có thể nói dịch HIV/AIDS vẫn là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất đối với nhân loại và công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn cần sự ưu tiên hàng đầu.

Chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ tháng 3/2016 nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới, trong khi đó mỗi năm Việt Nam có khoảng 800-1.000 bệnh nhân nhiễm HIV mới phải điều trị bằng thuốc ARV. Đến hết năm 2017 khoản viện trợ này sẽ chấm dứt hoàn toàn.

Như vậy, sau giai đoạn này, hàng loạt các dịch vụ miễn phí trước kia (do được tài trợ) như xét nghiệm HIV, thuốc ARV, thuốc cơ hội… sẽ do BHYT thanh toán. Bệnh nhân HIV có BHYT sẽ được BHYT thanh toán tiền điều trị ARV, đồng thời cũng phải đồng chi trả tiền thuốc và xét nghiệm theo quy định. Còn bệnh nhân HI/AIDS không có thẻ BHYT sẽ phải tự bỏ toàn bộ chi phí điều trị.

Đối với người nhiễm HIV/AIDS, việc điều trị bằng thuốc ARV phải được tuân thủ suốt đời và ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn. Bởi vì, nếu người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 1 mà không tuân thủ điều trị thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và buộc phải chuyển sang phác đồ bậc 2, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ chịu tác dụng phụ của thuốc và áp lực lớn hơn về tài chính. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất cao và chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất tốn kém. Cho nên, nếu không tham gia BHYT thì bản thân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ sẽ phải chịu nhiều gánh nặng về kinh tế.

Theo đó, nếu bệnh nhân vì chi phí y tế mà bỏ điều trị sẽ là nguy cơ lớn trong cộng đồng. TS Long cho biết, Việt Nam xác định BHYT là giải pháp đảm bảo bền vững trong điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Do vậy, điều cần thiết là tăng cường truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận.

Thực tế này cho thấy, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT thì bản thân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ cần ý thức và thấy rõ những lợi ích mà BHYT mang lại.

Quyền lợi của người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 15/2015/TT-BYT, người tham gia BHYT nhiễm HIV khi khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT, được quỹ BHYT chi trả:

a) Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT;

b) Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả;

c) Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;

d) Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;

đ) Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn);

e) Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);

g) Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Để bảo đảm việc điều trị bệnh thường xuyên và liên tục trong trường hợp không được cấp phát thuốc miễn phí như trước đây,  người bị nhiễm HIV/AIDS nên tham gia BHYT và sử dụng thẻ trong các lần đi khám chữa bệnh.

http://vnmedia.vn/suc-khoe/201512/hivaids-nguy-co-lay-nhiem-cho-cong-dong-rat-lon-513051/

 

Thuốc bảo vệ mắt, bổ mắt: Không được dùng tùy tiện

Hiện nay, nhiều người dùng các thuốc nhỏ mắt, thuốc uống với mục đích bổ mắt và phòng bệnh mà chưa biết được hiệu quả thực của các thuốc này như thế nào. Nếu dùng không đúng nhiều khi còn rước thêm bệnh cho mắt.

Thuốc nhỏ chống khô, ngứa mắt

Một loại thuốc nhỏ mắt được nhiều người tin dùng hằng ngày đó là nước muối sinh lý (NaCl 0,9%), do thuốc chỉ chứa muối NaCl với nồng độ giống như nước mắt nhằm đạt độ đẳng trương làm dịu mắt, cung cấp nước cho mắt bị khô và làm sạch mắt.

Tuy nhiên cũng không nên dùng NaCl 0,9% thường xuyên hằng ngày trong thời gian dài. Khi đã mở lọ thuốc ra chỉ nên dùng trong vòng 15 ngày, sau thời gian đó thuốc có nguy cơ không còn đạt được độ vô khuẩn. Vì vậy khi nhỏ mắt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn yếm khí hoặc vi nấm phát triển và gây bệnh ở mắt.

Thực ra nếu mắt đang bình thường, không có gì khác thường (ngứa, đỏ mắt..) thì không nên dùng thuốc nhỏ mắt (bất cứ loại thuốc nào) để nhỏ vào mắt. Chỉ khi nào làm việc bằng mắt nhiều, cảm thấy mỏi mắt, khô mắt hoặc khi tiếp xúc với môi trường có nhiều bụi, thì có thể nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý để làm sạch mắt.

Một số người dùng thuốc nhỏ mắt có chứa thêm chất làm tăng độ nhầy, chống khô mắt. Các thuốc này thực ra không phải là thuốc nhỏ để dưỡng mắt mà còn được gọi là “nước mắt nhân tạo”.

Trong “nước mắt nhân tạo” có chứa các chất tăng độ nhầy gọi chung là hydrogel (một số loại hydrogel thường gặp: hydroxypropyl methylcellulose, carboxy methylcellulose, hyaluronic acid...), là thành phần chính để tăng độ nhầy, giúp nước mắt nhân tạo lưu giữ lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu. Việc này lại càng không cần thiết bởi mắt luôn luôn có nước mắt tiết ra tạo lớp phim mỏng bảo vệ mắt.

Nước mắt nhân tạo được kê đơn trong những trường hợp có bệnh lý làm cho mắt bị khô, không tiết đủ nước mắt, nên mắt không có đủ độ trơn nhầy. Còn với mắt bình thường, lượng nước mắt luôn được tiết ra đủ để bảo vệ  mắt thì việc dùng nước mắt nhân tạo là thừa.

Khi nhỏ mắt bằng thuốc nhỏ mắt để rửa mắt, làm dịu mắt hoặc dùng “nước mắt nhân tạo” để chống khô mắt cũng cần lưu ý, nhỏ mắt một thời gian thấy cải thiện thì ngưng, chỉ khi nào triệu chứng mỏi mắt, khô mắt tái phát mới dùng các thuốc này trở lại. Đừng lạm dụng “nước mắt nhân tạo” chỉ vì tưởng lầm đó là thuốc bổ mắt dùng sao cũng được.

Khi dùng loại thuốc này vẫn có thể bị tác dụng phụ như kích ứng làm ngứa mắt, nóng rát, xốn mắt, dị ứng gây đỏ mắt, sung huyết kết mạc, viêm bờ mi... Nếu nhỏ thuốc mà bị các rối loạn vừa kể phải ngưng ngay và đi khám.

Để bảo vệ hoặc phòng các bệnh ở mắt, một số người còn rỉ tai nhau mua những loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh (chloramphenicol, polymyxin B và neomycin) hoặc loại thuốc phối hợp kháng sinh và corticoid về tra, nhỏ. Việc này thực chất là lạm dụng thuốc vì kháng sinh nhỏ mắt chỉ có tác dụng khi mắt bị nhiễm khuẩn (đau mắt đỏ, viêm giác mạc, viêm mi mắt...), chứ không có tác dụng phòng bệnh.

Hơn nữa, corticoid là chất kháng viêm rất mạnh, dùng đúng chỉ định sẽ đem lại kết quả tốt trong điều trị, còn sử dụng không đúng, lạm dụng thuốc sẽ gây biến chứng rất nghiêm trọng.

Trường hợp bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do nấm hay herpes, nếu nhỏ corticoid sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc. Trong trường hợp sử dụng kéo dài sẽ gây đục thủy tinh thể (cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước) dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù mắt vĩnh viễn.

Thuốc bổ mắt không có tác dụng chữa bệnh

Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc bổ mắt dạng viên uống được quảng bá rộng rãi với nhiều tác dụng như: giúp sáng mắt, chống khô mắt, nhìn mờ, phòng ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể, giảm thị lực... Thực chất thành phần chính trong các thuốc bổ mắt kể trên chứa các vitamin như: vitamin A, vitamin E, vitamin C, một số vitamin nhóm B, lutein, zeaxanthin... Đây là những chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho mắt chứ không có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh.

Thậm chí có người còn cho con dùng như một giải pháp để phòng bệnh cận thị. Thật ra, không có loại thuốc bổ mắt nào có thể ngăn ngừa được bệnh cận thị và ngay cả những người đã bị cận rồi mà uống thuốc bổ mắt cũng không thể làm mắt sáng hơn được.

Dù nhiều loại thuốc bổ mắt ghi rõ ngăn ngừa và điều trị bệnh đục thủy tinh thể, nhưng xem kỹ các thành phần của thuốc không hề có tác dụng phòng ngừa bệnh này.

Lời khuyên của thầy thuốc

Việc chăm sóc mắt hằng ngày là rất cần thiết cho mọi người. Nếu làm việc với máy tính, giảm ánh sáng và sự chiếu sáng của màn hình hoặc đeo kính bảo vệ mắt. Cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút làm việc. Chớp mắt thường xuyên hơn khi đang làm việc để mắt khỏi khô. Đeo kính râm khi ra nắng gay gắt. Đặc biệt cung cấp đầy đủ dưỡng chất qua thực phẩm hằng ngày để nuôi dưỡng cho mắt sáng khỏe từ bên trong.

Nên ăn nhiều rau, trái cây tươi là cách tốt nhất bổ sung vitamin và chất khoáng thiên nhiên cần thiết, đặc biệt là các dưỡng chất có tác dụng chống ôxy hóa. Cần khám mắt ở bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện có những bất thường, không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt ngay cả thuốc uống bổ mắt khi không hiểu rõ về tác dụng và chất lượng của thuốc.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/thuoc-bao-ve-mat-bo-mat-khong-duoc-dung-tuy-tien-2015120812061117.htm

Uống thuốc trừ sâu vì tưởng là nước ngọt

Đi chơi về khát nước, bé trai chộp ngay chai nước (loại chai trà xanh O độ) đựng thuốc trừ sâu uống nên bị ngộ độc

Ngày 8-.12, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết nơi đây đang chữa trị nam bệnh nhi L.T.C. (2 tuổi rưỡi, ngụ TP HCM) bị ngộ độc thuốc trừ sâu.

Bé C. được chuyển đến trong tình trạng lừ đừ, nhiều đàm nhớt, đồng tử co nhỏ cả 2 bên. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu khẩn cấp, rửa dạ dày, cho uống than hoạt, thuốc đối kháng, truyền dịch dinh dưỡng… Sau một tuần điều trị tích cực, sức khỏe bé C. cải thiện dần, tỉnh táo, sinh hiệu ổn định.

Trước đó, vừa đi chơi về, thấy chai (loại chai trà xanh O độ) đựng thuốc trừ sâu, bé C. tưởng là nước ngọt liền lấy uống, sau đó phun ho sặc sụa. Người nhà phát hiện đưa em sơ cứu tại cơ sở y tế địa phương trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, lưu ý qua trường hợp này, phụ huynh nên cảnh giác, không để hóa chất trong chai nước uống và để xa tầm tay trẻ các loại thuốc, hóa chất độc hại, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/uong-thuoc-tru-sau-vi-tuong-la-nuoc-ngot-2015120906092733.htm

 

Giật mình với tác hại cho sức khỏe khi ăn nhiều mì ăn liền

Mì ăn liền là một loại thực phẩm đóng gói phổ biến và là món ăn ưa thích của nhiều người. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, Việt Nam  là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ hai thế giới. Tuy nhiên, đây lại là một con số đáng e ngại bởi mì ăn liền đem lại nhiều hại hơn là lợi.

Hàn Quốc là nước dẫn đầu trong danh sách tiêu thụ nhiều mì ăn liền nhất trên thế giới. Theo báo cáo này, nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ mì ăn liền tại Hàn Quốc tăng cao là do ngày càng xuất hiện các hộ gia đình “chỉ có một người”, chính vì thế mà người dân nước này có xu hướng lựa chọn những bữa ăn đơn giản và dễ ăn.

Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách tiêu thụ mì ăn liền mạnh. Ước tính, 1 năm mỗi người ăn khoảng hơn 50 gói.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mì ăn liền không chứa các chất dinh dưỡng nào bởi cảm gia no sau khi ăn loại thực phẩm này là do carbohydrate đem lại.

Mì ăn liền chỉ chứa nhiều năng lượng chủ yếu từ chất béo và tinh bột. Dùng nhiều mì ăn liền không những khiến bạn có nguy cơ bị mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất xơ, vitamin, chất đạm, khoáng chất… mà lại còn có nguy cơ béo bụng do tiêu thụ quá nhiều tinh bột.Trong mì ăn liền không những không chứa dưỡng chất mà còn đem lại nhiều cái hại cho sức khỏe. 

Một gói mì có thể chứa đến 2.000 mg muối, nhiều hơn 4 lần so với lượng muối Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị cơ thể cần mỗi ngày, làm tăng nguy cơ huyết áp cao và đột quỵ, thậm chí còn dễ làm tăng huyết áp, tổn thương chức năng thận và dễ tạo sỏi thận.

Trong thành phần mì ăn liền chủ yếu là bột và rất nhiều chất béo bão hòa, nhất là chất béo chuyển hóa (transfat) do được tạo ra khi chiên trong các loại dầu ăn rồi sấy khô. Sự dư thừa các "chất béo không tốt" này dễ gây nên thừa cân, béo phì, béo bụng. Thêm vào đó, tăng lượng cholesterol (mỡ xấu trong máu) còn dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim và đột quỵ não.

Biết rằng có hại, tuy nhiên, việc từ bỏ thói quen ăn mì ăn liền là rất khó. Nhiều gia đình có thói quen sắm cả thùng mì ăn liền để dự trữ ăn dần. Có những người bị "nghiện" ăn mì ăn liền, coi nó như một thực phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.

http://laodong.com.vn/suc-khoe/giat-minh-voi-tac-hai-cho-suc-khoe-khi-an-nhieu-mi-an-lien-404407.bld

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang