Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 09/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Tiến tới đưa Bệnh viện Nhân 115 TPHCM ngang tầm khu vực và quốc tế; Bộ trưởng Y tế kiểm tra chống dịch Zika ở TP HCM; Tăng mức phạt tiền với vi phạm về an toàn thực phẩm; TP.HCM sẽ huy động học sinh chống dịch Zika; ...

Tiến tới đưa Bệnh viện Nhân 115 TPHCM ngang tầm khu vực và quốc tế

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/11/440176/

Sáng 8-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến làm việc với Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM.

BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết với sự quan tâm của lãnh đạo TP và cố gắng của tập thể cán bộ y bác sĩ, hiện bệnh viện đã được nâng cấp, hiện đại hóa và chuẩn hóa kỹ thuật cao đối với nhiều chuyên khoa, nhất là tập trung vào chuyên khoa thần kinh, tim mạch.

Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhân dân 115 khám và điều trị cho hơn 2.000 lượt bệnh nhân ngoại trú thông thường và dịch vụ, tăng gấp nhiều lần so với các năm trước đây. Số giường bệnh thực kê cũng đã lớn hơn số lượng giường kế hoạch nhiều lần, công suất sử dụng giường lên tới 124,2%. Hiện Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đã thực hiện chủ trương tự chủ hoàn toàn tài chính. Tuy nhiên, hiện dịch vụ y tế, viện phí chưa tính đúng tính đủ, chưa đưa tiền lương vào giá nên chi phí cho tiền lương, phụ cấp còn thấp…

Qua khảo sát cũng cho thấy, Bệnh viện Nhân dân 115 đã tích cực trong đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng đến đạt chuẩn quốc tế JCI. Bệnh viện cũng đã triển khai xã hội hóa có hiệu quả trong đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ vật chất với việc xây dựng mới khối nhà phục vụ khám BHYT, đang xây dựng khối nhà dịch vụ kỹ thuật cao, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao tập thể Bệnh viện Nhân dân 115 chỉ trong một thời gian mấy năm từ chỗ nhếch nhác đã trở nên khang trang sạch đẹp. Đặc biệt đã xây dựng được quy trình chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo yêu cầu 3 điều dưỡng/bác sĩ… Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý Bệnh viện Nhân dân 115 còn hạn chế về đội ngũ cán bộ đào tạo trình độ còn ít, tỷ lệ cán bộ hệ trung cấp còn nhiều, nguồn thu còn thấp trong khi chi rất lớn cho thuốc, vật tư tiêu hao (gần 78%) nhưng chi cho nhân sự hạn chế (chỉ 23%)… Bộ trưởng Y tế đề nghị Bệnh viện Nhân dân 115 sớm nâng cấp đội ngũ, quy trình chất lượng để sớm được nâng lên hạng đặc biệt, triển khai nhanh bệnh án điện tử, nghiên cứu đề xuất UBND TPHCM cho xây dựng cơ sở 2, cải tiến thái độ phục vụ hướng tới hài lòng người bệnh và hướng tới chất lượng quốc tế JCI…

    

Bộ trưởng Y tế kiểm tra chống dịch Zika ở TP HCM

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bo-truong-y-te-kiem-tra-chong-dich-zika-o-tp-hcm-20161108231753886.htm

Ngày 8-11, Bộ Y tế đã làm việc với UBND TP HCM về công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika và tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, số ca mắc bệnh do vius Zika đang tăng nhanh trong 4 tuần qua. Đến nay, TP đã ghi nhận 29 ca mắc. Trong tháng 11 và 12, ngành y tế sẽ tiến hành phun thuốc từ 2-3 lần, cách nhau một tuần, ở nơi có ca bệnh, ổ dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng loài muỗi gây bệnh Zika chủ yếu sống gần người, ở vùng nước sạch, những vũng nước mưa và thường chích người vào thời điểm nhất định trong ngày, tầm 9-10 giờ. Muốn dập dịch Zika cũng như sốt xuất huyết, giải pháp căn cơ là phải diệt lăng quăng trong cộng đồng; phát động chiến dịch cơ động, huy động nhiều lực lượng học sinh, tổ dân phố, hội phụ nữ trong cộng đồng cùng tham gia…. Còn phun thuốc chỉ là giải pháp tình thế, chỉ diệt muỗi được vài tuần.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết từ khi có ca bệnh do virus Zika đầu tiên, TP đã không chủ quan mà chỉ đạo liên tục các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Mới đây nhất, TP đã phát động phong trào toàn dân diệt muỗi, lăng quăng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nhanh chóng đưa vào hoạt động các công trình trọng điểm như Bệnh viện (BV) Nhi Đồng TP, BV Ung bướu (cơ sở 2) và BV Chấn thương Chỉnh hình TP. Riêng BV Nhi Đồng TP - một công trình trọng điểm 1.000 giường với kinh phí 4.476 tỉ đồng, theo báo cáo là đang tiến triển thuận lợi. Sở Y tế đang chuẩn bị cho đủ 756 cán bộ y, bác sĩ và sẽ đưa BV này vào hoạt động cuối năm nay.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc tại BV Nhân dân 115. Bộ trưởng gợi ý BV Nhân dân 115 đủ khả năng hình thành kênh khám bệnh mới như mở tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh trọn gói để phục vụ người dân.

 

Tăng mức phạt tiền với vi phạm về an toàn thực phẩm

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/11/440124/

Ngày 7-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM khẩn trương tổng kết việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 2 thành phố này, đề xuất cụ thể về việc này trong thời gian tới. Đồng thời, phối hợp với UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM thực hiện việc mở rộng diện thí điểm tại 2 thành phố.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức phạt tiền bảo đảm có tính răn đe hơn. Sớm ban hành thông tư thay thế Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT của bộ quy định về giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm. Các bộ: Công an, Quốc phòng, Công thương, UBND các tỉnh có biên giới cần tăng cường kiểm tra kiểm soát ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn. Cùng với đó, các Bộ Y tế, Công thương, NN-PTNT cần đẩy mạnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

TP.HCM sẽ huy động học sinh chống dịch Zika

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/tphcm-se-huy-dong-hoc-sinh-chong-dich-zika-663958.html

Người làm công tác phun hóa chất, diệt lăng quăng sẽ được hưởng trợ cấp đi vào vùng dịch.

Trước tình hình dịch do virus Zika diễn biến phức tạp, số ca dương tính với virus tăng nhanh chóng, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM chiều 8-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất TP huy động lực lượng học sinh, sinh viên, tổ dân phố cùng nhau tham gia phòng, chống dịch để đạt kết quả tốt hơn.

Theo Bộ Trưởng, TP.HCM đã thành lập Ủy ban Phòng chống dịch cách đây vài ngày, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng đã được tiến hành nhưng đó cũng chỉ là biện pháp “hạ hỏa” tạm thời. Vấn đề cốt lõi hiện tại vẫn là tiêu diệt lăng quăng, xử lý các vật chứa nước hằng ngày.

“Cần chống dịch giống như hình mẫu Singapore, phải tiêu diệt hết lăng quăng thì chắc chắn muỗi sẽ không còn. Chúng ta nên huy động lực lượng học sinh, sinh viên vào thứ Bảy và Chủ nhật cùng đến các nhà dân, các khu vực công cộng nhặt vỏ chai, lon sữa, úp các vật dụng chứa nước, xử lý lăng quăng trong các vật dụng như bình hoa, bể cá... Muỗi vằn (Aedes Aegyptie) là loại muỗi “quý phái”, chúng không những sống trong nước bẩn mà sống cả ở nước sạch chứa lâu ngày, hoạt động chủ yếu tầm 9-10 giờ sáng. Do đó, khẩu hiệu chống dịch phải là diệt lăng quăng, như thế mới có hiệu quả” - bà Kim Tiến chỉ đạo.

Đánh giá công tác phòng, chống dịch hiện nay, ông Vũ Ngọc Long, Trưởng phòng Kiểm dịch y tế biên giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng phun hóa chất diệt muỗi chỉ là một biện pháp trong nhiều biện pháp phòng bệnh. Tuy nhiên, biện pháp này không có tính bền vững do về lâu dài, việc phun hóa chất liên tục có thể dẫn đến tình trạng kháng hóa chất ở muỗi.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề xuất gỡ vướng mắc cho Sở Y tế và UBND TP.HCM về vấn đề chi phí cho người phòng, chống dịch. Theo Bộ trưởng, TP.HCM đã công bố dịch, vì vậy không phân biệt cộng tác viên hay cán bộ, nhân viên y tế mới được nhận bồi dưỡng phòng, chống dịch. Đối với những người làm công tác phun hóa chất, diệt lăng quăng đã được xem là đi vào vùng dịch, do đó phải được hưởng bồi dưỡng, trợ cấp theo đúng quy định.

 

BV Nhi đồng mới dự kiến hoàn thành cuối tháng 12-2016

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/bv-nhi-dong-moi-du-kien-hoan-thanh-cuoi-thang-122016-663969.html

Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ Y tế với lãnh đạo UBND TP.HCM chiều 8-11, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị liên quan cần thúc đẩy để các công trình y tế trọng điểm của TP hoàn thành đúng tiến độ.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện các công trình y tế trọng điểm vẫn đang được khẩn trương xây dựng và hoàn thiện. Cụ thể, công trình BV Nhi đồng TP dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12-2016. Riêng công trình BV Ung bướu 2, do thời tiết đang trong mùa mưa dẫn đến việc thi công gặp khó khăn. Tuy nhiên, Sở sẽ thúc đẩy công trình hoàn thành đúng tiến độ.

 

Cẩn trọng với dịch bệnh Zika

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/11/440117/

Tình trạng liên tiếp gia tăng ca mắc virus Zika trong tuần qua khiến các cấp chính quyền TPHCM phải chung tay vào cuộc ngăn chặn và đẩy lùi dịch. Tính đến ngày 7-11, TPHCM đã có 30 ca mắc phải virus Zika và sơ bộ đã ghi nhận 4 thai phụ bị nhiễm virus nguy hiểm gây tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh này. Điều đáng nói, biểu hiện lâm sàng khi mắc phải virus Zika khá mơ hồ, không điển hình nên cần chủ động giám sát, phát hiện sớm.

Virus Zika đã lưu hành trong cộng đồng

Là một trong những địa bàn ghi nhận ca mắc virus Zika đầu tiên từ hồi tháng 3-2016, quận 2 được liệt vào danh sách có nguy cơ cao. Đến nay, quận 2 cũng đang là một trong 6 quận, huyện có ca mắc cao (3 ca).

Bác sĩ (BS) Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận 2, cho biết ngay khi phát hiện các ca mắc đều đã phối hợp với TTYTDP TP tiến hành điều tra dịch tễ tại nhà và xung quanh nhà bệnh nhân, phun hóa chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhân viên y tế dự phòng cũng trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về kết quả xét nghiệm và những việc cần làm để phòng bệnh trong gia đình. Đồng thời chuyển tải thông điệp phòng bệnh do virus Zika cho người dân trong khu vực bệnh nhân sinh sống, lập danh sách và tư vấn phòng bệnh trực tiếp cho thai phụ trong phạm vi ổ dịch, giám sát phát hiện ca bệnh mới…

Tuy nhiên, theo BS Phước, hiện địa bàn quận 2 có rất nhiều công trình xây dựng khu dân cư, đô thị, hạ tầng giao thông… nên chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo điều kiện phát sinh muỗi, lăng quăng… Ghi nhận của TTYTDP TP cũng cho thấy, tình trạng mất vệ sinh môi trường đang là nguy cơ chính cho việc gia tăng phát sinh các ổ lăng quăng, muỗi.

Ghi nhận tại 8 quận, huyện trọng điểm, TTYTDP TP cho biết nguy cơ cao tập trung tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Thủ Đức và vùng nguy cơ vừa tập trung tại quận Tân Phú, quận 8, Tân Bình…

Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TTYTDP TP, đến ngày 6-11 đã có 11/24 quận, huyện có ca mắc virus Zika, trong đó các quận 9, 12, Bình Thạnh đứng “đầu bảng” đều có 4 ca mắc. Tiếp đến, quận 2, Tân Phú, huyện Hóc Môn đều có 3 ca mắc; 5 quận, huyện còn lại đều có 1 - 2 ca mắc. Dù vậy, TTYTDP TP đánh giá rằng chính quyền, người dân tại những địa bàn có ca mắc vẫn chưa nhận thức đúng về bệnh và nguy cơ lây nhiễm của bệnh nên hiện vẫn lơ là!

Đánh giá về nguy cơ dịch do virus Zika, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho rằng nhiều khả năng dịch do virus Zika lây lan nhanh trên địa bàn TP trong thời gian tới. Điều đáng nói, theo ông Lân, số ca phát hiện được mới chỉ từ các điểm có giám sát, còn lại tại các phòng khám, bệnh viện (BV) khác và trong cộng đồng thì chưa biết được. Trong khi TPHCM có số lượng bệnh nhân lớn, chưa kể gần 40% người bệnh đến từ các tỉnh.

PGS-TS Phan Trọng Lân nhận định, virus Zika đã lưu hành trong cộng đồng tại TPHCM chứ không còn khu trú ở một địa bàn nhất định.

Giám sát thai phụ!

Một trong những quan ngại nhất của dịch do virus Zika là những biến chứng trên trẻ sơ sinh nếu không may người mẹ mắc phải virus Zika trong thời gian mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu.

Theo ghi nhận của Sở Y tế TPHCM, hiện có ít nhất 4 thai phụ cư ngụ tại TPHCM đã mắc virus Zika tính từ tháng 3-2016 đến nay, trong đó có một thai phụ bị sẩy thai khi đang ở tuần thứ 7 thai kỳ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sản khoa, trường hợp sẩy thai này là tự nhiên và có yếu tố tâm lý chứ không phải do virus Zika.

Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika. “Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc liên quan tăng cường giám sát, truyền thông, đặc biệt tư vấn trực tiếp đến thai phụ, tập trung ở các phòng khám sản khoa”, ông Bỉnh cho biết.

Ghi nhận vào ngày 7-11 tại một số cơ sở y tế sản khoa cũng cho thấy đã có truyền thông, tư vấn về dịch do virus Zika. Tại BV Phụ sản Mekong (quận Tân Bình), tất cả các màn hình quảng cáo điện tử đều trình chiếu các thông điệp, hình ảnh tư vấn, phòng ngừa về virus Zika. Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Tổng giám đốc BV Phụ sản Mekong, cho biết đã bố trí một bàn tư vấn riêng về bệnh dịch do virus Zika cho thai phụ đến khám, cũng như kết nối với TTYTDP TP, Sở Y tế TP, Viện Pasteur TPHCM để thông tin, hỗ trợ xét nghiệm khi có ca nghi ngờ.

Để giám sát thai phụ, Sở Y tế cũng vừa yêu cầu các BV Phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương xây dựng quy trình tư vấn virus Zika cho thai phụ, cũng như chăm sóc an toàn trong trường hợp thai phụ mắc phải. Nhằm giám sát phát hiện sớm, ngoài giám sát ở 30 BV trước đó, từ ngày 1-11 vừa qua, TTYTDP TP đã triển khai thêm 16 điểm giám sát thai phụ ở 16 cơ sở y tế tư nhân.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hệ thống chẩn đoán trước sinh rất hiệu quả, nên khuyến cáo thai phụ siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần.

“Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này thì đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ. Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc tật đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não... Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi”, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khuyến cáo.

Tuy nhiên, theo TS Trần Đắc Phu, tỷ lệ các bà mẹ nhiễm virus Zika sinh con đầu nhỏ cũng có tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1% - 10%.

 

Việt Nam sản xuất thành công vaccine Sởi-Rubella

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/viet-nam-san-xuat-thanh-cong-vaccine-soirubella-663899.html

Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vaccine MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngày 8-11, Bộ Y tế đã thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine phối hợp sởi-rubella (MR) do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), đơn vị trực thuộc Bộ Y Tế, sản xuất.

Đây là vaccine MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường Năng lực sản xuất vaccine phối hợp Sởi - Rubella” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.

Dự án đã được POLYVAC bắt đầu triển khai từ tháng 5-2013, kéo dài trong thời gian gần năm năm, với tổng ngân sách khoảng 700 triệu yen Nhật. Từ khi bắt đầu triển khai đến tháng 10-2016, đơn vị chuyển giao công nghệ phía Nhật Bản là Công ty TNHH Kitasato Daiichi Sankyo Vaccine (KDSV) đã cử 197 lượt chuyên gia Nhật Bản sang chuyển giao công nghệ cho POLYVAC, đồng thời tiếp nhận 36 lượt cán bộ của POLYVAC sang học tập công nghệ tại nhà máy của công ty ở Nhật Bản.

Tháng 3-2016, vaccine MR do POLYVAC sản xuất đã được thử nghiệm lâm sàng và được đánh giá là an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.

Trong thời gian tới, POLYVAC sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm, để có thể cung cấp vaccine MR cho chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017.

Năm 2015 Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA). Năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vaccine khi tự sản xuất được vaccine MR chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản.

Việt Nam cũng là một trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất vaccine MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

 

Cấp cứu ngư dân bị đứt tai trên biển

http://plo.vn/xa-hoi/cap-cuu-ngu-dan-bi-dut-tai-tren-bien-616661.html

Ngư dân bị tai nạn lao động trong khi đánh bắt trên biển đã được đưa về bờ điều trị an toàn.Trước đó, chiều 10-3, tàu cá QNg-94546 do ông Nguyễn Trò (ngụ Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đang đánh bắt tại vùng biển có tọa độ 18,13 độ vĩ bắc, 107,48 độ kinh đông thì xảy ra tai nạn.

Ngư dân Nguyễn Trung đi trên tàu bị chân vịt chém vào vùng tai, gây mất nhiều máu. Tình trạng sức khỏe nạn nhân nguy kịch, lúc tỉnh lúc mê.

Nhận được tin báo, Danang MRCC đã kết nối với Trung tâm Cấp cứu 115 để hướng dẫn sơ cứu cho người bị nạn. Đến tối cùng ngày, Danang MRCC cử tàu SAR 412 cùng hai bác sĩ ra biển cứu người.

Sau khi tiếp cận tàu cá QNg-94546, đội cấp cứu đã di chuyển anh Trung sang tàu SAR để chữa trị. Theo chẩn đoán, anh Trung bị chấn thương vùng đầu, đau dữ dội. Tàu SAR 412 đã khẩn trương đưa bệnh nhân vào bờ để chuyển sang bệnh viện cấp cứu.

 

Một người đàn ông suýt chết khi ăn tiết canh lợn

http://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-nguoi-dan-ong-suyt-chet-khi-an-tiet-canh-lon-20161108144211741.htm

Sau khi ăn tiết canh lợn, bệnh nhân K bị hôn mê, các cơ quan trong cơ thể gần như ngừng hoạt động.

Đó là trường hợp của bệnh nhân Đinh Văn K (41 tuổi), trú tại xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), đang được điều trị tại khoa Hồi sức chống độc tích cực, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, bị suy đa tạng sau khi ăn tiết canh lợn.

Trao đổi với PV, bác sĩ Lê Kỳ Trường - Phó khoa Hồi sức chống độc tích cực cho hay, bệnh nhân K nhập viện vào ngày 26/10, trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, không nói được và không tự chủ hành vi.

Khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, làm các xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn máu. Đặc biệt, tuần hoàn tim, phổi, thận gan bị suy chức năng nghiêm trọng dẫn tới hoạt động kém hoặc ngừng hoạt động.

Xác định, đây là ca bệnh nhiễm khuẩn nặng nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong. Lúc này, bệnh nhân được thở máy, siêu lọc máu, dùng kháng sinh loại mạnh, tích cực phục hồi chức năng các cơ quan trong cơ thể. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được thay 10 lít huyết tương, làm mới máu, hồi sức gan và giảm yếu tố hôn mê cho não.

Sau 11 ngày điều trị liên tục bằng pháp đồ hợp lý, bệnh nhân K đã qua cơn nguy kịch, tự thở bình thường, đi lại được và có thể xuất viện khoảng 3 tuần tới.

Được biết, bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn có tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên ăn tiết canh, đồ sống, gỏi từ thịt lợn.

 

Dễ sỏi thận vì lạm dụng vitamin C tăng cường miễn dịch, chống mỏi mệt

http://dantri.com.vn/suc-khoe/de-soi-than-vi-lam-dung-vitamin-c-tang-cuong-mien-dich-chong-moi-met-20161108112149878.htm

Sau đợt con bị tay chân miệng bội nhiễm, bác sĩ kê vitamin C tăng cường miễn dịch, chị Vinh (Xa La) coi đó như một bảo bối, mỗi ngày đều cho con uống đều đặn để trẻ bớt nhiễm bệnh. Trong khi đó, nếu sử dụng vô tộ vạ, vượt qua ngưỡng an toàn hàng ngày, vitamin C có thể gây hại.

Không nên dùng bừa bãi

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), ngược với quan điểm của mọi người là bổ sung vitamin, trong đó có vitamin C là vô hại, với các bác sĩ, kê vitamin cũng như một phác đồ điều trị để bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức khỏe.

Bởi dù là vitamin, nhưng thiếu, thừa đều không tốt. Chưa kể liều dùng ở mỗi người, nam – nữ, trẻ em – người lớn, người bình thường – người mang theo bệnh lý nào đó… là khác nhau. Vì thế, sự tư vấn của bác sĩ là cần thiết khi dùng vitamin để đảm bảo phát huy công dụng tốt nhất, tránh gây những tác hại không mong muốn cho sức khỏe.

Với vitamin C, ở trẻ em PGS Dũng gặp nhiều nhất các bà mẹ cho con uống hàng ngày để “tăng cường miễn dịch”. Trong khi đó, trẻ cần lượng vitamin C rất nhỏ, chưa kể được bổ sung qua ăn uống, qua các loại cam, bưởi, ổi… nên việc sử dụng vitamin C bổ sung nhiều quá, thừa liều sẽ gây tác dụng không tốt cho trẻ.

“Vitamin C sẽ tăng hấp thu canxi từ ruột vào, khiến canxi trong máu cao, lâu dần sẽ gây ra bệnh sỏi thận. Ngày 1, ngày 2 chưa thể thấy, nhưng dùng trường diễn vitamin C lâu ngày, sau này khi trẻ lớn lên sẽ có nguy cơ này. Bên cạnh đó, các nguy cơ loét dạ dày, tiêu chảy cũng có nếu dùng vitamin C liều cao kéo dài”, TS Dũng nói.

Không chỉ ở trẻ em, TS Dũng gặp nhiều người lớn cũng đang lạm dụng vitamin C như một loại thuốc thần kỳ giúp nhanh hết mỏi mệt.

“Nhiều người trong túi lúc nào cũng có sẵn viên bổ sung vitamin C, cứ mệt mệt lại xin nước pha uống, có người bạn tôi uống 4 – 5 viên mỗi ngày. Sau uống thì tự thấy “đỡ mệt mệt hơn”.

Không chỉ tốn tiền, quá tin vào vitamin C, các biện pháp chăm sóc sức khỏe khác lại bỏ quên. Cứ uống để tăng cường miễn dịch là tức khắc khỏe, không luyện tập gì.

Dùng có liều lượng

TS Dũng cho biết, khuyến cáo mới nhất của Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), việc dùng vitamin C có liều lượng, thời gian sử dụng cụ thể ở từng đối tượng. Trẻ con uống bao nhiêu, phụ nữ, phụ nữ có thai, người già, đàn ông đang luyện tập nhiều uống bao nhiêu, người làm văn phòng uống bao nhiêu.

Tùy vào liều lượng, đối tượng bác sĩ khuyến cáo dùng bổ sung 1 - 2 tháng, thậm chí có những trường hợp phải dùng đến 6 – 7 tháng. Chỉ dẫn rất chi tiết không nên tùy tiện dùng vì gây tác hại.

Tốt nhất mỗi người cần có một chế độ ăn phong phú, giàu trái cây, rau xanh để cơ thể được hấp thu đầy đủ các dưỡng chất, các loại vitamin từ thực phẩm. Bởi nếu chỉ chú ý bổ sung vitamin C mà bỏ qua các vi chất, khoáng chất khác cũng sẽ khiến cơ thể giảm sự điều hòa, hấp thu, không tốt cho sức khỏe.

Chỉ trong điều kiện khó khăn do đi công tác xa, ngoài biển đảo, thời gian dài ăn không đủ vitamin C từ trái cây, rau củ có thể bổ sung nhưng cần liều lượng.

Mỗi người đều nên có một bác sĩ cho riêng mình. Nếu quan tâm tới việc bổ sung vitamin C, trong một lần đi khám bệnh, hãy hỏi để được bác sĩ tư vấn.

TS Dũng cũng khuyến cáo nếu cần bổ sung nên dùng đường uống. Chỉ một số trường hợp do rối loạn hấp thu, một số trường hợp muốn đưa lượng lớn vào cơ thể để chữa bệnh lý đặc biệt mới nên dùng đường tiêm. Còn không nên tùy tiện tiêm C bởi có thể sốc, tử vong.

“Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu bổ sung ngắn hạn (dưới 3 tháng) theo liều khuyến cáo là ngưỡng an toàn dùng hàng ngày, mọi người có thể tự dùng. Nhưng với liều từ 3 tháng trở lên nhất định cần dược bác sĩ tư vấn”, TS Dũng nói.

Mọi người cũng đặc biệt lưu ý để không sử dụng phối hợp quá nhiều loại bổ sung dinh dưỡng đều có vitamin C. Nhất là thời gian gần đây, thực phẩm chức năng được dùng phổ biến, khi dùng cần nhìn rõ thành phần, hàm lượng tránh dùng hai loại song song đều có chung một chất. Chưa kể, nồng độ vitamin, các khoáng chất TPCN không được kiểm soát chặt chẽ như thuốc, độ dung size được phép rất lớn.

Còn trong các trường hợp cần bổ sung khi mắc các bệnh nhiễm trùng, hoàn cảnh đặc biệt, bệnh nhân suy dinh dưỡng, bệnh nhân ngộ độc… cần phải có thầy thuốc chỉ định để chuẩn liều mang lại hiệu quả điều trị.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang