Ai là người hưởng lợi khi giá viện phí tăng cao?
Đã có rất nhiều đồn đoán cho rằng, bệnh viện là nơi hưởng lợi hoặc bảo hiểm y tế là nơi hưởng lợi khi giá dịch vụ y tế tăng cao từ ngày 1/3/2016.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy, đa số các nhà hoạch định chính sách từ lãnh đạo Bảo hiểm Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế cho đến những người đứng đầu các bệnh viện từ các bệnh viện tầm trung cho đến các bệnh viện hạng đặc biệt đều khẳng định: Người dân được hưởng lợi nhiều nhất khi giá dịch vụ y tế tăng cao.
Điều này nghe có vẻ rất vô lý, bởi người dân (trực tiếp là những người đến khám và điều trị) khi đến bệnh viện nếu giá viện phí tăng thì họ phải trả tiền nhiều. Vậy tại sao họ lại là người được lợi?
Trao đổi về vấn đề này bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đối với việc tăng giá dịch vụ y tế lần này, người bệnh có bảo hiểm y tế được hưởng lợi nhiều hơn là bị tác động.
Theo bà Hường, việc tăng viện phí đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ y tế sẽ tăng do các bệnh viện cạnh tranh nhau, nếu không có kỹ thuật tốt, chất lượng tốt thì người dân sẽ không đến, ngoài việc được sử dụng chất lượng dịch vụ y tế tốt, người dân vẫn được bảo hiểm y tế chi trả, thậm chí nhiều chi phí người dân được bảo hiểm trả 100%.
Như vậy, việc điều chỉnh hay nói cách khác là tăng giá dịch vụ y tế nếu có tác động thì cũng không tác động nhiều tới người bệnh có bảo hiểm y tế. “Theo tôi, người bệnh có bảo hiểm y tế được hưởng lợi nhiều hơn là bị mất khi giá dịch vụ tăng”, đại diện lãnh đạo bệnh viện Việt Đức cho hay.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh viện hạng đặc biệt hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam, nơi có hàng vạn bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày cũng đồng quan điểm trên.
Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, giá dịch vụ tăng là để giúp bệnh viện có thêm khoản kinh phí phục vụ cho bệnh nhân như đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đào tạo nâng cao chuyên môn cho các y, bác sỹ... Như vậy, bệnh nhân là người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Hơn nữa, trong đợt tăng giá lần này chỉ áp dụng cho những người có thẻ bảo hiểm y tế, còn lại những đối tượng khác không có thẻ (chiếm khoảng 20% dân số) sẽ không bị tác động vì vẫn thanh toán theo giá cũ.
Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cũng cho biết, theo lộ trình việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ chia làm 2 giai đoạn và bước đầu chỉ áp dụng cho những người có bảo hiểm y tế, với những người không có thẻ bảo hiểm y tế (chủ yếu lao động tự do, nông dân, người nghèo) vẫn áp dụng mức giá cũ.
Tuy nhiên, đó chỉ là tạm thời áp dụng, về lâu dài giá viện phí mới vẫn được áp dụng chung cho toàn xã hội, như vậy đối với những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ phải chịu gánh nặng rất lớn mỗi khi vào viện.
Bởi vậy, theo các nhà hoạch định chính sách y tế, “khoảng trống” trong giai đoạn chưa áp dụng giá dịch vụ y tế mới cho người chưa có bảo hiểm y tế, thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân tham gia bảo hiểm y tế.
Như vậy, việc tăng giá viện phí sẽ là một mũi tên bắn trúng hai đích cùng lúc, đó là vừa tăng chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời đạt độ bao phủ toàn dân tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, cái mà người dân cần khi tham gia bảo hiểm đó chính là việc thông tuyến bảo hiểm y tế. Nghĩa là, người dân có quyền lựa chọn cơ sở y tế mình muốn đến khám (không cần đúng và đợi chuyển tuyến) nhưng bảo hiểm y tế vẫn phải chi trả theo quy định hiện hành.
http://khampha.vn/tin-nhanh/ai-la-nguoi-huong-loi-khi-gia-vien-phi-tang-cao-c4a390359.html
Kiểm tra việc công khai tăng phí
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 1-3, tất cả bệnh viện ở TP.HCM đều tăng viện phí, trong đó các bệnh viện tự chủ tài chính và các bệnh viện tư nhân sẽ tăng nhiều do viện phí được tính cả tiền trợ cấp trực phẫu thuật và tiền lương, các bệnh viện còn nhận ngân sách nhà nước tăng ít hơn do viện phí mới tính tiền phụ cấp trực phẫu thuật.
Sáng 1-3, Sở Y tế đã giám sát 32 cơ sở y tế trực thuộc sở về việc công khai bảng giá dịch vụ, thông tin cho người bệnh về thời gian thực hiện, không thu thêm của người bệnh chi phí đã tính trong giá.
Theo ghi nhận, tất cả cơ sở y tế đều tổ chức thông tin và công khai bảng giá. Một số cơ sở y tế đã công khai giá bằng bảng điện tử, mica như: Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Q.1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện Q.Thủ Đức.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160302/tang-vien-phi-benh-nhan-tra-luong-bac-si/1060240.html
Tăng viện phí từ ngày 1-3: Nhiều dịch vụ không được BHYT thanh toán
Sự khác nhau giữa danh mục các dịch vụ y tế áp dụng trước và sau ngày 1-3 đã gây trở ngại không nhỏ cho các bệnh viện trong cách tính viện phí mới.
Từ ngày 1-3, Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính số 37 về điều chỉnh mức giá viện phí có hiệu lực. Tuy nhiên, còn nhiều danh mục kỹ thuật chưa được BHYT thanh toán.
Độ vênh giữa hai thông tư
Quy định trong Thông tư 37 có khoảng 1.800 kỹ thuật nhưng chỉ có vài trăm kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật của Thông tư 43 và Thông tư 50 (phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật). Như vậy sẽ có độ vênh rất lớn giữa danh mục kỹ thuật của hai thông tư, nhiều danh mục kỹ thuật không tương đương sẽ không được BHYT thanh toán vì không nằm trong danh mục được Bộ Y tế quy định.
Theo quy định, các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa được quy định mức giá cụ thể tại Thông tư 37 thì áp dụng theo mức giá của các dịch vụ tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện. Các phẫu thuật, thủ thuật chưa được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện đồng thời chưa quy định mức giá cụ thể: Áp dụng mức giá tương ứng với từng loại phẫu thuật, thủ thuật tại mục “phẫu thuật, thủ thuật còn lại khác” của từng chuyên khoa. Tuy nhiên, việc áp tương đương thế nào là vấn đề gây rối và lúng túng cho các bệnh viện (BV) vì giá dịch vụ y tế rất phức tạp không trùng với nhau quá nhiều.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cho biết trước đây khi áp dụng Thông tư 37, các dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt là các phẫu thuật, thủ thuật theo hình thức gom nhóm. Cho nên BV Việt Đức khoảng vài trăm kỹ thuật nhưng bây giờ không gom nhóm nữa, đi theo chi tiết theo danh mục phẫu thuật, thủ thuật, theo Thông tư 43 và Thông tư 50 sẽ ra hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật khác nhau. Vì vậy BV phải làm lại bộ bảng mã, bộ hướng dẫn và các quy trình khác.
Nói về khó khăn trong việc thực hiện quy định tăng giá viện phí lần này, lãnh đạo một BV cho biết sự không thống nhất tên gọi trong danh mục kỹ thuật, thông tư này quy định có kỹ thuật này, còn thông tư kia lại không khiến việc triển khai phần mềm của các BV gặp khó. Hiện cơ quan quản lý chưa thống nhất ban hành danh mục chuẩn thì hệ thống phần mềm của các BV chưa thể hoạt động hiệu quả được, do đó người chịu thiệt sẽ là người bệnh.
“Ví dụ Thông tư 43 quy định danh mục gồm có viêm phổi trẻ em, viêm phổi người già, viêm phổi cấp, còn Thông tư 37 chỉ có danh mục viêm phổi và BHYT không thanh toán vì “viêm phổi” không khớp với kỹ thuật “viêm phổi” nào của Thông tư 43” - vị này dẫn chứng.
Các BV đang mong cơ quan quản lý nhà nước khẩn trương thống nhất, ban hành danh mục kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật cũ để đồng nhất cách hiểu giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH để các cơ sở y tế căn cứ vào đó thanh toán BHYT cho bệnh nhân.
Sớm ban hành danh mục tương đương
Ngày 2-3, đại diện của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết lẽ ra các BV nên chuẩn hóa toàn bộ các kỹ thuật đang làm tại BV nhưng các BV lại vẫn sử dụng danh mục cũ, do vậy khi triển khai Thông tư 37 sẽ rất khó. Bộ Y tế đang đồng bộ (đã thông qua hội đồng, chờ thủ tục phê duyệt) danh mục kỹ thuật khám, chữa bệnh tương đương giữa Thông tư 43, Thông tư 50 với Thông tư liên tịch 37 để hướng dẫn các đơn vị áp dụng giá thanh toán cho người bệnh BHYT.
“Danh mục tương đương đã có dự thảo nhưng phải chờ BHXH Việt Nam thẩm định vì có liên quan đến giá. Hiện tại đã có các chuyên khoa sau đây đã được BHXH Việt Nam thẩm định xong: Ngoại khoa, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, ung bướu, da liễu” - đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết.
Cũng theo đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, bảng danh mục tương đương của Bộ sẽ ban hành nhiều đợt vì có rất nhiều kỹ thuật cần phải thẩm định.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết đối với các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43 thì các dịch vụ có tên trùng khớp với tên trong Thông tư số 43 được áp dụng theo giá dịch vụ mới. Các dịch vụ có tên khác với Thông tư số 43 sẽ tạm thời thực hiện theo giá hiện hành cho đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43.
Trước những khó khăn trên, Bộ Y tế cũng đề nghị đối với các danh mục kỹ thuật chưa có tên trong thông tư 43, các cơ sở y tế khẩn trương báo cáo Bộ Y tế bổ sung.
Người bệnh ít chịu tác động
Theo BS Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), khi thực hiện điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư 37, người bệnh có BHYT được lợi ích nhiều hơn. Về chi phí, người bệnh có nhiều khoản trước đây vì cơ cấu giá không đủ phải nộp thêm. Bây giờ trong cơ cấu giá có rồi thì người bệnh không phải chi trả thêm nữa.
Đợt tăng này sẽ thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận và định hướng của tất cả đơn vị BV trong ngành y tế. Tất cả BV phải thấy rằng chỉ có nâng cao chất lượng mới có bệnh nhân. Ngày trước, đặc biệt BV tuyến dưới vắng tanh nhưng kinh phí lại cấp theo giường bệnh, có bao nhiêu giường thì nhân lên được cấp từng đấy kinh phí mà không biết là công suất sử dụng bao nhiêu. Bây giờ giá viện phí tính đủ, Nhà nước không cấp nữa, ngân sách BV thu từ phí dịch vụ bao gồm từ phía người bệnh và quỹ BHYT chi trả. Có thực hiện dịch vụ mới có tiền thu về, muốn thế BV phải có người bệnh, người bệnh không đến thì không có thu. Vì thế bắt buộc các BV phải vào cuộc phấn đấu để nâng cao chất lượng dịch vụ.
http://plo.vn/suc-khoe/tang-vien-phi-tu-ngay-13-nhieu-dich-vu-khong-duoc-bhyt-thanh-toan-615176.html
http://baobaovephapluat.vn/suc-khoe-doi-song/suc-khoe-cong-dong/201603/dong-nai-lo-khi-vien-phi-tang-2472426/
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/nguoi-benh-chap-nhan-vien-phi-cao-neu-chat-luong-y-te-tot-3362784.html
http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/nguoi-dan-lo-lang-viec-tang-vien-phi-tai-cac-benh-vien-a135110.html
http://doanhnghiepvn.vn/vien-phi-tang-gia-benh-nhan-co-duoc-huong-loi-d64883.html
Tây cấp cứu 1 phút, ta cấp cứu 1 giờ
Mấy ngày nay, dư luận phẫn nộ vì trong vụ tai nạn ở Hà Nội, nhiều người đã không chịu chở nạn nhân đi cấp cứu, để đến gần 1 giờ sau, khi xe cấp cứu đến thì nạn nhân không còn sống được nữa.
Rất nhiều ý kiến trái chiều nhau, người thì phẫn nộ vì thái độ thấy chết không cứu, người lại cho rằng việc cứu người làm người ta gặp phiền phức, có người cho rằng không biết cấp cứu chỉ gây thêm nguy hiểm cho nạn nhân. Tuy nhiên, có một vấn đề mà không ai đặt câu hỏi, là tại sao xe cấp cứu phải mất tới 1 giờ mới tới được hiện trường vụ tai nạn?
Cách đây khoảng 35 năm, tại một thành phố tỉnh lẻ của một nước Đông Âu, tôi đang chờ xe đi qua để đi bộ qua ngã tư đường (không có đèn giao thông), thì một chiếc xe hơi rẽ trái tông vào bên hông một chiếc tàu điện đang đi thẳng. Lần đầu tiên nhìn thấy tai nạn ở nước ngoài, tôi sững người.
Sau khoảng 1 phút sững sờ, tôi băng qua ngã tư. Hồi đấy tôi chưa có thói quen đi nhanh như dân bản xứ. Khi đi qua gần hết ngã tư thì nghe còi hú. Xe cảnh sát chạy đằng trước, xe cấp cứu chạy đằng sau lao đến. Tôi phải vội vàng chạy lên lề đường để cho xe cảnh sát và xe cấp cứu tiến đến sát hiện trường vụ tai nạn. Chỉ khoảng hơn 1 phút từ khi tai nạn xảy ra.
Cách đây 15 năm, tại Phoenix, Mỹ, tôi đến Arizona Mills bằng xe buýt. Khi trở về, tôi phải chuyển xe ở một khu vực nói tiếng Tây Ban Nha. Trạm xe buýt gần một ngã tư, rất vắng. Một thanh niên ăn mặc bụi, đến gặp tôi xin thuốc hút. Tôi không cho, anh ta nói gì đó bằng tiếng tây Ban Nha, vẻ cà khịa.
Một chút sau, một xe cảnh sát chạy tới ngã tư giải quyết gì đó khoảng 1 phút, xong đi lại, đậu sát bên trạm chờ xe buýt. Thanh niên định cà khịa với tôi lảng đi. Vài phút sau xe cảnh sát cũng đi luôn. 15 phút sau, xe cảnh sát lại quay lại. Một cảnh sát hỏi tôi là thanh niên kia đâu rồi. Thì ra là họ sợ tôi bị tấn công. Một cảnh sát xuống xe, hướng dẫn tôi cách nhấn chuông báo động nếu bị tấn công.
Cách đây khoảng 10 năm. Vào một buổi chiều chủ nhật, tôi đang ăn ở một khu du lịch ở Lái thiêu, Bình Dương thì nhận được điện thoại của chị tôi. Chị tôi lúc ấy đã khoảng 60 tuổi, bị té trên sân thượng nhà. Không biết té thế nào nhưng chị đang nằm dưới sàn, rất đau cổ và tê tay chân. Tôi nói chị gọi cấp cứu, vì nhà chị ở cách Trung tâm Y tế quận khoảng 500m, còn tôi đang ở xa khoảng hơn 30km.
Khoảng nửa giờ sau, chị lại gọi cho tôi, rằng chị rất đau, mà cấp cứu thì chẳng thấy đâu. Tôi đành gọi tính tiền để đi về, không quên dặn chị hối thúc bên cấp cứu. Cũng phải mất 30 phút sau tôi mới lấy xe gắn máy và chạy về Sài Gòn. Khi tới nhà chị, tôi thấy xe cấp cứu đang đậu trước cửa, xe của Trung tâm Y tế cách nhà chị 500m. Chạy lên sân thượng, chị đang nằm dưới sàn. Anh lái xe và một điều dưỡng vừa mới tới, đang yêu cầu chị ngồi dậy. Tôi phải gọi cho đứa em chạy vào bệnh viện mua một cái nẹp cổ mang đến nhà chị. Sau hơn 3 giờ kể từ khi té, chị tôi mới được đưa xuống khỏi sân thượng và đưa vào bệnh viện.
Khi còn trực cấp cứu, tôi gặp những chuyện rất đau lòng. Có người bị tai nạn giao thông, tại hiện trường không bị liệt, nhưng khi đưa đến bệnh viện thì liệt tứ chi do chấn thương cột sống cổ. Có trường hợp té giếng bị đau lưng nhưng không liệt. Cho một người xuống, buộc dây vào lưng nạn nhân kéo lên. Khi lên tới gần miệng giếng thì dây đứt, nạn nhân và cả người xuống cấp cứu đều liệt tứ chi.
Có một thời gian, tôi được phân công báo cáo các bài về sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương cột sống tại hiện trường cho y tế tuyến quận huyện ở khu vực phía Nam, một chương trình phổ biến kiến thức sơ cấp cứu của Bộ Y tế. Gần đây, ở Sài Gòn, người ta đã chú ý hơn đến công tác cấp cứu tại hiện trường, thành lập những đội cấp cứu phản ứng nhanh. Đặc biệt là mới có đội xe cấp cứu tư nhân hùng hậu nhập từ Mỹ.
Hẳn là cần lên án thái độ thờ ơ với tính mạng con người của một bộ phận người dân hiện nay. Nhưng trước hết, chính quyền cần phải quan tâm đến các vấn đề sống còn của người dân hơn nữa. Không thể đổ hết lỗi cho dân được.
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/292073/tay-cap-cuu-1-phut-ta-cap-cuu-1-gio.html
Xử phạt phòng nha người nước ngoài làm chủ 170 triệu đồng
Ngày 2-3, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết UBND TP vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Nha khoa Ngôi Sao Trắng (145 Bis Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1) do ông Hong Dong Wan (quốc tịch Hàn Quốc) làm chủ. Tổng số tiền xử phạt là 170 triệu đồng.
Trước đó, UBND TP cũng đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Thanh Long Đường (307A Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, quận 7) 100 triệu đồng vì hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động. Xử phạt ông Lê Kim Thành (06 lô M Hoàng Quốc Việt, phường Phú Mỹ, quận 7) 60 triệu đồng cũng vì hành vi tương tự.
http://plo.vn/suc-khoe/xu-phat-phong-nha-nguoi-nuoc-ngoai-lam-chu-170-trieu-dong-615175.html
Kiểm tra thông tin muỗi thả ở đảo Trí Nguyên nghi truyền virus gây teo não
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu làm rõ việc chủng muỗi trung gian đang được thả ở đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang có thể mang virus Zika gây bệnh teo não người hay không?
Ngày 2-3, ông Lâm Quang Chứng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, xác nhận UBND tỉnh đã có văn bản giao sở này làm việc cụ thể với Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định làm rõ việc chủng muỗi Aedes aegypti mang loại vi khuẩn có tác nhân sinh học Wolbachia (đang được thả ở đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang) loại trừ bệnh sốt xuất huyết có thể mang virus Zika gây bệnh teo não người hay không.
Trước đó, một tờ báo điện tử đề cập đến dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia” do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã và đang thực hiện tại đảo Trí Nguyên. Dự án này nhằm thay quần thể muỗi tự nhiên trên đảo Trí Nguyên bằng loại muỗi Aedes aegypti mang một loại vi khuẩn mới có tác nhân sinh học Wolbachia loại trừ bệnh sốt xuất huyết. Tờ báo trên cho rằng điều khiến nhiều người lo lắng là loại virus này hoàn toàn có thể phát sinh hoặc trung gian lây truyền virus ở nơi có mặt chủng muỗi này.
“Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cơ quan chủ trì thực hiện dự án trên, có văn bản thông tin chính thức xung quanh vấn đề trên để Sở báo cáo UBND tỉnh và công bố rộng rãi cho người dân biết” - ông Chứng cho hay.
Liên quan đến thông tin trên, ông Lê Trung Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát vector (Viện Pasteur Nha Trang), cho biết chủng muỗi Aedes còn gọi là muỗi vằn là loại muỗi có trong tự nhiên, tồn tại ở khắp nơi chứ không chỉ ở đảo Trí Nguyên. Loại muỗi này chỉ đóng vai trò trung gian truyền bệnh từ người đã bị nhiễm virus sang người khác chứ không làm phát sinh ra virus Zika. “Điều quan trọng là đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika nào ở Việt Nam. Hiện dự án trên vẫn đang tiếp tục giám sát chặt chẽ quần thể muỗi cũng như tình hình sức khoẻ người dân trên đảo Trí Nguyên và chưa phát hiện dấu hiệu bất thường gì về sức khỏe người dân” - ông Nghĩa khẳng định.
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia” bắt đầu triển khai từ tháng 4-2013 với việc thả liên tục chủng muỗi Aedes aegypti trên đảo Trí Nguyên nhằm thay thế quần thể muỗi tự nhiên khá cao, tồn tại quanh năm tại đảo này. Mục tiêu của dự án là ức chế, giảm khả năng lây truyền virus sốt xuất huyết, tiến tới triển khai toàn TP Nha Trang. Theo ông Lâm Quang Chứng, trong năm 2015 hầu như không phát hiện trường hợp sốt xuất huyết nào trên đảo Trí Nguyên, trong khi tỉnh Khánh Hòa bùng phát dịch sốt xuất huyết với số ca mắc cao nhất từ trước đến nay.
http://plo.vn/suc-khoe/kiem-tra-thong-tin-muoi-tha-o-dao-tri-nguyen-nghi-truyen-virus-gay-teo-nao-615106.html
Gần 200.000 trẻ sẽ được uống vaccine bại liệt
“Trong tháng 3, TP.HCM triển khai chiến dịch uống vaccine bại liệt (OPV) lần 1 cho 199.500 trẻ đang sinh sống tại các quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân và hai huyện Hóc Môn, Bình Chánh”.
BS Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết thông tin trên vào sáng 2-3.
Trẻ uống vaccine bại liệt trong đợt 1 nói trên được sinh từ 1-1-2010 đến 31-12-2015 (đang học ở nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo). Trẻ sẽ được cho uống tại trường đang theo học (từ ngày 9 đến 11-3) hoặc tại trạm y tế (ngày 19 và 20-3).
“Sau đó, trẻ tiếp tục được cho uống vaccine bại liệt đợt 2 vào tháng 4. Trẻ sẽ được cho uống tại trường đang theo học (từ ngày 10 đến 12-4) hoặc tại trạm y tế (ngày 23 và 24-4)” - BS Nga cho biết thêm.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng triển khai chiến dịch tiêm sởi - Rubella (MR) cho khoảng 124.000 học sinh trên địa bàn TP được sinh trong năm 1998 và 1999, đang theo học lớp 11 và 12, các trường THPT, trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên. “Tiêm vaccine sởi - Rubella đợt 1 sẽ được tổ chức tại trường học (từ ngày 14 đến 31-3). Đợt 2 cũng sẽ được tổ chức tiêm tại trường học (từ ngày 4 đến 15-5)” -BS Nga lưu ý.
http://plo.vn/suc-khoe/gan-200000-tre-se-duoc-uong-vaccine-bai-liet-615030.html
Trà Ô long Pepsi "lừa dối": Yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc
Vụ Trà Ô long của Pepsi, người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc.
Nguồn gốc Trung Quốc, hoạt chất là "hư cấu"?
Như Báo Giao thông đã đưa tin, trong văn bản giải trình với Cục ATTP (Bộ Y tế), Công Ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam đã phải thừa nhận việc dùng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất Trà Ô long TEA + Plus.
Đáng chú ý là trong "bản công bố hợp quy" được Pepsico gửi đến Cục ATTP và Sở Công thương TP. HCM để đăng ký sản phẩm Trà Ô long TEA + Plus thì doanh nghiệp này có đưa ra sơ đồ quy trình sản xuất Trà Ô long theo dây chuyền chai Pet.
Theo như sơ đồ, Trà Ô long TEA + Plus được sản xuất từ... lá trà. Quy trình chiết suất gồm các công đoạn: Lá trà - trích ly trà - lọc thô - làm lạnh - ly tâm - lọc tinh và qua một loạt công đoạn khác để tạo ra thành phẩm Trà Ô long.
Như vậy, một câu hỏi đặt ra là phải chăng Pepsi đang lừa dối người tiêu dùng khi nhập khẩu bột trà mà sản xuất từ lá trà?
Trước đó, Pepsi thậm chí còn "tự phát hiện" ra OTPP - thành phần tự nhiên chiết xuất từ trà Ô Long - có tác dụng giúp hạn chế hấp thu chất béo, đem lại cảm giác nhẹ nhàng. Tuy nhiên, các nhà khoa học trong nghiên cứu sinh hóa phẩm khẳng định trong trà không hề có chứa chất nào tên OTPP.
Người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình
Liên quan đến những phản án của Báo Giao thông về sản phẩm Trà Ô long TEA + Plus của Pepsi, nhiều độc giả không khỏi giật mình trước sự thật được che giấu bấy lâu nay.
Bạn đọc Hoài An cho rằng "một số quảng cáo không thể tin được" và đặt ra nghi vấn chất OTTP chưa rõ ràng thậm chí không có thì sao sản phẩm này đã được cấp phép.
Trong khi đó, bạn đọc Minh Anh thì khẳng định, ngay khi biết được thông tin từ báo chí, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng. Một số bạn đọc thậm chí coi sự mập mờ thông tin của Pepsi là "lừa đảo".
Về vấn đề này, PV Báo Giao thông đã liên hệ với luật sư Giang Văn Quyết, Giám đốc công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Luật sư Quyết đưa ra quan điểm: "Liên quan đến vụ việc nói trên, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua sản phẩm nào, tìm hiểu rõ nguồn gốc của sản phẩm đó. Nếu có thông tin hoặc nghi ngờ về sản phẩm mình dùng là kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe thì người tiêu dùng có thể yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh".
Ngoài ra, luật sư Giang Văn Quyết nhấn mạnh rằng: "Trước thông tin phản ánh từ người tiêu dùng về chất lượng của hàng hóa các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ. Liên quan đến thông tin công ty Công ty SuntoryPepsico nhập bột trà từ Trung Quốc để sản xuất Trà Ô long TEA + Plus cũng vậy. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, có hướng xử lý để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Khi có kết luận chính thức từ vụ việc cần công khai thông tin để người tiêu dùng biết".
http://www.baogiaothong.vn/tra-o-long-pepsi-lua-doi-yeu-cau-co-quan-chuc-nang-vao-cuoc-d140305.html
Ngành y tế bắt đầu cắt giảm ít nhất 10% biên chế
Ngày 2/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, ngành y tế sẽ cắt giảm ít nhất 10% biên chế từ nay đến năm 2021.
Việc giảm biên chế này được thực hiện theo Kế hoạch số 28/KH-BYT ngày 14/1/2016 của Bộ Y tế .
Ông Tiến còn cho biết, hiện Bộ trưởng Bộ Y tế đã có yêu cầu từng đơn vị trực thuộc ngay lập túc phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 6 năm (2016-2021) và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế đã được giao.
Mỗi đơn vị khi có nhu cầu chỉ được tuyển dụng tối đa 50% số biên chế công chức do giảm biên chế và giảm tự nhiên do nghỉ hưu, thôi việc.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính thay thế nguồn trả lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước cấp bằng việc trả lương tư nguồn thu sự nghiệp.
Hiện ngành y tế có 9 trong tổng số 37 đơn vị khám, chữa bệnh tự chủ kinh phí và viên chức các đơn vị này được trả lương từ nguồn thu sự nghiệp, không hưởng lương ngân sách nhà nước. Đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 đơn vị tự trả lương từ nguồn thu sự nghiệp...
Bên cạnh việc tinh giản biên chế, ngành y tế cũng từng bước nâng cao trình độ cán bộ. Từ ngày 1/1/2021 chỉ tuyển viên chức có trình độ cao đẳng trở lên.
Như vậy, hiện nay cả nước có 71 trường trung cấp đào tạo nhân lực y tế và các trường này phải được nâng lên cao đẳng hoặc xóa bỏ.
http://vneconomy.vn/thoi-su/nganh-y-te-bat-dau-cat-giam-it-nhat-10-bien-che-20160302040235706.htm
Người bệnh không có BHYT 'thức tỉnh' vì viện phí tăng
Ngày đầu áp dụng giá viện phí mới, hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện vẫn diễn ra bình thường. Nhiều người bệnh tâm sự, chính nhờ việc có người thân ốm phải nằm viện, rồi khi đi khám bệnh thấy dịch vụ khám BHYT tốt hơn nhiều đã “thức tỉnh” để họ mua BHYT.
Đã chuẩn bị kỹ càng
Ngày 1/3, ngày đầu tiên áp dụng giá viện phí mới tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Ghi nhận tại một số bệnh viện (BV) tuyến cuối ở Hà Nội như Bạch Mai, Việt Đức, Nội tiết Trung ương… cho thấy hầu hết người bệnh đã được tuyên truyền, không bất ngờ vì viện phí tăng.
Ngồi chờ kết quả tại khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai), bác Vũ Thị Nhưng (64 tuổi, Đình Lập, Lạng Sơn) cho biết, bác tái khám ung thư tuyến giáp. Bác đi khám từ sáng ngày 29/2, phải ngủ trọ một đêm ở phòng trọ gần bệnh viện mất 50 nghìn để hôm nay làm nốt các xét nghiệm cần thiết.
Theo bác Nhưng, thủ tục khám chữa bệnh đã nhanh hơn rất nhiều, nhưng lượng bệnh nhân đông quá, nên bác vẫn mong muốn có sự cải tiến hơn để thuận lợi cho người bệnh.
Như trước kia khi tái khám ung bướu, bác được nộp BHYT ngay tại khoa để khám, thì nay thủ tục nộp BHYT đều ở khoa Khám bệnh, sau đó xong xuôi mới lên khoa xếp số tiếp.
Nói về tăng viện phí, bác Nhưng không lo ngại bởi BHYT hưu trí của bác được thanh toán đến 95%. “Tôi là tôi lo cho người chưa có BHYT và nhóm chi trả 20%. Nhất là người không có BHYT sẽ rất khổ. Thấy nói viện phí tăng đến 30%. Chưa kể bệnh nhân ung thư như chúng tôi mà không có BHYT thì sao theo đuổi điều trị được”, bác Nhưng lo lắng bày tỏ.
Bác Nhưng cho biết thêm, toàn bộ chi phí điều trị ung thư tuyến giáp của bác được BHYT chi trả, chỉ phải đồng chi trả 5%. Ngoài ra mỗi tháng, bác Nhưng phải mua thêm thuốc ở ngoài hết 100 nghìn đồng.
Tại các BV đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng nên khâu khám bệnh, thanh toán giữa bệnh nhân BHYT, bệnh nhân không BHYT, bệnh nhân khám theo yêu cầu dù có các mức giá khác nhau nhưng thanh toán đều thuận lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Khoa Khám bệnh, bảng giá viện phí mới với giá chi tiết của gần 1.900 dịch vụ được niêm yết công khai cùng với bảng giá viện phí hiện hành (gần 900 dịch vụ) đang được thực hiện với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT. Phần mềm quản lý giá viện phí đã được cập nhật tương thích với danh mục viện phí mới Bộ Y tế ban hành nên BV triển khai không có gì vướng mắc.
Bà Nguyễn Thị Bích Bà Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, để thực hiện Thông tư 37, tăng viện phí từ ngày 1/3, BV Việt Đức đã có sự chuẩn bị kỹ càng.
Theo bà Hường, trước đây chỉ chia các dịch vụ theo nhóm bệnh, nhóm kỹ thuật nên bảng giá là dưới 1.000 dịch vụ tương được 1.000 loại giá. Còn hiện nay Bộ Y tế đã chia nhỏ các dịch vụ ra theo từng kỹ thuật khác nhau nên có tới 1.887 dịch vụ. Trong khi đó, giá viện phí mới chỉ áp dụng bệnh nhân có BHYT, giá cũ áp cho người không có BHYT, rồi giá khám yêu cầu; rồi phân loại bệnh nhân nhập viện trước hay sau 1/3… Vì thế, phần mềm thông tin đã sẵn sàng nhưng vẫn được tập huấn kỹ cho cán bộ để hạn chế sai sót.
Mất tiền triệu, vội vàng mua bảo hiểm
9h sáng tại khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai), anh Bùi Mạnh Tuấn (Phú Thọ) đang cùng vợ ngồi chờ kết quả tái khám ung thư máu. 6 tháng trước, lần đầu vào BV Bạch Mai phải nhập viện chờ chẩn đoán bệnh, điều trị trong vòng 16 ngày, gia đình anh phải nộp 23 triệu đồng vì không có BHYT.
“Hoảng quá, nộp 23 triệu trong cho 16 ngày điều trị. Thời gian vợ nằm viện cả nhà liêu xiêu vì vay chỗ nọ, mượn chỗ kia để đóng viện phí. Thấy giường bên cạnh có bệnh nhân ung thư máu như vợ mình, cả đợt truyền phải thanh toán có gần 6 triệu, hỏi ra họ có BHYT. Lúc này mới giật mình, thấm thía. Cả 3 đứa con đi làm đều có BHYT, mỗi hai vợ chồng không ai mua. Lúc ấy, dù viện phí khó khăn là thế cũng phải ưu tiên hơn triệu mua BHYT cho cả hai vợ chồng. Đợt này tái khám có phải nhập viện, giá viện phí thấy nói có tăng nhưng thú thực, tâm lý gia đình ổn hơn rất nhiều vì đã có BHYT”, anh Tuấn nói.
Đưa bố đi khám ung thư không có BHYT ở BV Bạch Mai, chị Nguyễn Thị Quỳnh (Tân Mai, Hà Nội) cho biết, vì bố chị mới có thẻ BHYT, hơn nữa lại ở một bệnh viện tuyến thành phố không chuyên ung bướu nên chị không yên tâm, đưa bố đi khám vượt tuyến.
Đây là khám thôi, chứ khi vào điều trị chắc phải chuyển BHYT cho cụ, không chi phí điều trị khó gánh.
Chị Quỳnh cũng cho biết, trước đây nghĩ đến khám BHYT là chị sợ, sợ đông, sợ thái độ của y bác sĩ. Nhưng bản thân chị 2 lần gần đây đi khám BHYT về răng hàm mặt và đau tức ngực thì rất bất ngờ bởi khám BHYT giờ nhanh hơn, thái độ cư xử của cán bộ y tế rất đúng mực. Đến mức, chồng chị vốn là người bảo thủ luôn không tin BHYT mà giờ thấy bố bị bệnh, chi phí điều trị đội lên cũng đã mua BHYT tự nguyện. “Bỏ tiền ra mua không may có bệnh còn đỡ lo. Mà may mắn không phải dùng đến thì cũng coi như làm từ thiện. Vì từ sáng ngồi đây, hỏi những người xung quanh có bệnh nhân chi phí cả chục triệu đồng mỗi tháng. Nếu không có những người khỏe mạnh như mình đóng BHYT thì lấy đâu tiền chi trả. Ngay giờ người thân của mình cũng đang chuẩn bị được nhờ nguồn quỹ ấy”, chị Quỳnh nói.
Theo bà Hường, việc điều chỉnh giá viện phí là một sự chuyển biến tích cực trong ngành y tế. Bởi giá tăng nhưng về thực chất người bệnh sẽ được lợi. Trước hết là người bệnh được coi trọng, đặt đúng vị trí là người trả tiền cho các dịch vụ, bệnh viện là người phục vụ. Đồng thời, chất lượng khám chữa bệnh tăng. Đặc biệt giá viện phí tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí, người bệnh có BHYT được chi trả những chi phí ấy sẽ không phải bỏ tiền túi chi thêm.
Theo lộ trình, từ 1/3 giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh với mức tăng bình quân khoảng 30% và từ ngày 1/7/2016 tăng khoảng 50% so với giá hiện nay. Việc tăng giá này theo tính toán không tác động đến khoảng 77% dân số có BHYT vì mức tăng này được quỹ BHYT gánh chi trả, người bệnh chỉ thực hiện đồng chi trả theo quy định.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-benh-khong-co-bhyt-thuc-tinh-vi-vien-phi-tang-975882.tpo
Nối thành công cánh tay đứt lìa cho thiếu niên 14 tuổi
Trong quá trình tháo dỡ nhà cũ, không may bức tường cao 3m bất ngờ đổ sập làm 3 người thương vong. Trong đó, em Bằng bị đứt lìa cánh tay và được cấp cứu tại Bệnh Viện ĐK Nghệ An.
Vào lúc 18h 05’ (ngày 23/02) khoa Cấp cứu Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Phan Công Bằng (14 tuổi, Yên Thành, Nghệ An) nhập viện với vết thương vùng cánh tay trái đứt gần lìa giờ thứ 4 do bị tường đổ gây dập nát cánh tay. Bệnh nhân đau dữ dội; xương, mạch máu, cơ cánh tay bị đứt hoàn toàn, dây thần kinh giữa, quay, trụ bị đụng dập, chỉ còn một mẩu da khoảng 5cm, tay nhợt lạnh, vết thương nham nhở, dập nát, mất vận động và cảm giác bàn tay trái.
Ngay lập tức, êkip hội chẩn liên khoa: Chấn thương, Ngoại Lồng ngực, Gây mê Hồi sức được huy động thăm khám cho bệnh nhân. Nhận thấy bệnh nhân mất máu trầm trọng do đứt động mạch, không còn mạch máu nuôi chi, nguy cơ tàn phế hiện hữu; các bác sỹ quyết tâm bằng mọi giá phải cứu cánh tay cho bệnh nhân, cứu lấy tương lai của cháu bé. Êkip hội chẩn quyết định chuyển mổ tối khẩn, nhanh chóng nối mạch, phục hồi lưu thông dòng máu để bảo toàn cánh tay không bị hoại tử; đồng thời cần xử lý nhanh tránh nhiễm trùng.
Ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng ngay trong đêm 23/02 là sự phối hợp xử lý song song, nhanh chóng, đồng bộ của 2 chuyên khoa: Chấn thương và Ngoại Lồng ngực. Một mặt, các bác sỹ Chấn thương tiến hành cắt ngắn khoảng 6cm xương cánh tay đoạn dập nát, cắt lọc tổ chức cơ, phần mềm hoại tử, dập nát và khâu nối lại; đồng thời cố định xương bằng khung ngoại vi.
“Sau khi ghép mạch, nhận thấy tuần hoàn ngoại vi đã có sự tưới máu, hồi lưu tĩnh mạch được, Êkip chấn thương tiếp tục mở cân cẳng tay phòng hội chứng tái tưới máu”, Thạc sỹ, BS. Phạm Văn Chung, khoa Ngoại Lồng ngực, phẫu thuật viên chính mạch máu cho biết.
Quá trình hồi sức sau mổ và xử lý vết thương cho bệnh nhân Bằng đòi hỏi chuyên môn cao và quá trình chăm sóc hậu phẫu cẩn thận. “Bệnh nhân được duy trì dùng thuốc chống đông, giảm đau, lợi tiểu; kết hợp cùng kháng sinh liều cao và mạnh nhất; thay băng, rửa vết thương thường xuyên để chống nhiễm trùng. Quá trình điều trị, bệnh nhân bị tổn thương động mạch, nên lượng máu mất rất nhiều. Sau 1 tuần điều trị, bệnh viện đã huy động gần 8 lít máu, huyết tương để truyền bù cho bệnh nhân”. Thạc sỹ, BS. Phan Ngọc Khóa, khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết thêm.
Đến nay, tình hình sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn định, vết thương ít dịch, đỡ sưng nề; đầu móng tay đã hồng, chi ấm, mạch quay, trụ rõ, độ bão hòa oxy cao, các ngón tay đã có thể vận động nhẹ. Bước đầu, cánh tay được ghép nối đã có kết quả khả quan.
http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/noi-thanh-cong-canh-tay-dut-lia-cho-thieu-nien-14-tuoi-976138.tpo
Bé sơ sinh mắc dị tật hiếm gặp ở ruột
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bé Đ. bị dị tật Hirschsprung (ruột không có thần kinh).
Ngày 2-3, tin từ BV Nhi đồng Đồng Nai cho biết sau khi được các bác sĩ rửa ổ bụng để khống chế tình trạng nhiễm trùng ổ bụng, sinh thiết khung đại tràng để truy tìm nguyên nhân và làm hậu môn tạm nối ra thành bụng, hiện sức khỏe của bé Đ. (28 ngày tuổi, ngụ xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã ổn định. Bé đã ăn được, tăng cân và chuẩn bị xuất viện về nhà.
Trước đó, ngày 4-2, bé Đ. được gia đình đưa vào viện điều trị với các triệu chứng như bụng trướng to, không thể đi đại tiện, ói,… Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng của bệnh nhi có mủ, phân tràn đầy ổ bụng từ một vết thủng ở cuối ruột non gây ra viêm phúc mạc, rối loạn đông máu, rối loạn điện giải...
Các bác sĩ chẩn đoán bé Đ. bị dị tật Hirschsprung (ruột không có thần kinh), ruột tắc từ hậu môn đến 1/2 đại tràng khiến ruột non bị vỡ, bục phân ra ổ bụng gây nhiễm trùng. Đây là một dị tật hiếm gặp.
http://plo.vn/suc-khoe/be-so-sinh-mac-di-tat-hiem-gap-o-ruot-614996.html
Khánh Hoà: Hơn 2.300 ca sốt xuất huyết trong 2 tháng đầu năm
Ngày 2/3, tại cuộc họp bàn giải pháp phòng, chống tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, địa phương đã ghi nhận hơn 2.300 ca mắc SXH, trong đó đã ghi nhận 1 ca tử vong ở TP Cam Ranh.
Sở Y tế Khánh Hòa nhận định, vào tháng 6-7/2016, tình hình dịch SXH có thể tăng trở lại vì hàng năm dịch SXH ở Khánh Hòa chủ yếu bùng phát vào khoảng tháng 6-7 và tháng 9-10 do các yếu tố khí hậu thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… Trước đó, trong năm 2015, toàn tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận hơn 9.000 ca mắc SXH, tăng 8,6 lần so với năm 2014, trong đó có 3 ca tử vong ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, số ca mắc SXH trong năm 2015 cao nhất trong vòng hơn 1 thập niên qua. Cụ thể từ năm 2004 đến 2015, đã xảy ra 5 vụ dịch SXH nhưng vụ dịch có số ca mắc SXH cao nhất là gần 7.000 ca.
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, nguyên nhân dịch SXH tăng đột biến trong năm 2015 ngoài các yếu tố khách quan thì còn có nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường chưa chủ động, chưa quyết liệt vào cuộc để phòng chống SXH, huy động nhân dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy; chưa có sự tham gia đầy đủ, tích cực của các Ban, ngành, đoàn thể tại địa phương; việc diệt lăng quăng, bọ gậy chưa hiệu quả, thực hiện còn hình thức, đối phó; người dân còn chủ quan, lơ là, trông chờ vào các cơ quan y tế…
Để kiểm soát và hạn chế sự lan rộng dịch SXH bùng phát trong năm 2016, Sở Y tế Khánh Hòa cho rằng cần mở “chiến dịch” diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp can thiệp chủ động trước thời điểm bùng phát (tháng 5-6 và tháng 8-9)…
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã yêu cầu các ban ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc để SXH bùng phát trong năm 2015. Ông Tài nhấn mạnh, các huyện, thị xã, thành phố cần sắn tay vào làm, cần sửa ngay các nguyên nhân chủ quan để hạn chế dịch SXH tại địa phương.
Ông Tài đề nghị lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống SXH của cấp dưới, trực tiếp đi kiểm tra xem đã có hiệu quả hay chưa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh cần chủ động và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, quyết liệt các biện pháp phòng, chống SXH và coi đây là nhiệm vụ cấp bách vì liên quan đến cuộc sống của người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu lãnh đạo Mặt trận các cấp, các cơ quan đoàn thể cùng vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt phòng, chống dịch SXH.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao Sở Y tế làm việc cụ thể với Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định, làm rõ thông tin chủng muỗi Aedes aegypti mang loại vi khuẩn có tác nhân sinh học Wolbachia để loại trừ bệnh sốt xuất huyết (đang triển khai ở đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) có thể mang vi rút Zika gây bệnh teo não ở người hay không và đề xuất phương án giải quyết.
Theo đó, Dự án án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia (ức chế và giảm khả năng lây truyền vi rút sốt xuất huyết ở muỗi Aedes aegypti)” được thực hiện từ năm 2006. Hiện, Dự án đang triển khai giai đoạn IV (năm 2015 và 2016) sẽ triển khai nuôi loại muỗi này ở toàn TP Nha Trang, tuy nhiên vẫn chưa triển khai được vì chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/khanh-hoa-hon-2-300-ca-sot-xuat-huyet-trong-2-thang-dau-nam-20160302171133145.htm
Dược sĩ và điều dưỡng hiến máu cứu bé sơ sinh vàng da nghiêm trọng
Được báo có bé sơ sinh bị vàng da vàng mắt cần thay máu gấp, hai dược sĩ và điều dưỡng thuộc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã hiến 500 ml cứu bệnh nhi.
Chiều 2/3, bác sĩ Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, viện vừa cứu sống trẻ sơ sinh bị vàng da nặng từ nguồn máu hiến tặng của hai dược sĩ và điều dưỡng trong bệnh viện.
Cách đây hai ngày, bệnh nhi Trần Thị Hằng hai ngày tuổi, con sản phụ Trần Thị Kim Oanh được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh với triệu chứng vàng da, vàng mắt nặng. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm sinh hóa, bác sĩ chẩn đoán bé Hằng bị vàng da do bất đồng nhóm máu mẹ con, yêu cầu phải thay máu nếu không sẽ tổn thương não không hồi phục.
Theo quy định, máu để dùng cho trẻ sơ sinh phải là máu tươi lưu trữ dưới 3 ngày, tuy nhiên lúc này nguồn máu sẵn có của bệnh viện đều đã lưu trữ trên 4 ngày. Dược sĩ Bùi Hoàng Dương, Phó trưởng khoa Dược và điều dưỡng Hoàng Thị Ngọc Hà, nhân viên khoa Khám bệnh đã đến hiến tặng một đơn vị máu O và một đơn vị máu AB (tổng cộng 500 ml máu) để truyền máu cho bé.
Sau hai ngày thay máu, bé Hằng đã hết vàng da, bú tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Gia đình cháu bé vô cùng xúc động và cảm ơn các bác sĩ đã "sinh ra bé lần hai". "Chúng tôi cảm kích tấm lòng y đức của tất cả tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện", chị Oanh nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đánh giá dược sĩ Dương và điều dưỡng Hà là những người có y đức tốt, luôn nhiệt tình hết lòng vì công việc.
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/duoc-si-va-dieu-duong-hien-mau-cuu-be-so-sinh-vang-da-nghiem-trong-3363607.html
Ở nơi bệnh nhân không dám ăn cơm vì sợ… có độc
Có những người bệnh tâm thần không kiểm soát, làm chủ được hành vi của mình. Mỗi bệnh nhân đến điều trị tại Viện là một câu chuyện buồn, một kỷ niệm buồn. Từ những người bị mắc chứng tâm thần phân liệt, người bị hoang tưởng, những người bị stress nặng… Mỗi bệnh nhân là một cảnh đời khác nhau.
Chăm sóc bệnh nhân hơn cả người nhà trong gia đình…
Là người có kinh nghiệm hơn 15 năm công tác tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội, bác sỹ Đỗ Văn Thắng - Trưởng Khoa Cấp tính nữ trải lòng: “Thời gian làm việc ở đây có rất nhiều kỷ niệm, nhưng chủ yếu toàn kỷ niệm buồn. Công tác chăm bệnh nhân vô cùng vất vả, từ việc giải thích, động viên, tạo niềm tin động viên cho người bệnh, khuyên giải họ điều trị chữa bệnh đến việc chăm, lo cho bệnh nhân từ bữa ăn, giấc ngủ. Tính đặc thù không như các cơ sở y tế khác, tại Bệnh viện tâm thần, ngoài công tác chuyên môn như thăm, khám và yêu cầu điều trị bệnh đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên ở đây còn phải dành cả thời gian chăm sóc những bệnh nhân hơn những người nhà của mình”.
Có ai biết được không từ việc bón cho bệnh nhân ăn, rửa tay, chân cho họ, ngay cả việc vệ sinh cá nhân của người bệnh đều có bàn tay của những người thầy thuốc?! Chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, chăm sóc bệnh nhân tâm thần còn khó hơn, nhiều khi các bác sỹ, nhân viên còn phải dỗ dành, tâm sự nói chuyện với bệnh nhân để họ bớt nghịch ngợm, chịu khó nghe lời. Có những trường hợp người nhà đem người bệnh đến bệnh viện xong rồi để luôn tại đó, không thấy lên thăm nom người bệnh gì, viện phí cũng không nộp rồi mất liên lạc luôn, khi có vấn đề gì Viện cũng không biết liên lạc với ai. Nhiều khi trong cảnh “dở khóc, dở cười, bỏ thì thương, vương thì tội”.
Có những bệnh nhân không chịu tuân theo lời điều trị của bác sỹ, có người dạo vài vòng quanh sân rồi đòi về nhà, có những người cười nói không rõ ràng cứ đòi mẹ…là những tình huống mà các bác sỹ, nhân viên tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội thường xuyên gặp phải.
Bệnh nhân không dám ăn cơm vì sợ cơm có độc!
Xã hội ngày càng phát triển, sức ép từ cuộc sống nhiều hơn thì số lượng bệnh nhân bị các chứng bệnh về rối loạn tâm lý, căng thẳng, mệt mỏi nặng dẫn đến các triệu chứng tâm thần cũng nhiều hơn. Mỗi ngày tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội trung bình tiếp nhận tới 5-6 bệnh nhân nhập viện. Các trường hợp từ trẻ già, lớn bé đều có cả, cả những người có chồng, người chưa có chồng trong Viện đều có. Các bệnh nhân đến đây điều trị chủ yếu ở khu vực Hà Nội và một số khu vực lân cận khác như Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình.
Các triệu chứng, dạng bệnh tâm thần khác nhau đều có cả. Nhưng chủ yếu là các chứng tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, stress…Có những người bệnh đến đây một mực khăng khăng phủ nhận bệnh lý của mình, có trường hợp vào viện cứ liên tục nói họ bị “điên” đâu mà đưa họ tới đây. Có những người lại mắc chứng hoang tưởng, không dám ăn cơm vì nghi ngờ cơm có độc, người thì nghi ngờ không hợp tác để điều trị. Tâm lý của những bệnh nhân này cũng rất thất thường, không ổn định do vậy công tác thăm khám bệnh và chăm sóc bệnh nhân vô cùng cơ cực.
Lấy tay gạt đi giọt nước mắt lăn trên má, anh N.V.T (Hải Phòng-chăm con gái đang điều trị tại Viện) cho biết: “Con gái tôi bị chứng bệnh hoang tưởng, nó cứ nghe thấy tiếng người nói xấu nó văng vẳng bên tai nên nó rất dễ đau đầu. Có một mình chăm con ở đây cũng khá vất vả. Nhiều khi nằm ngủ chỉ có nằm 1 bên được vì con nó nằm hết cả cái giường, rồi những hôm phải trắng đêm để trông con. Tôi nghĩ mà vừa thương con, vừa tội nghiệp. Nhưng gia đình cũng xác định điều trị bệnh là quá trình lâu dài nên cứ cố gắng còn nước còn tát. Nhiều cán bộ cũng rất nhiệt tình, cởi mở, vừa có chuyên môn mà vừa tận tụy với công việc. Công việc chăm con như thế tôi thấy đã vất vả lắm rồi, nhưng nhìn cảnh bác sỹ chăm sóc bệnh nhân ở đây còn vất vả, khó khăn hơn gấp nhiều lần.”
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/o-noi-benh-nhan-khong-dam-an-com-vi-so-co-doc-523886.bld
Bất chấp... vì tiền!
Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện hàng loạt các sai phạm của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Trong đó, nhiều cơ sở vi phạm nghiêm trọng phải báo cáo UBND thành phố vì vượt quá thẩm quyền xử lý.
Kiểm tra là ra sai phạm
Tuần cuối tháng 2-2016, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện 2 cơ sở hành nghề y tư nhân vi phạm quy định hành nghề y. Điển hình là Công ty Thương mại dịch vụ Thạnh Phát, có trụ sở tại 44 Nguyễn Văn Giai, phường Đa kao, Quận 1, do ông Trần Ngọc Thạch làm giám đốc, bị phát hiện kinh doanh thuốc (vắc xin, thuốc thành phẩm, sinh phẩm y tế) không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Công ty này bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhà thuốc Minh Quân, của ông Võ Xuân Thắng, tại số 11A Phạm Hùng, Phường 5, Quận 8 đã không thực hiện mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện theo dõi mua bán thuốc theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, có nhiều vụ sai phạm đến mức phải đến cấp thành phố xử phạt. Điển hình, UBND thành phố vừa có quyết định xử phạt 3 cơ sở hành nghề y tư nhân có nhiều sai phạm, tổng mức nộp phạt là 330 triệu đồng. Đơn vị bị xử phạt nặng nhất là Công ty TNHH Nha khoa Ngôi sao trắng có trụ sở tại 154 Bis, Lê Thị Riêng, Quận 1 bị phạt 170 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá giới hạn phạm vi chuyên môn cấp phép, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề. Công ty TNHH Long Đường có trụ sở tại 307A Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, Quận 7 bị phạt 100 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động. UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định xử phạt ông Lê Kim Thành, địa chỉ 106 Lô M, đường Hoàng Quốc Việt, phường Phú Mỹ, Quận 7 số tiền 60 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không phép.
Lỗ hổng ở luật?
Theo cơ quan chức năng, tình trạng các cơ sở y tế tư nhân tại TP Hồ Chí Minh vi phạm quy định quản lý hành nghề y đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, do mức phạt hành chính còn nhẹ nên nhiều cơ sở ngang nhiên, thậm chí nhiều lần tái phạm. Đáng chú ý, các cơ sở kinh doanh dược sai phạm nhiều hơn các cơ sở khám chữa bệnh.
Lý giải điều này, dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Lực lượng hoạt động, kinh doanh ngành dược tại TP Hồ Chí Minh rất đông và quy mô lớn nhất nước. Thành phố có tới 5.000 nhà thuốc, nhưng chúng tôi chỉ có 5 thanh tra dược, trung tâm y tế của 12 quận, huyện không có dược sĩ. Vấn đề hậu kiểm gặp nhiều khó khăn, nên chúng tôi không thể kiểm soát được". Theo bà Lan, xuất phát từ sự lỏng lẻo của luật quản lý hoạt động, kinh doanh dược phẩm nên các cơ sở y tế tư nhân "xé rào" bất chấp vi phạm pháp luật để kinh doanh, làm giàu. Hành vi này ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh, sức khỏe cộng đồng nhưng chỉ cần đóng phạt hành chính, là mọi chuyện được giải quyết.
Dược sĩ Phong Lan cho rằng, nhà thuốc là nơi luôn có mâu thuẫn giữa kinh doanh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Kinh doanh phải tính đến lợi nhuận, nhưng cũng cần nghĩ đến lợi ích, tính mạng của người dân. Bà Lan đề xuất: "Luật Dược cần phải được sửa đổi theo hướng nghiêm ngặt hơn. Suốt bao nhiêu năm qua vẫn chưa có điều nào quy định rút chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn, hoặc nghiêm trị chuyện dược sĩ cho thuê bằng để kinh doanh nhà thuốc...".
Đồng quan điểm trên, PGS.TS dược sĩ Nguyễn Hữu Đức - Giảng viên Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Thời gian qua, liên tục xảy ra các vi phạm trong ngành dược, đáng chú ý là các nhà thuốc vì lợi nhuận mà kinh doanh mập mờ, vi phạm pháp luật. Nguyên nhân cũng một phần xuất phát từ Luật Dược còn nhiều bất cập ta cần sớm sửa đổi luật để siết chặt hoạt động kinh doanh thuốc. Từ đó, người dân được sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và tiết kiệm kinh tế".
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/826618/bat-chap-vi-tien