Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 02/2/2017

  • |
T5g.org.vn - 7 ngày Tết, gần 4.500 ca cấp cứu do đánh nhau; Bệnh viện tỉnh cứu thành công bệnh nhân bị dao đâm xuyên gáy; Hà Nội: Khám cấp cứu 6.720 trường hợp, đón hơn 900 cháu bé chào đời; Kiểm tra toàn bộ các lô thuốc của doanh nghiệp 'dính' thuốc chất lượng kém; 3 bệnh viện lớn thuộc Bộ Y tế chưa ký cam kết không nằm ghép; ...

7 ngày Tết, gần 4.500 ca cấp cứu do đánh nhau

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-nong-7-ngay-tet-gan-4-500-ca-cap-cuu-do-danh-nhau-354364.html

http://vov.vn/xa-hoi/gan-4500-nguoi-nhap-vien-do-danh-nhau-dip-tet-nguyen-dan-dinh-dau-590008.vov

http://plo.vn/xa-hoi/gan-4500-nguoi-nhap-vien-vi-danh-nhau-trong-7-ngay-tet-679872.html

Cả nước có gần 4.500 trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong 7 ngày Tết, giảm 647 trường hợp so với năm ngoái.

Bộ Y tế vừa có báo cáo chi tiết tình hình trực khám, cấp cứu 7 ngày Tết vừa qua.

Trong 7 ngày, các cơ sở y tế khám, cấp cứu cho gần 180.000 trường hợp (giảm 32,83% so với năm 2016), thực hiện 13.705 ca phẫu thuật, trong đó 310 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não, đón gần 18.500 cháu bé chào đời.

Cả nước có gần 4.500 trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau, giảm 647 trường hợp so với năm 2016, trong đó 550 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu bia. Mùng 2 Tết nhiều nhất, với 835 ca nhập viện

Trong khi đó số bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc và tai nạn pháo nổ tăng lên.

Cụ thể, có 150 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, tăng 54 trường hợp so với năm 2016, không có trường hợp tử vong.

Tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn và rượu là gần 2.500 trường hợp (năm ngoái có 1.500 trường hợp), trong đó gần 1/3 được xác định nguyên nhân do bia rượu.

 

Bệnh viện tỉnh cứu thành công bệnh nhân bị dao đâm xuyên gáy

http://suckhoedoisong.vn/benh-vien-tinh-cuu-thanh-cong-benh-nhan-bi-dao-dam-xuyen-gay-n127603.html

BS Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp bị tai nạn thương tích hết sức hy hữu khi bị dao đâm xuyên gáy.

BS Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp bị tai nạn thương tích hết sức hy hữu khi bị dao đâm xuyên gáy. Bệnh nhân là Nguyễn Duy Đạt, 19 tuổi, quê ở Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang.

Trước đó vào đêm 29 Tết (26/1), Đạt cùng nhóm bạn ăn liên hoan tại xã Tiên Lục kế bên. Thời điểm trên, chú họ và anh trai Đạt đến quán karaoke 7 tầng cạnh đó hỏi phòng hát và xảy ra xô xát.

Nghe tin, Đạt chạy đến giải cứu thì liền bị nhân viên của quán đập chai bia vào đầu rồi vung dao nhọn cứa ngang cằm vệt dài 7cm. Chưa dừng lại, các đối tượng này tiếp tục rút dao, đâm xuyên gáy của Đạt.

Sau khi được sơ cứu tại trạm y tế, nạn nhân được chuyển thẳng xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng hết sức nguy kịch, mất máu nhiều, phần dao nhọn xuyên qua gáy dài gần 10cm.

Sau khi hội chẩn, để tránh tổn thương thêm, các bác sĩ quyết định không rút dao mà mổ mở sau gáy để tách lấy dao.

Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ, may mắn phần lưỡi dao chỉ xuyên qua phần mềm ở gáy của bệnh nhân. BS Đồng cho biết, hiện bệnh nhân Đạt đã hồi phục, đang nằm theo dõi tại khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế về công tác y tế dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu tính đến chiều mùng 2 Tết (29/1), các bệnh viện đã ghi nhận hơn 2.200 ca khám, cấp cứu do đánh nhau,  trong đó có 990 người phải nhập viện điều trị, đáng tiếc đã có 14 người tử vong.

 

Hà Nội: Khám cấp cứu 6.720 trường hợp, đón hơn 900 cháu bé chào đời

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/861523/ha-noi-kham-cap-cuu-6720-truong-hop-don-hon-900-chau-be-chao-doi

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 30 Tết Đinh Dậu đến ngày mồng 4 tháng Giêng, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã khám cấp cứu 6.720 trường hợp và đón 917 cháu bé chào đời.

Cũng trong những ngày trên, số ca khám tai nạn là 1.334 trường hợp, trong đó có 659 ca khám tai nạn giao thông, còn lại là khám tai nạn khác.

Số ca phẫu thuật là 457 ca. Số ca tử vong là 13 ca; trong đó có 1 ca tử vong do tai nạn giao thông, 12 ca còn lại là do bệnh lý.

Một trường hợp tử vong ngoại viện do tai nạn giao thông được chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ. Trường hợp này là nữ, 18 tuổi, ở xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, vào viện hôm 27-1-2017 trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp không đo được, đồng tử hai bên giãn.

Vẫn trong những ngày trên, Trung tâm cấp cứu 115 mỗi ngày phân công 14 đội cấp cứu ứng trực 24/24h tại Trung tâm và các Trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn Thành phố. Trung tâm đã tiếp nhận 464 lượt yêu cầu, số lượt xe đi 464 lượt, cấp cứu và vận chuyển 319 bệnh nhân, chuyển viện 249 trường hợp; trong đó tai nạn giao thông 28 trường hợp, tai nạn sinh hoạt 9 trường hợp. 22 trường hợp tử vong, trong đó 1 trường hợp tử vong do tai nạn sinh hoạt, 1 trường hợp do tai nạn giao thông, 20 trường hợp do các nguyên nhân khác.

Trường hợp tử vong do tai nạn giao thông là nam giới, 24 tuổi, bị tại nạn giao thông lúc 0h40 phút ngày 29-102017 (rạng sáng mồng 2 Tết) tại Ngã tư Ngô Quyền-Hai Bà Trưng. Khi 115, bệnh nhân trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, mạch ngoại vi không bắt được, huyết áp không đo được. Trường hợp này được kết luận tử vong do chấn thương sọ não, bàn giao cho cảnh sát giao thông xử lý.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã kiểm dịch y tế 432 chuyến bay đến với 53.721 hành khách; không phát hiện trường hợp nào mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch như: MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6, Zika...

Công tác an toàn thực phẩm cũng được ngành Y tế Thủ đô chú trọng, nhờ đó, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn thành phố trong những ngày Tết.

 

Kiểm tra toàn bộ các lô thuốc của doanh nghiệp 'dính' thuốc chất lượng kém

http://baotintuc.vn/xa-hoi/kiem-tra-toan-bo-cac-lo-thuoc-cua-doanh-nghiep-dinh-thuoc-chat-luong-kem-20170201190122090.htm

Việc Cục Quản lý Dược ban hành quyết định rút số đăng ký lưu hành của nhiều loại thuốc không đạt chất lượng thời gian qua khiến người dân lo lắng, không rõ việc giám sát chất lượng và thu hồi thuốc loại thuốc này rồi sẽ được thực hiện ra sao?

Nhân dịp năm mới 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Xin Bộ trưởng cho biết kết quả giám sát chất lượng thuốc trong năm 2016?

Hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy hơn 30.000 mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng (năm 2015 là 38.627 mẫu ), việc lấy mẫu thực hiện theo kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm để phát hiện các thuốc có nguy cơ không đạt chất lượng cao. Trên cơ sở kết quả lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm, năm 2016 Cục Quản lý Dược đã có văn bản thu hồi 30 lô thuốc (thấp hơn so với 38 lô thuốc năm 2015).

Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng có xu hướng thấp hơn so với tỷ lệ thuốc nhập khẩu kém chất lượng. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện năm 2016 tiếp tục có xu hướng giảm so với các năm trước.

Năm 2016, do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã giảm rõ rệt. Cụ thể tỷ lệ thuốc giả từ 7% năm 1990 đến nay đã giảm xuống còn dưới 0,1%; tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức dưới 3%.

Vậy việc thu hồi những loại thuốc không đạt chất lượng được thực hiện như thế nào? Đâu là nơi thực hiện giám sát thu hồi và tiêu hủy những loại thuốc này, thưa Bộ trưởng?

Thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động thu hồi thuốc đã được quy định đầy đủ, chi tiết trong các văn bản quy phạm về dược.

Theo đó, Cục Quản lý Dược ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc trong phạm vi toàn quốc. Thông báo được gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành và cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu.

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trong phạm vi quản lý đối với những thuốc do cơ quan kiểm tra chất lượng thuốc ở địa phương/ngành kiểm tra phát hiện thuốc vi phạm và ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên địa bàn để thực hiện thông báo thu hồi của Cục Quản lý Dược, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và báo cáo về Cục Quản lý dược.

Thực hiện việc giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện việc thu hồi thuốc; xử lý các trường hợp vi phạm về thu hồi thuốc theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu là đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thu hồi, xử lý thuốc thu hồi. Các cơ sở kinh doanh, sử dụng không được tiếp tục phân phối sử dụng mà phải trả lại cơ sở sản xuất,nhập khẩu thuốc.

Trường hợp trong quá trình lưu hành nếu phát hiện, nghi ngờ về chất lượng thuốc, cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu/xuất khẩu tự nguyện thực hiện việc thu hồi, cơ sở phải tạm ngừng kinh doanh thuốc bị thu hồi và báo cáo Bộ Y tế trước khi tự thu hồi.

Trách nhiệm giám sát của Sở Y tế, trách nhiệm thu hồi thuốc của cơ sở sản xuất kinh doanh cũng được nêu rõ trong từng văn bản của Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc kém chất lượng.

Các quy định chi tiết về thu hồi thuốc đã được quy định, luật hóa tại Luật Dược 2016 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Năm 2017, Bộ Y tế sẽ có giải pháp gì để nâng cao việc quản lý chất lượng thuốc, thưa Bộ trưởng?

Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai Công văn số 13719/QLD-CL ngày 23/8/2013 về việc kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu; Cục Quản lý Dược yêu cầu hệ thống kiểm tra thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Tính đến nay, đã có 103 cơ sở sản xuất nước ngoài phải kiểm tra theo tinh thần công văn trên, phát hiện và ngăn chặn đưa ra thị trường 83 lô thuốc không đạt chất lượng. Năm 2014 phát hiện 70 lô, 2015 phát hiện 6 lô và tính từ đầu năm 2016 đến nay chỉ phát hiện 2 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp công tác với các cơ quan liên quan, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 Trung ương... thành lập Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế nhằm tăng cường các hoạt động hậu kiểm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phối hợp với các Bộ Ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Dược 2016; trong đó, quy định chi tiết các nội dung cụ thể về điều kiện của các cơ sở sản xuất thuốc, việc kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nước ngoài, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và của doanh nghiệp…

Tham mưu, đề xuất về việc phân cấp quản lý nhà nước để phát huy khả năng và tính chủ động của y tế địa phương; kết hợp với việc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ nhân lực và tài chính cho cơ quan quản lý dược, thanh tra, kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của y tế địa phương.

Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc. Triển khai dự án nâng cấp 2 Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

5 ngày Tết, ngành y tế Hà Nội cấp cứu gần 2.700 trường hợp tai nạn

http://baotintuc.vn/xa-hoi/5-ngay-tet-nganh-y-te-ha-noi-cap-cuu-gan-2700-truong-hop-tai-nan-20170201185608841.htm

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 5 ngày Tết âm lịch Đinh Dậu 2017 (từ 26/1- 31/1), các cơ sở khám chữa bệnh của ngành đã tiếp nhận khám cấp cứu cho 2.668 trường hợp bị tai nạn, trong đó có 1.318 trường hợp tai nạn giao thông, còn lại là các trường hợp tai nạn khác.

Trung tâm cấp cứu 115 mỗi ngày phân công 14 đội cấp cứu ứng trực 24/24 giờ tại trung tâm và các trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn thành phố.

Từ ngày 26/1/2017 đến 7 giờ ngày 31/1/2017, những địa chỉ này đã tiếp nhận và đáp ứng 464 lượt yêu cầu, trong đó cấp cứu và vận chuyển 319 bệnh nhân, chuyển viện 249 trường hợp, trong đó 28 trường hợp tai nạn giao thông, 9 trường hợp tai nạn sinh hoạt. Có 22 trường hợp tử vong do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông và các nguyên nhân khác.

Theo đánh giá chung, trong dịp Tết trên địa bàn Thủ đô không có dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm xảy ra. Công tác phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp cứu khám chữa bệnh được triển khai nghiêm túc, đảm bảo theo quy định. Công tác tiếp đón người bệnh, chăm sóc và thăm hỏi người bệnh được các cơ sở y tế triển khai chu đáo.

Để đạt được kết quả trên, trước đó, hệ thống y tế dự phòng đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nhân lực, cơ số phòng chống dịch và chủ động tăng cường công tác giám sát dịch tại tất cả các tuyến.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tiếp tục duy trì công tác kiểm dịch y tế tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, liên hệ với các tỉnh, thành phố liên quan tăng cường các biện pháp phối hợp kiểm dịch đối với khách du lịch, nhất là khách nhập cảnh từ nước có dịch MERS-CoV, Ebola, Zika...

Trong 5 ngày Tết, Trung tâm đã kiểm dịch y tế 432 chuyến bay đến với 53.721 hành khách; không phát hiện trường hợp nào mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch như: MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6, Zika....

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ chế biến thực phẩm được tăng cường, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đình chỉ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, cơ quan chức năng đã kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm tại các chợ, siêu thị, chuẩn bị hàng thực phẩm bình ổn giá phục vụ Tết, hạn chế tối đa thực phẩm giả, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

 

3 bệnh viện lớn thuộc Bộ Y tế chưa ký cam kết không nằm ghép

http://vov.vn/tin-24h/3-benh-vien-lon-thuoc-bo-y-te-chua-ky-cam-ket-khong-nam-ghep-589953.vov

Đến nay, đã có 35 bệnh viện tuyến Trung ương ký cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép.

Mặc dù Bộ Y tế quy định nhiều mức thực hiện không nằm ghép như: sau 24 giờ, 48 giờ và sau 72 giờ kể từ lúc bệnh nhân nhập viện nhưng 3 bệnh viện lớn vẫn chưa ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép là Bạch Mai, K Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bên cạnh đó một số bệnh viện tuyến tỉnh như: Nhi đồng 1, Ung bướu TP HCM… cũng chưa thể ký cam kết không nằm ghép. Đây là những bệnh viện đang quá tải bệnh nhân, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, nhất là đối với 5 chuyên ngành: sản, nhi, ung bướu, tim mạch và chấn thương chỉnh hình.

Cũng với việc đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, mở rộng mô hình bác sỹ gia đình, cải tiến quy trình khám bệnh, Bộ Y tế đang triển khai nhiều dự án xây dựng, mở rộng bệnh viện để khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhân.

Cùng với đó, nhiều bệnh viện cũng bố trí thêm các bàn khám, tổ chức khám bệnh từ sáng sớm, tăng thời gian làm việc, bố trí lại các khoa phòng cho phù hợp theo hướng thu hẹp diện tích dành cho hành chính để ưu tiên cho khu điều trị.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian tới, một số cơ sở 2 của các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng và hoàn thiện thì việc nằm ghép sẽ tiếp tục được giải quyết.

Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn phải nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, tạo niềm tin cho nhân dân. Khi đó, việc khám chữa bệnh vượt tuyến không cần thiết giảm đi, tình trạng quá tải bệnh viện sẽ được giải quyết triệt để./.

 

Gia tăng các ca cấp cứu do lạm dụng rượu, bia ngày tết

http://thanhnien.vn/doi-song/gia-tang-cac-ca-cap-cuu-do-lam-dung-ruou-bia-ngay-tet-787582.html

Sáng nay (mùng 1.2), Bệnh viện Bạch Mai cho biết số bệnh nhân đến cấp cứu tăng cao trong các ngày tết, chủ yếu do các bệnh mãn tính và một số do lạm dụng rượu, bia.

Trong các ngày nghỉ tết, số cấp cứu đến bệnh viện này tăng cao hơn hẳn so với ngày thường. Chỉ trong vòng 5 - 7 phút có mặt tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), từ 11 giờ 10 phút - 11 giờ 20 phút sáng nay (mùng 1.2), liên tiếp hai bệnh nhân nặng được xe cấp cứu của các bệnh viện tuyến dưới chuyển đến, trong đó một trường hợp phải thở ô xy, một trường hợp khác phải truyền máu.

Các trường hợp người lớn phải vào khám và cấp cứu trong các ngày tết chủ yếu do các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tim mạch, hô hấp. Đáng lưu ý, trong ngày mùng 4 Tết năm nay, số đến khám, cấp cứu do ngộ độc rượu (5 trường hợp) và do thức ăn (15 trường hợp) cao hơn hẳn so với cùng kỳ tết Bính Thân 2016.

Các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, trong kỳ nghỉ tết, số cấp cứu do chảy máu đường tiêu hóa tăng cao so với các ngày thường. Các bệnh nhân bị mất nhiều máu do nôn ra máu sau khi uống rượu. Trong số 169 ca cấp cứu trong hai ngày mùng 2 và 3 tết Đinh Dậu thì có khoảng 20% bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa.

Ngoài ra một số bệnh nhân suy thận mãn cũng phải nhập viện cấp cứu do chế độ ăn không hợp lý. Đột quỵ não cũng chiếm số đông trong các trường hợp nhập viện trong Tết này, chủ yếu là các bệnh nhân tăng huyết áp quên uống thuốc, không tuân thủ chế độ điều trị khiến huyết áp tăng đột ngột gây đột quỵ não.

Tại Trung tâm Chống độc, các ngày tết tiếp tục ghi nhận một số ca nhập viện do lạm dụng rượu. Hầu hết được ra viện sớm sau điều trị. Một trường hợp nặng xin về trong ngày mùng 4 Tết.

Các bác sĩ lưu ý, khi uống nhiều, chất cồn gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ảnh hưởng đến hành vi, từ đó gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh (tai nạn, bạo lực, hành vi nguy cơ...).

Có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo: “Đó là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng)”.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, đặc biệt nguy hiểm nếu uống rượu không rõ nguồn gốc có chứa cồn công nghiệp methanol. Cồn này gây tổn thương thần kinh, có thể gây mù, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời.

 

Thêm 1.442 em bé chào đời trong Tết Đinh Dậu

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/31960802-them-1-442-em-be-chao-doi-trong-tet-dinh-dau.html

Chiều 1-2 (mùng 5 Tết), PGS. TS. BS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong các ngày nghỉ Tết, toàn ngành y tế đã tổ chức trực 24/24 giờ, trực đầy đủ 4 cấp, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc...

Qua kiểm tra đến mùng 5 tại các bệnh viện, Sở nhận thấy không có tình trạng chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu. Các trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa nhưng cơ sở y tế cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị.

Tất cả các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng đều nghiêm túc chấp hành, phân công trực đầy đủ; các bệnh viện được giao hỗ trợ các điểm vui chơi, chợ hoa tết cũng đã bố trí lực lượng, sẵn sàng cấp cứu kịp thời. Trung tâm Cấp cứu 115 đã bố trí xe cấp cứu tại các Lễ hội theo yêu cầu của thành phố.

Theo PGS. TS. BS. Tăng Chí Thượng, đến ngày mùng 5 Tết, có tổng số người bệnh nhập viện điều trị nội trú tại các bệnh viện thành phố là 9.257 người, cao hơn so với cùng kỳ 2016 là 8.079 người. Bên cạnh đó, tổng số người bệnh ra viện 6.579 ca, so với cùng kỳ năm 2016 là 6.754 ca, hiện người bệnh còn lại là 56.776 ca. Trong các ngày tết, có thêm 1.442 sản phụ sinh em bé.

Về tình hình tai nạn giao thông, địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận (thông qua các bệnh viện) là 1.784 trường hợp, trong đó chấn thương sọ não là 05 ca (cùng kỳ năm 2016 có 15 ca). Ngoài ra, có 383 vụ tai nạn do đánh nhau. Có ba ca tử vong do tai nạn giao thông, 34 ca tử vong do tai nạn khác. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua kiểm tra giám sát hành khách xuất nhập từ vùng có dịch bệnh, Sở không ghi nhận trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi như bệnh do vi rút Zika, Cúm gia cầm (H7N9, H5N1), MERS-CoV, Ebola,...

Theo ghi nhận từ Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh, trong các ngày nghỉ, không xảy ra ổ dịch lớn và chùm ca bệnh trên địa bàn thành phố, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố tiếp tục giám sát các ca bệnh SXH và Zika; hiện tại đang theo dõi tình hình dịch bệnh và xử lý ca bệnh SXH theo quy định.

 

Một nơi cứu người đáng nể!

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/mot-noi-cuu-nguoi-dang-ne-20170201215424334.htm

Những ngày Tết nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Đắk Lắk không đông bệnh nhân như ngày thường.

Tuy nhiên, những người phải vào đây đều trong tình trạng “thập tử nhất sinh” và đã được cứu sống.

Bệnh nhân Trần Thị Trâm (SN 1945; ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) kể: Ngày 26-1 (nhằm 29 Tết), bà được phẫu thuật do gãy chân và điều trị bệnh phổi tại một BV trong TP. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, bà cảm thấy khó thở, đau liên hồi vùng ngực. Ngay sao đó, các bác sĩ chẩn đoán bà bị nhồi máu cơ tim nên khẩn trương chuyển qua BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Khi tới đây, bà không còn biết gì nữa. “Sau này, người nhà kể lại tôi như người đã chết. Các bác sĩ đã phẫu thuật cứu sống tôi. May mắn thay, ở đây có một khoa chuyên sâu về tim mạch chứ nếu chuyển xuống TP HCM thì chắc chắn tôi đã chết trên đường” - bà Trâm bộc bạch.

Một bệnh nhân khá đặc biệt là anh Y Wăt Niê (SN 1976; ngụ huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) bị nhồi máu cơ tim được đưa vào BV vào sáng 28-1 (nhằm mùng 1 Tết). Anh Y Wăt Niê cho hay rạng sáng, anh bỗng dưng đau trước ngực nên nhờ người nhà chở tới BV Đa khoa huyện Krông Bông. Các bác sĩ đã yêu cầu người nhà chuyển gấp anh lên BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. “Tới nơi, do quá đau nên tôi lơ mơ, trong khi vợ tôi lại không biết tiếng Kinh, không có tiền để nhập viện. Tuy nhiên, các bác sĩ đã không chần chừ mà chuyển thẳng tôi vào phòng phẫu thuật, cứu sống tôi” - anh Y Wăt Niê chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thiện Ái, Trưởng Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch, bệnh nhân Y Wăt Niê thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có bảo hiểm nhưng để đặt 1 stent cũng phải trả thêm khoảng 20 triệu đồng (mỗi stent giá khoảng 60 triệu đồng - PV). Do vậy, khoa đã linh hoạt sử dụng stent đã xin tài trợ trước đó để đặt cho bệnh nhân nhằm giảm chi phí điều trị. “Trong 3 ngày Tết, khoa đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân cấp cứu tim mạch. Trong đó có 4 trường hợp nguy kịch phải can thiệp đặt stent cứu sống” - bác sĩ Ái cho biết.

Cũng theo bác sĩ Ái, Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch mới được thành lập chưa đầy 5 tháng nhưng đến nay đã tiếp nhận điều trị hơn 500 bệnh nhân bị các bệnh về tim mạch. Trong đó, hơn 150 bệnh nhân được can thiệp đặt stent, đặt máy tạo nhịp tim. Hàng chục bệnh nhân vào viện trong tình trạng ngừng tim được cứu sống.

 

Tăng đột biến ca tai nạn giao thông không đội mũ bảo hiểm trong dịp Tết

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tang-dot-bien-ca-tai-nan-giao-thongkhong-doi-mu-bao-hiem-trong-dip-tet-2017020119300107.htm

Trong số hơn 500 ca là do tai nạn giao thông nhập viện Việt Đức qua 6 ngày Tết, có những ngày tới hơn 95% ca chấn thương sọ não nguy kịch vì bệnh nhân không đội mũ bảo hiểm khi đi du xuân.

Sáng ngày mùng 5 Tết, tại BV Việt Đức, BS Phạm Hải Bằng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn cho biết, trong số 504 ca tai nạn trong 6 ngày Tết, có 148 ca không đội mũ bảo hiểm, 272 ca chấn thương sọ não do nhiều nguyên nhân khác nhau, 179 tai nạn sinh hoạt (trong đó có 15 ca đánh nhau chấn thương phải nhập viện).

Cao điểm nhất là ngày mùng 3 Tết với 145 trường hợp đến viện khám, cấp cứu và chỉ có 4/112 ca tai nạn giao thông đội mũ bảo hiểm.

Hay như ngày mùng 1 và mùng 2 chỉ có 12 và 15 ca có đội mũ bảo hiểm. Trong khi trước Tết (ngày 29, 30 Tết) số người bị tai nạn đội mũ bảo hiểm lần lượt là 91 và 85 trường hợp.

Các ca tai nạn được chuyển đến BV Việt Đức phần lớn là ngoại tỉnh, trên đường quốc lộ, đi xe với tốc độ nhanh nên chấn thương nặng nề.

Theo BS Bằng, soi vào con số này có thể thấy, tỉ lệ người dân tuân thủ việc đội mũ bảo hiểm trong các ngày Tết rất thấp, với số ca tai nạn không đội mũ bảo hiểm chiếm đa số. Và dự kiến trong ngày nghỉ cuối cùng của dịp Tết, nhiều khả năng số ca tai nạn giao thông lại tăng lên do người dân di chuyển, đi lại nhiều.

“Việc đội mũ bảo hiểm sẽ giảm đi đáng kể nguy cơ chấn thương sọ não khi nạn nhân bị ngã xe, đập đầu xuống đường cứng”, BS Bằng cho biết.

Trong Tết, không có trường hợp nào tử vong tại bệnh viện nhưng có 35 trường hợp nặng xin về.

Hà Nội: Hơn 6.700 ca cấp cứu

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong 6 ngày Tết, các cơ sở y tế thuộc Hà Nội tiếp nhận hơn 6.700 ca cấp cứu, với 659 ca tai nạn giao thông.

Đặc biệt, Trung tâm cấp cứu 115 đã hoạt động hết công suất. Mỗi ngày có 14 đội cấp cứu ứng trực 24/24h tại Trung tâm và các Trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn Thành phố.

Từ ngày 26/1/2017 đến 07h00’ ngày 31/1/2017 đã tiếp nhận 464 lượt yêu cầu, số lượt xe đi 464 lượt, cấp cứu và vận chuyển 319 bệnh nhân, chuyển viện 249 trường hợp, trong đó tai nạn giao thông 28 trường hợp, tai nạn sinh hoạt 09 trường hợp, tử vong: 22 trường hợp (trong đó: 01 do tai nạn sinh hoạt; 01 do tai nạn giao thông; 20 do các nguyên nhân khác).

Trường hợp tử vong do tai nạn giao thông rất đáng tiếc xảy ra với nam thanh niên trẻ 24 tuổi bị TNGT (xe máy - ô tô) lúc 0h40' phút ngày 29/01/2017 (Rạng sáng mồng 2 Tết) tại Ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng. Khi xe cấp cứu115 đến bệnh nhân đã trong tình trạng: Ngừng tim, ngừng thở, mạch ngoại vi không bắt được, huyết áp không đo được; vùng chẩm bị chấn thương, dập nát, biến dạng. Kết luận Tử vong do Chấn thương sọ não, bàn giao cho CSGT xử lý.

Một trường hợp tai nạn giao thông đau lòng khác cũng khiến cô gái trẻ 18 tuổi (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) tử vong. Khi được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ bệnh nhân đã ở tình trạng mạch không bắt được, Huyết áp không đo được, đồng tử hai bên giãn.

 

Bệnh viện Bạch Mai: 6 ngày Tết, kẻ mê sảng, người tử vong vì rượu

http://dantri.com.vn/suc-khoe/6-ngay-tet-ke-me-sang-nguoi-tu-vong-vi-ruou-20170201192259725.htm

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/moi-ngay-tet-co-5-nguoi-nhap-vien-cap-cuu-do-ruou-679858.html

Tại khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, đã có những trường hợp bị xuất huyết tiêu hoá, viêm tụy cấp vì uống rượu quá nhiều trong những ngày Tết. Trong khi đó, tại Trung tâm chống độc đã có trường hợp tử vong nghi do rượu giả.

Mê sảng vì ngừng rượu đột ngột

BS Ngô Đức Hùng (khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai) cho biết, trong 6 ngày Tết (từ 29 đến sáng mùng 5 Tết), ngày nào cũng có gần trăm bệnh nhân được chuyển đến hoa Cấp cứu, cá biệt ngày mùng 4 Tết tiếp nhận đến 116 bệnh nhân và 2/3 trong số này buộc phải nhập viện. Các bác sĩ phải làm việc liên tục, chuyển bệnh nhân đến các khoa chuyên môn để giải phóng giường bệnh đón bệnh nhân mới.

Trong số bệnh nhân nhập viện, lượng bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa vì bia rượu gặp nhiều nhất trong ngày 29 - 30 Tết. Còn ngày 2-3 Tết, đã có 20-25% trong số 169 ca cấp cứu là do chảy máu đường tiêu hóa.

Riêng sáng ngày 1/2 (tức ngày mùng 5 Tết), nhiều bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng nặng phải nhập viện, phần nhiều nguyên nhân từ rượu.

Trong đó, có bệnh nhân nam 36 tuổi nhập viện trong tình trạng sảng rượu. Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu gần 10 năm nay. Theo người nhà, ngày nào bệnh nhân cũng uống cả lít rượu. Nhưng 2 ngày gần đây, bệnh nhân đau bụng quằn quại, không uống được rượu nên sau đó xuất hiện tình trạng kích thích, vật vã, run rẩy, hoang tưởng. Các bác sĩ phải điều trị song song bệnh viêm nhiễm đường mật, vừa điều trị hội chứng cai do ngừng rượu đột ngột.

Ngoài ra, có thêm 2 ca viêm tụy cấp - 1 bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh - liên quan uống rượu bia, nhập viện do đau bụng quằn quại cũng đang được theo dõi, cấp cứu tại khoa.

Theo BS Hùng, số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bia rượu ngày càng gia tăng và trẻ hoá, (độ tuổi 30-40). Cách đây 10 năm, tại khoa mỗi tuần có 1-2 ca sảng rượu nhưng gần đây, số bệnh nhân vào khoa ít nhất 2 ca/ngày.

Một ca tử vong nghi do rượu giả

Trong khi đó, tại Trung tâm chống độc, trưa mùng 4 Tết, bệnh nhân nam 57 tuổi ở Mỹ Hào, Hưng Yên được đưa đến trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, dùng thuốc trợ tim nhưng tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi, huyết áp tụt và gia đình đã xin bệnh nhân về đêm mùng 4.

“Về nhà trong tình trạng huyết áp tụt, tình trạng nặng, bệnh nhân chắc chắn tử vong. Chúng tôi nghi ngờ khả năng bệnh nhân ngộ độc rượu có chứa methanol nhưng còn phải chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng”, BS Nguyễn Đàm Chính cho biết.

Theo người nhà chia sẻ với bác sĩ, trước đó, ngày mùng 3 Tết, bệnh nhân uống nhiều rượu tại nhà, rơi vào trạng thái hôn mê từ sáng mùng 4 Tết.

Ngoài ra, đêm mùng 4 có 3 bệnh nhân nam giới nhập viện vì say rượu, sau một đêm nằm theo dõi, các chức năng trở về bình thường, người bệnh tỉnh rượu đã ra viện sáng sớm mùng 5 Tết.

BS Chính lo ngại xu hướng gia tăng ngộ độc rượu trong những ngày tân niên, lễ hội sắp tới, nhất là những cuộc nhậu ngoài hàng quá khi mà mọi người tụ họp, uống rượu nhiều mừng tân xuân, nếu không kiểm soát được nguồn rượu, uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp nguy cơ ngộ độc rượu là rất lớn.

 

TP.HCM có hơn 13.000 bác sĩ

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/tphcm-co-hon-13000-bac-si-679821.html

Ngày 1-2, báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho thấy tính đến 31-12-2016, TP.HCM có 13.358 bác sĩ (BS), đạt 16,07 BS/10.000 dân.

Báo cáo còn ghi nhận TP.HCM có 7.678 dược sĩ (DS), đạt 9,23 DS/10.000 dân. Bên cạnh đó, hơn 27.650 điều dưỡng (ĐD) đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM, đạt 33,26 ĐD/10.000 dân.

Theo GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2016, các cơ sở y tế TP.HCM trực thuộc Sở Y tế TP khám và điều trị ngoại trú cho hơn 35.472.940 lượt bệnh nhân. Trong đó bệnh nhân các tỉnh phía Nam chiếm 30% đến 40%.

“Bên cạnh đó, có gần 1.776.340 bệnh nhân điều trị nội trú tại các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế TP.HCM. Riêng bệnh nhân các tỉnh phía Nam chiếm 40% đến 60%” – ông Bỉnh cho biết.

Cũng theo ông Bỉnh, trong năm 2016, Sở Y tế TP.HCM tích cực triển khai những biện pháp giảm tải bệnh nhân tại các bệnh viện (BV) tuyến TP và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho BV tuyến cơ sở.

“Mô hình phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh của BV TP đặt tại các BV quận, huyện; thực hiện đề án luân phiên cán bộ; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các BV… đã góp phần giảm tải đáng kể lượng bệnh nhân tại các BV tuyến TP” – ông Bỉnh nhận định.

 

Hơn 5.600 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trong dịp Tết

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/861501/hon-5600-co-so-vi-pham-quy-dinh-ve-an-toan-thuc-pham-trong-dip-tet

Theo báo cáo nhanh về kết quả đợt thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương và hơn 5.100 đoàn thanh, kiểm tra của 42/63 địa phương đã tiến hành kiểm tra hơn 40 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bánh mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát, nước uống đóng chai, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố.

Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 5.600 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 13,96%) và tiến hành xử lý 2.990 cơ sở (53,19% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền đối với hơn 2.300 cơ sở với số tiền phạt gần 8,2 tỷ đồng. Ngoài các hình thức xử phạt chính, các đoàn thanh, kiểm tra còn ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 22 cơ sở; đình chỉ lưu hành 41 loại thực phẩm; tiêu hủy 414 loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng…

Cục ATTP tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện trách nhiệm kiểm soát ATTP trong dịp Tết và lễ hội xuân 2017, thường trực theo dõi tình hình ngộ độc thực phẩm và đường dây nóng tiếp nhận phản ánh hành vi vi phạm về ATTP trong những ngày tới.

 

Nội soi mật tụy cứu cụ bà 100 tuổi

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170201/noi-soi-mat-tuy-cuu-cu-ba-100-tuoi/1258417.html

Ngày 1-2 (mùng 5 tết), lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ cho biết bệnh viện cứu sống kịp thời cho cụ bà 100 tuổi bị sốc nhiễm trùng đường mật ngay trong đêm giao thừa.

Hiện sức khỏe của cụ bà ổn định và đang tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp.

Trước đó, cụ bà Nguyễn Thị Lý (100 tuổi, ở xã Hưng Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện quận Ô Môn, do sốt cao, huyết áp không đo được.

Tại đây bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng chưa rõ nguyên nhân. Ngay sau đó bệnh nhân được truyền dịch, dùng thuốc và chuyển lên tuyến trên là bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ trong tối 27-1 (đêm giao thừa).

Lúc đến đây, cụ bà bị đau bụng dữ dội, sốt cao, lừ đừ.... Các bác sĩ trực khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm, siêu âm. Sau khi hội chẩn liên khoa, cụ bà được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường mật nặng, nguyên nhân do tắc ống mật chủ.

Do cụ bà tuổi cao, việc phẫu thuật thông thường sẽ không an toàn, có nguy cơ tử vong nên các bác sĩ cho bệnh nhân dùng kháng sinh liều cao, truyền dịch vận mạch và chỉ định dùng phương pháp nội soi mật tuỵ ngược dòng để đặt stent giải áp ống mật chủ.

Bác sĩ La Văn Phú - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân quá lớn tuổi bị sốc nhiễm trùng đường mật rất nặng. Nếu phẫu thuật rất nguy hiểm do bệnh nhân quá lớn tuổi, huyết áp, tim mạch không ổn định nên phương pháp nội soi mật tuỵ ngược dòng là tối ưu nhất, kịp thời giúp cụ bà qua cơn nguy kịch.

 

Phần mềm phát hiện nguy cơ bệnh tim

http://vov.vn/suc-khoe/phan-mem-phat-hien-nguy-co-benh-tim-589957.vov

Công nghệ này có thể cứu sống con người bằng cách phát hiện trước những người cần được điều trị tăng cường.

Kết quả một cuộc nghiên cứu công bố trên Tạp chí X-quang học cho thấy, một phần mềm được thiết kế với khả năng phân tích mẫu máu và quét nhịp tim nhằm phát hiện những dấu hiệu cho thấy tim sắp có vấn đề, đang đem lại hiệu quả tích cực.

Nhóm nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa của Anh cho biết, công nghệ này có thể cứu sống con người bằng cách phát hiện trước những người cần được điều trị tăng cường.

Phần mềm này đã tiến hành quét tim của 256 bệnh nhân cũng như kiểm tra kết quả xét nghiệm máu. Máy đo hoạt động của 30.000 điểm khác nhau trên cấu trúc bộ phận trong một nhịp tim. Khi dữ liệu trên được kết hợp với quá trình theo dõi 8 năm của bệnh nhân, trí tuệ nhân tạo sẽ ghi nhận những bất thường và đoán trước thời điểm bệnh nhân tử vong.

Phần mềm này có thể giúp chẩn đoán chính xác những gì sắp sửa xảy ra đối với từng bệnh nhân.

Bác sỹ Mike Knapton, thuộc Trung tâm nghiên cứu về tim của Anh cho biết, nhóm nghiên cứu đang mong muốn thử nghiệm công trình này ở các bênh viện khác trước khi đánh giá phần mềm này được sử dụng rộng rãi cho các bệnh nhân về tim mạch.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang