Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 01/12/2016

  • |
T5g.org.vn - Kết luận về việc bệnh nhân tử vong do cắt amidan tại Nam Định; Khối bã thức ăn to như quả trứng trong dạ dày vì ăn hồng ngâm; Việt Nam bị xếp vào danh sách tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao; Hướng dẫn xây dựng thí điểm chỉ số cơ bản đo lường chất lượng bệnh viện; ...

Kết luận về việc bệnh nhân tử vong do cắt amidan tại Nam Định

http://www.vietnamplus.vn/ket-luan-ve-viec-benh-nhan-tu-vong-do-cat-amidan-tai-nam-dinh/418600.vnp

Sốc phản vệ là nguyên nhân của trường hợp tử vong sau cắt amidan được công bố bởi Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hòa.

Cụ thể, liên quan đến phản ánh của các cơ quan báo chí về việc bệnh nhân Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1981, trú tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) tử vong “bất thường” sau khi vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định cắt amidan gây xôn xao dư luận, chiều 30/11, tại buổi họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hòa cho biết bệnh nhân Thuận tử vong là do sốc phản vệ.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân Thuận nhập viện vào Khoa Tai Mũi Họng lúc 10 giờ 30 phút ngày 31/10, được các bác sỹ chẩn đoán viêm amidan mãn tính quá phát và được chỉ định mổ.

Ngày 2/11, bệnh nhân được phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện gây mê nội khí quản.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân Thuận có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn, bệnh viện đã tiến hành cấp cứu theo đúng phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế, sau đó chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để cứu chữa.

Tuy nhiên, đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân Thuận tử vong.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở Y tế tỉnh Nam Định, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định đã thành lập Hội đồng chuyên môn để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Kết quả, Hội đồng chuyên môn xác định việc chỉ định phẫu thuật cắt amidan là đúng. Các quy trình chuyên môn được thực hiện nghiêm túc.

Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và quá trình diễn biến bệnh, Hội đồng kết luận bệnh nhân Nguyễn Thị Thuận tử vong do sốc phản vệ.

 

Khối bã thức ăn to như quả trứng trong dạ dày vì ăn hồng ngâm

http://www.vietnamplus.vn/khoi-ba-thuc-an-to-nhu-qua-trung-trong-da-day-vi-an-hong-ngam/418546.vnp

Ngày 30/11, các bác sỹ Bệnh viện E vừa can thiệp thành công cho một bệnh nhân nữ (45 tuổi, Phù Ninh, Phú Thọ) bị tắc ruột do bã thức ăn từ trái hồng ngâm.

Các bác sỹ đã tiến hành nội soi dạ dày và bất ngờ phát hiện 4 khối bã thức ăn to như quả trứng trong dạ dày bệnh nhân, trong đó, 3 khối bã thức ăn có đường kính 4-6cm và 1 khối to bất thường với đường kính trên 7cm.

Thạc sỹ Vũ Hồng Anh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng - nội soi, cho biết, bệnh nhân H.T.S. nhập viện trong tình trạng đau bụng, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng.

Trong gần 2 giờ, các bác sỹ đã tiến hành can thiệp nội soi cắt nhỏ và gắp bỏ ra hoàn toàn 3 khối bã thức ăn.

Đối với khối bã thức ăn lớn đường kính trên 7cm còn lại trong dạ dày bệnh nhân, các bác sỹ quyết định sẽ phải tiến hành thêm một lần can thiệp khác, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Số khối bã thức ăn được lấy ra lần này có nhiều mảnh xơ từ quả hồng ngâm mà bệnh nhân đã ăn trước đó.

Bệnh nhân S. cho biết, cách đây vài ngày, bà có ăn 3 trái hồng ngâm loại to vào lúc đói. Sau khi ăn vài giờ, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, nôn, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng, ăn uống kém. Gia đình đưa khám tại một cơ sở y tế tại địa phương và được chẩn đoán là nghi có khối u trong bụng.

Bà được chuyển lên Bệnh viện K điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân này đã đến Bệnh viện E và được các bác sỹ khám, chẩn đoán là tắc ruột do 4 khối bã thức ăn, chỉ định can thiệp nội soi.

Đến nay sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và sẽ được ra viện trong vài ngày tới.

Theo bác sỹ Hồng Anh, tắc ruột do khối bã thức ăn thường gặp ở người già và trẻ nhỏ nhưng cá biệt, gần đây lại bắt đầu thấy xuất hiện ở người lớn (độ tuổi thanh niên) khiến số bệnh nhân vào viện điều trị có xu hướng tăng.

Trước đây, Bệnh viện E đã từng xử trí cho bệnh nhân nữ (23 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) bị tắc ruột do một khối bã thức ăn kết dính lại sau khi ăn quá nhiều măng khô.

Các bác sỹ Bệnh viện E cho hay, khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng... Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.

Các bác sỹ cảnh báo, nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.

Vì thế, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, người dân cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi: thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ...

 

Việt Nam bị xếp vào danh sách tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao

http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-bi-xep-vao-danh-sach-ty-le-khang-thuoc-khang-sinh-cao/418576.vnp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng thế hệ mới.

Tại Việt Nam, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế. Nguyên nhân là do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng nguy hiểm hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường.

Sáng 30/11, tại lễ míttinh truyền thông phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam năm 2016 do Bộ Y tế tổ chức, đại diện Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng lên tiếng kêu gọi mỗi cán bộ y tế, người dân và toàn thể cộng đồng cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại. Đây là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng và đặc biệt, tình trạng kháng thuốc kháng sinh làm giảm hiệu quả các phương pháp điều trị kinh điển.

Thông điệp được Bộ Y tế đưa ra là mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ. Người nông dân sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Các cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.Theo WHO, kháng sinh ra đời không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm

sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất.

Song song với điều này cũng đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn. Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng hết sức trầm trọng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

“Không hành động hôm nay ngày mai không thuốc chữa” là khẩu hiệu mà WHO kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam./.

 

Hướng dẫn xây dựng thí điểm chỉ số cơ bản đo lường chất lượng bệnh viện

http://baochinhphu.vn/suc-khoe/huong-dan-xay-dung-thi-diem-chi-so-co-ban-do-luong-chat-luong-benh-vien/293005.vgp

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn xây dựng thí điểm một số chỉ số cơ bản đo lường chất lượng bệnh viện.

Theo đó, chỉ số đánh giá chất lượng bệnh viện là 1 công cụ để đo lường các khía cạnh chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thể hiện bằng con số, tỷ lệ, tỷ số, tỷ suất... là cơ sở để thực hiện cải tiến chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và so sánh chất lượng dịch vụ giữa các bệnh viện.

Các khía cạnh đo lường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh gồm:

Năng lực chuyên môn: Đánh giá sự hợp lý trong cung cấp các dịch vụ y tế theo khuyến cáo y khoa và quy định phân tuyến.

An toàn: Phản ánh nguy cơ đối với sức khỏe của người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng khi cung cấp dịch vụ y tế.

Hiệu suất: Giúp đánh giá việc sử dụng tối ưu các nguồn lực hiện có để cung cấp dịch vụ y tế có chi phí-hiệu quả tốt nhất.

Hiệu quả: Giúp đánh giá những can thiệp y tế có đem lại kết quả mong muốn.

Hướng đến nhân viên: Sự đãi ngộ của bệnh viện với nhân viên y tế.

Hướng đến người bệnh: Đánh giá sự hài lòng của người bệnh liên quan nhiều đến các khía cạnh ngoài y tế, bao gồm: tiện nghi sinh hoạt và vệ sinh trong buồng bệnh, cách ứng xử và giao tiếp...

Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối, phối hợp với các Vụ, Cục và các đơn vị liên quan hướng dẫn và triển khai thực hiện "Hướng dẫn xây dựng thí điểm một số chỉ số cơ bản đo lường chất lượng bệnh viện", tổ chức đánh giá thực hiện và báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.

 

Quảng Ninh thực hiện được nhiều kỹ thuật cao về tim mạch

http://cand.com.vn/y-te/Quang-Ninh-thuc-hien-duoc-nhieu-ky-thuat-cao-ve-tim-mach-419243/

Chiều 30-11, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh sơ kết công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch giữa Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ninh.

BVĐK tỉnh Quảng Ninh là BV vệ tinh chuyên ngành tim mạch của BV Viện Tim mạch Quốc gia. Tháng 12-2015, BV đã xây dựng, hoàn thiện khu phẫu thuật và can thiệp tim mạch cùng quy trình kỹ thuật, phẫu thuật, can thiệp tim mạch và đi vào hoạt động.

Đồng thời với việc trang bị cơ sở vật chất, BVĐK tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chuẩn bị nhân lực cho phát triển chuyên khoa tim mạch, đặc biệt là tim mạch can thiệp.

Viện Tim mạch Quốc gia đã xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch chuyển giao nhiều gói kỹ thuật chuyên khoa tim mạch cho BVĐK tỉnh Quảng Ninh: chụp và can thiệp động mạch vành qua da; thăm dò điện sinh lý tim; cấp cứu tim mạch, siêu âm tim và mạch máu; ĐTĐ cơ bản và nâng cao; chuyển giao kỹ thuật Siêu âm tim qua thành ngực; siêu âm tim qua thực quả  và cấp cứu tim mạch; tim mạch can thiệp…

Từ tháng 7-2016, kỹ thuật chụp mạch vành- nong và đặt stent; kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn đã được thực hiện độc lập, thường quy tại BVĐK tỉnh Quảng Ninh.

Vì thế hiện nay, hầu hết các bệnh nhân tim mạch ở Quảng Ninh đã được điều trị tại chỗ. Nhiều bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời nhờ không phải chuyển đi xa, lại được các bác sĩ có tay nghề thực hiện các kỹ thuật cao ngay tại địa phương. Kết quả này cũng góp phần giảm tải cho các BV tuyến Trung ương.

 

Vạch mặt chiêu “móc túi” của phòng khám nam khoa có bác sĩ ngoại

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vach-mat-chieu-moc-tui-cua-phong-kham-nam-khoa-co-bac-si-ngoai-20161130080815959.htm

Ths.BS Nguyễn Hoài Bắc – chuyên gia nam học nổi tiếng mới đây đã bày tỏ sự bất bình trước tình trạng “tiền mất, tật mạng” của nhiều đấng mày râu sau khi chữa bệnh chỗ kín tại các phòng khám nam khoa tư nhân có bác sĩ Trung Quốc. Vị bác sĩ này đã có những phân tích rất xác đáng để vạch mặt chiêu trò lừa gạt bệnh nhân của những phòng khám nam khoa đó.

Dọa nạt, vẽ thêm bệnh để lấy tiền

Theo lời kể của BS Nguyễn Hoài Bắc, thời gian gần đây, mỗi ngày BS Bắc nhận được vài tin nhắn của bệnh nhân (BN) đã dại dột đến khám chữa tại các phòng khám (PK) nam khoa tư nhân có BS Trung Quốc.

“Chồng em lỡ đến khám PK T.H để cắt bao quy đầu giờ mới biết là PK lừa đảo. Hôm nay sau cắt ngày thứ 2 mà chi phí hết hơn 10 triệu đồng. Họ không cho thuốc mà bắt đến truyền dịch mỗi ngày hết thêm 3,5 triệu nữa. Giờ vợ chồng em rất hoang mang, nên mong được theo BS để BS cho thuốc điều trị tiếp...” - đây là một trong nhiều tin nhắn được BS Bắc công khai trên trang Facebook của mình.

Trước những lầm lỡ của bệnh nhân (BN), BS Bắc chia sẻ với báo Sức khoẻ& Đời sống: “Sau đây là một vài lưu ý cho các bạn muốn cắt bao quy đầu ở các PK tư nhân có yếu tố Trung Quốc nhé: Bản chất của việc cắt bao quy đầu là việc loại bỏ phần da thừa che phủ quy đầu khiến quy đầu ẩm ướt dễ viêm nhiễm gây mùi và khó chịu cho thân chủ. Nên dù là phương pháp nào đi chăng nữa thì bản chất đều giống nhau.

Các bạn đừng quan tâm và nghe theo những lời tư vấn rất “có cánh” của các PK nam khoa có người Trung Quốc. Họ thường vẽ ra phương pháp của Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu, Châu Mỹ…. để hòng rút hầu bao của bạn. Các phòng khám này thường dùng các mánh khóe như sau để lừa các bạn: Mới đầu họ giải thích và thuyết phục bạn cắt bao quy đầu với giá là X đồng, bạn đồng ý cắt. Khi bạn nằm lên bàn cắt rồi họ sẽ dỗ dành bạn chuyển sang cắt theo phương pháp của Châu Âu cho đẹp thì giá sẽ tăng lên Y đồng, nếu bạn muốn chuyển sang phương pháp cắt kiểu Châu Mỹ cho sành điệu thì giá sẽ tăng lên Z đồng. Bằng các mánh khóe này bạn có thể sẽ mất 3 triệu, 5 triệu, 7 triệu, 10 triệu cho một thủ thuật cắt bao quy đầu...”

BS Bắc nhấn mạnh: “Sau cắt bao quy đầu chỉ cần dùng kháng sinh đường uống để chống nhiễm trùng và bạn có thể tự thay băng được ở nhà nếu như được hướng dẫn, sau khoảng 1 tuần vết thương sẽ lành. Nếu sau cắt bao quy đầu mà PK không chịu kê đơn thuốc cho bạn, bắt bạn đến đó hàng ngày để truyền nước, truyền kháng sinh và chiếu tia thì đó là dấu hiệu họ đang gạ gẫm bạn và vẽ bệnh lấy tiền. Thủ đoạn móc túi của họ là gạ gẫm, dọa nạt và vẽ ra đủ thứ hậu quả khủng khiếp để bạn sợ nên đành phải đến đó thực hiện những y lệnh của họ. Mỗi ngày bạn đến đó sẽ mất từ 1 triệu đến 1,5 triệu. Bạn phải đến đó làm thuốc như vậy từ 7 ngày, 10 ngày, thậm chí là 15 ngày tùy theo mức độ “gà” và yếu “bóng vía” của bạn. Bằng thủ đoạn này, chúng có thể móc túi của các bạn từ 10 triệu đến 15 triệu hoặc hơn thế. Vì vậy các bạn hết sức cảnh giác”

Nguy hiểm rình rập mà không hay biết

BS Nguyễn Hoài Bắc đã vạch ra những mối nguy hiểm mà người bệnh không hay biết khi trao tính mạng cho những người vô lương tâm. “Hậu quả của việc gạ gẫm các bạn đến truyền nước, truyền thuốc kháng sinh và chiếu tia hồng ngoại đối với sức khỏe thì vô cùng nguy hiểm. Truyền nước và truyền kháng sinh có nguy cơ gây shock phản vệ dẫn đến tử vong. Mà khi có người tử vong chắc chắn bọn đó sẽ chuồn về nước.

Việc chiếu tia hồng ngoại vào tinh hoàn trong thời gian dài chẳng khác đang luộc tinh hoàn như đang luộc trứng gà, trứng vịt. Điều này đã được chứng minh, có rất nhiều bạn sống dở chết dở sau khi chiếu tia, chiếu đèn đến làm tinh dịch đồ đều cho thấy mật độ tinh trùng bằng không.

Một BS nam khoa cũng cảnh báo về kiểu chữa lậu cho một bệnh nhân nam của BS Trung Quốc tại một trung tâm SKSS. Phác đồ điều trị là thuốc tiêm Spectinomycin 2g x 2 mũi/ngày x 2 ngày là quá nặng. Theo khuyến cáo Spectinomycin chỉ dùng 1 liều duy nhất 2g/ngày, nhưng ở đây lại điều trị gấp 4 lần liều khuyến cáo. Hơn nữa, theo các phác đồ điều trị lậu đã không khuyến cáo dử dụng Spectinomycin.

Bệnh lậu hoàn toàn có thể điều trị đường uống. Về kinh tế và hiệu quả điều trị, bệnh nhân hoàn toàn có thể khỏi với đơn thuốc uống vài trăm ngàn. Nhưng các BS Trung Quốc không chỉ làm thiệt hại kinh tế của người bệnh mà còn làm như gia tăng các nguy cơ dị ứng, kháng thuốc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh.

Theo các BS nam khoa tại Bệnh viện Đại học y Hà Nội, hầu hết bệnh nhân đi khám ở các PK có BS Trung Quốc chỉ đến khi bệnh trở nặng, mất rất nhiều tiền mới đến khám bệnh viện công. Điển hình là trường hợp một thanh niên đến phòng khám tư được BS Trung Quốc cắt bao quy đầu + chiếu đèn truyền dịch, truyền hết nước gần 20 triệu, sau đó được chẩn đoán tinh trùng yếu, điều trị ở đấy thêm chục ngày nữa hết thêm gần hai chục triệu không chịu được mới vào phòng khám Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Lúc này tinh hoàn to như 2 quả trứng vịt, tinh trùng thì suy giảm trầm trọng, rối loạn nội tiết... Vậy là vừa mất đống tiền lại vừa thêm bệnh.

Các BS ở đây kết luận: “ BS Trung Quốc bảo vạch ra để cắt là nghe ngay, bác sĩ bài bản bệnh viện thì không ưa. Bị dọa cho mấy câu vô sinh, ung thư là cuống lên là rút hầu bao, để rồi tiền mất tật mang... Vấn đề này rất cần cảnh báo đến người dân và các cơ quan chức năng cần vào cuộc.”

 

Hà Nội: Xuất hiện ca bệnh não mô cầu ở kí túc xá

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-xuat-hien-ca-benh-nao-mo-cau-o-ki-tuc-xa-20161130145716847.htm

Một nữ sinh 18 tuổi sau 3 - 4 ngày sốt đã rơi vào hôn mê, được xác định nhiễm não mô cầu. 2 bạn học của nữ sinh này cũng đang bị sốt, hiện đang được cách ly, chờ kết quả xét nghiệm.

Ngày 30/11, nguồn tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân N.T.H.V (18 tuổi ở KTX trung tâm Nhật ngữ, đường Duy tân, Cầu giấy) nhập viện trước đó đã được chẩn đoán viêm màng não do mô cầu.

Trước thời điểm vào viện, bệnh nhân sốt 3-4 ngày, đau đầu rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê. Đáng nói, mấy ngày đầu khi mới xuất hiện dấu hiệu sốt, đau đầu, bệnh nhân vẫn đi học bình thường, tiếp xúc với các bạn cùng lớp. Trong khi đó, não mô cầu là một bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, nên có thể lây cho bạn học.

Sau khi xuất hiện tình trạng hôn mê, bệnh nhân được đưa vào BV Nhiệt đới được chẩn đoán Viêm màng não do Não mô cầu. Sau khi bệnh nhân này sốt, có hai bạn học cũng xuất hiện dấu hiệu sốt, đau đầu đã được đưa vào bệnh viện khám, cách ly và chờ kết quả xét nghiệm. Đến hôm nay, nữ bệnh nhân đã tỉnh lại nhưng vẫn còn tình trạng đau đầu.

Được biết, tại Trung tâm Nhật ngữ này có khoảng 70 học viên, hiện đang được Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành khử khuẩn tại trung tâm, giám sát chặt chẽ.

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội), ngay khi nhận được thông tin báo về ca bệnh viêm não mô cầu điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cử một đội đến các nơi ở, nơi học của học sinh này để xử lý dịch, điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần với người bệnh.

Theo đó, hiện ngoài bệnh nhân và hai trường hợp được theo dõi tại viện, những người còn lại đều được hướng dẫn cách ly, đeo khẩu trang, theo dõi tại nhà. Với những trường hợp cần thiết sẽ được uống một liều kháng sinh dự phòng. Do bệnh nhân sống tại KTX, vẫn đi học khi có sốt nên số người tiếp xúc khá lớn, lượng người phải uống kháng sinh dự phòng đến vài chục người.

TS Cảm cho biết, viêm màng não mô cầu là bệnh lây qua đường hô hấp nhưng rất may, kháng sinh điều trị rất đặc hiệu với vi khuẩn này. Vì thế, phát hiện bệnh sớm, được dùng kháng sinh đúng chỉ định sẽ khống chế được bệnh.

Đây cũng là bệnh lý có xu hướng gia tăng trong mùa đông xuân. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh rải rác tại Hà Nội đều được phát hiện, điều trị kịp thời, xử lý ổ dịch tốt nên không có thêm ca mắc mới tại nơi có bệnh nhân.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), khi thấy biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, bệnh nhân nên chủ động đi khám. Người có biểu hiện sốt, đau đầu cần chủ động đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng thường xuyên để phòng lây bệnh cho người khác.

 

Gần 65% người cao tuổi nằm viện bị suy dinh dưỡng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/gan-65-nguoi-cao-tuoi-nam-vien-bi-suy-dinh-duong-20161130204854969.htm

Dinh dưỡng trong điều trị cho người bệnh giữ vai trò quan trọng ngang với việc dùng thuốc. Tuy nhiên, chất lượng bữa ăn chưa được cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân quan tâm đúng mức. Đây là nguyên nhân chính khiến gần 65% người cao tuổi nằm viện bị suy dinh dưỡng.

Đó là kết quả nghiên cứu vừa được Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM công bố trong Hội nghị khoa học diễn ra tại TPHCM. Việc nghiên cứu được thực hiện trên 1.240 bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, độ tuổi đa phần trên 60, có chỉ định xét nghiệm nồng độ Albumine, Protein từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016.

Trong đó, Protein là thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất tạo nên các bộ phần của cơ thể; Albumine là thành phần Protein chiếm từ 58% đến 74% lượng Protein toàn phần, giúp cơ thể duy trì áp lực keo và tham gia vận chuyển nhiều chất trong cơ thể như Bilirubin, Acid béo, thuốc và hormon.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ bệnh nhân nằm viện suy dinh dưỡng theo Albumin là 64,99%; tỷ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân nằm viên theo Protein là 41,66%. Bệnh nhân suy dinh dưỡng gặp nhiều nhất ở các khoa Hồi sức Tích cực Chống độc; Nội thận và khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu khuyến cáo, vai trò của dinh dưỡng cũng quan trọng như thuốc dùng trong việc điều trị, giúp người bệnh bình phục. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân khi nằm viện điều trị họ không ý thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng mà chỉ nghĩ đến thuốc, thủ thuật, phẫu thuật... Vì vậy, trong quá trình bệnh nhân nằm viện, điều dưỡng phải là người hỗ trợ tư vấn để bệnh nhân hiểu, đồng thời chăm sóc bữa ăn của họ, giúp bệnh nhân đủ dinh dưỡng có thể trạng ổn định, đáp ứng tốt nhất với việc điều trị.

 

Huế: Gần 100 người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ

http://dantri.com.vn/suc-khoe/gan-100-nguoi-nhap-vien-sau-khi-an-banh-my-20161130205102278.htm

Chiều 30/11 theo tin từ UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, có 86 người dân ở địa bàn huyện đang nhập viện trong 2 ngày nay vì ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ tại tiệm bánh Anh Thi ở ngã tư chợ An Lỗ (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền).

Theo đó, một số người dân mua bánh mì tại tiệm Anh Thi vào sáng 28/11, đến trưa chiều thì đau bụng nhiều và đi đại tiện. Nhiều người từ người lớn đến trẻ em đã phải đưa vào cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền.

Đặc biệt có trường hợp như cả nhà chị Trần Thị Hường (xã Phong An, huyện Phong Điền) phải nhập viện toàn bộ 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 cháu nhỏ trong nhà sau khi mua bánh mỳ từ tiệm Anh Thi ở đây về ăn.

Được biết qua tìm hiểu các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, họ mua bánh mỳ ở tiệm này với giá từ 5.000- 7.000 đồng/ổ với các loại mỳ như mỳ trứng ốp la, mỳ pa tê chả, mỳ thịt…

Ông Trần Bùi, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết các bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm trong 2 ngày 29,30/11. Triệu chứng của bệnh nhân là đau vùng bụng, sốt, bạch cầu tăng, đi đại tiện nhiều. Do số lượng bệnh nhân cấp cứu đông nên khoa đã chuyển các bệnh nhân lên các khoa khác.

Ngay trong ngày 29/11, Đội Y tế dự phòng huyện Phong Điền đã phối hợp với Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra cơ sở bánh mì Anh Thi và lấy 9 mẫu, trong đó 7 mẫu vật phẩm thực phẩm tại cơ sở và 2 mẫu tay của người đứng bán. Đồng thời cơ quan chức năng cũng đã đình chỉ tạm thời, buộc đóng cửa 7 ngày tiệm bánh mì Anh Thi kể từ 14h30’ ngày 29/11 để chờ kết quả xét nghiệm

 

Mua thuốc kháng sinh ở Việt Nam dễ hơn mua rau

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/mua-thuoc-khang-sinh-o-viet-nam-de-hon-mua-rau-3506049.html

91% người nông thôn, 88% dân thành thị khi bệnh chỉ cần ra tiệm thuốc mua kháng sinh mà không cần toa của bác sĩ.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa Bệnh (Bộ Y tế) đánh giá là "hết sức trầm trọng", trong cuộc họp với Tổ chức Y tế Thế giới diễn ra ở Hà Nội hôm 29/11. Hầu hết các chủng vi khuẩn đều đã kháng kháng sinh, một số loại thậm chí còn biến đổi gen và kháng toàn bộ thuốc vốn vẫn dùng để điều trị bệnh.

Theo ông Thái, có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh hiện nay ở Việt Nam. Thứ nhất, nhận thức của cộng đồng và đội ngũ cán bộ y tế chưa đầy đủ. Kiến thức về thuốc kháng sinh cũng như tình trạng kháng thuốc kháng sinh còn hạn chế, nhiều người lầm tưởng bệnh gì cũng có thể chữa bằng kháng sinh.

Thứ hai, việc sử dụng kháng sinh còn tùy tiện, không theo đúng chỉ dẫn. Ông Thái nhận định ở Việt Nam mua kháng sinh dễ như mua mớ rau. Khảo sát năm 2011 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiến hành cho thấy 88% người dân thành thị mua thuốc kháng sinh không có đơn bác sĩ. Con số này ở các vùng nông thôn là 91%. Thêm vào đó, tiền thuốc của bệnh nhân hiện chiếm khoảng 50% chi phí khám chữa bệnh, trong đó thuốc kháng sinh chiếm 33% chứng tỏ mức độ dùng kháng sinh rất cao. 

Thứ ba, các nhà thuốc cũng như cán bộ y tế lạm dụng thuốc kháng sinh, chỉ định kháng sinh kể cả trong trường hợp không cần thiết, đặc biệt với trẻ em. Nhiều trường hợp dược sĩ, bác sĩ còn khuyên bệnh nhân mua kháng sinh liều cao hơn. Khảo sát năm 2012 của Bộ Y tế chỉ ra tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện trung ương vào khoảng 30%, các bệnh viện tuyến tỉnh trên 35% còn các bệnh viện tuyến huyện thì đến 45%. Như vậy, càng ở tuyến y tế cơ sở, càng gần dân thì tình trạng dùng kháng sinh càng phổ biến.

Ngoài ra, ông Thái cho biết bác sĩ làm việc tại phòng khám tư dễ lạm dụng kháng sinh hơn bệnh viện nhà nước do thiếu quy chế giám sát chặt chẽ. Điều này rất đáng lo ngại bởi Việt Nam có khoảng 1.000 bệnh viện công nhưng số cơ sở đa khoa, chuyên khoa tư nhân xấp xỉ 30.000.

Thứ tư, chưa thể kiểm soát mức độ sử dụng kháng sinh cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tiến sĩ Pawin Padungtod, điều phối viên Kỹ thuật Quốc tế của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính, ở Việt Nam 50% thuốc kháng sinh của người được dùng cho vật nuôi với mục đích điều trị, phòng chống bệnh và thúc đẩy tăng trưởng. Vi khuẩn kháng kháng sinh trong động vật không chỉ tấn công người ăn thịt mà còn phát tán rất nhanh trong môi trường.

Được phát minh cách đây gần 90 năm, thuốc kháng sinh tạo nên bước ngoặt cho y học, hỗ trợ bác sĩ điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và cứu sống hàng triệu người. Tuy nhiên ngày nay loại thuốc này dần mất đi hiệu quả do tình trạng kháng kháng sinh, chủ yếu bởi thói quen sử dụng thuốc bừa bãi, quá liều. Không chỉ trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng con người, tình trạng kháng kháng sinh còn dẫn đến hàng loạt nguy cơ cho môi trường cùng hệ thống sản xuất thực phẩm và nông nghiệp.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Khoảng 10 triệu người sẽ chết vì kháng kháng sinh mỗi năm, nghĩa là cứ 3 giây lại có một trường hợp tử vong, nhiều hơn hẳn so với ung thư. "Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi và trở nên kháng với thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị những nhiễm trùng do chúng gây ra", đại diện WHO nói.

Kháng kháng sinh khiến bệnh nhân phải chi trả nhiều hơn, thời gian hồi phục kéo dài, khả năng khỏe lại hoàn toàn thấp đi và nguy cơ tử vong tăng cao. Ông Thái ví dụ, tình trạng bệnh nhân có thể không quá nghiêm trọng nhưng dễ gặp biến chứng chết người nếu vào bệnh viện lây phải vi khuẩn kháng kháng sinh. Các bệnh vốn chữa được nhiều khả năng trở thành không chữa được. Xét về điều kiện xã hội, kháng kháng sinh dẫn tới nguy cơ tái nghèo.

Để cải thiện tình trạng kháng kháng sinh, ông Thái nhấn mạnh biện pháp quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý. Ông Thái hy vọng kiến thức về kháng kháng sinh sẽ được phổ cập trong giáo dục. Tiếp đến, cần chống lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng. Hiện Bộ Y tế đã ban hành 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị cho thầy thuốc để sử dụng kháng sinh đúng cách, lập 16 đơn vị giám sát kháng thuốc. Ở mức độ cá nhân, mỗi người cần vệ sinh sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn cẩn thận. Ngoài ra, các hãng dược phải cam kết đảm bảo chất lượng thuốc kháng sinh bởi 46% kháng sinh ở Việt Nam được sản xuất trong nước.

 

Thu hồi 6 lô sản phẩm nước giải khát của Tân Tiến Phát

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/thu-hoi-6-lo-san-pham-nuoc-giai-khat-cua-tan-tien-phat-186752.html

Đó là các lô sản phẩm sản phẩm nước giải khát của Công ty cổ phần thương mại Tân Tiến Phát gồm nước me, hương bí đao, hương cam, chanh leo, hương tăng lực nắp đỏ, hương tăng lực nắp trắng đang lưu thông trên thị trường.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra văn bản thông báo số 7249/TB-ATTP ngày 11/11/2016  về việc tạm dừng lưu thông hàng hóa. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Công ty Cổ phần thương mại Tân Tiến Phát có trách nhiệm dừng lưu thông và tiến hành thu hồi 06 lô sản phẩm vì lý do những lô sản phẩm đó có kết quả kiểm nghiệm không đạt chất lượng, gồm các sản phẩm sau:

1) Lô sản phẩm nước me (NSX: 29.8.2016 TTP; HSD: 29/02/2018).

2) Lô sản phẩm nước giải khát hương Bí Đao (NSX: 10/9/2016 TTP; HSD: 10/3/2018).

3) Lô sản phẩm nước giải khát hương cam (NSX: 31/8/2016 TTP; HSD: 09/02/2018).

4) Lô sản phẩm nước chanh leo (NSX 12/9/2016 TTP; NSX: 12/9/2017).

5) Lô sản phẩm nước giải khát hương tăng lực nắp đỏ (NSX: 11/9/2016 TTP; HSD: 11/3/2018).

6) Lô sản phẩm nước giải khát hương tăng lực nắp trắng (NSX: 12/9/2016 TTP; HSD: 12/3/2018).

Để đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh thông báo cho người tiêu dùng được biết khi mua cần kiểm tra kỹ nhãn mác hàng hóa thực phẩm, không mua, không sử dụng các sản phẩm nước giải khát thuộc các lô sản phẩm thực phẩm nói trên của Công ty cổ phần thương mại Tân Tiến Phát.

 

Nhiều câu hỏi chưa được làm sáng tỏ sau kết luận thanh tra Pepsico Việt Nam

http://giaoduc.net.vn/kinh-te/nhieu-cau-hoi-chua-duoc-lam-sang-to-sau-ket-luan-thanh-tra-pepsico-viet-nam-post172842.gd

Nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia được Công ty Pepsico Việt Nam sử dụng sản xuất sản phẩm có xuất xứ từ đâu, do đơn vị nào cung cấp vẫn chưa sáng tỏ.

Ngày 17/11/2016, Thanh tra Bộ Y tế đã công bố công khai kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (Công ty Pepsico Việt Nam).

Trong kết luận Thanh tra Bộ Y tế cho biết, thực hiện Quyết định thanh tra số 153/QĐ-TTrB ngày 06/9/2016, theo đó Công ty Pepsico Việt Nam sẽ bị thanh tra theo kế hoạch trong vòng 45 ngày.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2015 đến thời điểm thanh tra và các thời kỳ khác có liên quan.

Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh trực tiếp tại một số cơ sở phân phối các sản phẩm thực phẩm của Công ty Pepsico Việt Nam; cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm cho Công ty Pepsico Việt Nam.

Trong kết luận, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, Công ty Pepsico Việt Nam sử dụng 78 loại nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để sản xuất các sản phẩm thực phẩm của công ty, bao gồm 21 nguyên liệu thực phẩm và 57 phụ gia thực phẩm.

Cụ thể, nguyên liệu thực phẩm có 21 loại, Công ty Pepsico Việt Nam nhập khẩu 15 loại từ nhiều quốc gia khác nhau. 6 loại nguyên liệu mua trong nước.

Về phụ gia thực phẩm có 57 loại, trong đó 59 loại phụ gia được Công ty Pepsico Việt Nam nhập khẩu từ nhiều quốc gia, 8 loại phụ gia được mua từ các nhà cung cấp trong nước.

Qua kết quả kiểm tra hồ sơ, Thanh tra Bộ Y tế cho hay, nguyên liệu và phụ gia do Công ty Pepsico Việt Nam nhập khẩu đều có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ.

Ngoài ra, kết luận Thanh tra Bộ Y tế không nêu tên cụ thể tên quốc gia, tên doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp phụ gia thực phẩm, cung cấp nguồn nguyên liệu cho Công ty Pepsico Việt Nam sản xuất sản phẩm.

Trước kết quả thanh tra nói trên, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao Thanh tra Bộ Y tế không công khai tên quốc gia, tên doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm cho Pepsico Việt Nam?

Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi về nguồn gốc nguyên liệu, nguồn gốc phụ gia thực phẩm của Công ty Pepsico Việt Nam, nhất là khi quyết định thanh tra doanh nghiệp này của Thanh tra Bộ Y tế được đưa ra không lâu sau lùm xùm về việc nhập nguyên liệu sản từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm Ô long Tea+Plus.

Theo đó, đầu năm 2016 dư luận cũng như giới kinh doanh đồ uống giải khát bất ngờ trước thông tin nguồn nguyên liệu Công ty Pepsico Việt Nam sử dụng sản xuất sản phẩm Ô long Tea+Plus được nhập từ Trung Quốc.

Đáng nói hơn dù nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng Pepsico Việt Nam luôn quảng cáo: sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại của Nhật Bản, chất lượng Nhật Bản.

Chính từ lời giới thiệu, quảng cáo này, dễ hiểu tại sao sản phẩm trà Ô long Tea+Plus mau chóng được người tiêu dùng lựa chọn.

Nói cách khác, có thể sự lựa chọn của người tiêu dùng trước đây vì họ không biết sản phẩm Ô long Tea+Plus được sản xuất bằng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.

Khi thông tin Công ty Pepsico Việt Nam nhập nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm Ô long Tea+Plus lên đến đỉnh điểm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu doanh nghiệp này báo cáo.

Tại văn bản báo cáo, Cục An toàn thực phẩm cho biết, Công ty Pepsico Việt Nam đã thừa nhận việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm Ô long Tea+Plus.

Từ vụ việc liên quan đến nguyên liệu sản phẩm Ô long Tea+Plus, có thể thấy dù Pepsico Việt Nam không cung cấp tên nguyên liệu, tên phục gia và nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên Thanh tra Bộ Y tế cần làm rõ và công bố công khai cho dư luận biết.

Việc công bố tên nguyên liệu, phụ gia cũng như nguồn gốc không liên quan đến bí mật kinh doanh, vì vậy mong muốn của người tiêu dùng được biết nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu là hoàn toàn chính đáng, vì họ chính là những người trả tiền sử dụng sản phẩm.

Người tiêu dùng có quyền đặt ra câu hỏi và có quyền được biết nguồn nguyên liệu ấy có thực sự an toàn cho sức khỏe của họ hay không?

 

Nhà vệ sinh bệnh viện kinh dị cỡ nào?

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nha-ve-sinh-benh-vien-khung-khiep-co-nao-342940.html

Căn phòng ám ảnh nhất với bệnh nhân và người nhà sau phòng cấp cứu là nhà vệ sinh.Tình trạng xập xệ, bẩn thỉu và bốc mùi khủng khiếp đang tồn tại ở nhiều bệnh viện.

2 năm qua, bệnh viện khắp các tuyến liên tục được nâng cấp, xây mới, thay đổi thái độ phục vụ. Tuy nhiên có một căn phòng ít biến chuyển nhất chính là nhà vệ sinh các BV.

Khảo sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tại 13 BV tuyến TƯ công bố tháng 7/2016 cho thấy, chỉ có 6/13 BV đáp ứng đủ số lượng nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân.

Ngoài ra, 83% số nhà vệ sinh của các BV được khảo sát có mùi hôi. 50% cơ sở y tế có nhà vệ sinh nhưng thường xuyên khóa cửa không cho bệnh nhân sử dụng.

Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng tại các BV có "tuổi đời" lâu năm. Các nhà vệ sinh ở đây luôn trong tình trạng đọng nước, cáu bẩn, tường tróc lở, thiếu nước, thiếu người dọn dẹp, bốc mùi xú uế nồng nặc... Nếu không thể nhịn, bệnh nhân và người nhà sẽ phải đeo khẩu trang, bịt mũi khi "giải quyết nỗi buồn".

Thế nhưng, dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, tiêu chí nhà vệ sinh vẫn là vấn đề nhức nhối. Đây cũng là tiêu chí khó thực hiện.nhất trong bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng BV.

Cụ thể, sau 3 năm đánh giá thí điểm chỉ có 23% BV có các phòng vệ sinh cách ly nam, nữ.

Trước vấn đề khủng khiếp này, tại hội nghị CLB giám đốc BV các tỉnh phía Bắc vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tuyên bố sẽ "tấn công" nhà vệ sinh bệnh viện. Theo đó các bệnh viện phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh-sạch-đẹp.

Sau đó 1 tháng, Bộ Y tế ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai đề án này với 40 tiêu chí.

Riêng quy định nhà vệ sinh có 14 tiêu chí, quy định chi tiết khu vệ sinh phải có phòng riêng cho nam, nữ, không có mùi hôi, sàn sạch sẽ, không đọng nước, không trơn trượt, có sẵn giấy vệ sinh, thùng đựng rác, có bồn rửa tay và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay, có gương...

Quy định này đang khiến các BV khá lo lắng. Theo lý giải từ phía BV, cơ sở vật chất có thể nâng cấp, người dọn có thể thuê nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân rất... khó kiểm soát, nhất là trong tình trạng quá tải trầm trọng như hiện nay.

BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) nêu thực tế giật mình, khu vệ sinh tại những tòa nhà cũ chỉ đủ phục vụ 20-30 bệnh nhân/nhà vệ sinh. Tuy nhiên, sau 2 thập kỷ, số bệnh nhân đã tăng hàng chục lần, chưa kể đi kèm thêm 2-3 người nhà nên dọn dẹp hết công suất cũng khó có thể sạch.

 

Hơn 100 công nhân ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161130/hon-100-cong-nhan-ngo-doc-thuc-pham-do-nhiem-khuan/1228186.html

Trưa 30-11, hơn 100 công nhân của Công ty TNHH Posco VST đóng ở KCN Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã được công ty đưa đi cấp cứu trong tình trạng nôn ói.

Theo ghi nhận, có khoảng 70 công nhân được đưa vào bệnh viện đa huyện Nhơn Trạch để cấp cứu. Tại đây, một số công nhân kêu đau bụng, co giật… nên được các bác sĩ cho uống thuốc, truyền nước theo dõi.

Do công nhân bị ngộ độc nhiều nên công ty đưa khoảng 40 công nhân sang phòng khám Ái Nghĩa ở huyện Nhơn Trạch để cấp cứu, điều trị.

Theo lời công nhân bị ngộ độc, sáng cùng ngày một số công nhân vào làm việc ở công ty thì thấy có biểu hiện đau bụng xin về và có một số được đưa đi cấp cứu tại phòng y tế của công ty.

Sau đó số lượng công nhân làm việc ở văn phòng, nhà xưởng bị nôn ói, ngất xỉu… ngày càng nhiều nên công ty chuyển đến bệnh viện, phòng khám cấp cứu.

Nhiều công nhân cho hay chiều 29-11, công ty cho công nhân ăn cơm. Ngay sau đó có công nhân bị đau bụng, tiêu chảy.

Tối cùng ngày, trả lời PV Tuổi Trẻ về nguyên nhân ngộ độc, bác sĩ Nguyễn Văn Hữu, chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Qua điều tra thực tế tại nhà ăn và khu chế biến của công ty, bước đầu chi cục có thể khẳng định các công nhân bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn”.

Hiện nhiều công nhân cũng đã xuất viện và chi cục tiếp tục xác minh vụ ngộ độc.

 

186 tỉ đồng cho dự án quản lý thực phẩm an toàn của Đà Nẵng

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161130/186-ti-dong-cho-du-an-quan-ly-thuc-pham-an-toan-cua-da-nang/1228135.html

Chiều 30-11, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2016.

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, hiện TP có 3.379 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng… đảm bảo vệ sinh thực phẩm được cấp phép.

TP Đà Nẵng cũng đã ứng dụng hệ thống đường dây nóng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) 0511.1022 dành cho người dân, du khách gọi đến để biết các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn ATVSTP; phản ánh, góp ý về ATVSTP....

Cũng liên quan đến ATVSTP, UBND TP Đà Nẵng cho biết ngày 28-11, UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt đề án Quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng trên địa bàn đến giai đoạn 2020.

Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu từ năm 2017 trở đi, 100% nông dân sản xuất rau thực hiện ký cam kết sản xuất rau an toàn. 100% co sở kinh doanh nông sản, thủy sản tại các chợ đầu mối thực hiện kê khai nguồn gốc, xuất xứ. 90% tàu cá từ 90 mã lực trở lên và 100% cơ sở sản xuất nước đá phục vụ chế biến thủy sản đạt quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. 100% cơ sở giết mổ gia cầm, gia súc tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm được xếp loại A…

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 186 tỉ đồng.

 

Đà Nẵng: Tra cứu nhà hàng đạt chuẩn ATVSTP qua tin nhắn, Zalo

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/da-nang-tra-cuu-nha-hang-dat-chuan-atvstp-qua-tin-nhan-zalo-1079112.tpo

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/31420202-da-nang-cong-bo-hon-3-000-dia-chi-an-toan-thuc-pham.html

Ngoài đường dây nóng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) (0511) 1022, người dân có thể tra cứu tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống trên địa bàn qua tin nhắn SMS và ứng dụng Zalo.

Chiều 30/11, UBND thành phố Đà Nẵng vừa cung cấp thêm hai kênh tra cứu các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn ATVSTP trên địa bàn.

Theo đó, người dân có thể tra cứu qua tin nhắn SMS với cú pháp ATTP (tên cơ sở); (địa chỉ) hoặc ATTP (địa chỉ) gởi 8188. Giá cước cho một tin nhắn tra cứu 1.500đ.  Đối với ứng dụng Zalo, khi truy cập vào tongdai1022danang, người dân sẽ chọn “quan tâm”. Tiếp tục vào mục “gửi tin nhắn”, chọn “An toàn VSTP” và nhập cú pháp tra cứu tương tự như trên đêt biết cơ sở kinh doanh đạt chuẩn ATVSTP. Ứng dụng tra cứu này hoàn toàn miễn phí.

Khi thao tác xong cú pháp, ứng dụng sẽ gởi tin nhắn về điện thoại, thông tin rõ tên cơ sở kinh doanh, địa chỉ, thời hạn giấy chứng nhận ATVSTP.

Chiều cùng ngày, UBND TP. Đà Nẵng cũng thông tin đã chính thức phê duyệt đề án “Quản lý ATTP theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng” trên địa bàn đến năm 2020. Đề án đặt ra các mục tiêu: từ năm 2017 trở đi, 100% người quản lý, người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và 100% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành về ATTP; hoàn thành phủ kín diện tích trồng rau an toàn trên diện tích đã được quy hoạch….

 

Kêu gọi cộng đồng cam kết sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/31425702-keu-goi-cong-dong-cam-ket-su-dung-thuoc-khang-sinh-co-trach-nhiem.html

Ngày 30-11, tại Hà Nội, các Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức Y tế thế giới, Nông lương LHQ… phối hợp tổ chức mít-tinh truyền thông phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam năm 2016 với khẩu hiệu: Không hành động hôm nay ngày mai không thuốc chữa. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người.

Kháng sinh ra đời không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng, chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất. Song điều này cũng đã dẫn đến sự xuất hiện tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn. Kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, trong đó nổi trội ở các nước đang phát triển, trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang